Số người đang online : 21 THÁP BÌNH LÂM - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

THÁP BÌNH LÂM
post image
THÁP BÌNH LÂM

Được công nhận di tích theo quyết định số 2015-VH/QĐ ngày 16 tháng...

THÁP BÌNH LÂM



1.    Tên di tích: tháp Bình Lâm
2.    Loại công trình: kiến trúc
3.    Loại di tích:
4.    Quyết định: Được công nhận di tích theo quyết định số 2015-VH/QĐ ngày 16 tháng 12 năm 1993


 
5.    Địa chỉ di tích: xóm Long Mai, thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định
6.    Tóm lược thông tin về di tích
        Thôn Bình là một trong mười thôn của xã Phước Hòa, cái tên thôn Bình Lâm gắn liền với sự chinh phục của con người lần đầu tiên đến khai phá vùng đất này. Thuở xưa, vùng đất này là vùng sình lầy. Khi những con người đến khai phá vùng đất hoang hóa, thành những vùng đất sản xuất. Vì thế, họ đã đặt nơi đây là thôn Bình Lâm. Bình Lâm tức là chinh phục khu rừng rậm và cũng từ chữ Bình Lâm của thôn người ta đặt tên cho Tháp – Bình Lâm (có nghĩa là Tháp của Bình Lâm).
        Nhưng theo Đại nam Nhất Thống Chí thì gọi là tháp Tranh Trúc. Hiện nay, nhân dân ở vùng này vẫn quen gọi là tháp Bình Lâm, ít ai biết đến cái tên Thanh Trúc.
        Ngược dòng lịch sử, phước Hòa nói chung và Bình Lâm nói riêng là vùng đất thuộc huyện Tuy Viễn, phủ Hoài Nhơn. Trên bản đồ quốc gia, bản đồ UBM của cục địa dư Đà Lạt ấn hành năm 1968 thì di tích này nằm ở vĩ độ 130 53&; và kinh độ 1090 8&;.
       Tháp Bình Lâm là một trong những di tích còn sót lại trong quần thể di tích của thành Thị Nại mà thôi, nhưng hiện nay các di tích trong lòng thành đã bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại dấu tích của thành Thị Nại nằm trong các xóm Bình Nga, Bình Trung, Bình Đông và Long Mai. Dấu tích thành hiện chỉ còn một đoạn tường vây bằng gạch cạnh mép sông Cầu Đun, cách tháp chừng 200m. Nhìn trên phạm vi thành cổ này, vị trí tháp Bình Lâm nằm ngay trong lòng thành của bờ phía Đông cho nên tháp Bình Lâm trên bình diện không những là một di tích có giá trị trong lĩnh vực kiến trúc mà còn là di tich có giá trị trong việc nghiên cứu sâu về lịch sử vùng đất này.
        Tháp Bình Lâm, xóm Long Mai, thôn Bình Lâm, xã Phước Hoà, là một trong những ngôi tháp cổ, đẹp nhất ở vùng này. Tháp được xây cất trên đồng bằng, với chất liệu hoàn toàn bằng gạch, chỉ một số ít ở diềm góc là bằng đá sa thạch nhưng hiện nay cũng đã bị mất chỉ còn lại dấu tích mà thôi. Tháp cao chừng 20m bình đồ tháp vuông.
        Về hình thức tạo dáng kiến trúc của tháp cũng được tạo thành 3 tầng như các tháp khác trong vùng này, bốn mặt nhô ra thành cửa giả ở 3 mặt: Tây, Bắc, Nam, một cửa chính thông vào trong lòng tháp đo được 4,3m, lòng tháp mỗi cạnh 5m, lòng cửa 1,8m, tường dày 2,4m.
Các cửa của tháp còn 2 cửa giả là cửa phía Tây và cửa phía Nam hầu như còn khá nguyên vẹn, cửa phía Bắc và cửa phía Đông đã bị sụp lỡ phần vòm cửa phía trên và chân. Các cửa nguyên nhô ra khỏi thân tháp 1,5m được tạo chân cửa bằng những trụ vuông thẳng đứng, để phần lá nhĩ bên trên tạo ra cái dáng bay bỗng vút lên của kiến trúc.
        Cửa giả ở các mặt tường nhô ra, phía trên tựa lên hệ thống thân tường tháp cột là một bộ vòm hình cong nhọn. Trên mặt cửa vòm là hình bằng điêu khắc các toà lâu đài dạng tháp được lặp lại và thu nhỏ theo hình cửa giả, thu nhỏ rất cân đối với nhau. Mỗi hình cửa giả như vậy là một khám thờ, rèm các lá nhĩ cửa giả được chạm các hình con Nghê đầu quay ra bên ngoài rất sinh động và sống. Trong các ô khám có lẽ được chạm các hình thần - đứng có, ngồi có nhưng nay đã bị mất. Nhìn lên phía đỉnh tháp, các góc tháp hiện nay không còn, ở giữa các tầng đều có cửa giả và cũng đều tạo ra các ô khám chờ, bên trong đều có tượng phật, nay do thời gian đã bị bào mòn hoặc đã bị đục mất.
Thân của Tháp theo bình đồ vuông, xung quang thân những bậc nghệ nhân Chàm cổ đã khéo léo tạo ra các cột ốp sống dọc bao bọc quanh thân. Giữa các thân của tháp là những cửa giả gồm nhiều lớp mái và nhọn, những ô dọc thân tường lõm vào được tạo thành những cánh sen ngửa, các cột ốp có một rãnh dọc nhỏ chạy đều từ trên xuống.
       Về kiến trúc từng tầng, cũng giống như thân tháp, càng đi lên càng thu nhỏ dần về phía đỉnh. Toàn bộ mặt bằng thân tường tháp không có hoa văn trang trí. Giáp mái cửa thân là một bộ diềm lộng lẫy bởi một tràng hoa văn gạch, môtip của băng hoa văn này chủ yếu là môtip tràng hoa, hình chữ U uốn lượn liên hoàn.
       Về hoa văn trang trí: là các hình thù điêu khắc được tạc trực tiếp hoàn toàn trên gạch, hình dáng tỉ lệ cân đối mặt tường của tháp, các cột ốp dọc còn giữ lại những rãnh dọc thanh tú của kiến trúc Chàm thế kỉ X. Điêu khắc còn giữ một vai trò quan trọng để tạo ra vẻ đẹp của kiến trúc. Một số họa tiết trang trí như các tháp trang trí góc, hình ảnh các tòa lâu đài trên các cửa giả và các họa tiết những văn hoa quanh diềm thân tháp rất gần với môtip kiến trúc của những tháp Chàm ở thế kỉ X. Nhưng ở Bình Lâm, ta thầy đã bắt đầu xuất hiện một số hoa văn mang phong cách mới, tất cả những hoa văn trên mặt tường đã bị biến mất, cách rãnh dọc thân tháp đã được thu nhỏ lại, vòm cửa vươn cao, có hình mũi giáo, tất cả báo hiệu một xu thế mới trong kiến trúc, đó là xu thế đi đến hoành tráng, khỏe khoắn trong kiến trúc Chàm, mang phong cách riêng biệt và sau này trong khoa học gọi là phong cách Bình Định đã phôi thai có lẽ bắt đầu từ tháp Bình Lâm. Xét về nhiều yếu tố có lẽ Bình Lâm là một phong cách kiến trúc của thế kỉ X - thanh tú, duyên dáng, sang một phong cách khỏe khoắn đi đến hoành tráng trong kiến trúc. Cho nên nếu định cho niên đại của Bình Lâm có thể là cuối thề kỉ X, đầu thế kỉ XI.
        Đi vòng quanh thân tháp Bình Lâm ta còn thấy gờ dọc thân còn đục dỡ khá nhiều chỗ. Chứng tỏ khi xây tháp xong có yếu tố tạo dáng cho thân tháp đều được làm sau, điều đó phần nào đánh tan một quan niệm giả tưởng mơ hồ cho rằng tháp được chồng xây rồi đốt chín. Và các viên gạch có gờ lồi lõm là những viên gạch được tạo dáng trước. Qua những dấu tích để lại trên tháp đã chứng tỏ tháp Chàm được xây lên và được tạo dáng ở các bước sau.
        Và có thể, trong khi xây tháp, tốp điêu khắc là một tốp thợ khác. Tháp Bình Lâm ở Phước Hòa, Tuy Phước, Bình Định là một di tích rất có giá trị về nhiều mặt. Từ Bình Lâm ta quy chiếu về quá khứ, phải chăng niên đại của Bình Lâm có thể là niên đại của thành Thị Nại. Vì bản thân tháp hoàn toàn nằm trong lòng của thành, án ngữ mặt phía đông của thành cổ này, tất nhiên chỉ là nói dưới dạng một giả thuyết đặt ra nhưng cũng là vấn đề khá quan tâm cho những bước nghiên cứu tiếp theo.
Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Lâm, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia ngày 16 tháng 12 năm 1993. Tháp Bình Lâm là một trong những di tích đẹp nhất ở vùng này. Và từ lâu, Tháp đã trở thành niềm tự hào của nhân dân địa phương. Trong tương lai, Tháp được tiếp tục tu sửa và tôn tạo hoàn chỉnh. Đây sẽ là một điểm du lịch khá hấp dẫn.








0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành