Ngôi nhà huyền thoại xứ Kinh Bắc
Nổi tiếng với kiến trúc đồ sộ, giàu tính dân...
Dòng họ hiển vinh với “Bảy đời khanh tướng sách còn ghi”!
Bước vào ngôi nhà cổ được xem là bề thế nhất miền Bắc có tuổi đời hơn 3 thế kỷ và lật giở từng trang gia phả được lưu giữ qua nhiều thế hệ, chúng tôi đã phần nào mường tượng được cuộc sống của một “danh gia vọng tộc” nơi đây. Trong gia phả có nhắc đến vai trò đặc biệt quan trọng của Tổ cô Nguyễn Thị Ngọc Long (con gái của Thủy tổ khảo Nguyễn Thạc Bác, chị gái của công thần Thái Bảo Tuyên Quận công Nguyễn Thạc Căn), bà dẫn dắt người em trai của mình có sức khỏe và tài trí hơn người ra phò vua giúp nước.
Vào thế kỷ 16, dưới thời nhà Lê, Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm mang quân ra Kinh Bắc đánh nhà Mạc. Khi qua làng Đình Bảng, gặp bà Nguyễn Thị Ngọc Long, ông đã đưa về kinh, lấy làm phi và đưa người em ruột là Nguyễn Thạc Căn về kinh phong cho chức quan Công thần Thái Bảo Tuyên Quận công. Kể từ đó, có thêm 6 đời dòng họ Nguyễn Thạc giữ các chức quan cao trong triều, hưởng nhiều tước lộc. Bà có công xin với vua Lê, chúa Trịnh miễn thuế, bạch bố cho dân làng Cẩm Giang, là người hưng công, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm (sau này đổi tên là chùa Kim Đài).
Dòng họ Nguyễn Thạc được hiển vinh từ đấy, nối tiếp nhiều đời được phong các tước hầu bá tử duới 12 đời vua Lê Trung Hưng và 8 đời chúa Trịnh. Hàng năm, những ngày giỗ vua nhà Lý, nhân dân Đình Bảng phải đón tiếp các quan tỉnh về làm chủ lễ rất vất vả nên năm 1740, cụ Nguyễn Thạc Cơ là quan huyện Đồ Sơn (Hải Phòng), được vua Lê, chúa Trịnh ban chức Đồng sự Cổ pháp Điện thay cho các quan huyện, tỉnh về làm chủ lễ. Cụ là quan đám đầu tiên và vĩnh viễn của làng Đình Bảng (khác với sau này người làm quan đám được dân bầu và chỉ làm 1 năm).
Đời thứ 7, Tướng công Diệu Đình Hầu, tự Thạc Lượng, chán cảnh quan trường, xin về ở ẩn để củng cố dòng họ. Cụ có người vợ rất đảm đang là Nguyễn Thị Nguyên, người quê Thanh Hóa (là nhũ mẫu nuôi dưỡng thái tử Trịnh Trụ). Hiểu được tâm nguyện nặng lòng với quê hương, bà đã tích cóp của cải, mua tám bè gỗ lim từ quê hương Thanh Hóa về xây nhà và đình làng. Đến nay, câu ca vẫn lưu truyền, ca ngợi công đức của bà: “Anh đi trấn thủ tỉnh Thanh/ Đơn sơ một tấm áo manh che mình/ Mình thương, mình sẻ chút tình/ Nuôi anh, nuôi gỗ dựng Đình làng ta”. Hai cụ đã gây dựng thành “môn cơ” gồm 5 tòa nhà ngói, dùng toàn gỗ lim và dành nhiều ruộng đất để phụng thờ… Trong đó, nhà thờ bà Chúa gồm 8 gian (xây năm 1701) trên mảnh đất 1 sào 4 thước; nhà thờ cụ Quận gồm 6 gian (xây 1702); nhà thờ bố nuôi cụ gồm 5 gian trên mảnh đất 1 sào 6 thước; ngôi nhà ở và lưu truyền cho các con trưởng, gồm 3 dãy nhà có 22 gian trên mảnh đất 2 sào 7 thước, hôm nay đã trở thành một di tích lịch sử lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc, là nguyên mẫu để xây đình Đình Bảng.
Ngôi nhà từ thế kỷ 17 và những huyền thoại…
Trải qua hơn 300 năm lịch sử, ngôi nhà đã là nơi sinh sống của 10 đời con trưởng dòng họ (bắt đầu từ cụ Nguyễn Thạc Lượng); ghi dấu 7 đời với 228 năm liên tiếp làm quan. Thật là hiếm có trong lịch sử!
Theo gia phả, ngôi nhà này lưu truyền cho con trưởng quản lý và thờ phụng, nhang khói. Hiện nay do ông Nguyễn Thạc Sủng (con trưởng dòng họ đời thứ 10) trông nom, cai quản. Đi qua khoảng sân khá rộng là đến ngôi nhà với kiểu kiến trúc điển hình của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Ngôi nhà dài 20m, 7 gian cân xứng với diện tích 135m2, toàn bằng gỗ Lim, được dựng trên mảnh đất 900m2 và phải mất 14 năm để hoàn thành (1686-1700). Ngôi nhà cổ lớn với bộ khung vững chãi và những cột lớn bằng gỗ quý, những kèo gối được trổ uốn lượn, tinh xảo… tạo cho ta cảm giác tôn nghiêm, cổ kính mà cũng không kém phần bền vững.
Ngôi nhà độc nhất vô nhị này do cụ Nguyễn Thạc Lượng và vợ dựng lên để tôn thờ các bậc tiên tổ trong dòng tộc, mong muốn đây sẽ là nơi hội tụ con cháu, nối dài mãi dòng tộc về sau… Tương truyền, lịch sử của ngôi nhà này chứa đựng nhiều huyền thoại. Sau khi làm ngôi nhà cho mình ở để chọn và thử tay nghề của nhóm thợ làng Pha (Thanh Hóa), ông bà hưng công xây dựng đình làng, lấy mẫu kiến trúc của chính ngôi nhà mình ở để nghiên cứu tạo dáng xây dựng đình Đình Bảng với thời gian 36 năm (1700-1736). Người làng còn lưu truyền chuyện khi ông thợ của tốp thợ đầu tiên đến xây dựng ngôi nhà có dắt theo đứa cháu nội 5 tuổi, đến khi hoàn thành ngôi nhà này và đình Đình Bảng thì người cháu đó đã ở tuổi 55.
Năm 1947, giặc Pháp chiếm đất giữ làng, ngôi nhà bị chiếm đóng, gia đình ông phải tản cư lên Thái Nguyên. Tất cả câu đối, sắc phong, gia phả… phải mang gửi nhà cụ Vĩnh Kỷ ở xóm Thịnh Lang. Thời kỳ này, ngôi nhà không còn nguyên vẹn. May mắn, một phần của căn nhà từ thế kỷ 17 này vẫn còn tồn tại cùng gia phả và một số loại đồ vật cổ có giá trị như các bảng sơn mài khắc các bài thơ nghi lễ và nhiều bảng sắc phong được trao cho các vị quan của dòng họ. Khi Pháp rút, cụ thân sinh ông Sủng trở về ngôi nhà của mình thì thấy dưới mỗi chân cột là một gói bộc phá nhưng chưa kịp châm ngòi. Kỳ lạ, trong trận lụt lớn năm 1971, chiếc hòm sắc phong bị cuốn trôi sang sân nhà hàng xóm thì dừng lại và quay tít như mách bảo, nhờ thế mới không bị thất lạc.
Tương truyền, khi ngôi nhà mục nát, sắp đổ thì tự nhiên ở ao Làn (của gia đình) có 1 bè gỗ lim nổi lên, người nhà chỉ việc lấy gỗ đó mà sửa chữa. “Có sự trùng hợp thế này: Năm 2000, khi ngôi nhà đang xuống cấp nghiêm trọng, các cột gỗ bị mục, một số cánh cửa bị hư hỏng. Gia đình tôi lo lắng tìm cách tu sửa thì thật may mắn, thông qua dự án hợp tác giữa Bộ Văn hóa-Thông tin Việt Nam và cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản trong chương trình phục hồi một số kiến trúc gỗ Việt Nam, trường Đại học Nữ sinh Chiêu Hòa tại Tokyo đã biết đến và tiến hành sửa chữa ngôi nhà này. Nhờ có dự án, khách tham quan giờ đây có thể chiêm ngưỡng những đồ vật cổ trong ngôi nhà đã được phục chế lại”- Ông Nguyễn Thạc Sủng- trưởng họ hiện đang sống ở ngôi nhà cho biết.
Phần kiến trúc độc đáo còn tồn tại đến ngày nay là 7 gian hậu đường, kiểu thức bình đầu, xây gạch mái lợp ngói mũi, khung gỗ lim, cấu trúc kiểu lọng tám chồng tam, không có quá giang, chỉ có hoành và các kèo gối. 8 cột hiên cao 2,6m; chu vi 85cm, 16 cột cái cao 4m, chu vi 110cm; 8 cột hậu; tổng số 40 cột lớn nhỏ dựng trên nền bó đá, tảng xanh. Phần chạm khắc được tập trung ở các đầu bẩy kẻ trường, con chồng ván long hệt với các mảng chạm khắc ở đình làng Đình Bảng với hình hoa, lá, vân mây cách điệu, những xoáy gỗ được chạm theo thuyết âm dương ngũ hành một cách tinh xảo... Ngoài ra, hệ thống cửa bức bàn gồm 27 cửa cũng có kích thước, kiểu dáng của đình. Trước bàn thờ tổ là hoành phi và đôi câu đối cổ “Cổ pháp tú linh trung bát diệp sơn hà lưu vượng khí/ Hoàng Lê phong vũ nhuận thất truyền trâm hốt nhẫn cao môn” (Đại ý nói rằng, đất Đình Bảng linh thiêng có 8 đời vua nhà Lý, thì dòng họ Nguyễn Thạc đã có 7 đời con trưởng sống tại ngôi nhà này đã làm quan thời Hậu Lê).
Trải nhiều năm tháng, chiến tranh và thiên tai tàn phá, gia đình ông vẫn bảo lưu được khá nhiều những tài liệu quý: 12 quyển gia phả giấy dó; 11 đạo sắc phong, 5 lệnh chỉ, hoành phi câu đối, hộp đựng sắc phong, hương án, ngai thờ, sập gụ, tủ chè cổ… Hầu hết các tài liệu, hiện vật đó đều thuộc về di sản văn hóa thời nhà Lê, nhà Nguyễn có giá trị lịch sử, nghệ thuật to lớn đang được nghiên cứu.
Nỗi niềm… nhà cổ
Theo số liệu khảo sát của nhóm kiến trúc sư Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) thì ở Việt Nam hiện nay chỉ còn khoảng 10 ngôi nhà cổ từ 300 tuổi trở lên. Ngôi nhà lưu truyền này của dòng họ Nguyễn Thạc là một trong những ngôi nhà quý hiếm đó. Nếu đây trở thành một điểm đến trong tour du lịch về Đền Đô, về miền Kinh Bắc thì đó là một ý tưởng tốt đẹp để du khách trong và ngoài nước có dịp chiêm ngưỡng một công trình cổ tiêu biểu cho kiến trúc gỗ Việt Nam từ thế kỷ 17 này.
“Ngôi nhà có thể được giữ nguyên vẹn và tồn tại đến ngày nay là qua 10 thế hệ các con trưởng dòng họ Nguyễn Thạc đoàn kết, trông nom gìn giữ. Để gìn giữ ngôi nhà được nguyên vẹn qua hơn 3 thế kỷ qua, các con thứ đời này qua đời khác được phân chia đất đai ở khu vực cận kề”- Ông Sủng chia sẻ. Tuy nhiên, hiện nay, ngôi nhà cổ này không chỉ riêng gia đình ông Sủng sử dụng. Kiến trúc của ngôi nhà có nguy cơ bị phá vỡ bởi hiện tại ngôi nhà nhìn tổng thể vẫn giữ được nguyên vẹn, nhưng hiện đã ngăn chia cho 3 gia đình sinh sống. Ngôi nhà 7 gian nguyên vẹn nhưng thực chất chỉ có 3 gian giữa để thờ cúng và cho du khách thăm quan, chiêm ngưỡng. Hai gian bên phải ngôi nhà do gia đình ông Nguyễn Thạc Tùng ở (hiện đang sinh sống tại Hà Nội) bị bỏ không nhiều năm, chất đồ kín góc hiên. Hai gian trái do gia đình anh Nguyễn Thạc Sỹ (cháu ông Sủng) ở thì bừa bộn, nhếch nhác. Nhà chật nên khoảng hiên thành nơi chứa đồ dùng sinh hoạt, dây phơi, chạn bát, bếp ga… làm nguy hại đến sự an toàn và mất vẻ trang nghiêm, giá trị thẩm mỹ vốn có của ngôi nhà.
Năm 2003, ngôi nhà được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Năm 2004, ngôi nhà này vinh dự là một trong sáu ngôi nhà của Việt Nam được tổ chức Unesco khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ghi nhận là Di sản văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, được UNESCO công nhận đã là một việc khó nhưng việc giữ gìn, bảo vệ di tích lịch sử này được nguyên vẹn, lâu dài là việc khó hơn nhiều lần.
Chúng ta trân trọng sự đóng góp, ủng hộ của các chuyên gia Nhật Bản và quý trọng những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc thì việc có những biện pháp phù hợp để bảo tồn ngôi nhà này càng cấp bách hơn bao giờ hết. Đó cũng là cách thể hiện sự trân trọng những đóng góp, giúp đỡ từ phía các chuyên gia Nhật Bản. Mục tiêu bảo vệ, quản lý ngôi nhà này từ lâu cũng đã được đưa vào chương trình quốc gia nhằm bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống, cần được các cấp, ngành quan tâm, bảo vệ để gìn giữ cho các thế hệ mai sau…
Theo BBN
Share on facebook 1 người thích - Thích
0 Bình luận