Số người đang online : 39 ĐÌNH PHÚ NHUẬN - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

ĐÌNH PHÚ NHUẬN
post image
ĐÌNH PHÚ NHUẬN

Số 3951-QĐ/BVHTT ngày 20/12/1997.

ĐÌNH PHÚ NHUẬN
(Thành phố Hồ Chí Minh)

Tên di tích: Đình Phú Nhuận
Loại công trình: Đình
Loại di tích: Di tích kiến trúc nghệ thuật.
Quyết định: Số 3951-QĐ/BVHTT ngày 20/12/1997.
Địa chỉ: Số 18 Mai Văn Ngọc, phường 10, quận Phú Nhuận.
Thông tin về di tích:
Đình Phú Nhuận lúc đầu được xây dựng bên bờ rạch Thị Nghè. Sau đó ông xã trưởng Lê Tự Tài đã hiến cho làng một khu đất cao ráo nhất làng gọi là “gò kim qui” để dời đình về đây. Ngôi đình được xây dựng trên “gò kim qui” ấy còn tồn tại đến ngày nay đó là đình Phú Nhuận. Thôn Phú Nhuận được ghi trong danh sách làng xã trong “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, lúc đó thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình - trấn Phiên An. Đình Phú Nhuận được xây dựng trước năm 1853. Sau khi xây xong đình Phú Nhuận, các cụ trong hội đình mới ra kinh thỉnh sắc của vua Tự Đức ban cho đình vào năm 1853. Ban đầu đình chỉ có võ qui và chánh điện. Sau đó nhà túc được xây dựng.
Năm 1930, trùng tu phần lớn nhà túc, chánh điện và võ qui, xây dựng thêm võ ca và nhà hậu. Năm 1966, trùng tu lần thứ hai: đình được thay cửa gỗ bằng cửa sắt, thay gạch tàu bằng gạch bông, sửa chữa hậu trường (buồng hát). Năm 1989, trùng tu võ ca và nhà hậu. Năm 1998, trùng tu phần chánh điện.
Đình Phú Nhuận đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét cơ bản của ngôi đình cổ miền Nam thế kỷ 18-19: mặt bằng hình chữ L ngược, có hai trục, trục chính nằm ở phía bên phải (tính từ trong ra), trước trục phụ là phần sân đình. Trên trục chính gồm có: võ ca - võ qui - chánh điện. Trên trục phụ gồm có: nhà thảo bạt - nhà túc - sân thiên tỉnh - nhà bếp - nhà kho - nhà vệ sinh.
Đình Phú Nhuận có 3 cổng: cổng số 1 giáp đường Nguyễn Văn Trỗi, cổng số 2 giáp đường Nguyễn Thị Minh Huỳnh, cổng số 3 giáp đường Mai Văn Ngọc. Đình quay về hướng đông - hướng về phía rạch Thị Nghè. Phía trước đình bên trái có miếu nhị vị Công tử, bên phải có miếu Ngũ hành, bia ông Hổ và bàn thờ Thần Nông.
Đầu trục chính là võ ca: theo quan niệm của người xưa đây là nơi biểu diễn văn nghệ cho thần coi, vì vậy sân khấu được làm quay mặt vô bàn thờ thần. Đây còn là nơi tổ chức tế thần.
Sau võ ca là võ qui (trung điện): nơi đặt bàn thờ hội đồng ngoại (bộ hạ của Thành Hoàng). Chánh điện có bàn thờ hội đồng nội. Cuối chánh điện là bàn thờ Thành Hoàng. Bên trái bàn thờ Thành Hoàng là bàn thờ Bà Chúa Xứ. Bên phải là bàn thờ Đông Nam sát hải lang lại nhị đại tướng quân (tương truyền đó là con rái cá giúp Nguyễn Aánh tránh quân Tây Sơn nên được sắc phong).
Các thành phần trên trục phụ gọi chung là khu vực nhà túc (túc có nghĩa là túc trực, chờ đợi): đây là nơi sửa soạn lễ vật cúng thần trong những ngày lễ, ngày thường là nơi giải quyết việc làng, nơi hương chức trong làng làm việc. Nhà túc còn là nơi thờ Tiên Sư, tiền viên chức, hậu viên chức, tiền viên binh, hậu viên binh. Khu vực nhà túc giống như một ngôi nhà dân gian, mặt bằng hình chữ tam: dãy thứ nhất là nhà thảo bạt (là phần nới rộng ở đằng trước hay còn gọi là hàng hiên), dãy thứ hai là nhà túc, dãy thứ ba là nhà bếp.
Đình lợp ngói âm dương, tường gạch quét vôi màu vàng nhạt. Bộ cột và vì kèo bằng gỗ làm theo kiểu kẻ chuyền, nền lót gạch men, chân nền nhà được bó vỉa bằng những tảng đá xanh xám nhạt. Mái đình thẳng, trên đỉnh mái có bố trí lưỡng long tranh châu bằng gốm. Trong đình đồ thờ cúng và trang trí đều được sơn son thếp vàng và chạm trổ tinh xảo. Đáng chú ý là bàn thờ hội đồng nội có chạm bát tiên, tứ linh và bao lam tứ linh ở võ qui, 3 bức hoành phi ở võ qui và chánh điện ... Trên bàn thờ thần ở chánh điện có hai vật quí, đó là lư hương bằng gốm cổ, màu men xanh lam, hình khối chữ nhật có kích thước 32cm x 35cm x 30cm và một lư hương bằng đồng hình khối chữ nhật có kích thước 12cm x 20cm x 3cm. Đình còn lưu giữ tổng cộng 34 hiện vật, trong đó có sắc phong của vua Tự Đức.
Đình Phú Nhuận thờ Thành Hoàng theo tục thờ thần của người Việt Nam. Thần được thờ ở đình Phú Nhuận có tên Ma - La - Cẩn. Cùng được thờ trong đình Phú Nhuận có: Chúa xứ Nương Nương, Đông Nam sát hải lang lại nhị đại tướng quân, Thần Nông, Ngũ hành Nương Nương, Nhị vị công tử, Tiền viên binh, Hậu viên binh, Tiền viên chức, Hậu viên chức, Bạch mã thái giám
Nhìn chung đình Phú Nhuận là ngôi đình có giá trị về mặt văn hóa xã hội, điêu khắc và kiến trúc, đã được Bộ Văn Hóa - Thông tin ký quyết định công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.

 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành