Số người đang online : 33 CHÙA THIÊN TÂN(CHÙA TIÊU) - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

CHÙA THIÊN TÂN(CHÙA TIÊU)
post image
CHÙA THIÊN TÂN(CHÙA TIÊU)

Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 154/QĐ...

CHÙA THIÊN TÂN(CHÙA TIÊU)

 
1. Tên di tích: Chùa Thiên Tâm (Chùa Tiêu)
2. Loại công trình: Chùa
3. Loại di tích: Di tích lịch sử
4. Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 154/QĐ ngày 25 tháng 01 năm 1991.
5. Địa chỉ di tích: Xã Tương Giang - Thị xã Từ Sơn - Tỉnh Bắc Ninh.
6. Tóm lược thông tin về di tích.

    Chùa Thiên Tâm (còn gọi là Chùa Tiêu hoặc chùa Tiêu Sơn) là một trung tâm Phật giáo lớn ở nước ta. Đây là một di tích lịch sử quốc gia thuộc xã Tương Giang - Thị xã Từ Sơn - Tỉnh Bắc Ninh, cách Thành phố Hà Nội 20 km về phía Bắc dọc theo tỉnh lộ 295B.
    Chùa Thiên Tâm được xây dựng khoảng trước thời Tiền Lê, đến thời Lý đã được tôn tạo khá khang trang bề thế. Chùa tọa lạc trên lưng chừng núi Tiêu. Nơi đây có dòng sông Tiêu Tương chảy qua, bây giờ đã biến thành đồng ruộng, làng mạc trù phú. Dấu ấn một thời chỉ còn lại là hồ sen dưới chân núi trước cửa chùa.
    Chùa Thiên Tâm là cội nguồn của vương triều nhà Lý. Du khách về thăm chùa Tiêu là nhớ về Thiền Sư Vạn Hạnh - người đã có công nuôi dạy Lý Công Uẩn, sau đó lại giúp Lý Công Uẩn lên ngôi vua, mở mang triều Lý, khai sáng Thăng Long, phát triển nền văn minh Đại Việt. Thiền sư Vạn Hạnh quê ở Cổ Pháp về trụ trì rồi viên tịch tại chùa vào đầu thế kỷ XI. Thời kỳ này Phật giáo phát triển đến mức độ cao được coi là Quốc giáo. Vạn Hạnh được phong Quốc sư ở triều đại Lê và Lý nên Thiền sư có cơ hội vừa làm việc cho Phật giáo, vừa làm việc cho quốc gia dân tộc. Khi đó chùa Tiêu là trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, là thiền viện đào tạo các bậc tăng ly và cung cấp kinh sách cho nhiều chùa trong cả nước.
    Những công trình kiến trúc của Chùa Thiên Tâm hiện nay là sản phẩm kiến trúc nghệ thuật thời nhà Lê đến nhà Nguyễn. Nổi bật là các công trình kiến trúc quy mô với hệ thống nhà Tam Bảo, Viện Cảm Tuyền, Nhà Tổ, Bảo Tháp… Trong chùa có hệ thống các tượng phật, tượng Thiền Sư Vạn Hạnh, chuông đồng, đại tự, hoành phi câu đối cổ… Trong nhà bia có tấm bia bằng đá, mặt trước khắc 4 chữ Hán lớn: “Lý Gia Linh Thạch” (hòn đá linh thiêng nhà Lý), mặt sau còn khắc nhiều chữ Hán nhỏ khác ghi lại những nhân vật và sự kiện tiêu biểu của nhà Lý. Tam bảo chùa Tiêu nằm trên sườn non Tiêu. Qua thăng trầm của lịch sử, Tam bảo đã được nhiều lần tu sửa. Tuy nhiên tất cả hệ thống tượng phật, hoành phi câu đối, cổ vật khác vẫn được giữ nguyên nét đẹp kiến trúc thời Lê - Nguyễn. Giữa những ngày Phật đản năm 2010 chùa Tiêu vinh dự được cung nghinh xá lợi Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni về thờ giữa ngôi Tam bảo. Trên đỉnh non Tiêu là tượng đài Vạn Hạnh trang nghiêm bề thế được tạo dựng từ năm 1993. Tượng Vạn Hạnh hướng về Thăng Long - Hà Nội. Nhà thờ tổ thiền sư Vạn Hạnh được xây dựng trên nền đất cũ, năm 2001 được làm mới. Trong nhà Tổ có thờ pho tượng cổ Vạn Hạnh đúc bằng đồng đặt trong một khám kính cao chừng 50 cm với chân dung sinh động, các chi tiết khắc họa tinh xảo. Bài vị thờ ghi rõ: “Lý triều nhập lộ, tể tướng Lý Vạn Hạnh thiền sư thần vị”.
    Đặc biệt, ngày 05 tháng 03 năm 2004, nhục thân Thiền sư Thích Như Trí được thỉnh ra khỏi Bảo tháp của chùa để tu bổ và bảo quản. Thiền sư Như Trí về trụ trì chùa Thiên Tâm cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII là đệ tử của Thiền sư Chân Nguyên trụ trì ở chùa Long Động  - Yên Tử. Qua trùng tu, nghiên cứu di cốt, các nhà khoa học cho biết thiền sư cao xấp xỉ 1,65m, ngài tịch ở độ tuổi từ 45 - 50. Nhờ có tấm bia ở tháp cổ mang dòng chữ “Nhục thân bồ tát Như Trí”, “Lê Triều Bảo thái đệ tứ niên” ta biết thiền sư viên tịch vào đời vua Lê Dụ Tông, năm Quý Mão (1723). Tìm hiểu thêm qua một số tư liệu về thiền sư cho thấy ngài là một cao tăng đắc đạo, có công lớn trong việc sưu tầm, in ấn các cuốn sách quý về đạo phật, trong đó có cuốn “Thiền uyển tập anh” được khắc in tại chùa Tiêu năm Ất Mùi (1715). Đây là bộ sử thiền có giá trị của nền văn hóa phật giáo Việt Nam. Nhục thân Như Trí là pho tượng thứ tư theo kiểu tượng táng tìm thấy ở Việt Nam, táng thức này ở Trung Quốc gọi là “Giáp trữ tất”, gần 300 năm mà vẫn còn gần như nguyên vẹn. Sau khi được trùng tu, ngài được thờ trong một ngôi nhà mới được xây dựng năm 2004 tại chùa.
    Chùa Thiên Tâm không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn là di tích lịch sử cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Tiêu là nơi thành lập và hoạt động của nhiều tiểu đoàn bộ đội địa phương huyện Yên Phong. Giữa và hai đầu xã là các bốt giặc, chúng càn quét, bắt bớ, nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta. Núi Tiêu còn là một vọng gác quan trọng của du kích kịp thời báo tin cho cán bộ hoạt động bí mật trong vùng địch, giữ vững căn cứ cách mạng.
    Chùa Thiên Tâm mãi mãi trường tồn gắn liền với lịch sử văn hóa vương triều Lý, với Thăng Long - Hà Nội đang ngày đêm đổi mới, là điểm hấp dẫn của nhiều du khách gần xa. Đến thăm chùa Tiêu, du khách sẽ thấy lòng mình thanh thản, tâm hồn thư thái vì được thắp hương tưởng nhớ đến công lao của Thiền sư Vạn Hạnh, được ngắm cảnh “sơn thủy hữu tình” và chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng của thời nhà Lê - Nguyễn.
7.  Một số hoạt động nhà trường đã làm.
- Sau khi Bộ GD-ĐT phát động phong trào thi đua“ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013, BGH nhà trường, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường đã tham mưu, lấy ý kiến và xin quyết định của UBND xã về việc nhận và chăm sóc khu di tích lịch sử chùa Tiêu.
- Ngay từ đầu mỗi năm học ( từ năm học 2008-2009 đến nay) nhà trường đã xây dựng cụ thể kế hoạch chăm sóc khu di tích lịch sử chùa Tiêu ( Có kế hoạch và phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên).
- Hàng năm nhà trường đã tổ chức cho học sinh tham gia vào các hoạt động:
    + Tổ chức tuyên truyền giáo dục cho học sinh có ý thức giữ gìn, bảo vệ khu di tích chùa Tiêu thông qua các giờ ngoại khóa, các hoạt động ngoài giờ lên lớp hoặc trong các môn học như Văn học, Lịch sử, GDCD, Mĩ thuật…
   + Tổ chức cho học sinh tham quan thực tế tại khu di tích để tìm hiểu về ý nghĩa, nét đẹp và sự độc đáo của các công trình kiến trúc trong chùa.
   + Tổ chức thi tìm hiểu về chùa Tiêu ( viết văn, làm thơ,…)
   + Tổ chức cho các em học sinh, các chi đội hàng tuần lên chăm sóc tại khu di tích ( như: Nhặt giấy rác, nhổ cỏ, vệ sinh trong và ngoài khuôn viên chùa,…) đặc biệt là những tháng đầu xuân, năm mới.
  - Tổ chức đánh giá, nhận xét, rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp khắc phục, phương hướng sau mỗi năm học.
8. Thông tin về nhà trường
Trường THCS Tương Giang
1. Họ và tên hiệu trưởng: Tạ Thị Diệp
    Chuyên ngành đào tạo: Đại học Toán; năm tốt nghiệp: 1999
    Điện thoại: 02413.740593                Di động: 0942 977 955
    Địa chỉ email: tadiepvn@yahoo.com
2. Họ và tên Tổng phụ trách Đội: Nguyễn Mạnh Hải
    Chuyên ngành đào tạo: Đại học Lý; năm tốt nghiệp: 2009
    Điện thoại: 02413.843608                     Di động: 0978 223 694
    Địa chỉ email: anhaiyen2010@gmail.com
3.Địa chỉ trường:
   Trường THCS Tương Giang xã Tương Giang – Thị xã Từ Sơn – Tỉnh Bắc Ninh.
    Điện thoại cố định: 02413 832401        02413 747205
    Địa chỉ email: tuonggiangthcs@yahoo.com.v




0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành