Số người đang online : 12 ĐÌNH HƯNG LỘC - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

ĐÌNH HƯNG LỘC
post image
ĐÌNH HƯNG LỘC

Số 774-QĐ/BT ngày 21/06/1993.

ĐÌNH HƯNG LỘC
 
Tên di tích:
Đình Hưng Lộc
Loại công trình: Đình
Loại di tích: Di tích kiến trúc nghệ thuật
Quyết định: Số 774-QĐ/BT ngày 21/06/1993.
Địa chỉ: Thôn Hưng Lộc, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng.
Thông tin về di tích: Đình được xây dựng vào năm Thành Thái thứ 9 (1897) trên khu đất cao phía bắc thôn Hưng Lộc.
Đình làng Hưng Lộc là một công trình kiến trúc tín ngưỡng dân gian được xây dựng để thờ tướng quân Phạm Cự Lượng và các vị tổ có công khai khẩn lập làng.
Theo cuốn thần phả “Hưng Lộc thôn, thần từ sự tích” do La Lai Thám Hoa, Thượng thư bộ Hộ Phạm Huy Oánh soạn năm Cảnh Hưng 12 (1751) hiện lưu tại đình cho biết Phạm Cự Lượng sinh ra trong một gia đình dòng dõi quý tộc, lại có tư chất thông minh, chăm chỉ học hành nên ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng trong vùng là người văn võ song toàn. Ông được Đinh Tiên Hoàng tin dùng phong làm Tâm phúc Tướng quân coi bảo vệ Hoàng thành. Đến đời vua Lê Hoàn, Phạm Cự Lượng cùng tham gia cuộc chiến chống quân xâm lược Nam Tống trên sông Bạch Đằng, ông được phong làm Thái uý tham tán nhung vụ. Sau đó ông tiếp tục cùng Lê Hoàn tiến quân trừng phạt Chiêm Thành. Sau này ông được triều đình giao cho công việc đào một dòng sông từ Đồng Cổ đến Ba Hoà (tức từ Đan Nê, Yên Định đến Đồng Hoà, Tĩnh Gia, Thanh Hoá ngày nay). Ông lâm bệnh nặng và qua đời tại doanh trại ở Đồng Cổ (Thanh Hoá) trong khi đang chỉ huy quan quân tại công trường. Hay tin vua Lê tỏ lòng thương tiếc cho đem linh cữu ông về táng tại núi Bồ, phía tây kinh thành Hoa Lư. Để tưởng nhớ công ơn của vị tướng quân họ Phạm, nhân dân Đồng Cổ đã lập đền thờ ông với thần hiệu “Lê triều tiên phong Đại tướng quân, Thái uý Đồng Cổ sơn thần”. Trong khu vực di tích còn có đền thờ các vị tổ khai canh, khai khẩn lập nên vùng đất Hưng Lộc như Bùi Đức Công, Phạm Quý Bông, Hoàng Quý Công . . .
Đặc điểm kiến trúc: Đình làng Hưng Lộc gồm có 3 toà làm theo lối tiền chữ nhất hậu chữ đinh bao gồm Tiền tế, Trung đình và Chính tẩm (Hậu cung). Đặc biệt những giá trị về kiến trúc và nghệ thuật được tập trung ở toà Hậu cung. Hậu cung gồm 04 gian, hai lớp mái trước, sau xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai và được dựng vuông góc với Trung đình tại vị trí gian giữa. Tính từ ngoài vào trong Hậu cung có 05 bộ vì, được đánh số 1,2,3,4,5. Bộ vì 1 được dựng trên hai cột quân sau gian giữa Trung đình, có kết cấu kiểu ván mê, là một ván gỗ dày hình tam giác cân, được đặt trên cật quá giang, làm nhiệm vụ đỡ các hoành mái Hậu cung. Bộ vì thứ 3 được làm kiểu vì kèo quá giang – trụ báng. Các bộ vì 2,4,5 đều làm kiểu chồng rường. Mỗi bộ vì gồm hai con rường chồng khít lên nhau, ngắn dần về phía trên theo chiều dốc của mái để tạo diện trang trí.
Liên kết ở hiên là kiểu dùng bẩy. Phần lối đi ngăn giữa Hậu cung và Trung đình được lắp hệ thống cửa bức bàn, trên một cấp ngưỡng cao hơn nền 47cm. Cửa bức bàn còn được làm để ngăn gian trong cùng của Hậu cung thành một khu riêng, nơi đặt ngai, tượng thờ Thành hoàng Phạm Cự Lượng.
Nghệ thuật trang trí: Hậu cung được trang trí bởi các mảng trang trí điêu khắc vô cùng sống động, hài hoà đã tạo nên những nét đặc trưng riêng.
