Số người đang online : 20 CƠ SỞ IN ẤN CỦA HỘI ỦNG HỘ VỆ QUỐC ĐOÀN NĂM 1954 - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

CƠ SỞ IN ẤN CỦA HỘI ỦNG HỘ VỆ QUỐC ĐOÀN NĂM 1954
post image
CƠ SỞ IN ẤN CỦA HỘI ỦNG HỘ VỆ QUỐC ĐOÀN NĂM 1954

Đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định...

CƠ SỞ IN ẤN
CỦA HỘI ỦNG HỘ VỆ QUỐC ĐOÀN NĂM 1954

 
 
1. Tên di tích: Cơ sở in ấn của Hội ủng hộ vệ quốc đoàn năm 1954.
2. Loại công trình: Hầm
3. Loại di tích: Di tích lịch sử cách mạng
4. Quyết định: Đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16/11/1988.
5. Địa chỉ: Số 122/351 đường Ngô Gia Tự, phường 8, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh
6. Tóm lược thông tin về di tích: Hầm bí mật của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn là một di tích lịch sử cách mạng thời chống Pháp, được đánh giá là căn hầm thiết kế tinh vi nhất trong nội thành. Giữa năm 1951, Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn đã xây dựng hoàn chỉnh một hầm bí mật tại số 23/122 Ngô Tùng Châu (nay là Nơ Trang Long - Bình Thạnh) gọi là hầm A. Nhưng giao liên từ nơi đây vào nội thành gặp khó khăn do phải qua nhiều trạm gác. Vì vậy, Ban chấp hành Hội quyết định chọn trung tâm thành phố xây dựng hầm.
Địa điểm chọn nằm trong khu vực lao động, có tên xóm Vườn Lài. Tháng 2/1952, gia đình hội viên Hà Minh Lân lãnh nhiệm vụ quản lý căn hộ 122/351 Minh Mạng (Ngô Gia Tự). Là một căn nhà gỗ, vách ván, lợp lá, diện tích 62m2 nằm trong khuôn viên rộng 12m, dài 35m bao quanh bởi lớp rào tre. Ngoài căn nhà chính sử dụng làm tiệm đàn còn có một nhà nhỏ (chòi) có diện tích 4,5m2 thuộc dạng nhà tranh vách lá nằm sát lề đường Minh Mạng. Căn chòi chứa vật liệu thô làm đàn nhưng kỳ thực sử dụng làm trạm gác.
Tiệm đàn nhanh chóng thành hình với vài người thợ đều là hội viên nòng cốt của Hội ủng hộ gồm các anh: Phạm Văn Tám, Nguyễn Văn Búp, Lê Văn Quang, Trần Văn Nam và Nguyễn Văn Thọ. Chủ hộ Hà Minh Lân ngăn đôi căn nhà: để ở và làm đàn. Gỗ và dụng cụ làm đàn chất đầy ắp nhà dụng ý che chắn sinh hoạt bên trong. Vì mục đích xây dựng hầm bí mật để phục vụ theo yêu cầu cấp trên nên các hội viên nhanh chóng thành lập tổ đào hầm. Rút kinh nghiệm đào hầm A, lần này thiết kế đào 2 hầm: hầm phụ và hầm chính. Nhà làm đàn là nơi xây dựng hầm.
Xây dựng hầm: Thoạt đầu tạo miệng hầm vừa một người chui, kế đào sâu xuống 2m, tán rộng xuyên hông thành vòng tròn, tạo một cột đất ở giữa có đường kính 1m. Cột đất giữ bề mặt trên đất. Để tránh tiếng động và dễ đào, thường xuyên đổ nước vừa đủ để đất ẩm. Dụng cụ đào gồm: xà-beng bản lớn, cuốc ngắn sắc, ky (loại rổ đan bằng tre buộc dây luộc). Khoảng nửa đêm là thời điểm bắt đầu đào, chòi biến thành trạm gác có treo đèn báo tín hiệu. Lượng đất đào đưa lên miệng hầm bằng ky, sau đó được thanh toán sạch ngay buổi sáng trong ngày bằng xe ô tô. Hội viên Nguyễn Văn Tước lái xe mang đất đem đổ vùng ngoại ô rồi chở gỗ trở về nhà làm đàn.
Theo thiết kế và kinh nghiệm, hầm chính đào trước, dài 3, 5m, ngang 3,2m, cao 1,7m, độ dày nóc hầm 1,8m. Hầm được xây dựng rất công phu bởi có thả đà chịu lực bên trên nóc. Tường và nền trát xi-măng chống thấm. Một giếng nước đào cách hầm 2m. Cách miệng giếng nửa thước có lỗ thông hơi, đường kính 10cm thông qua hầm chính nhằm tạo không khí trong hầm.
Hoàn thành xong hầm chính, bắt đầu đào ngược lên hầm phụ (hầm nghi trang). Nối liền hầm chính và hầm phụ có địa đạo ngắn chỉ dài độ 1,2m, đường kính 0,45m. Cửa địa đạo nối hầm phụ thiết kế rất tinh vi. Đó là nắp cửa có bản lề đóng mở, mặt trước trét xi-măng khớp với vách, kích thước 0,35m x 0,4m vừa người chui lọt. Nắp địa đạo ở hầm phụ được nghi trang một kệ sách. Hầm phụ có kích thước dài 3,4m, ngang 0,6m, cao 0,8m, bề dày nóc 1,8m.
Trên mặt đất là cửa hầm phụ, kích thước 0,4m x 0,4m, vừa vặn 4 viên gạch khép kín đính trên mảnh gỗ. Muốn xuống hầm, đẩy mảnh ván đáy tủ sang bên, giở nắp hầm, bước thẳng người. Sau đó người bên trên đóng nắp hầm, kéo đáy tủ gài lại.
Dưới hầm nghi trang (hầm phụ) có kệ sách án ngữ cửa hầm chính, còn có bàn đánh máy, một số sách báo, tài liệu không đáng kể. Riêng hầm chính, Hội Uủng hộ tháo riêng từng bộ phận của máy in ronéo Gestestner, máy đánh chữ để mang xuống hầm cùng một số giấy, mực in, máy radio, bàn ghế, đèn điện và hệ thống báo động qua đèn chớp tắt. Hầm bí mật hoàn thành được Hội ủng hộ gọi là hầm B.
Những hội viên nòng cốt luôn túc trực dưới hầm như: anh Bằng, Ba Thiện nhằm theo dõi tin tức thu từ đài phát thanh Hà Nội để biên tập lại, sau đó cho in ronéo thành truyền đơn tung ra khắp nơi hoặc sao chép tài liệu học tập nhằm phổ biến trong nội bộ. Các tài liệu từ chiến khu An Phú Đông mang về, sau khi in ấn xong được giao cho chị Nguyệt, chị Nhãn bí mật đem đến hàng trăm cơ sở trong thành phố. Đôi khi cả hai cũng được lệnh tung truyền đơn vào các chợ, hâm nóng bầu không khí đấu tranh, gây cho địch hoang mang, lúng túng.
Hầm bí mật tại đây sinh hoạt ngày đêm bởi Đặc khu Sài Gòn - Gia Định giao cho Ban ấn loát Hội Uủng hộ nhanh chóng hoàn thành cả ngàn bản trong thời gian ngắn nhất. Tháng 11/1954, Đặc khu Sài Gòn - Gia Định và Tỉnh ủy Gia Định triển khai nhiều nghị quyết nhằm đẩy mạnh phong trào quần chúng đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, Bảo vệ hòa bình, Hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đòi quyền Dân sinh, Dân chủ... Bộ phận in, ấn tại hầm bí mật tận dụng các hội viên có mặt xuống hầm tham gia: người đánh máy, người in ấn liên tục ngày đêm.
Cũng không thể không nhắc đến công tác chuyển thuốc men ra tiền tuyến. Các hội viên bí mật phân công: gom nhặt từng viên thuốc, chờ thuận tiện chuyển đến hầm để từ đây chuyển ra chiến khu. Cũng đôi lần chuyển hóa chất về theo yêu cầu cấp trên. Công tác in, ấn, vận chuyển vào ra mật khu, chiến khu An Phú Đông thực hiện từ tháng 9/1954 đến cuối năm 1957 thì một cơ sở của Hội trong nội thành bị địch phát hiện, vì vậy mọi liên hệ với hầm bí mật tại 122/351 Ngô Gia Tự cắt đứt. Anh em tại hầm phân tán mỏng để bảo toàn lực lượng.
Trước tình hình căng thẳng, Đặc khu Sài Gòn - Gia Định quyết định giải thể Ban ấn loát tại 122/351 Ngô Gia Tự. Ban quản trị Hội thống nhất ý kiến lấp hầm nhưng dùng đất lấp khó thực hiện nên dùng khạp (lu da bò) lấp hầm. 90 khạp được sử dụng lấp hầm có dung tích: cao 0,7m, đường kính 0,5m, trong thời gian một tháng. Đầu năm 1958, bọn mật thám ập đến tiệm đàn bao vây bắt Phạm Văn Quốc, Hoàng Mai Phục (tự Bằng), Lê Văn Quang (tự Thiện). Riêng Hà Minh Lân bị bắt khi đang đi trên đường Cống Quỳnh. Một tháng sau Nguyễn Văn Tước cũng bị bắt vào lúc nửa đêm. Chúng mang anh về bót Tự Đức tra tấn hết sức dã man, sau đó tịch thu xe ô tô và bắt thêm vợ anh. Một số anh chị em khác cũng cùng chung số phận, chịu nhiều cực hình, nhưng tất cả đều giữ vững lời thề "thà chết để bảo vệ hầm".
Khi tiệm đàn tại 122/351 Ngô Gia Tự bị lộ, tên công an Đoàn Văn Khoa đã chiếm ngụ từ năm 1958 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng không hề biết rằng có một hầm bí mật nằm bên dưới ngôi nhà. Sau năm 1975, công trình trùng tu di tích từng bước triển khai. Toàn bộ khạp da bò dưới hầm được mang lên. Địa đạo, hầm phụ và hầm chính được tôn tạo. Những dấu vết của một thời kỳ chiến đấu oanh liệt của các chiến sĩ trong Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn được khôi phục nguyên vẹn.
 
 
 
 







  
 
 


 
 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành