Hình như trên toàn cõi Việt Nam nơi nào cũng làm được bánh đa nên bánh đa đã trở thành món quà đặc sản dân tộc. Thế nhưng nổi tiếng không phải bánh đa vùng nào cũng ngon.
Nơi nào bánh đa cũng làm bằng bột gạo tẻ vậy mà sao nơi ngon nơi không? Vì nhiều nguyên nhân nhưng cái hơn kém nhau là ở chất gạo làm bánh, là công nghệ tráng phơi, là cách nướng cách quạt, là chất phụ gia phủ trên mặt bánh và... bí quyết chỉ có thế thôi mà không phải vùng nào cũng làm nên "sự nghiệp".
Bánh đa ngon nhất bây giờ phải kể đến bánh đa chợ Hỗ - Hải Phòng kề sát đường 5 làm hoàn toàn bằng gạo tẻ, 1 tráng dày, tấm to, phủ đầy vừng, nướng ăn giòn tan, thơm ngon có tiếng. Bánh đa Kẻ Sặt - Hưng Yên cũng tráng bằng bột gạo nhưng pha thêm mật, rắc vừng dừa, ăn có vị ngọt thơm không giống nơi đâu nên cũng nổi tiếng không kém.
Miền Nam duy chỉ có Bến Tre là có loại bánh đa khá đặc biệt ngon cực kỳ không nơi nào theo kịp vì bột bánh trộn toàn bằng nước dừa ép, có cái to bằng cả lòng mâm, nướng lên ăn thơm mùi dừa vừng át cả mùi gạo thơm, chỉ cần ăn một lần nhớ mãi. Lại có cả loại nhỏ không rắc vừng rất mỏng, có thể cuộn lại ăn ngay không cần nướng.
Miền Trung nổi tiếng là bánh đa Bình Định thuần túy gạo tẻ. Trên mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết bao giờ cũng đặt thêm món bánh đa nướng giòn để một xấp bên cạnh những đĩa bát thức ăn mặn. Dường như đã thành tập tục, cho nên người giàu kẻ nghèo nhà nào cũng lo níu đủ bánh đa nướng sẵn bày la liệt trên bàn thờ cho dù mâm đã cao cỗ đã đầy nhưng thiếu bánh đa hình như thiếu cả lòng thành với người đã khuất. Có như thế hay không còn vì một lý do gì đó về văn hoá ẩm thực của đất Quảng Bình quê với cái lý do thuyết phục được người nghe là câu chuyện truyền thuyết có thể tin được các cụ lão làng thường kể với cháu con rằng khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh giải phóng thành Thăng Long ngày mồng 5 Tết mùa xuân Kỷ Dậu (1789) đã có người hiến kế khuyên cho quân binh ăn toàn lương khô vì cuộc hành quân cấp tốc không thể dừng chân nấu nướng và ăn uống như lúc binh yên được. Đô đốc Bùi Thị Xuân là người đảm trách hậu cần đã dựa vào dân gian cho làm bánh tráng phân phát cho mỗi người mười "giàng" tự giữ ăn dần đủ no cho tới ngày thắng trận, không cần nướng mà chỉ nhúng qua nước cho bánh mềm để cuộn với rau sống thịt khô chấm muối là xong bữa, vừa đi vừa ăn. Bởi vậy mà đại quân Quang Trung đã thần tốc suốt bảy đêm ngày từ Phú Xuân ra Thăng Long kịp đánh tan 29 Vạn quân Thanh trong chốc lát bất ngờ. Xác quân lính địch chết ngổn ngang chất cao thành đống nên mới có tên gọi bây giờ là gò Đống Đa. Phải chăng để ghi nhận chiến công oanh liệt đó mà dân chúng Thảng Long đã đặt tên cho thứ lương khô kỳ diệu đó là bánh đa, mà người Bình Định thì lại gọi là bánh tráng?
Bên mâm cỗ tất niên ở Bình Định bao giờ chủ nhà cũng đặt dăm chiếc bánh đa nướng sẵn. Ngồi vào mâm, bánh đa nướng giòn tạm bẻ dùng lúc khai vị nhâm nhi cùng với ly rượu Bầu Đá quê hương của người anh hung áo vải. Trước khi nâng mừng xuân, tiếng bánh bẻ vở giòn tan nối tiếp nhau từ tay người nọ đến tay người kia bằng cách kính cẩn đặt chiếc bánh lên đỉnh đầu làm điểm tựa để bẻ bánh, không bao giờ đấm vỡ chiếc bánh vỡ vụn tan tành bên mâm hay bẽ nát tùy tiện như lúc nhậu vui ăn uống xô bồ ngoài đường phố một cách vô linh cảm. Cạnh bánh đa nướng có cả bánh sống nhúng nước ăn đến đâu nhúng đến đấy, ai muốn dùng bánh nướng giòn hay bánh nhúng nước là tùy theo khẩu vị tùy theo sở thích người ăn.
Bánh đa Bình Định trong mâm cỗ ngày Tết vừa thể hiện nét văn hoá ẩm thực đậm đà bản sắc quê hương đồng thời cũng là cái cớ nhắc nhở con cháu về một thuở oanh liệt của ông cha xưa chống giặc ngoại xâm, một minh chứng thời lịch sử hào hùng hành quân không nghỉ với chút lương khô dân dã, một lời cảnh tỉnh cho ai chóng quên không nhớ ngày xưa riêng với con người Bình Định thì bánh tráng bây giờ chan chứa ấn tượng tự hào của lớp người chiến thắng đang cùng đất nước vươn lên đỉnh cao hạnh phúc trong khuôn khổ một xã hội công bằng văn minh và hiện đại.
Share on facebook 0 người thích - Thích