Số người đang online : 19 ĐÌNH, CHÙA, MIẾU BÌNH CÁCH - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

ĐÌNH, CHÙA, MIẾU BÌNH CÁCH
post image
ĐÌNH, CHÙA, MIẾU BÌNH CÁCH


ĐÌNH, CHÙA, MIẾU BÌNH CÁCH




1.    Tên di tích: Đình - Chùa - Miếu Bình Cách
2.    Loại công trình: Đình, chùa, miếu
3.    Loại di tích: Lịch sử
4.    Quyết định: Được công nhận di tích theo quyết định số 2015-VH/QĐ ngày 16 tháng 12 năm 1993
5.    Địa chỉ di tích: Thôn Tây Bình Cách (Làng Gạch) xã Đông Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình
6.    Tóm lược thông tin về di tích

  * Nội dung Lịch sử Đình làng Bình Cách (Làng Gạch)
           Đình là nơi thờ bái vọng 8 vị thần của 8 giáp. Nơi ngự của các thần là các miếu và đền. Các miếu nay đã bị phá huỷ, chỉ còn 1 đền, đó là đề nằm trong quần thể di tích. Qua sắc phong còn lưu lại tại đình Bình Cách và truyền thuyết dân gian thì đình Bình Cách thờ các vị đại thần tại các giáp như sau:
               -  Quý Minh Đại vương thượng đẳng thần - tại miếu giáp Đoài
               -  Linh Lang Thượng đẳng thần - tại miếu giáp Đông
               -  Thái Bảo tôn thần - tại miếu giáp Móc
               -  Trần Triều Chiêu Dung Công chúa - Miếu giáp Cả
               -  Ngô Đồng Đại vương - tại miếu giáp Vân
           Ngoài ra theo dân gian trưyền khẩu đình còn thờ:
               -  Ngã ba kẻ giữa tôn thần - Tại miếu giáp Trung
               -  Mã cả tôn thần - Tại miếu giáp Bắc
               -  Linh công bản lễ tôn thần - Miếu giáp Hậu
           Đặc biệt Đình Bình Cách còn thờ bái vọng cùng với văn bia " Trung nghĩa từ" các nghĩa sĩ đã hy sinh chiến đấu bảo vệ làng xã trước khi Pháp chiếm Bắc kỳ.
           Hầu hết tài liệu nghiên cứu về các vị thần đều bị thất lạc, duy chỉ còn những sắc phong và một bia lưu lại tại khu di tích. Trong điều kiện tư liệu cho phép xin giới thiệu lịch sử các vị thần thờ tại đình:
* Đình thờ Quý Minh Đại vương thượng đẳng thần
             Quý Minh Đại vương là Thành Hoàng bản cảnh của làng Gạch xa xưa, Bình Cách ngày nay. Thần họ Nguyễn, huý là Sùng quê gốc ở Động Lĩnh Xương huyện Thanh Xuyên, đạo Hưng Hoá, xứ Sơn Tây. Ông cùng em là Nguyễn Cao Hiền (tức Sơn Cao Đại vương) giúp vua Hùng Vương chống giặc Thục. Ông có tài cao đức trọng, được vua Hùng Vương tin dùng. Nguyễn Cao Sùng là thống lĩnh thuỷ đạo tướng quân Quý Minh Đại vương. Khi ông mất vua cho lập đền thờ ở các nơi mà ông đi qua.Bình Cách là một trong những nơi ấy. Nhân dân Bình Cách đã lập đền thờ ông. Ông mất ngày 10/11 âm lịch tại phủ Đoan Hùng, huyện Lập Thạch xứ Lạng. Ngày vào đám là 12/2 và 12/8 âm lịch nên nhân dân Bình Cách hằng năm mở Hội tế ông vào ngày 12/2 và 12/8 âm lịch.
* Đình thờ Linh Lang Đại vương thượng đẳng thần
             Linh Lang sinh năm giáp dần - niên hiệu Gia Khánh là con của vua Lí Thánh Tông cùng Cung phi thứ 9. Ông sống cùng mẹ tại làng Bồng Lai huyện Từ Liêm - Hà Nội. Trong Quốc sử - Đại Việt kí toàn thư nhà Lí có chép: Phụng càn vương Lí Nhật Tông - Đông cung Thái tử - hiệu là Khai Hoàng Vương. Ông là con trưởng của vua Lí Thánh Tông.
            Năm ông 17 tuổi đất nước có giặc Tống ngoại xâm, nghe lời Hiệu triệu của nhà vua: "Ai có tài phá giặc sẽ được trọng thưởng". ông đã xin mẹ đi dẹp giặc. Ông nói:
 - Biên giới có giặc lẽ nào ta nỡ ngồi yên.
 Mẹ ông nói:
 - Thế giặc mạnh, con còn nhỏ đánh sao nổi.
 Ông đáp:
 - Dẫu sao con cũng là tôn thất của Hoàng thân, đất nước đang cơn binh hoả, tài trai cần ra tay cứu nước.
             Và Linh Lang đã xin vua cha đi dẹp giặc. Linh Lang thống lĩnh mấy vạn quân. Sau khi đánh thắng giặc vua đã phong cho ông là Đông cung Thái tử và có ý muốn nhường ngôi nhưng Linh Lang không nhận mà xin vua cha cho lui về quê cũ.
             Ít lâu sau giặc Vĩnh Trịnh lại nổi lên cướp phá, nhân dân trăm bề khổ cực, thế giặc mạnh như che tre. Được lệnh vua Hoàng Lang Thái tử đốc xuất 30 thuyền rồng tới các đạo Quảng Đông-Kinh Bắc. Sau 50 trận chiến đấu kiên cường ông đã đánh tan giặc Vĩnh Trịnh. Hoàng Lang Thái tử kéo quân về qua vùng Bình Cách xã, Đông Quan huyện, Thái Bình phủ, nhân dân ra nghênh đón rất long trọng. Hoàng Lang Thái tử vào đền thờ Quý Minh Đại Vương và ở lại một đêm. Bảy tháng sau ông mất vì bệnh đậu mùa. Nhớ công lao của ông (ông đã thay cha trị nước đánh đông dẹp bắc) vua đã ban chiếu cho trại Thủ Lệ - Bồng Lai và các nơi ông ghé qua lập đền thờ Linh Lang với hiệu là Linh Lang Đại Vương thượng đẳng thần. Nhân dân ở các nơi đó được miễn thuế, dịch, sưu. Nhân dân Bình Cách đã lập miếu thờ phục Ông tại miếu giáp Đông.
*  Đình thờ Thái Bảo Linh Lang (còn gọi là ông Nghè Móc)
            Theo sắc phong thần năm Khải Định cửu niên cho một vị Thái Bảo tôn thần mà nhân dân trưyền tụng là là ông Nghè làng Móc sau chuyển về đình để phụng thờ. Ông Nghè làng Móc với hàm Thái Bảo là một trong nhưĩng vị quan đầu triều nhưng chưa rõ triều đại nào? Họ tên tuổi và sự nghiệp chưa rõ mà chỉ truyền tụng trong dân gian.
* Đình thờ Bia trung nghĩa từ và tấm gương hi sinh anh dũng của con người Bình Cách trong sự nghiệp bảo vệ làng xã.
            Cuối tháng 4 năm 1883 (Tức 26/3 năm Quý mùi) một đoàn gồm 60 chiến thuyền và 600 tên giặc Pháp đi theo cửa sông Trà ngược dòng cướp phá. Chúng cướp đoàn thuyền chở lương của triều đình và giết Lãnh binh Phạm Độ Sự. Chúng tàn phá phủ lị huyện Đông quan, kéo vào làng Bình Cách tàn phá, cướp bóc giã man. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Đề đốc Tạ Hiện, dân làng Bình Cách đã nổi lên chống giặc rất kiên cường để giữ làng. Nhưng thế giặc quá mạnh, nghĩa quân Bình Cách đã không chống nổi và bị tàn sát. 40 người đã anh dũng ngã xuống, làng mạc bị đốt phá, thậm chí chúng còn tàn sát những người dân lành rất giã man, chúng bêu đầu trên cọc. Địa danh vườn Bêu Đông Xá đã khắc sâu tội ác của giặc đồng thời ghi nhận sự chiến đấu quật cường, sự hy sinh anh dũng của những người con Bình Cách. Để ghi nhớ sự kiện này dân làng đã lập bia dựng ở chợ Gạch, tới năm 1922 bia được đua về đình làng để phụng thờ.
             Quần thể di tích Đình - Chùa - Miếu Bình Cách là những công trình kiến trúc nghệ thuật thời nhà Nguyễn, không những có giá trị về kiến trúc nghệ thuật mà còn có giá trị lịch sử. Với quy mô hoành tráng, rộng lớn trên diện tích gần 10.000 m2. Mỗi công trình mang phong cách kiến trúc nghệ thuật riêng khá độc đáo. Công trình với những nét hoa văn tinh tế mà các nghệ nhân xa xưa đã tinh xảo tạo nên làm cho du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp, và sự uy nghiêm, tĩnh mịch của công trình. Đồng thời mỗi người con Đông Xá luôn tự hào về nét đẹp của công trình văn hoá trên quê hương mình. Chúng tôi xin tóm lược nội dung của từng công trình trong quần thể kiến trúc này.
* Đình Bình Cách - Căn cứ hoạt động của phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX ở Thái Bình.
             Năm 1883 huyện lỵ Đông Quan chuyển về làng Gạch - Bình Cách, Đề đốc Tạ Hiện và quan Ngự sử Phạm Huy Quang (ở làng Phù lưu - Đông Sơn) treo ấn từ quan. Hai ông cùng với một số các quan khác xây dựng lực lượng chống Pháp ở một vùng rộng lớn (Phù Lưu - Đông Sơn, làng Gạch - Đông Xá, Đông Trung - Kiến Xương...) Đình Bình Cách là nơi tụ hội và là nơi dự trữ lương thực của nghĩa quân Phạm Huy Quang. Phong trào đã làm cho giặc Pháp phải hao binh tổn tướng, ăn không ngon, ngủ không yên. Tai sân đình Bình Cách, Tạ Hiện đã đọc 4 câu thơ bất hủ tỏ rõ chí khí của mình khi ông cùng nghĩa quân tế cờ trước khi xuất trận.
             Cuối năm 1888 khi Phạm Huy Quang lâm trận và chịu án tử hình, nghĩa quân đã tổ chức truy điệu ông với bài văn tế của Nguyễn Thành ca ngợi khí phách kiên cường của ông Phạm Huy Quang và bày tỏ lòng xót thương ông của các nghĩa sĩ cùng nhân dân trong vùng.
 Sau khi Phạm Huy Quang hi sinh hai thủ lĩnh Đốc Nhưỡng và Đốc đen tiếp tục lấy Phủ Gạch làm căn cứ và là trung tâm móc nối lực lượng với các vùng trong phong trào Cần Vương.
            Sử sách đã ghi nhận Đình làng Bình Cách là căn cứ hoạt động của phong trào chống Pháp ở Thái Bính cuối thế kỉ XIX.
* Đình Bình Cách trong thời kì Cách mạng và kháng chiến
           Năm 1945 - 1946 Đình Bình Cách là bệnh viện của quân đội - Bác sĩ Dụng hoạt động ở đây.
           Đình là nơi hội họp của nông dân thời ki 1946 - 1954 đấu tranh giảm tô, giảm tức.
           Đình là trung tâm hoạt động của khu A huyện Đông Quan.
           Đình là kho gạo sơ tán của huyện Đông Quan trong những năm giặc Mĩ bắn phá miền Bắc.
* Nội dung lịch sử của Miếu - Chùa Bình Cách
           Vào những năm cuối của triều đại nhà Trần - Trần Thiếu Đế (1398 - 1400) Hồ Quý Ly âm mưu đoạt Vương, Phi tần nhà Trần - bà Chiêu Dung Công chúa đã về chùa Bình Cách để lánh nạn và tu hành. Sau bà mất tại đây.
           Đến thời vua Cảnh Hưng, gia phong sắc tậng bà là: Chiêu Dung hiển ứng đại đạo thiền tôn, Hoàng quang chính ý thưởng đằng đại vương.
 Đến triều Gia Long phong là Chiêu Dung hiển ứng đại đạo thiền tôn
          Như vậy Đền thờ Thánh, Chùa thờ Phật nhưng cùng chung một nội dung lịch sử là nơi Chiêu Dung Công chúa nhà Trần lánh nạn và thờ phụng bà trong nhiều thế kỉ qua.
           Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, đầu năm 1950 cơ sở hoạt động của huyện Đông Quan do Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo phong trào kháng chiến gồm 3 xã: Liên Huy Bắc và An Bình đã chọn chùa Bình Cách làm cơ sở bí mật. Căn hầm bí mật hiện nay vẫn còn dấu tích. Hầm do sư Sang và sư Tiếu đào. Đền là nơi tập trung của dân quân du kích của huyện và xã. Chùa là nơi viến tiêu của các lực lượng vũ trang huyện, xã; nơi họp các phụ lão để nộp thuế kháng chiến. Căn hầm là nơi in tài liệu của huyện do đồng chí Tuyên chịu trách nhiệm và chỉ đạo nhân dân Bình Cách phá bốt suốt 50 ngày. Hầm ở nhà Tổ là nơi ở của phụ nữ huyện (5 người)
Kết luận
            Cụm di tích Đình - Miếu - Chùa Bình Cách xã Đông Xá có giá trị lịch sử rất lớn. Là nơi các anh hùng hào kiệt giấy binh dựng cờ khởi nghĩa. Nơi Các Hoàng thân Quốc thích đã lưu lại. Nơi hoạt động Cách mạng của cha ông ta. Nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của người dân Đông Xá từ những buổi đầu dựng nước và giữ nước. Hơn nữa cụm di tích Đình - Chùa - Miếu Bình Cách còn giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo của nền kiến trúc nghệ thuật thời Nhà Nguyễn. Trách nhiệm của chính quyền, của các tổ chức xã hội, mỗi người dân Đông Xá nhất là các nhà trường các thầy cô giáo là phải học, hiểu về di tích Lịch sử - Văn hoá của quê hương mình để giáo dục cho các thế hệ học sinh truyền thống kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của người dân Đông Xá nói riêng và lớp lớp hào kiệt của dân tộc qua các triều đại để con cháu Đông Xá noi gương học tập, rèn luyện, tu dưỡng và bảo vệ, giữ gìn các di tích Lịch sử - Văn hoá mà cha ông ta để lại, để các di tích ấy sống mãi với thời gian.
 Ngày 26/3 âm lịch hàng năm nhân dân Đông Xá tổ chức giỗ trận long trọng để tưởng nhớ những người con của dân làng đã anh dũng hy sinh chống giặc ngoại xâm.








 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành