Số người đang online : 86 ĐỀN BẠCH MÃ - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

ĐỀN BẠCH MÃ
post image
ĐỀN BẠCH MÃ

Di tích được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo...

ĐỀN BẠCH MÃ



Tên di tích: Đền Bạch Mã
Loại di tích: Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật
                      Di tích được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 235 – VH/QĐ ngày 12 tháng 12 năm 1986.
Địa điểm: Phường Hàng Buồm, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thông tin về di tích
    Đền Bạch Mã trước kia thuộc phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, nơi cửa sông Tô Lịch đổ ra sông Hồng, đoạn sông Tô Lịch nơi đây đã bị lấp. Hiện nay đền ở số nhà 76 phố Hàng Buồm, thành phố Hà Nội.
Đền thờ thần Long Đỗ, hiệu Quảng Lợi Bạch Mã đại vương. Đền Bạch Mã lấy tích từ câu chuyện kể về Lý Thái Tổ cầu thần Long Đỗ mong được sự phù trợ định đô, xây thành, nên nằm mơ thấy: Bằng dấu chân của mình, một con ngựa trắng đã chỉ cho vua biết đường thành Thăng Long phải trải qua những đâu thì đắp mới được vững vàng. Vì thế khi xây xong thành, nhà vua đã phong thần Long Đỗ là Thành hoàng quốc đô Thăng Long và đặt tên cho đền là Bạch Mã. Tương truyền đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ thứ IX và được trùng tu nhiều lần. Đền Bạch Mã là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long: Phía Đông đền Bạch Mã, phía Tây đền Voi Phục (thờ hoàng tử Linh Lang đại vương), phía Bắc đền Trấn Vũ, phía Nam đền Cao Sơn đại vương (tức đền Kim Liên ngày nay). Đó là “Thăng Long tứ trấn”. Trong đền còn bức hoành phi ghi 4 chữ: “Đông trấn chính từ” (đền chính trấn giữ phía Đông). Thời Nguyễn vào năm 1939 dựng thêm Văn chỉ bên trái đền, lại dựng phương đình (tức đình hình vuông) để làm nơi cúng lễ.
 
Đền quay mặt về phía Đông Nam. Trong đền còn giữ được 15 tấm bia, các bia chép sự tích đền và thần, nghi lễ cúng bái, các lần trùng tu tôn tạo… Tấm bia cổ nhất vào đời Chính Hoà thứ 8 (1867). Lúc đó đền thuộc phủ Phụng Thiên, huyện Thọ Xương, phường Hà Khẩu. Triều Nguyễn có bia đề Minh Mạng nguyên niên (1820), Tự Đức nguyên niên (1848).
Một đôi câu đối tiêu biểu:
Phù quốc tộ ư La Thành, vạn cổ uy thanh truyền mã tích,
Ngật tôn từ vu giang tứ, thiên thu vượng khí trấn Long Biên.
Tạm dịch:
(Giúp nước thịnh ở La Thành, muôn thưở uy danh truyền dấu ngựa.
Bên sông nước, nghìn năm, vượng khí giữ Long Biên).
Đền Bạch Mã với diện tích hơn 500m2, quả là một công trình đồ sộ còn được gìn giữ, bảo quản khá tốt. Tuy đền đã được trùng tu nhiều lần, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc thời Trần, Lê. Các cửa võng, các mảng điêu khắc trong đền mang tính nghệ thuật cao.
Vào thời Trần ba lần quân Mông - Nguyên sang xâm lược, đốt phá kinh thành nhưng đền vẫn được vô sự. Lúc hoàn giá kinh đô, Thái sư Trần Quang Khải đã có thơ đề ở đền:
Hoả bốc tam khu thiêu bất tận
     Phong trần nhất trận phiếu nan khuynh
Tạm dịch;
(Bốn bề khói lửa, không sao hết
Gió bụi một trận chẳng hề chi)
Hậu Cung đền Bạch Mã
 
Sau này ở thế kỷ XVIII, Đình nguyên Hoàng giáp Trần Bá Lãm (1757-1815), quê ở Vân Canh, Hoài Đức cũng có thơ đề ở đền:
Mạch dẫn bàn long truyền thắng địa,
Tích lưu bạch mã trấn danh châu .
Cao vương vãng sự câu thần thổ
Vật hoán tinh di kỉ độ thu
Tạm dịch:
(Mạch dẫn rồng nằm kia đất đẹp
Dấu xưa ngựa trắng giữ danh đô
Cao vương vật cũ không đâu hết
Vật đổi sao dời độ mấy thu).
Đền đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá năm 1986 và được trùng tu lớn nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội.
Theo Hà Nội - Di tích Lịch sử Văn hóa và Danh thắng, Doãn Đoan Trinh, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, Hà Nội, 2002, tr 60-62.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐỀN BẠCH MÃ XƯA VÀ NAY
 




0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành