Số người đang online : 42 Trần Trọng Kim - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Trần Trọng Kim
post image
Trần Trọng Kim

Trần Trọng Kim (hiệu: Lệ Thần; 1882 - 1953), nhà nghiên cứu Việt Nam. Quê: xã Đan Phổ, nay là Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Học trường sư phạm ở Pháp (1911). Về nước, dạy ở Trường Bảo hộ (Trường Bưởi), làm thanh tra học chính, viết sách giáo khoa và sách nghiên cứu. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, làm thủ tướng chính phủ do Nhật dựng lên. Trần Trọng Kim là tác giả của nhiều trước tác: "Việt Nam sử lược" (2 tập, 1928) là bộ sử đầu tiên viết bằng tiếng Việt; bộ "Nho giáo" (2 tập, 1930 - 1933) là tác phẩm được nghiên cứu sâu và dễ đọc; cuốn "Việt Nam văn phạm" (cùng soạn với Phạm Duy Khiêm và Bùi Kỷ, 1941) là công trình đầu tiên nghiên cứu tiếng Việt có phương pháp, mặc dù dựa vào ngữ pháp tiếng Pháp, nhưng các tác giả cố gắng xuất phát từ đặc điểm ngôn ngữ Việt Nam để tìm quy luật; "Truyện Thuý Kiều" (cùng soạn với Bùi Kỷ, 1925) là cuốn sách được giới thiệu, chú giải nghiêm túc, hơn hẳn các bản ra trước.

Trần Trọng Kim, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu sử học, văn học, tôn giáo Việt Nam, bút hiệu Lệ Thần, sinh năm 1883 (Quý Mùi) tại làng Kiều Linh, xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Vợ ông là em gái nhà nghiên cứu văn học Bùi Kỷ.

Hoạt động trong ngành giáo dục

Xuất thân trong một gia đình Nho giáo, ông học chữ Hán từ nhỏ. Năm 1897, ông học Trường Pháp-Việt Nam Định, học chữ Pháp. Năm 1900, ông thi đỗ vào Trường thông ngôn và đến 1903 thì tốt nghiệp. Năm 1904, ông làm Thông sự ở Ninh Bình sau đó tham dự đấu xảo. Năm 1905, vì hiếu học nên ông qua Pháp học trường Thương mại ở Lyon, sau được học bổng vào trường Thuộc địa Pháp. Năm 1909, ông vào học trường Sư phạm Melun và tốt nghiệp ngày 31 tháng 7 năm 1911 rồi về nước. Ông lần lượt dạy Trường trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), Trường Hậu bổ và Trường nam Sư phạm.

Ông là nhà sư phạm mẫu mực, có uy tín trong xã hội, giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục thời Pháp thuộc như: Thanh tra Tiểu học (1921), Trưởng ban Soạn thảo Sách Giáo khoa Tiểu học (1924), dạy Trường Sư phạm thực hành 1931, Giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1939). Từ thập niên 1910 đến thập niên 1940, ông cũng viết nhiều sách về sư phạm và lịch sử.

Ngoài ra ông còn tham gia các hoạt động xã hội. Ông là Phó trưởng ban Ban Văn học của Hội Khai trí Tiến Đức và Nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ.

Một năm sau khi ông về hưu (1943), Nhật Bản kéo vào Đông Dương và bí mật đưa ông cùng Dương Bá Trạc ra nước ngoài. 1945, ông được đưa về nước.
Chấp chính Đế quốc Việt Nam
Cờ quẻ Ly của chính phủ Đế quốc Việt Nam, 9 tháng 3 1945 - 22 tháng 8 1945

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm thuộc địa Đông Dương. Để tranh thủ sự ủng hộ của người Việt, cùng những nước Á châu khác đang bị Nhật chiếm đóng như Miến Điện, Philippines, Nhật tuyên bố "trao trả độc lập" cho Việt Nam. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, triều đình Huế tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam. Trần Trọng Kim được giao thành lập nội các vào ngày 17 tháng 4 năm 1945. Đây là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam "độc lập" trên danh nghĩa và Trần Trọng Kim trở thành Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam. Tham gia Nội các của ông đều là các nhà trí thức luật sư, bác sĩ, kỹ sư có tên tuổi (một giáo sư, hai kỹ sư, bốn bác sĩ, bốn luật sư).

Chính phủ Trần Trọng Kim không có quân đội để tiếp tục duy trì an ninh, nên Việt Minh có điều kiện thuận lợi để cướp chính quyền. Ðây chính là một trong những hậu quả của việc Đế quốc Việt Nam không thành lập Bộ quốc phòng và tổ chức quân đội để tránh phải tham gia chiến tranh thế giới thứ II với tư cách đồng minh của Nhật Bản.

Tháng 6 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam; đặt quốc thiều là bài "Đăng đàn cung"; quốc kỳ có "nền vàng hình chữ nhật, giữa có hình quẻ Ly màu đỏ thẫm".

Chính phủ Trần Trọng Kim thực tế vẫn nằm dưới sự bảo hộ của quân đội Nhật chiếm đóng Đông Dương. Nhật Bản đưa ra chính sách Đại Đông Á, tuyên bố "giúp các dân tộc da vàng đánh đổ ách thống trị của thực dân da trắng để lập nên khu vực thịnh vượng chung", nhưng thực ra đó chỉ là một tên gọi cho ách chiếm đóng mới của quân phiệt Nhật. Vai trò của Nhật, theo kế hoạch của người Nhật, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế, mà còn bảo vệ quân sự và dẫn dắt chính sách nội bộ của các nước trong khối, miền Nam Châu Á sẽ trở thành thị trường và nơi cung cấp nguyên liệu. Vì vậy nhiều người cho rằng đây chỉ là một chính phủ bù nhìn thân Nhật, không có thực quyền và không có được sự ủng hộ của dân chúng.

Việc Nhật chiếm đóng vào thời điểm 1945 đã gây ra những hậu quả tai hại cho Việt Nam như nạn đói năm Ất Dậu, chính phủ Trần Trọng Kim tuy muốn nỗ lực cứu đói nhưng phương tiện, nhân lực đều do quân Nhật nắm và nhất là giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển từ Nam ra Bắc đều bị quân Đồng minh cắt đứt nên không làm tình hình được cải thiện.

Theo Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng thì "Với an ninh, quốc phòng và kinh tế tài chánh đều nằm trong tay quân đội Nhật, tất cả những gì mà chính phủ Trần Trọng Kim có thể đạt được trong việc dành lại chủ quyền cho Việt Nam thực tế là chỉ có tính cách biểu tượng. Nhưng trong tình huống Đông Dương vào năm chót của thế chiến thứ hai, biểu tượng đóng một vai trò rất quan trọng. Biết rằng thất bại của Nhật Bản chỉ là một vấn đề thời gian, Trần Trọng Kim và chính phủ của ông đưa ra một chương trình nhằm thay đổi tâm lý người Việt đến mức mà đất nước sẽ không thể trở lại tình trạng thuộc địa nữa một khi chiến tranh chấm dứt...".

Về hành chánh, Nhật đảo chánh lật đổ Pháp ngày 9-3-1945, nhưng không trao trả toàn bộ chủ quyền đất nước lại cho chính quyền Đế quốc Việt Nam, mà mãi đến tháng 7-1945, sau các cuộc thương lượng của Trần Trọng Kim, toàn quyền Nhật là Tsuchihashi mới trả lại cho chính phủ Đế quốc Việt Nam ba thành phố nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng và Ðà Nẵng kể từ ngày 20 tháng 7, 1945.

Khi quân Nhật thất trận sắp đầu hàng Đồng Minh, chính phủ Trần Trọng Kim cũng chỉ tồn tại được đến ngày 23 tháng 8 năm 1945 thì sụp đổ. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn ngủi, chính phủ này cũng đã làm được một việc quan trọng là thống nhất về mặt danh nghĩa đất Nam Kỳ vào đất nước Việt Nam; và thay chương trình học bằng tiếng Pháp sang chương trình học bằng tiếng Việt, do học giả Hoàng Xuân Hãn biên soạn.

-Hành chánh được cải tổ với việc dùng chữ Việt trong tất cả các giao dịch cuả chính phủ ngoại trừ lãnh vực y tế và các văn thư liên lạc với Pháp hoặc các công ty người Trung Hoa.

Bộ trưởng Bộ thanh niên Phan Anh đã thành lập đoàn Thanh niên Tiền tuyến, Thanh niên Xã hội. Trường Thanh niên tiền tuyến đã đào tạo ra nhiều tướng lĩnh, sĩ quan của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này.

Đặc biệt một trong những việc chính phủ Trần Trọng Kim làm được là việc lấy gạo từ miền Nam ra cứu đói người miền Bắc. Quốc lộ và đường tàu hoả nối liền Nam Bắc bị phi cơ Mỹ đánh phá tan nát nhiều nơi, nhiều cầu bị bom đánh sập, xe ô tô, tàu hoả đến đó phải ngừng lại. Người, hàng hoá trên tàu xe phải xuống đi bộ, dùng sức người khiêng, qua chỗ cầu đổ, sang bên kia sông, lên tàu, xe chờ ở đó tiếp tục đi. Việc vận chuyển vất vả, mất công và tốn tiền. Vậy mà chính phủ Trần Trọng Kim, cũng mang được một số gạo khá lớn từ trong Nam ra Bắc bán cho dân ở những thành phố.

Cụ Nguyễn Văn Tố (người sau này là Bộ trưởng Bộ Cứu tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) được trao nhiệm vụ Hội trưởng Hội Cứu tế miền Bắc. Đích thân Bộ trưởng Cứu tế Nguyễn Hữu Thí vào Sài Gòn để đôn đốc tải gạo ra miền Bắc và Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh được bầu làm Chủ tịch Hội cứu tế miền Nam hoạt động tích cực trong giới thương gia, điền chủ và Hoa Kiều để trợ giúp Chính phủ lo cứu đói.
Lưu vong và hồi hương

Sau khi Việt Minh giành được chính quyền và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Trần Trọng Kim lưu vong ra nước ngoài. Sau nhiều năm tháng ở Quảng Châu và Hồng Kông, ngày 6 tháng 2 năm 1947, ông trở về Sài Gòn và sống tại nhà luật sư Trịnh Đình Thảo. Người Pháp thu xếp cho ông trở về Sài Gòn để vận động thành lập chính phủ mới. Về đến Sài Gòn, ông nhận ra rằng những lời hứa hẹn của người Pháp là giả dối nên ông quyết định không làm gì.

Năm 1948, ông qua Phnom Penh và sống với người con gái. Sau đó, ông lại trở về Việt Nam sống thầm lặng và mất tại Đà Lạt vào ngày 2 tháng 12 năm 1953, thọ 71 tuổi.

Trần Trọng Kim được đánh giá là một học giả uyên thâm cả tân học và cựu học, là người tận tụy cho ngành giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, ông là người có tư tưởng bảo thủ và dân tộc - bảo hoàng. Phan Anh Bộ trưởng Thanh niên trong Nội các của ông nhận xét “Trần Trọng Kim là một người yêu nước nhưng không phải là một nhà chính trị”.
Tác phẩm

Trước năm 1945, Trần Trọng Kim có nhiều tác phẩm nổi tiếng thời bấy giờ về các lĩnh vực sử học, nghiên cứu và sư phạm gồm:

    Sơ học luân lý (1914)
    Vương Dương Minh (1914)
    Luân lý giáo khoa thư (1916)
    Sư phạm khoa yếu lược (1916)
    Việt Nam sử lược (1919)
    Truyện Thúy Kiều chú giải (1925)
    Nho giáo (1930)
    Phật Lục (1940)
    Quốc văn giáo khoa thư, 3 tập: lớp Đồng ấu, Dự bị, và Sơ đẳng (soạn cùng Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận; Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ vẽ)
    Việt Nam văn phạm (cùng Bùi Kỷ, Nguyễn Mạnh Tường) (1941).

Tác phẩm Việt Nam sử lược được đánh giá là một trong những quyển sử Việt Nam có phong cách ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu, được tái bản nhiều lần.

Sau năm 1945, ông viết hồi ký:

    Một cơn gió bụi (1949).

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành