Chị Nguyễn Thị Xuân sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố chị là đảng viên 1930 – 1931. Tuổi thơ Xuân gắn liền với hình ảnh ngôi nhà nhỏ 3 gian, cái bếp con con và mảnh sân vuông vắn trước thềm.
Có chừng ấy thôi mà những ngày tháng ở TNXP, Xuân nhớ đến phát khóc lên được. Xuân nhớ cây mít đầu ngõ múi ngọt như đường phèn. Bây giờ đang mùa quả chín, cây hồng ít hạt quả sai trĩu cành.Trước cửa nhà Xuân còn có cây cam giấy tứ thời bao giờ cũng có quả dành cho Xuân mỗi buổi Xuân về. Buồng cau chi chít quả như còn đợi Xuân về hái cho mẹ. Xuân sẽ ngồi dưới bậc thềm, ngả lưng vào mẹ cho mẹ rẽ tóc như ngày còn bé. Mẹ nhìn Xuân lặng lẽ xoa tay lên đôi gò má có lúm đồng tiền của Xuân, Xuân nũng nịu áp mặt vào đầu gối mẹ cười.
Năm 1967, học xong lớp 7 Xuân cùng nhiều chị em khác trong toàn huyện lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của tuổi trẻ.
Xuân quen anh Vĩnh trên một bãi bom nổ chậm. Hôm ấy, trên đường từ Vĩnh Lộc về đơn vị. Xuân gặp máy bay đánh bất ngờ. Trong lúc chạy vào hầm trú ẩn, Xuân đánh rơi cái túi xáh nhỏ, trong đó có nhiều thứ, tìm không thấy đâu cả. “ Có lẽ đất đá vùi lấp đi rồi” – Xuân ngơ ngẩn muốn khóc. Anh Vĩnh đến - Anh đội mũ sắt, quân phục bạc màu. Câu đầu tiên anh nói với Xuân là:” Còn bao nhiêu bom nổ chậm, sao o lại vào đây ?”. Xuân nói vắn tắt việc mất cái túi, ròi dè dặt:
- Trong túi em để thẻ đoàn viên, không thể đánh mất thẻ đàn được anh ạ!
- Nó bị văng ra xa, nắp túi vẫn còn, nhưng o thử xem có rơi mất chi không?
- Em cảm ơn anh!
Xuân đi cùng anh trong sự im lặng. Thỉnh thoảng Xuân nhìn sang anh. Dáng anh cao lớn, chắc đậm. Tự nhiên Xuân thấy tin anh ấy. Xuân hỏi tên và quê quán anh. Thế là câu chuyện bắt đầu từ đó.
Đơn vị bộ đội công binh phá bom của anh Vĩnh phối hợp với C2 đảm bảo giao thông gần một năm. La Khê - Địa Lợi, Cầu Ác, Cầu Cháy...Biết bao nhiêu kỉ niệm. Anh Vĩnh là một đảng viên, một tiểu đội phó dũng cảm và kiên quyết. Xuân càng quý và tin anh. Ngày hôm sau anh Vĩnh lên đường đến trận địa mới. Rồi thư anh về, những lá thư viết vội giữa nhiều trận đánh. Những lá thư không được phẳng phiu và có nhiều nếp gấp, như có cả mùi bom đạn hăng nồng. Càng xa anh, Xuân càng yêu càng nhớ và một lòng chờ đợi. Xuân tâm sự với bạn bè:” Nhiều đêm nằm em thấy anh Vĩnh về thăm. Bẵng đi một thời gian không có thư anh về, em đã lo. Em nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng em vẫn đợi...”. Sau này Xuân mới biết anh Vĩnh nhiều lần bị thương...
Mối tình đẹp vừa chớm nở thì một ngày tháng 7, Xuân cùng đồng đội vĩnh viễn ra đi.