Cứ đến tháng bảy âm lịch hàng năm, đồng bào Tày ở khắp các bản làng của Bắc Kạn lại rậm rịch chuẩn bị cho cái tết lớn thứ hai sau tết Nguyên Đán: Tết Rằm tháng bảy (đồng bào gọi là Tết Slip slí).
Cùng với ngày Xá tội vong nhân (Tết Vu Lan) của người Kinh, Tết Rằm tháng bảy của người dân tộc Tày ngoài ý nghĩa thờ cúng tổ tiên, cúng các vong hồn còn là dịp để gia đình, dòng họ xum họp, con cái thể hiện lòng biết ơn, tình cảm và lòng hiếu thuận đối với cha mẹ.
Vào những ngày này, đồng bào dân tộc Tày thường gác lại các công việc khác, tất cả dồn vào chuẩn bị cho ngày tết. Phiên chợ ngày trước tết cũng náo nhiệt hơn với các mặt hàng đặc trưng như: Lá bánh, đỗ xanh, củ chuối rừng…và một món ăn không thể thiếu đối với người Tày trong rằm tháng bảy đó là thịt Vịt.
Theo tục lệ, cứ đến rằm tháng bảy, người Tày ở Bắc Kạn sẽ làm bánh “Pẻng Tải”, bánh chưng nhân cá lá gừng, làm bún tươi, thịt vịt…để thờ cúng tổ tiên, cúng các vong hồn, cầu chúc sức khỏe, an lành đến với tất cả các thành viên trong gia đình, dòng họ.
Bánh Pẻng Tải được làm giống với chiếc bánh gai của người Kinh. Bánh làm từ bột của thứ gạo nếp thơm dẻo nhất, trộn với củ chuối rừng hoặc lá gai được băm nhỏ, nấu kỹ. Dùng lá chuối rừng tươi hơ nóng cho mềm, đặt 2 chiếc bánh nặn tròn bằng cái chén cuộn cùng một lá. Bánh đồ xong, đem cúng tổ tiên, còn lại đem treo lên sào để ăn dần. Rằm tháng bảy, người Tày còn làm thêm bánh chưng (còn gọi là Pẻng Hó). Bánh Chưng được gói bằng lá dong rừng, với nhân cá chép, lá gừng tươi. Ngoài Pẻng Tải, Pẻng Hó, làm bún…, Tết Rằm tháng bảy, người Tày thường ăn thịt Vịt. Những con vịt ngon, béo nhất đàn sẽ được thịt để cúng tổ tiên, cúng thổ địa… để cầu chúc những điều may mắn, tốt đẹp cho gia đình.
Cũng trong những ngày này, người dân tộc Tày có phong tục: Con rể của gia đình sẽ đem biếu bố mẹ vợ một đôi vịt để tỏ lòng biết ơn, kính trọng và hiếu thuận, cảm ơn công dưỡng dục vợ mình. Ngày 14, 15 tháng bảy, đại gia đình sẽ quây quần cùng nhau ăn bữa cơm sum họp. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của người Tày, thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó và lòng hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ.
Đến với các bản làng người Tày ở Bắc Kạn trong những ngày rằm tháng bảy này, khách thập phương sẽ được hòa mình trong không khí đầm ấm, vui vẻ nhưng trang trọng của bà con dân tộc nơi đây. Khách sẽ cùng ngồi ăn những món ăn của vùng núi rừng Bắc Kạn với măng nhồi thịt, trám kho cá, thịt vịt xào măng…
Qua thời gian, tục lệ ăn Tết Rằm tháng bảy của người Tày Bắc Kạn vẫn giữ nguyên được những nét truyền thống từ ngàn xưa. Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Tày cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển./.
Theo BacKan.gov.vn
Share on facebook 0 người thích - Like