Nghệ thuật điêu khắc, trang trí thể hiện ở đình Hưng Lộc khá phong phú, đa dạng trên các chất liệu như đá, gạch vôi, gỗ với các đề tài các linh vật (rồng, phượng, lân, voi), hoa lá, đề tài về con người . . . với những thủ pháp chạm nổi, kênh bong, chạm lộng . . . tất cả toát lên vẻ tài hoa, khéo léo của người thợ thủ công, của những nghệ nhân đương thời. Như mọi công trình kiến trúc, tôn giáo của người Việt, rồng là đề tài chủ đạo, chiếm số lượng lớn trong các bộ phận trang trí của đình Hưng Lộc. Rồng tượng trưng cho sức mạnh, ước muốn vươn lên, rồng còn là biểu tượng của vương quyền và thần quyền. Đồng thời chủ đề rồng – mây còn gắn với mong ước mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt của cư dân nông nghiệp.
 Trước hết là những điêu khắc, trang trí trên đá, gạch, vôi vữa. Loại vật liệu này được thể hiện bên ngoài kiến trúc. Đề tài trang trí mà ta gặp đầu tiên là “lưỡng long chầu nhật”. Một đôi rồng lớn được đắp dọc theo bờ nóc Tiền tế, cùng chầu vào một mặt trời đặt chính giữa. Mặt trời là một hình tròn đặt trên các trụ mây đỡ và có các đao lửa bay lên. Đôi rồng chầu hai bên có dáng dữ tợn với các đặc điểm: miệng há rộng ngậm minh châu, răng lởm chởm, sống mũi thấp, đầu mũi tròn, râu vểnh ra phía trước, mắt to tròn lồi, các cụm tóc xù lên nhọn hoắt. Thân rồng dài uốn khúc nhỏ dần, thân có mây ám, đuôi xoắn. Chất liệu chủ yếu của tác phẩm này là vôi vữa ốp mảnh sành tạo vảy. Ngoài ra còn có đề tài đầu rồng dạng Makara ngoạm bờ nóc đắp bằng vôi vữa được thể hiện trên các đầu bờ nóc Hậu cung và trên Nghi môn. Đặc điểm chung của đầu rồng là mắt tròn to lồi có vành gờ ngoài, miệng há rộng, không thân, các sợi tóc chải bay ra sau, một cụm tóc dài xoắn dấu hỏi giống như búp hoa giấy cách điệu. Còn với những điêu khắc trang trí trên chất liệu gỗ thì những nét chạm khắc hình tượng rồng ở đình Hưng Lộc thật sự là những tác phẩm để lại nhiều giá trị nghệ thuật sâu sắc. Trước hết là hình tượng rồng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn có nhiều trên đồ thờ (nhang án, bát bửu, đồ tế khí . . .), trên cấu kiện kiến trúc ở Trung đình với các đầu bẩy chạm nổi các hình rồng mây, xen vào đó là các hình hoa sen, hòm sách, tứ quý. . .
Đặc biệt thể hiện rõ nhất là đề tài lưỡng long chầu nhật ở trên bộ vì ván mê của gian ngoài Hậu cung. Một vòng tròn ở chính giữa, được tô màu đỏ. Hai bên là một đôi rồng lớn đang chầu vào mặt trời. Rồng được chạm khắc với chiếc đầu khá lớn, nổi bật, trán dô, mắt lồi, khuôn mặt dữ tợn. Bờm, tóc, đao mắt mềm mại, dạng như đuôi nheo, bay ngược ra đằng sau. Thân rồng uốn khúc, đuôi và các lông đuôi xoắn tít. Xung quanh rồng là mây ám, rùa, phượng, hoa sen . . . với những nét chạm tủn mủn, rối rắm. Tuy nhiên sản phẩm này mang đặc trưng phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Các mảng chạm rồng mang phong cách nghệ thuật Nguyễn ở đình Hưng Lộc chủ yếu tập trung tại toà Trung đình. Các con rồng thường không đứng độc lập mà được mô tả với các đề tài khác, như với các con vật khác (phượng, rùa . . . ) hoa sen, vân mây, lá lật . . . một đặc điểm chung nữa là các con rồng mang phong cách nghệ thuật thời này đều được tạo với chiếc đầu khá lớn so với thân, mắt tròn lồi, sừng nhọn, miệng rộng, khuôn mặt dữ tợn . . . được chạm tách rời riêng và gắn vào mảng chạm chính bởi một đinh chốt gỗ. Thủ pháp nghệ thuật này chủ yếu xuất hiện vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX.
Rồng mang phong cách nghệ thuật Hậu Lê, cuối thế kỷ XVII, cũng là đề tài rồng với những đặc điểm chung: mắt tròn lồi, mũi to như mũi sư tử, trán dô, miệng rộng, sừng nhọn như sừng nai, tai thú . . . nhưng mỗi con lại có một vẻ riêng: con thì cổ trơn, con thì có vẩy xếp lớp, có con râu đều nhau, có con hai chân trước vươn ra nắm chặt râu trông rất oai vệ, có con lại dùng hai chân sau tỳ vào cây cột lực lưỡng như muốn vươn mình thoát ra một cách dũng mãnh. Các con rồng được chạm với thân mập, uốn khúc, miệng rộng, mắt tròn. Toàn bộ râu rồng như những đao mác cuồn cuộn bay ngược ra phía sau. Khúc đuôi nhỏ dần, thuôn đều, lông đuôi xoè tròn như hình trước lá.
 Bức thuận phía ngoài Hậu cung (trên lối vào từ phía gian giữa Trung đình) được bố trí 3 khuôn cửa ô. Trên các cánh cửa cũng như ở các cột kề bên được chạm lộng các đề tài rồng ổ, độc long, long hóa . . .
Các con rồng được tạc trong tư thế lao từ trên xuống tới gần nền, uốn lượn vòng quanh cột, đầu hơi ngóc lên. Từ đầu và thân rồng vươn ra các đao lửa nhọn, mập mạp, khoẻ khoắn, ngùn ngụt đầy sức sống. Thân rồng ẩn hiện trong rừng đao lửa, trong những cụm vân mây một cách nhịp nhàng, uyển chuyển. Phía trên bộ cửa là những con rường chồng khít lên nhau, tới sát nóc mái. Trên thân rường chạm dày đặc các  đề tài rồng ổ “long vân tụ hội”. “Đây là bội thu đầu rồng với đao lửa toả ra nhiều hướng, không một nét trùng lặp. Lẩn vào quãng giữa, hai con rồng chầu vầng lửa tròn, con lớn, con nhỏ phá vỡ đối xứng kinh điển. Toàn bộ bố cục chạm bong tuyệt xảo này là một hợp tấu những đường lượn phức tạp nhưng thật hài hoà.”
Trên hai cột cái của bức thuận, nghệ nhân điêu khắc thời xưa đã thể hiện tài năng trên hai cây gỗ tròn thành hình hai con rồng chầu, thân rồng ẩn hiện quanh cột giữa các lớp vân ám, lá hoả sinh động. Bên dưới chân cột là cảnh rùa ẩn hiện trong ao sen hoặc cảnh ly chầu với kiểu dáng tự nhiên, độc đáo. Hai cột quân kế bên cũng được làm một cách công phu, tỷ mỷ như vậy và rất tương xứng với bố cục toàn cảnh.
“Nói đến hình rồng không thể bỏ qua đình Hưng Lộc (cuối thế kỷ XVII)” - lời nhận xét của tác giả Lê Thanh Đức trong cuốn “Đình làng miền Bắc” đã phần nào cho ta thấy được những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà các mảng chạm rồng trên cấu kiện kiến trúc của di tích mang lại. Những mảng chạm khắc trang trí ở đình làng mang tính dân gian sâu sắc với nhiều đề tài phong phú thể hiện đời sống lao động, sản xuất, sinh hoạt của người dân. Qua đó có thể thấy được nghệ thuật đã phản ánh một cách chân thực bức tranh xã hội đương thời, là tấm gương phản chiếu cuộc sống của người xưa. Đây là giá trị vô cùng to lớn mà đình Hưng Lộc còn lưu giữ cho các thế hệ sau. Không chỉ có vậy, đình Hưng Lộc còn là địa chỉ đỏ của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra những di vật, tập quán, lễ nghi, hội hè ở đình làng Hưng Lộc cũng góp phần làm tăng giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Trong suốt quá trình tồn tại, đình Hưng Lộc đã được tu bổ, tôn tạo vào các giai đoạn cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX, cụ thể là các năm 1897, năm 1939 và giai đoạn đầu của thế kỷ XXI, năm 2002.
Với hơn 300 năm tồn tại, đình làng Hưng Lộc không những đã có những đóng góp trong việc nghiên cứu các giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật đình làng Bắc bộ mà còn thực sự tô điểm thêm truyền thống văn hóa nghệ thuật ở Nam Định nói riêng và vùng châu thổ Bắc bộ nói chung.



 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành