Hoàng Xuân Hãn (1908-1996)
Hoàng Xuân Hãn (1908-1996): Giáo sư Hoàng Xuân Hãn nguyên quán tại Kẻ Trổ, xã Nhân Thọ, tổng Yên Hồ, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình có truyền thống nho học.
Thuở nhỏ ông học chữ Hán và chữ Quốc ngữ trong gia đình rồi vào trường tiểu học Vinh. Sau khi đỗ Thành Chung năm 1926 ông chuyển ra Hà nội và thi vào trường Bưởi, sau đó chuyển sang học trường Albert Sarraut. Năm 1928 ông đậu tú tài toàn phần và được sang Pháp du học. Với tinh thần khổ công cầu học muốn thâu thái kiến thức để về giúp ích cho nước nhà ông lần lượt thi đỗ vào nhiều trường đại học danh tiếng của nước Pháp. Trở về nước năm 1936 nhưng ông không nhận chức vụ Giám đốc công chính do Pháp gợi ý với điều kiện phải nhập quốc tịch Pháp, mà ông chỉ đi dạy ở trường Bưởi là một nghề mà ông yêu thích. Thiết tha mở mang kiến thức khoa học cho thanh niên ta trong những năm này ông cùng một số bạn bè sáng lập tạp chí khoa học trong đó ông giữ các chuyên mục rất hấp dẫn tuổi trẻ và cũng liên quan đến đời sống thực tiễn như thiên văn, địa lý, lịch sử, văn hoá của phương Đông và Việt Nam. Ông cũng đã soạn cuốn Danh từ khoa học và dùng tiếng Việt để diễn đạt hàng loạt khái niệm khoa học thuộc các bộ môn toán, lý, hoá, cơ học và thiên văn học vốn chưa có bao nhiêu bằng từ ngữ tiếng Việt lúc ấy. Năm 1943, sách được giải thưởng của Hội khuyến học Nam Kỳ với ý nghĩa một công trình mở đường cho việc xây dựng khái niệm và thuật ngữ khoa học của Việt Nam. Năm 1943, khi Hội truyền bá chữ Quốc ngữ được thành lập, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã tham gia với tư cách một thành viên chính thức, ông đảm nhận Trưởng ban tu thư và cùng một vài tác giả cho công bố cuốn: “Phương pháp học y tờ” đổi mới hẳn cách học chữ quốc ngữ, cuốn sách đã được phổ biến rộng rãi trong nhân dân và từ khi cách mạng tháng Tám thành công khi phong trào “diệt giặc dốt” được phát động thì phương pháp học chữ Quốc ngữ của giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã trở thành một phương pháp chủ đạo giúp hàng triệu người có thể thoát nạn mù chữ trong vòng 6 tháng.
Sau cách mạng tháng Tám, tại hội nghị Việt - Pháp ở Đà Lạt, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn được cử làm chủ tịch Tiểu ban chính trị trong phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hoà, sau hội nghị trở về Hà Nội ông tham gia giảng dạy các bộ môn kỷ thuật quân sự cho các khoá huấn luyện của trường võ bị Trần Quốc Tuấn. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ ông bị kẹt lại giữa Hà Nội và trong những tháng năm này gia đình ông trở thành cơ sở ở nội thành bí mật liên lạc với kháng chiến và ủng hộ tài chính, đến năm 1950 gia đình ông sang định cư ở Pháp. Mặc dù vậy ông vẫn tham gia tổ chức Việt kiều yêu nước ủng hộ cho công cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Cả cuộc đời Hoàng Xuân Hãn là tấm gương về lẽ sống làm người, về phẩm chất của người trí thức chân chính. Có thể nói ông là nhà khoa học bách khoa đã cống hiến sáng tạo không biết mệt mỏi trên nhiều lĩnh vực lịch sử, thiên văn, văn học và lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp rất có giá trị có tính thuyết phục cao nhờ sự kết hợp giữa tư liệu xác chứng và luận điểm mới mẻ nhưng điều quan trọng hơn là tác giả luôn mong nuốn gửi gắm trong đó sự kết hợp nhuần nhị giữa khoa học và tình yêu Tổ quốc.
Share on Facebook 0 người thích - Thích