Số người đang online : 29 Bánh Mỳ - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Bánh Mỳ
post image
Bánh Mỳ

Bánh mì xuất hiện ở Hà Nội chỉ từ đầu thế kỷ này, sớm thì vào thập kỷ cuối của thế kỷ trước. Cho đến năm 1945, nó còn mang tên bánh Tây. Cái tên ấy cũng nói lên hoàn cảnh du nhập vào, và khi nó được đổi tên thành bánh mì, cũng có ý nghĩa của nó, đánh dấu một cái mốc trong lịch sử dân tộc.

Bánh mì đã trở thành quen thuộc, thành món ăn hàng ngày dù chỉ là ăn chơi, là quà chứ nó không thể thay cơm tẻ. Nó quen thuộc như rượu vang, bơ, phó mát, thuốc lá… mọi thành phần, mọi lứa tuổi, ai cũng biết nó, ai cũng ăn được.

 

Bánh mì có bạn riêng. Thứ này đi với nó nhưng thứ khác lại không thể hợp với nó. Không thể ăn bánh mì với cà dầm tương chẳng hạn. Một thời nhiều người phải ăn bánh mì với rau muống luộc. Phải ăn mà thôi. Bất đắc dĩ mà thoi. Không ăn thì đói. Mà ăn thì chỉ không ngon, chứ cũng không chết người. Tuy nhiên khi có điều kiện để điều chỉnh thì thôi ngay, hai món ấy chia tay nhau ngay.

Ít ai ăn cơm với ba tê, xúc xích, phó mát, dù cho cả đến cơm tám, pa tê gan. Bánh mì đi với canh cá, ốc nấu cũng khập khiễng.

 

Trước chỉ nghe thấy buổi sáng, người ta rao ời ợi khắp nơi: “Bánh Tây pa tê”, chứ không thấy ai rao “bánh tây cá kho” bao giờ… Cái lưỡi con người tinh vi lắm, cái nào hợp với cái nào, đâu có thể tuỳ tiện, ngẫu nhiên. Bánh mì chỉ hợp với pa tê, xúc xích, bơ phó mát, hoặc thêm thì cá xác-đin, sữa v.v… Tất cả nhứng thứ ấy có lẽ là cùng đi một chuyến nhập vào Việt Nam một lúc.

Sáng sớm, trời mờ sương, đường phố còn ngái ngủ, mấy ông hàng cà phê gánh, cà phê tủ ở đầu phố đã dọn hàng. Thường gặp ở phố Phùng Hưng, phố Hàng Vôi, phố Bờ Sông chỗ Nhà máy Nước đá, và có lẽ hầu khắp các phố, đều có những ông cà phê như thế. Mấy cái bình bằng nhôm to, có cái quai cầm và cái vòi cong cong như cổ con ngỗng, lúc nào cũng được đánh sáng bóng, đó là bình pha cà phê, nó sẽ đựng một cái túi lọc, cái túi hơi giống chiếc bít tất, vì vậy mà cà phê pha kiểu này được gọi vui là “cà phê bít tất”. Trong chiếc tủ kính nhỏ, hình vuông, cả bốn mặt đều lát kính sáng loáng, nhiêu ngăn ,sẽ có bánh ngọt, những tảng bơ, phó mát, pa tê còn một lớp mỡ trắng, xúc xích từng thỏi như khúc dồi khổng lồ, giăm bông còn vết lạt buộc… và quan trọng là một thức mùi thơm quyến rũ, thơm đến nao lòng: mùi thơm của bánh mì mới ra lò, từ lò bánh Mì Sô gần Hàng Vôi chẳng hạn.

Mùi thơm bánh mới ra lò ngòn ngọt, không giống mùi xôi lạp xường, cũng không giống hương cốm, càng không giống cơm tám, cơm gạo dự. Hình như hương thơm ấy chứa màu vàng, có vị giòn, có cái hơi ngòn ngọt ở đầu lưỡi khi nhai nó một mình một cách thong thả.

Cầm một miếng bánh mì mới ra lò như thế, cùi vàng ngậy, giòn tan, ruột mềm xốp trắng tinh, cả cái vụn bánh khi bẻ ra, hứng vào lòng bàn tay, khum khum lại, ngửa cổ, hất vào miệng, cũng đầy thú vị, vừa thơm, vừa bùi, vừa ngậy, vừa ngon, vừa ngọt.

Ăn với gì là tuỳ túi tiền. Bơ, xúc xích, pa tê, giăm bông, rồi gọi một tách cà phê bít tất, một bữa sáng rẻ tiền, nóng sốt, ngon lành, nhanh chóng… đó là thói quen của phần lớn người trung lưu trở xuống.

Bánh mì không hợp với nước mắm. Muối rang, nghiền nhỏ, trộn lẫn ít hạt tiêu, nhón bằng đầu ngón tay mà rắc rắc vào cái bánh đã rạch một đường ở bụng… Bánh mì cũng có thể ăn chay với một cốc cà phe đen, cà phê sữa. Sang thì đập trứng lập là, đắt tiền hơm nữa thì bít tết. Đĩa bít tết còn chút nước hồng ngòn ngọt ấy, cũng là một cách ăn Hà Nội, không phải là hà tiện, tiết kiệm, mà là để thưởng thức hết, là tận dụng cái ngon đến miếng cuối cùng.

Một thời tem phiếu, đổi được chiếc bánh mì là cả một kỳ công. Xếp hàng dài dằng dặc, cô mậu dịch viên đưa cho cái bánh nào thì phải nhận cái ấy, mù, khoèo gì cũng thế. Các cô còn ngồi lên bao tải bánh mì, kéo bao bánh lê lết trên vỉa hè… Phải chấp nhận hết, kể cả xác những con bọ trong ruột bánh, hay cục bột sống lổn nhổn trong bánh.

Ăn bánh mì có người thích ăn cùi bỏ ruột, có người thích ăn ruột hơn cùi. Khẩu vị mà thôi. Có người cẩn thận, bánh mua về còn nướng qua để sát trùng vì cho rằng chiếc bánh từ khi ra lò đến miệng người ăn, phải qua hàng chục bàn tay người, chắc gì tinh khiết. Cũng có lý nhưng hơi quá mức.

Ngoài thứ bành mì thông thường, còn có loại bánh mì mềm. Nó trông như chiếc gối, nên còn gọi là bánh gối (không phải thứ bánh gối có nhân miến, mộc nhĩ, rán giòn, ăn vào buổi tối với tương ớt ở vỉa hè). Loại bánh mì gối này thường xuất hiện trong những bữa cơm tây, bữa tiệc lớn. Nó không là quá ăn chơi nữa. Lại còn thứ bánh mì rán ở vỉa hè, bánh mì khô (bít cốt) bán cân, làm quà trưa cho trẻ nhỏ nhấm nháp cũng tiện.

 

Bánh mì là cơm của nhiều nước trên thế giới. Với Việt Nam, Hà Nội, bánh mì là quà, thứ ăn cho vui, ăn điểm tâm, chứ bao giờ là cơm hàng ngày một cách lâu dài.

Đi đâu xa, không phải nắm cơm nắm như trước, vì hiện nay, bánh mì đã có mặt khắp nơi, rất phổ biến. Buổi trưa, cùng với các hàng “cơm bụi”, hàng bánh mì cũng rất nhiều. Bánh mì pa tê, thịt mỡ thái mỏng, xa xíu… và người ta còn cho cả dưa chuột, dưa góp tương ớt vào bánh mì, cũng cứ được. Phố Hoà Mã ít lâu nay mới xuất hiện một loạt hàng bánh mì bít tết, trứng lập là. Ở đây, bánh mì chỉ là thứ ăn kèm với thức ăn được làm chín trong những cái chảo bằng gang chuyên dùng, có hình con cá con cua lạ mắt. Khách đông nườm nượp, mỡ làm thức ăn bắn ra vỉa hè như được phủ một lớp dày, đen đặc, người đi bộ không cẩn thận, trơn ngã là rất dễ.

Bánh mì ăn có giờ rất ngon. Tuy vậy, giờ nào ăn bánh mì cũng được. Nó hợp với tất cả mọi khẩu vị. Ăn với thức ăn đắt tiền kèm theo hay chỉ nhai chiếc bánh mì không thôi, cũng không sao cả, thậm chí vừa đi vừa ăn để tiết kiệm thì giờ và cũng là giản tiện của cảnh ít tiền, cũng chả ai cười.

Xưởng sản xuất bánh mì không còn là của một hai nơi, như hãng Misô, nhà hàng Bôđêga… Nay không thể tính xuể, nhưng cũng ít hơn một thời phố nào cũng có lò bánh mì để làm bánh đổi, cùng với bánh qui gai xốp, trong cảnh bao cấp cái gì cũng thiếu.

Ăn bánh mì, cắt ra, hay bẻ ra, thế nào cũng được, và có lẽ không một ai có thể nói rằng chưa một lần ăn bánh mì.

 

 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành