Số người đang online : 25 ĐÌNH CHÙA CỔ VIỄN - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

ĐÌNH CHÙA CỔ VIỄN
post image
ĐÌNH CHÙA CỔ VIỄN

Được công nhận di tích theo quyết định số: 152-VH/QĐ ngày 25 tháng...

 ĐÌNH CHÙA CỔ VIỄN


 

1.    Tên di tích: Đình chùa Cổ Viễn.
2.    Loại công trình: Đình chùa
3.    Loại di tích: Di tích lịch sử
4.    Quyết định: Được công nhận di tích theo quyết định số: 152-VH/QĐ ngày 25 tháng 01 năm 1994.
5.    Địa chỉ di tích: xã Hưng Công, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
6.    Tóm lược thông tin về di tích   
        Nằm gần sông Châu và thị trấn Bình Mỹ là khu di tích đình và chùa Cổ Viễn thuộc xã Hưng Công, huyện Bình Lục.           
        Đình Cổ Viễn là công trình kiến trúc quy mô gồm 4 toà làm theo lối nội đinh, ngoại quốc. Mặc dù đã nhiều lần tu sửa, tôn tạo nhưng di tích vẫn bảo lưu được đường nét nghệ thuật của hai thế kỷ 17 và 18. Ngoài việc tạo độ bền vững chắc chắn, các cấu kiện kiến trúc trên công trình còn được đục chạm nhiều đề tài sinh động mang đậm phong cách điêu khắc của thời Hậu Lê như rồng chầu, phượng múa, lá lật hóa long, vân ám, lá hỏa v.v…
 
        Cùng với vẻ đẹp về kiến trúc đình Cổ Viễn còn gìn giữ được một số đồ thờ có giá trị nghệ thuật. Đó là chiếc án thư khá lớn kê ở gian giữa tiền đường có dáng dấp độc đáo, bố cục họa tiết hợp lý, trang trí nhiều đề tài dân gian với những đường đục chạm, nhấn tỉa mạch lạc. Tại chính tẩm đình có một ngai thờ là tác phẩm nghệ thuật của thời Hậu Lê. Ngoài việc trang trí nhiều đề tài, họa tiết với kỹ thuật đục bong chạm lộng công phu, ngai thờ còn được phủ một lớp vàng son lộng lẫy góp phần làm tăng thêm không khí trang nghiêm nơi thờ tự.
        Chùa Cổ Viễn nằm liền sát với đình tên chữ là “Linh Quang Tự” (chùa Linh Quang). Công trình gồm 2 tòa chính, 8 gian thiết kế kiểu chữ đinh, mái phẳng lợp ngói nam. Ngoài ra đằng sau còn có nhà tổ 5 gian, phía tây là phủ thờ 5 gian kiến trúc kiểu tiền đao, hậu đốc, tất cả góp phần tạo cho di tích một qui mô bề thế mang đậm phong cách nghệ thuật truyền thống. Theo truyền thuyết địa phương thì chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Sự kiện này đã được đôi câu đối tại bái đường chùa khẳng định:
“Lý triều cổ tự linh thanh viễn,
 Lê đế thượng lai sắc tứ hiền”
 (Chùa cổ từ thời Lý, tiếng thiêng còn mãi/ Vua Lê tới đây ban sắc và ca ngợi nét đẹp quê hương).
       Tuy nhiên do thời gian và ảnh hưởng của điều kiện thiên nhiên, chiến tranh, chùa Cổ Viễn đã nhiều lần tu sửa, hiện nay kiến trúc của công trình hoàn toàn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
       Căn cứ vào cuốn “Địa dư huyện Bình Lục” của tri huyện Ngô Vi Liễn in năm 1935 cùng với câu đối đại tự tại di tích và truyền thuyết địa phương thì đình Cổ Viễn là nơi thờ Nguyễn Hoằng tướng thời Hùng Duệ Vương.
       Nguyễn Hoằng sinh ngày 10 tháng 8 năm Giáp Dần là con của ông Nguyễn Lương và bà Đinh Thị Tố quê ở Châu Thượng Đồng đạo Hải Dương. Vốn là người tinh thông văn võ từ thuở nhỏ nên đến tuổi trưởng thành Nguyễn Hoằng được Tản Viên Sơn thánh tiến cử vào triều. Được phong chức “Dũng lược tướng quân” ông thường hộ giá nhà vua đi chu du khắp nơi. Một lần qua trang Cổ Viễn thấy dân ở đây hiền lành, chất phúc ông liền cho lập hành cung làm nơi đi lại nghỉ ngơi. Mỗi lần về thăm trang Cổ Viễn ông thường đem lòng nhân nghĩa để cảm hóa mọi người, khuyên dân chăm lo việc cày cấy, nhờ vậy mà đời sống của người dân ngày càng no đủ, sung túc. Khi giặc Thục đem quân quấy phá, Nguyễn Hoằng đã động viên được 28 người trang Cổ Viễn theo ông lên đường đánh giặc. Kháng chiến thắng lợi ông được triều đình phong tặng là “Hùng lược cao Huân Hồng Liệt đại vương”, cho thực ấp ở phủ Thiên Trường và miễn trừ sưu dịch cho dân làng Cổ Viễn.
       Sau khi Nguyễn Hoằng qua đời, để ghi nhớ công lao của ông, nhân dân trang cổ Cổ Viễn đã lập đình thờ tôn làm thành hoàng muôn đời hương khói phụng thờ.
      Cũng theo ngọc phả hiện đang lưu giữ tại di tích thì ngoài việc thờ phật theo phái Đại thừa, chùa Cổ Viễn còn thờ Phạm Công chúa là con của vua Lý Thánh Tông và Ỷ Lan phu nhân. Phạm Công chúa là người tài sắc nết na nhưng khi đến tuổi trăng tròn lại không hề nghĩ đến chuyện nhân duyên mà chỉ xin vua cha cho lập cung riêng ở làng Gia Quất để khuyên dân cày cấy làm ăn và cứu giúp những người nghèo đói, bệnh tật.
       Mùa xuân năm Ất Dậu (1069) trong một lần đi đánh giặc Chiêm Thành, vua Lý Thánh Tông đã đem công chúa đi theo. Khi đến trang Cổ Viễn, thấy nhân dân ở đây hiền lành thuần hậu lại một lòng xin công chúa ở lại, nhà vua liền chấp thuận. Thấy dân tình ở đây còn nghèo đói, công chúa đã lấy của cứu giúp mọi người đồng thời khuyến khích việc nông tang, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi.
        Tháng 6 năm 1069, Lý Thánh Tông thắng trận trở về ghé thăm trang Cổ Viễn đồng thời đón công chúa về kinh. Công chúa tâu xin vua cha được ở lại rồi cùng dân xây dựng trang trại khai khẩn đất hoang, khai sông lấy nước tưới. Nhờ công lao của công chúa mà đời sống của người dân trang Cổ Viễn không ngừng được cải thiện, ấm no, hạnh phúc. Công chúa ở lại với dân trang Cổ Viễn được ba năm thì trở về triều rồi lâm bệnh mất. Được tin công chúa qua đời nhân dân Cổ Viễn vô cùng thương tiếc đã lập phủ thờ để bốn mùa hương khói tưởng nhớ công ơn.
        Hiện nay ở sân đình Cổ Viễn còn một khoảng đất rộng khoảng 3-4 ha tương truyền là “ruộng mẫu” của Phạm Công chúa khai phá cho dân. Trong tập sách “Sử trình” của Nguyễn Du có đôi câu đối tán dương công đức của Phạm Công chúa tại đất Cổ Viễn như sau:

“Khẩn điền lập ấp khai giang, công đức trường lưu
 Vạn thế nhân tâm đàm vãng sự
 Tế khốn cứu bần giáo nghĩa miếu từ nhật quảng
 Thiên thu ngọc phả thuyết tân hương”

 (Mở đất lập làng, khơi sông công đức lưu lại hàng vạn năm lòng người nêu sự cũ/ Cứu khó, giúp nghèo, dạy nhân nghĩa, đền miếu mở mang, sách ngọc nghìn năm còn ghi trên quê mới).
Ngoài việc thờ tự những người có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước kiên cường của dân tộc, đình chùa Cổ Viễn còn đóng góp nhiều công lao cho cách mạng, kháng chiến giải phóng quê hương đất nước. Khu di tích là cơ sở tin cậy nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ Xứ uỷ, Liên tỉnh uỷ C, Tỉnh uỷ Hà Nam về hoạt động suốt từ thời kỳ Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, cao trào cách mạng (1930 - 1931) đến việc chuẩn bị cướp chính quyền tháng 8 năm 1945 và 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Dưới mái đình, chùa cổ kính đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Tỉnh uỷ Hà Nam, Xứ uỷ Bắc kỳ để quyết định những vấn đề quan trọng nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh cách mạng , lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Đình chùa Cổ Viễn còn là nơi cất giấu tài liệu và địa điểm tập trung lực lượng của dân quân du kích địa phương đánh trả những cuộc càn quét của địch vào thôn xóm.





0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành