Số người đang online : 49 Nguyễn Phan Chánh - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Nguyễn Phan Chánh
post image
Nguyễn Phan Chánh

Nguyễn Phan Chánh (1892-1984): quê ở thôn Tiền bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ông lấy bút hiệu là Hồng Nam.

Nguyễn Phan Chánh sinh ra và lớn lên ở một miền quê văn hiến nhưng đó mảnh đất nghèo đang chịu ách áp bức của thực dân phong kiến. Mồ côi cha từ lúc 7 tuổi, hoàn cảnh gia đình, hiện trạng xã hội là cả một gánh nặng đặt lên đôi vai non trẻ của ông. Vốn có năng khiếu bẩm sinh về hội hoạ, điều đó chẳng những nâng đỡ tinh thần ông mà nó còn trực tiếp cùng ông kiếm kế sinh nhai, nét vẽ tài hoa của ông về sau để lại cho hậu thế một dòng tranh lụa dạt dào thấm đậm tính dân tộc. Những năm tháng học chữ Hán và chữ Quốc ngữ ở quê nhà đã giúp ông làm quen với tinh thần hội hoạ phương Đông qua thi pháp trực hoạ ước lệ trên chữ Hán. Thời gian ở Huế đối với ông là cả một môi trường rộng lớn để tiếp cận với nghệ thuật từ kiến trúc lăng tẩm, Kinh đô đến tranh vẽ tường tranh khắc phong cảnh trên khắp cõi Nam trong đó có núi Hồng, sông Lam quê hương ông.

Năm 1925 được bạn bè khuyết khích Nguyễn Phan Chánh thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội, gần một trăm thí sinh ông là người Trung Kỳ duy nhất lọt vào mắt ban giám khảo người Pháp, sau 5 năm theo học ông là một trong 10 thí sinh chính thức được lọc tuyển. Giàu vốn sống dân gian, ham học hỏi tình yêu nghệ thuật tha thiết nên chỉ ít năm sau khi được tiếp xúc những nguyên tác tranh lụa Trung Hoa, lụa Nhật Bản đã nhanh chóng khơi dậy trong ông nguồn cảm hứng sâu xa dòng nghệ thuật phương Đông. Những bức tranh lụa của ông đã thành công rực rỡ từ những năm 1931 với các tác phẩm như: chơi ô ăn quan, em cho chim ăn, rửa rau cầu ao,vv..., thời kỳ rực rỡ của hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh bộc lộ tư chất phong tình của người Hà Tĩnh sớm hình thành xu hướng hiện thực trong từng tác phẩm lấy thân phận con người thời bấy giờ là mục tiêu biểu cảm.

Tác phẩm đầu tay tham gia đấu xảo quốc tế Pari đã đem lại vinh dự lớn lao cho tác giả và chính nó làm cho cái nhìn kỳ thị của người Pháp về tạo hình Việt Nam phải thay đổi sâu sắc. Bút pháp trong tranh lụa Nguyễn Phan Chánh đã làm được điều từ lâu nghệ thuật tạo hình Việt Nam chưa thực hiện được, thế giới biết nghệ thuật vẽ tranh lụa Việt Nam qua Nguyễn Phan Chánh. Sau khi ra trường mặc dù tên tuổi của ông đã có ảnh hưởng ra tận nước ngoài nhưng ở Đông Dương người ta chỉ xếp cho ông một chân dạy học trong trường Mỹ thuật, sau đó lại tìm cách thay chân ông bằng một người được lòng nhà chức trách Pháp. Năm 1938 thuê phòng riêng trưng bày và một mình làm tất cả mọi việc để tổ chức triển lãm cá nhân, đây là cuộc triễn lãm để rồi chia tay Hà Nội trở về nông thôn tiếp tục vẽ những người nông dân bình dị thân quen trên quê hương ông. Mãi đến 17 năm sau khi hoà bình lập lại ở Miền Bắc ở tuổi 63 ông mới trở lại Hà Nội tiếp tục phát triển và sáng tạo dòng tranh lụa Nguyễn Phan Chánh. Cuộc đời làm tranh lụa của ông từ sau cách mạng tháng Tám mà đỉnh điểm từ 1955-1973 với một số lượng đánh kính nể: 58 bức tranh lụa và nhiều kí hoạ gói trọn trong 18 năm sáng tác ở tuổi 60-80. Tranh ông đại diện cho dòng lụa dân tộc suốt gần nửa thế kỷ. Nhiều triển lãm được khai trương là bài học bổ ích cho hội họa Việt Nam là tiếng nói cho nghệ thuật Việt Nam với thế giới.

Tranh lụa hiện đại Việt Nam nửa thế kỷ, lịch sử mỹ thuật Việt Nam ghi nhận sự đóng góp lớn lao của hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh. Ông đã đặt nền móng cho chất liệu lụa Việt Nam với bút pháp nhất quán độc lập suốt cuộc đời sáng tạo của mình. Tên tuổi của ông đi vào mỹ thuật Việt Nam và thế giới giúp cho thế hệ sau này nhận chân dung của mình trong cái vô cùng của nghệ thuật.

Nguyễn Phan Chánh sinh ngày 21 tháng 7 năm 1892 tại thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà nay là phường Tân Giang, thị xã Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1922 ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm thuộc trường Quốc học Huế. Sau đó ở lại dạy học tại trường tiểu học Đông Ba Huế. Năm 1925, Nguyễn Phan Chánh là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng học với Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Georges Khánh (điêu khăc). Năm 1928, ông bắt đầu sáng tác các tranh sơn dầu: "Mẹ bầy cho con đan len", "Hai vợ chồng người nông dân trục lúa". và cũng năm nay ông bắt đầu học vẽ trên lụa Vân Nam và đã thành công. Ông tốt nghiệp năm 1930.

Năm 1931, Nguyễn Phan Chánh sáng tác tranh lụa "Chơi ô ăn quan" cùng một số họa phẩm khác như "Cô gái rửa rau", "Em bé cho chim ăn", "Lên đồng". Cũng năm này tại triển lãm Paris, Pháp một số tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã được Giám đốc Victor Tardieu mang về Pháp giới thiệu. Lần đầu tiên công chúng Pháp biết tranh lụa Việt Nam qua bút pháp Nguyễn Phan Chánh. Họa báo L'Illustration xuất bản ở Paris số Noel 1932 đã giới thiệu 4 bức tranh này của hoạ sĩ. Một số tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã được trưng bày ở Milan (Ý) năm 1934, ở San Francisco (Mỹ) năm 1937, ở Tokyo (Nhật Bản) năm 1940. Sau cuộc triển lãm ở Paris, hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh được coi là người đặt nền tảng cho tranh lụa hiện đại Việt Nam.

Năm 1933, ông tham gia bày tranh ở Địa ốc Ngân hàng Hà Nội và triểm lãm cá nhân lần thứ nhất ở Hà Nội. Năm 1935, ông tham gia triển lãm do Hội Chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ (SADEAI) tổ chức lần thứ nhất tại Hà Nội. Năm 1938, ông tham gia triển lãm do SADEAI tổ chức lần thứ 2 tại Hà Nội, cũng năm nay ông tổ chức triểm lãm cá nhân lần thứ 2 tại Hà Nội với các tác phẩm tiêu biểu: "Đôi chim bồ câu", "Chăn trâu trong rừng", "Đi chợ", "Tắm cho trâu", "Đi lễ chùa". Năm 1939, tại quê ông đi vẽ ảnh "Đền làng", "Cầu ao", "Xóm Chài", "Hui thuyền", "Thuyền đánh cá", và cũng trong năm đấy Nguyễn Phan Chánh gửi sang Pháp những tranh cỡ lớn "Mùa đông đi cấy", "Chim sổ lồng", "Chị em đùa cá", "Công chúa hoa dâm bụt" cùng một số tác phẩm khác.

Sau Cách mạng tháng 8, Nguyễn Phan Chánh là Ủy viên Thường vụ Hội Văn hóa Cứu quốc của tỉnh. Trong thời gian này ông đã vẽ hình của rất nhiều các lãnh tụ và các chiến sĩ cộng sản: Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú. Trong chín năm tham gia kháng chiến, họa sĩ đã vẽ tranh tuyên truyền cổ động: "Em bé tẩm dầu", (1946), "Phá kho bom giặc" (1947), "Lội suối", (1949).

Năm 1955, Nguyễn Phan Chánh trở về Hà Nội, làm giảng viên hội họa Trường Đại học Mỹ thuật trong vài năm. Năm 1957, ông được bầu vào Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khoá I. Năm 1962, ông là Đại biểu Đại hội liên hoan Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III.

Nguyễn Phan Chánh sáng tác tác phẩm đầu tiên về đề tài kháng chiến chống Mỹ, "Sau giờ trực chiến" (1967), tiếp đó là "Trăng tỏ" (lụa, 1968), "Chiều về tắm cho con" (1969), "Trăng lu" (lụa, 1970). Trong những ngày máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, phòng tranh mừng hoạ sĩ 80 tuổi vẫn được mở tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sau đó bày tại 10 Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội. Năm 1973, Nguyễn Phan Chánh sáng tác những tác phẩm cuối cùng về đề tài tắm: "Tiên Dung tắm", "Tiên Dung và Chử Đồng Tử", "Lội suối" và bức sau cùng là "Kiều tắm". Năm 1974, ông dự triển lãm tranh tượng về đề tài lực lượng vũ trang với tác phẩm "Sau giờ trực chiến" (lụa).

Tháng 8 và tháng 9 năm 1982, mừng thọ hoạ sĩ 90 tuổi, Bộ Văn hoá Việt Nam cùng Bộ Văn hoá Tiệp Khắc, Bộ Văn hoá Hungary tổ chức triển lãm 47 tác phẩm của các thời kỳ sáng tác của Nguyễn Phan Chánh tại Praha, Bratislava, Budapest, Bucharest. Tháng 7 năm 1983, phòng tranh Nguyễn Phan Chánh được trưng bày tại Viện Bảo tàng Phương Đông ở Moskva.

Ông mất ngày 22 tháng 11 năm 1984 tại Hà Nội và được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch.
Đóng góp

Ông được coi là người chiết trung phương pháp tạo hình phương Tây và họa pháp tranh lụa phương Đông.

Trong cuộc Đấu xảo thuộc địa 1931 tại Paris những tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Phan Chánh đã gây được tiếng vang lớn. Ông được xem như một trong những họa sĩ tiêu biểu cho nền hội họa Đông Dương.

Với những thành tựu trong sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Phan Chánh được mời tham gia giảng dạy Mỹ thuật tại một số trường học, trong đó có Trường Bưởi và Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1955). Ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam sau này.

Suốt cuộc đời làm nghệ thuật, Nguyễn Phan Chánh đã để lại một sự nghiệp đồ sộ với số lượng ước khoảng trên 170 tác phẩm. Ông là người đang giữ kỷ lục về số tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Bức tranh Người bán gạo (tiếng Pháp: La marchand de riz) trong cuộc bán đấu giá của Christie's International tại Hongkong ngày 27 tháng 5, 2013 được bán với giá kỷ lục là 390.000 Mỹ kim. Vào thời điểm đó, đây là giá cao nhất trên thị trường mỹ thuật trả cho một bức tranh của họa sĩ người Việt.
Các tác phẩm tiêu biểu

    Chơi ô ăn quan
    Lên đồng
    Em bé cho chim ăn
    Rửa rau cầu ao
    Đi cày
    Đi cấy

    

    Trốn tìm
    Chim sổ lồng
    Chị em đùa cá
    Trăng tỏ
    Trăng lu
    Chiều về tắm cho con

    

    Sau giờ trực chiến
    Bát nước giải lao
    Đi chống hạn
    Đan mây
    Bữa cơm mùa thắng lợi
    Tiên Dung và Chử Đồng Tử
    Người bán gạo

Phong tặng

Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng 3, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất. Ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996.

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành