Số người đang online : 30 Chùa Thần Quy - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Chùa Thần Quy
post image
Chùa Thần Quy

Tên di tích: Chùa Thần Quy Loại di...

Tên di tích: Chùa Thần Quy
Loại di tích: Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật
                      Di tích được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 141-QĐ/VH ngày 23 tháng 01 năm 1997
Địa điểm: Thôn Thần Quy, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội

Di tích có tên thường gọi là chùa Thần Quy, tên chữ là “Linh Quy tự” thuộc xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945 là xã Thần Quy thuộc tổng Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông, nay thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Thôn Thần Quy có đình và chùa đều được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng cấp bằng di tích lịch sử văn hóa năm 1997.

Ngôi chùa tọa lạc trên gò đất cao hình con rùa nghĩa là rùa thần về sự tích Kim Qui mang yếu tố lịch sử thần thoại rộng chừng gần 3 mẫu Bắc Bộ. Chùa Thần Quy, có quy mô to lớn bề thế nổi tiếng quanh vùng, nên trong dân gian có câu; Nhất Đọi, nhì Đa, ba Thần. Nhất Đọi là chùa Đọi Sơn trên đỉnh núi Đọi thuộc huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam, nhì là chùa Đa Bảo thuộc xã Tri Thủy, ba là chùa Thần Quy.

Nhìn tổng thể khuôn viên khu di tích như một lâu đài thu nhỏ, phía ngoài bao bọc là thành lũy trồng tre đằng ngà xung quanh đan dày nhiều lớp nhiều tầng, dưới là hào sâu dòng nước chẩy xung quanh. Giữa đình gò hình lưng con rùa là ngôi chùa gồm những công trình kiến trúc: Cổng Tam quan, vườn Tháp, chùa chính (Tiền đường, Thượng điện), nhà Bia, nhà Tổ, nhà Mẫu, phòng trai, phòng tăng.

Ngày xưa cổng chùa làm kiểu ngũ quan cao to bề thế hai tầng 8 mái trang trí nhiều lớp hoa văn đẹp, thời kháng chiến bị hỏng, nhân dân làm lại theo kiểu Tam quan. Đi theo đường chính đạo vào chùa là vườn tháp Bạch Liên bên phải ngọn tháp cao nhất tên là Bạch Liên (tháp hoa sen trắng có bốn tầng với những mái đao cong, hoa văn cánh sen, lá bồ đề… Trong vườn tháp đáng chú ý là tấm bia: “Khai sáng đệ nhất tổ bi ký” viết về cuộc đời sự nghiệp chân tu và xây dựng chùa Thần Quy của vị Tổ khai sáng. Qua văn bia chúng ta được biết quê quán của thiền sư ở vùng sông Vân, núi Thúy, tỉnh Ninh Bình. Vị Tổ chùa tu nghiệp đạt đến độ nhân từ quảng đại thiền sư.

Ngôi chùa chính làm theo kiểu chữ đinh, ngoài là Tiền đường gồm 5 gian, trong là Thượng điện 3 gian kiểu chuôi vồ, được làm vào thời Nguyễn, những ngôi nhà này xây tường hồi bít đốc, hai mái chẩy lợp ngói ri mũi mỏng. Kiến trúc của bộ vì nóc làm theo hình thức giá chiêng chồng rường mỗi bộ vì có 4 hàng cột gỗ kê đá tảng, trên mỗi xà dọc đều có hoành phi, cửa võng trang trí hoa văn rồng, phượng, hoa cúc dây, cột treo câu đối.

Nhà bia không riêng biệt mà làm nhà bán mái ở phía hồi sau Thượng điện trên mái lợp giả ngói ống dưới nền có hai tấm bia hậu phật được làm vào năm Khải Định thứ 4 (1919). Bên cạnh treo quả chuông đồng có 4 chữ “Linh Quy tự chung” nghĩa là chuông chùa Linh Quy. Phía sau là nhà Tổ kiêm nhà Mẫu, nhà khách, ngôi nhà dài gồm 11 gian, cấu trúc khung mái bằng gỗ với những bộ vì chồng rường kẻ bẩy, cửa bức bàn, thượng song hạ bản.

Chùa Thần Quy có hệ thống tượng Phật độc đáo phần lớn là nghệ thuật điêu khắc của thế kỷ XIII như: tượng Phật Tam Thế, tượng Phật Thích Ca giáo chủ, tượng Phật A Di Đà… Tòa Cửu Long có ba lớp to lớn đồ sộ, trên những tầng mây là lớp lớp các tượng nhỏ và chín đầu rồng phun nước tắm cho đức Thích Ca giáng sinh. Có thể nói chùa Thần Quy còn những dấu tích của quy hoạch ngôi chùa cổ khuôn viên vuông vừa có thành cao hào sâu, kiến trúc cổ truyền độc đáo, tượng Phật nghệ thuật cao, coi đây là một Bảo tàng mỹ thuật văn hóa của địa phương.

                                                Theo Di tích Hà Tây, Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây, 1999

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành