Số người đang online : 33 CỔ NHUẾ - NGÔI LÀNG CỦA NHỮNG TRUYỀN THUYẾT - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

CỔ NHUẾ - NGÔI LÀNG CỦA NHỮNG TRUYỀN THUYẾT
post image
CỔ NHUẾ - NGÔI LÀNG CỦA NHỮNG TRUYỀN THUYẾT

Ngôi làng của những truyền thuyết Đó là...

Truyền thuyết ngôi làng cổ

Theo các truyền thuyết mà người dân Cổ Nhuế truyền lại và một số tài liệu nghiên cứu thì ngôi làng này xưa kia vốn là một dải đất sình lầy hoang hoá ven bờ sông Hồng ở phía bắc Kinh thành Thăng Long. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ đã đào được rất nhiều di vật dưới lòng đất Cổ Nhuế như: rìu đá, hòn nghiền, hòn cà bằng đá, hòn gạch vuông có hoa văn trám lồng đời Hán (Trung Quốc), tượng cá hoá rồng thời Lý- Trần. Rất nhiều đồ dùng của người Việt cổ đầu tiên tìm thấy ở đây minh chứng cho sự tồn tại của con người từ hơn 2.000 năm trước.


Ngôi làng của những truyền thuyết

 

Còn chút không gian làng cổ ở Cổ Nhuế. Ảnh: TN

Cổ Nhuế xa xưa có tên gọi là Kẻ Noi. Về nguồn gốc của tên làng Noi, đến nay có khá nhiều lời giải thích khác nhau. Trong đó có truyền thuyết kể rằng: Sở dĩ có tên Noi bởi xưa kia đây là vùng đất có nhiều bãi lầy, dân làng đi lại phải "lội ngòi noi nước". Thế là Noi có tên từ đó. Quanh thành Thăng Long xưa có khá nhiều ngôi làng tên Kẻ có thể kể ra đây: Kẻ Noi (Cổ Nhuế), Kẻ Mọc (Nhân Mục), Kẻ Cót (Yên Quyết), Kẻ Mẩy (Mễ Trì) rồi Kẻ Bưởi, Kẻ Mơ, Kẻ Giàn, Kẻ Cáo... "Theo ý nghĩa của ngôn từ Việt cổ, có thể hiểu từ "Kẻ" ở đây chỉ một cụm dân cư sống trên một địa bàn cụ thể. Kẻ Noi là người (ở làng) Noi. Để đơn giản, người ta hiểu: Kẻ Noi là làng Noi; Kẻ Mọc là làng Mọc; Kẻ Bưởi là làng Bưởi... Như vậy, ở đây "Kẻ" được đồng nhất với làng", bà Đinh Thị Sơn, thành viên Hội Lịch sử Hà Nội, người đã dày công nghiên cứu về làng cổ ở Hà Nội giải thích.

Cũng theo bà Đinh Thị Sơn, khi các triều đại phong kiến Trung Hoa sang xâm lược, để tiện cho việc ghi chép theo chữ Hán, mỗi làng lại phải đặt một tên chữ (âm Hán - Việt). Khác với tên Nôm chỉ có một từ (không kể từ Kẻ đứng trước), tên chữ thường có ít nhất là hai từ. Như vậy, những làng cổ ra đời trước thời Bắc thuộc, nhất thiết phải có hai tên: tên Nôm (kèm Kẻ) và tên chữ. Điều đó cho thấy, thêm một cơ sở để xác định rằng Kẻ Noi hay Cổ Nhuế ngày nay đã có trước khi phong kiến phương Bắc xâm lược nước ta.

Về việc đổi tên làng thành Cổ Nhuế, ông Nguyễn Văn Minh, một người cao tuổi ở Cổ Nhuế kể một truyền thuyết: "Mùa thu năm 1027, Hoàng tử con vua Lý Thái Tổ, tên húy là Lực, hiệu là Đông Chinh Vương đã đem quân đi dẹp loạn ở Châu Văn (thuộc tỉnh Lạng Sơn ngày nay) có qua làng Noi, được dân làng mang lương thực, thực phẩm ra hiến cho quân sĩ làm lương ăn trên đường hành quân. Sau khi chiến thắng trở về, Đông Chinh Vương đã xin với vua cha cho hưởng thực ấp ở làng Noi. Ba xóm của làng Noi là: Hoàng - Trù - Đống trở thành dân "tảo lệ" (tức là dân được giao trông nom nhà thờ) được miễn sưu thuế. Các cụ trong làng bấy giờ mới dâng sớ xin vua cho đổi tên làng thành Cổ Nhuế theo phiên âm tiếng Hán - Việt từ chữ Kẻ Noi. Tuy nhiên cái tên kẻ Noi vẫn tồn tại cùng với Cổ Nhuế cho mãi tới sau này".

 

Ngôi làng của những truyền thuyết

Ngôi làng của những truyền thuyết 

 

Những cổng nhà được xây theo kiến trúc cổ thật hiếm hoi mới tìm thấy ở ngôi làng nghìn năm tuổi này.



Nhạt nhoà trong đô thị hoá

Cổ Nhuế giờ là xã Cổ Nhuế, rộng lắm. Hiện nay xã gồm 14 thôn và 1 tổ dân phố: Hoàng 1, Hoàng 2, Hoàng 3, Hoàng 4, Hoàng 5, Hoàng 6, Hoàng 7, Đống 1, Đống 2, Trù 1, Trù 2, Viên 1, Viên 2 và tổ dân phố Phú Minh. Ngoài ra địa bàn còn được chia làm 40 khu dân cư. 

Chúng tôi cuốc bộ đi tìm những di tích xưa trong phố, sao mà khó đến vậy. Đô thị hoá là một tất yếu, nhưng đô thị hoá đã vô tình làm biến mất không gian làng xã, những cổng làng, những mái nhà, những con đường lát gạch, những mảnh hồn xưa dấu cũ đã không còn. Thay vào đó là những nhà cao tầng, quán xá mọc san sát. "Những cổng nhà theo kiến trúc cổ đã bị đập đi, xây nhỏ lại, đơn giản hơn. Những sân gạch cũng bị phá đi thu hẹp lại, có người dùng để xây phòng cho thuê, có người cắt phần đất đó để bán. Nhà cổ cũng bị phá đi, thay vào đó là những căn nhà 3, 4 rồi 5 tầng phục vụ nhu cầu ở, khi mà đất ngày càng chật chội, người ngày càng đông đúc. Từ đó mà các dấu tích xưa biết mất lúc nào không hay", ông Minh cho biết. Trầm ngâm hồi lâu, ông Minh mới cất lời: "Có chăng, muốn đi tìm những dấu tích xưa thì phải vào các di tích đền hay chùa của làng, chứ trong khu dân cư, coi như hồn vía của ngôi làng hàng nghìn năm tuổi bị xoá sạch".

Cổ Nhuế có nhiều đình, chùa tập trung ở cả 4 thôn Hoàng, Đống, Trù, Viên với 3 ngôi chùa Sùng Quang (thôn Đống 2), Anh Linh (thôn Viên 1), Trùng Hưng (thôn Hoàng 2). 

Có 2 ngôi đình ở thôn Viên 2 và Hoàng 2, thờ Thành Hoàng làng (Hoàng Tử Đông Chinh Vương Lý Công Lực - con trai vua Lý Công Uẩn) và thờ Túc Trinh công chúa - con gái vua Trần Thánh Tông. Lễ hội của làng thường được tổ chức vào ngày 10 tháng 2 âm lịch hàng năm. 

Lễ tế Thành Hoàng làng vào ngày 10/10 Âm lịch hàng năm. Ngoài ra ở thôn Viên 1 và Viên 2 còn có Lễ mộc dục và Lễ cúng thực (Công chúa Túc Trinh thời Trần) vào ngày 1/8 Âm lịch hàng năm. 

Điều không thể phủ nhận là ở Cổ Nhuế vẫn còn bảo tồn được nhiều công trình kiến trúc cổ như: Ngôi đình làng thờ Đông Chinh Vương (được tôn làm Thành Hoàng làng) xây dựng từ thời Lý. Chùa Mốc, chùa Sùng Quang xây dựng từ thời Lý (tương truyền chùa Sùng Quang do Công chúa Minh Hiến - con vua Lý Thái Tổ góp tiền xây lên). Cây cầu đá bắc qua sông Đào chảy qua làng (được xây dựng từ năm 1726). Giếng cổ xây bằng đá trong chùa Sùng Quang từ năm 1748. Miếu thờ Túc Trinh công chúa - con gái vua Trần Thánh Tông (xây dựng từ thời Trần). Trong đó đã có 6 công trình được cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1994. Nhưng nói về làng cổ không chỉ nói về những di tích lịch sử mà còn phải nói đến không gian, cấu trúc cộng đồng. Đáng tiếc làng cổ đã biến dạng đi rất nhiều thậm chí không còn nhận ra.

Trải qua hàng nghìn năm sinh tồn, hiện nay Cổ Nhuế không còn là vùng đất sình lầy, không sống nhờ vào nghề trồng lúa. Nổi tiếng nhất ở ngôi làng này là nghề may vá. Theo ông Minh thì nghề may ở Cổ Nhuế có từ cuối thế kỷ 19, do 3 người thuộc dòng họ Nghiêm đi học ở nơi xa về rồi làm nghề và truyền dạy cho con cháu. Sau đó, nghề may được truyền rộng khắp làng. Công việc may vá đầu tiên là phục vụ nhân dân quanh vùng, nhưng hiện nay, nghề may truyền thống cũng phải vất vả cạnh trạnh với các nơi khác.

Làng cổ Cổ Nhuế bây giờ đã thành phường, thành phố của Thủ đô. Những giá trị văn hoá sâu sắc và độc đáo của một ngôi làng Việt cổ cùng với nghề may truyền thống đứng trước nguy cơ bị bào mòn và dần đi vào quên lãng. Có một điều chắc chắn rằng, những lớp lang văn hoá của làng cổ này đã bổ sung vào kho tàng văn hoá nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội. Nhưng cứ đà phát triển này, khi những khu đô thị mới mọc lên, mấy ai còn biết đến một ngôi làng nơi người Việt cổ từng sinh sống.

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành