Số người đang online : 18 THÁP ĐÔI - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

THÁP ĐÔI
post image
THÁP ĐÔI

Được công nhận di tích theo quyết định số 92-VHTT/QĐ ngày 10 tháng...

THÁP ĐÔI



1.    Tên di tích: Tháp đôi
2.    Loại công trình: kiến trúc
3.    Loại di tích:
4.    Quyết định: Được công nhận di tích theo quyết định số 92-VHTT/QĐ ngày 10 tháng 07 năm 1980
5.    Địa chỉ di tích: Khu vực 4 – Phường Đống Đa – Tp Quy Nhơn – tỉnh Bình Định
6.    Tóm lược thông tin về di tích
       Thực ra tên Tháp Đôi là do nhân dân tự đặt ra bởi có hai tháp đứng gần nhau nên gọi là Tháp Đôi. Các tư liệu xưa gọi là tháp Hưng Thạnh vì nằm trong thôn Hưng Thạnh nên có tên như vậy. Sách Đại Nam nhất thống chí viết “Hưng Thạnh cổ tháp ở xóm Dương An, thôn Hưng Thạnh, huyện Tuy Phước có hai tháp tục gọi là Tháp Đôi”. Trong các tư liệu Pháp thì gọi với cái tên là Tuor de Hưng Thạnh. Tuy vậy cái tên Tháp Đôi là tên gọi phổ biến nhất mà nhân dân hiện nay.
 Địa điểm phân bố và đường đi đến:
       Di tích trước kia thuộc phủ An Nhân, năm Minh Mệnh 13 chia làm hai huyện, Tuy Viễn và Tuy Phước. Huyện Tuy Phước phía đông đến biển, phía tây đến địa giới huyện Tuy Viễn, phía nam đến địa giới huyện Đồng Xuân đạo Phú Yên. Vùng này “ nguyên là đất huyện Tuy Viễn, năm Minh Mệnh thứ 13. Tuy Phước thuộc phủ An Nhân gồm 4 tổng, 148 xã”. Cho nên Quy Nhơn mới chỉ tách ra từ Thành Thái, chứ trước đó hoàn toàn thuộc Tuy Phước.
       Hiện nay di tích Tháp Đôi thuộc Phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn. Nếu nói đến địa điểm di tích Tháp Đôi từ xưa đến nay không có gì thay đổi, có chăng chỉ là sự thay đổi về địa lý hành chính mà thôi.
Trong bản đồ của tỉnh và Quốc gia, tháp Đôi ở vị trí 1308&; vĩ Bắc và 109015&; kinh Đông. Di tích sát ngay trung tâm thành phố cho nên có thể đi đến bằng mọi phương tiện.


 
 Sự kiện, nhân vật lịch sử và thuộc tính của di tích:
       Tháp Chàm nói chung, Tháp Đôi nói riêng là một di tích đền đài mang tính tôn giáo của người Chămpa cổ. Mỗi ngôi tháp là một đền thực sự. Song nó không thể tách biệt ra ngoài lịch sử quốc gia của nó mà gắn liền với lịch sử thăng trầm của quốc gia đó.
Người Chàm hay nói đúng ra là vương quốc Chămpa được hình thành khá sớm. Và đã có 4 cuộc dời đô, từ phía Bắc vào phía Nam, từ phía Nam ra phía Bắc và cuối cùng là tại Bình Định từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XV. Cũng như mọi quốc gia, người Chăm theo Ấn Độ giáo, đạo BàLaMôn cho nên khắp trên dải đất xưa từ Quảng Bình cho đến Phan Thiết đều có những dấu vết và đền đài của họ. Khác với vương quốc ĂngCo ở Campuchia, những đền đài của người Chăm chỉ là những cây tháp bằng gạch, có những đền chỉ có một tháp, có những cụm có hai tháp hoặc ba tháp. Các cây tháp này đều được gọi là Kalan. Các cửa ra vào, các bộ phận trang trí bằng đá dùng toàn bộ một thứ đa hoa cương và đá sa thạch. Phải nói rằng người Chàm là quốc gia có chữ viết khá sớm.
       Qua những văn tự của người Chàm được khắc vào bia đá đó mà hôm nay ta mới có những cứ liệu tin cậy này về lịch sử hình thành của họ. Nói chung, những di tích Chàm trên Bình Định nếu nói về góc độ lịch sử hình thành đều nằm trong một cái khung chung. Cho đến nay người ta đã định ra được ba giai đoạn phát triển và tồn tại của Vương quốc Chàm đó là:
- Giai đoạn sơ kỳ.
- Giai đoạn trung kỳ.
- Giai đoạn hậu kỳ.
       Trong ba giai đoạn phát triển đó, Bình Định nằm trong giai đoạn trung kỳ Chămpa tức là giai đoạn kinh đô của người Chàm dời về Bình Định mà các tư liệu lịch sử gọi là thời kỳ Vijaya. Thời gian từ năm 1000 đến 1471 (thế kỷ XV).
Sự tồn tại của Vương quốc Chămpa, trên Bình Định là 5 thế kỷ, có lẽ là trước đó vùng đất này là địa phận cư trú của một tiểu quốc trong một vương quốc Chămpa. Cũng như Việt Nam-Vương quốc Chămpa là một đất nước có nhiều dân tộc sinh sống, những phát hiện khảo cổ trong những năm gần đây đã cho thấy những suy đoán này là đúng. Không biết là trước đó vùng này đã có những công trình kiến trúc hay chưa, nhưng nếu so sánh các niên đại các di tích tháp Chàm hiện nay, so với từ khi người Chàm dời đô về đây thì sau thời gian đó cả.
Cho nên có thể suy ra rằng, các tháp Chàm hay nói đúng hơn các đền tháp cổ vùng này đều được xây dựng vào thời gian sau này, và kéo dài cho đến thế kỷ 15, các đền đài này mới hết vai trò của nó.
       Về tôn giáo: Người Chămpa cổ, chủ yếu theo đạo BàLaMôn giáo, hay còn gọi là Ấn Độ giáo. Cho nên những công trình kiến trúc tôn giáo hoặc những vị thần có nguồn gốc Ấn độ. Về hình dáng kiến trúc đền đài của họ được mô phỏng đỉnh núi Ma Ru ở Ấn Độ. Hầu như trên vùng đất cư trú của người Chăm xưa, đều thấy các công trình kiến trúc bằng gạch các tư liệu nghiên cứu cho biết, các tháp gạch mà người Chăm xây dựng nên với mục đích chủ yếu là thờ các vị vua có công với nước và thờ các vị thần trong đạo BàLaMôn.
Nói đến tháp Chàm, tác giả Ty môsưer gọi là Kulan Chàm, còn Nguyên Duy Hinh thì lại gọi là Kalan Chàm, nhưng cho mãi đến nay người ta vẫn quen gọi là tháp Chàm. Về công dụng của tháp Chàm, vẫn còn nhiều giả thuyết đưa ra nhưng sự gặp nhau trong quan điểm giữa các học giả phương Tây cũng như các học giả Việt Nam đều cho tháp Chàm là công trình tôn giáo được tạo dáng và mô phỏng theo phong cách Ấn độ. Những giả thuyết đưa ra trong thời gian gần đây của nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Văn Doanh cho rằng tháp Chàm là đền thờ hoặc lăng mộ-tên gọi này cho đến nay vẫn chỉ là giả thuyết chưa có lời giải đáp chính xác. Vấn đề đặt ra là Tháp Chăm nào là lăng mộ, tháp nào là đền vẫn chưa có sự minh giải.
        Điểm qua một số vấn đề lịch sử hình thành của Vương quốc Chămpa để từ đó có thể so sánh cho việc định niên đại xây dựng các tháp Chàm tại Bình Định nói chung và Tháp Đôi nói riêng.
Nếu nói niên đại chính xác, cho đến hôm nay chưa có một tư liệu nào nói về niên đại xây dựng các tháp Chàm ở Bình Định. Qua tham khảo cuốn “ lịch sử Vương quốc Chàm” của Maspero phần lớn các tháp Chàm Bình Định được xây dựng dưới thời vua Indravararman. Nếu phân theo phong cách kiến trúc tháp Dương Long và Tháp Đôi cùng nằm trong một phong cách, về văn hóa ảnh hưởng Kh&;mer khá đậm nét. Và có niên đại từ thế kỷ XIII, tức là dưới thời vua Jayasimhavarman III còn gọi là Chế Mân, cho đến khi chấm dứt sự tồn tại, các tháp Chàm ở vùng này vẫn được người Chăm quan tâm từ việc tu sửa cho đến việc tiến hành các nghi lễ tại đền tháp này. Từ sau 1471 Tháp Đôi cũng như các tháp Chàm khác mới hoàn toàn không còn là nơi thờ tự nữa.
        Tháp Chàm và những vấn đề xung quanh tháp Chàm còn nhiều vấn đề tranh cãi, song cho đến nay giới nghiên cứu trong và ngoài nước đã thống nhất được với nhau. Đó là tháp-là một công trình kiến trúc nghệ thuật văn hóa, một kiến trúc tôn giáo của người Chàm trong lịch sử.
 Khảo tả di tích:
        Tháp Đôi, nếu phân nhóm kiến trúc còn lại hiện nay thì nó thuộc nhóm 3. Trong nhóm này gồm hai cụm tháp Dương Long và tháp Đôi Quy Nhơn là loại hình kiến trúc dường như duy nhất của kiến trúc Chàm còn sót lại hiện nay, về mặt nào đó nó có những điểm tương đồng như Dương Long. Đó là việc sử dụng chất liệu đá vào trong kiến trúc khá nhiều-nhìn vào dấu tích còn lại, có lẽ cả hai tháp phần chân gồm 3 tầng dật cấp và chân riềm mái hầu như được làm bằng đá, không hiểu vì lý do gì trong quá khứ mà phần lớn gần như bị mất. Tháp Bắc hay tháp lớn chỉ còn lại 3 mảng. Và một số đá chạy quanh chân tháp. Tháp phía Nam hay còn gọi là tháp nhỏ, các phần kiến trúc bằng đá ở phần chân mất tất cả phần trên, chỉ còn lại một số ở tầng chôn sát mặt đất mà thôi. Lần theo những dấu tích còn sót lại, quanh tháp Đôi có lẽ là một quần thể kiến trúc trong đó có kiến trúc phụ và kiến trúc chính, hiện nay cách tháp bán kính 20m, đều thấy những tảng đá có chữ, và những trụ cổng.
         Tháp chính: hay còn gọi là tháp Bà, từ Bà theo cách nghĩ của nhân dân địa phương vùng này tức là lớn, chứ không ép về nữ tính, còn những người làm công tác nghiên cứu thì gọi là tháp lớn hoặc tháp Nam.


 
        Tháp chính này, về kiến trúc vẫn tuân thủ theo kiến trúc Chàm, nghĩa là có một cửa chính phía Đông và ba cửa Bắc, Nam và Tây.
   - Cửa phía Đông: chỉ còn lại một ít dấu tích vòm cửa, ngoài ra đã bị đổ sập, lòng cửa còn trụ cửa bằng đá và lanh tô, ngoài ra không còn gì, cửa rộng 1,11m, cách đáy Đông và Tây rộng 10, 75m. Cách đáy mặt Bắc-Nam 10,06m. Riềm mái mặt Đông bị rơi hoàn toàn, 4 góc tháp là 4 con chim thần điểu Garuđa, được tạo dáng trong tư thế ngực ưỡn, chân hơi chùng xuống, chân đạp vào tháp, tay giơ cao như đở phần nặng ở phía trên. Hiện nay chỉ còn một góc ở phía Tây Nam là còn nguyên, 3 con còn lại đã bị mất đầu. Tầng trên mặt chính, ở giữa là những khám thờ hình mũi giáo, vành ngoài được làm bằng gạch, chính giữa là phù điêu bằng đá với tượng thần được tạo dáng chân xếp bằng trong tư thế thiền, trong 6 phù điêu nay chỉ còn lại 2 phù điêu, song phần đầu đã bị mất. Hai bên có tất cả 24 khám thờ, mỗi bên hiện nay chỉ còn 3 khám là nguyên vẹn, còn lại mới được gia cố trùng tu trong thời gian gần đây.
   - Mặt Bắc: Được tạo cửa giả, cửa này hầu như còn nguyên vẹn, phần cột ốp tháp và phần dật chân cửa giả còn nguyên vẹn, phần riềm mái bằng đá, được tạo các phù điêu diễn tả các điệu múa thần thánh trong sử thi Ấn Độ, chân choải, tay giơ cao, mặt nghiêm trang đang ngoảnh vào nhau. Trên châm riềm mái có 6 phù điêu voi, trong đó có 2 con ngoảnh đầu vào phù điêu thần ở chính giữa, còn lại mỗi bên 2 con nhòn ra 2 cạnh tháp, 6 phù điêu voi này được tạo dáng trong tư thế động. Vòi vểnh ca, như đang đùa giỡn. Tượng thần ở giữa đã bị đục mất phần mặt. Cũng như mặt chính, mặt phía Bắc phần trên cũng lặp lại kiểu tạo dáng như mặt chính, không có gì sai khác. Mặt này các khám thờ còn nguyên vẹn.
   - Mặt Tây: Cửa giả còn, các tầng trên tháp cũng được lặp lại như mặt Tây và mặt Đông, tầng một chỉ có phù điêu thần chính giữa và 5 phù điêu voi đã bị mất 1 phù điêu. Trong 24 khám thờ chỉ có 2 khám là còn nguyên, các khám hư hỏng đã được trùng tu gia cố.
   - Mặt phía Nam: Cửa giả còn lại khá nguyên vẹn, chân riềm mái bằng đá bị mất một khoảng 2 cm. Phù điêu voi sát chân riềm mái chỉ còn 3 con, bên góc phía Tây còn 2 con, bên góc phía Đông còn lại 1 con, phù điêu thần ở giữa đã bị đục mất đầu, mặt này hầu như các khám thờ còn nguyên vẹn.
        Tháp nhỏ: Tháp này chân bằng đá chỉ còn lại phần chân sát mặt đất, phần dật cấp phía trên đã bị mất hoàn toàn.
    - Cửa chính: Bị mất ở vòm và chân, chỉ còn lại sát chân tháp mà thôi, cửa chính rộng 1,07m, cửa chính còn trụ cửa và lanh tô. Riềm mái còn thớt dưới, phần trên đã bị rơi hầu hết, chỉ còn một viên thớt trên ở góc phía Nam, phù điêu chân riềm mái là những mảng diễn tả cảnh Hươu đang đùa giỡn, tháp này có số đo cạnh Đông-Tây là 8,62m.
    - Mặt phía Bắc: Thân và cửa giả còn nguyên vẹn. Phần vòm cửa giả bị mất phần trên, chân riềm mái còn nguyên, các phù điêu chạm trổ có cảnh Hươu và Khỉ.
    - Mặt Tây: Cửa giả chỉ còn vòm và các trụ dật cấp, riềm mái bị rơi hầu hết, chỉ còn lại 3 mảng, phù điêu chạm nổi diễn tả cảnh Khỉ đang giao phối với Hươu, một loại rất lạ trong điêu khắc của người Chămpa.
    - Mặt phía Nam: Cửa giả mất hầu hết vòm và chân dật cấp sát vào chân tháp. Thân của Tháp còn nguyên vẹn chưa hư hại. Riềm mái bằng đá ở mặt này đã bị rơi hoàn toàn. Cả hai tháp có chiều cao rất lệch nhau. Tháp lớn cao 29,55m và tháp nhỏ chỉ cao 17,55m.
Khác với tháp lớn, tầng trên của tháp nhỏ mất vỏ bọc bên ngoài chỉ còn trơ trợi phần lở lói bên trong cho nên khó mà hình dung cái nguyên thủy ban đầu là gì, nên để như vậy.
Hiện nay cả hai tháp đã được trùng tu gia cố, tháp lớn đai chân bằng đá đã được phục hồi, theo nguyên thủy của nó, tháp nhỏ được phục hồi theo kiểu gia cố, phương pháp gia cố phục hồi này về mỹ thuật nhìn vào dễ chấp nhận bởi các bề mặt bên ngoài của nó, tuy vậy về vật liệu gạch không thể thoát ẩm như gạch vốn có của nó, bên trong vẫn là xi măng vữa cát. Chưa có một phương pháp tối ưu nào hiện nay cho loại hình như di tích tháp Chàm.
        Tháp Đôi, tuy về hình dáng kiến trúc có những nét riêng biệt của nó, nhưng nó vẫn mang đặc tính chung của một kiến trúc Chàm điển hình. Từ bộ diềm mái trở lên, tháp Đôi không thu nhỏ dật cấp thành 3 tầng tháp, thay vào đó là cả một hệ thống nhiều tầng giả. Mỗi tầng như vậy được báo hiệu ở 4 góc bằng hình chim thần Garuda, mỗi tầng như vậy không thu nhỏ dật cấp, mà chỉ là một khối liền nhau hơi cong về phía đỉnh. Nhìn vào tháp ta nhận thấy thật hùng vĩ và sinh động, nhưng sinh động nhất và đẹp nhất ở di tích này đó là những hình thần điểu Garuda ở các tầng tháp.
Những con chim thần điểu Garuda ở đây được thể hiện trong tư thế đôi chân cong hơi chùng lấy thế mạnh đạp vào góc tường tháp, ngực ưỡn ra, hai cánh tay giơ thẳng hết cỡ như đỡ lấy sức nặng của trên tầng tháp, khuôn mặt rắn khắc khổ và dữ tợn. Với các hình tượng chim thần Garuda người nghệ sĩ Chàm xưa như muốn tăng thêm vẻ huyền bí cho tác phẩm đền đài mà họ đã xây dựng.
Tuy là trong một cụm tháp Dương Long, Tây Sơn nhưng có những yếu tố mà ở tháp Dương Long không có như hình Hươu, Khỉ và Garuda cũng khác hơn tháp Dương Long.
 Các hiện vật trong di tích:
      Cũng như các tháp Chàm khác, tháp Đôi hầu như không còn gì trong lòng di tích, chỉ còn một số tác phẩm điêu khắc như voi ở tháp chính còn 8 con, thần điểu cả 2 tháp có tất cả 8 con tầng dưới cùng. Song chỉ còn 3 con là nguyên vện, còn 5 con đã bị mất chởm đầu.
Các hiện vật phát hiện có mang phù điêu rồng, đầu bò Nandin, mang phù điêu có các vũ nữ đang múa, và trụ có văn bia 3 mặt. Hiện nay các hiện vật rời này đã được trưng bày ở Bảo tàng Bình Định. Và được thông báo trên tạp chí chuyên ngành.






0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành