Số người đang online : 17 VỀ VỚI CÙ LAO CÂU - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

VỀ VỚI CÙ LAO CÂU
post image
VỀ VỚI CÙ LAO CÂU

Nếu bạn đã về với huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận...

Là một người con của Tuy Phong, tuy đã đến với Đảo nhiều lần nhưng cứ mỗi lần đi là cảm giác háo hức, được về với thiên nhiên cứ làm tôi nôn nao khó tả. Đoàn của tôi lần này có 8 người, tôi có nhiệm vụ hướng dẫn cho các anh chị từ Sài Gòn ra thăm quan. Do chưa có bến, tàu ra đảo chủ yếu là tàu đánh cá của ngư dân. Tàu nổ máy xuất phát lúc 7giờ 30 phút, đi được hơn 20 phút là đến khu vực các ngư dân sử dụng thuyền thúng để lặn, bắt cá, câu cá. Cù Lao Câu ở ngay trước mặt của chúng tôi, hiện ra một lúc rõ hơn. Biển đổi màu, từ xanh dương sang xanh lá cây. Đảo hiện ra gần hơn, biển lại có màu xanh ngọc bích, một màu xanh thật đẹp, thật trong và cũng thật lạ.

8 giờ 15 phút tàu cập bến, tôi hướng dẫn các anh chị lên một quán nước tập kết để đồ đạc, quán do một ngư dân nhiều đời ở xã Phước Thể, gắn bó với đảo dựng lên. Mùa gió, nước nổi, quán bị dẹp lại, chờ đến mùa nước rút, quán lại được dựng lên để phục vụ ngư dân qua lại uống miếng nước, ăn chút quà vặt. Thời gian gần đây, thường xuyên có khách du lịch nên quán còn thêm chức năng phục vụ các nhu cầu của khách như nằm võng, ẩm thực hải sản, tắm nước ngọt. Nước biển trong văn vắt có thể nhìn tận đáy những rạng san hô, các anh chị thích quá cùng ùa nhau xuống tắm biển, khi tắm lên có người bị sứa quấn đỏ và ngứa, chúng tôi được các ngư dân pha đường cát với nước ngọt để thoa lên chỗ bị sứa quấn, thật hay khoảng 10 phút sau chỗ vùng da đỏ và ngứa đã dịu lại, đúng là một mẹo hay của ngư dân biển.

Chúng tôi đến với Giếng Tiên để lấy nước ngọt tắm lại cho sạch, cả Đảo chỉ có một cái giếng này để lấy nước ngọt, tuy ít nước nhưng đó là nước nhỉ nên giếng thường xuyên có nước vì vậy ngư dân ở đây gọi là giếng Tiên.

Theo yêu cầu, tôi dắt các anh chị đi tham quan một vòng quanh đảo, mọi người được dịp trầm trồ và chiêm ngưỡng vô vàn những viên đá với đủ hình dạng, hình thù khác nhau. Ai cũng tranh thủ chụp hình để lưu lại những khoảng khắc đẹp với “vương quốc đá”, thiên nhiên đã ưu đãi và ban tặng cho Đảo với nhiều hình dáng đá bạt ngàn, có viên đá mang dáng dấp của hình chú rùa, hình gấu nhìn thật đẹp và lạ mắt, xa xa những lùm cây xanh chen vào, pha sắc xanh của cây vào màu nâu bóng thời gian của đá tạo nên một bức tranh sống động như giữa thiên cung. Do vẫn còn hoang sơ, nên nhiều khu vực trên đảo chưa có tên gọi. Ngoài quần thể đá đủ hình dáng từ chim se sẻ đến rùa, gấu…đảo còn có những hang, khe thiên tạo dáng rất lạ. Theo địa thế của từng khu, nhiều cái tên mới ra đời như hang Tình Yêu, khe Sung Sướng, bãi Tắm Tiên, bãi San Hô, bãi Cá Suốt…

Tôi hướng dẫn các anh chị đến thăm hang yến, một hang có hàng trăm con chim yến xây tổ, dân đi biển vào mùa hè thường ghé lại lấy trứng, lấy tổ yến nhưng gần đây có sự bảo vệ của bộ đội đóng trên đảo nên người đi biển không khai thác tổ yến nữa, vì vậy mà yến sinh sôi ngày càng nhiều. Tiếp theo là bãi cá suốt, ở bãi này đặt biệt chỉ có và có rất nhiều cá suốt, một loại cá được ngư dân biển dùng làm gỏi rất ngon, chỉ cần ngồi thả câu khoảng 1 giờ là có thể có ½ kg cá suốt để làm gỏi.

Đến gần 11 giờ thì mọi người đã bắt đầu mệt, chúng tôi về lại quán để dùng cơm trưa với các món ăn mang đậm mùi vị của biển: cua đá, gỏi cá suốt, mực trứng nướng, cháo cá thu…ôi mùi của biển, của cá, của mực…thơm phưng phức làm nức lòng các anh chị đến từ Sài Gòn, tôi nhìn họ ăn mà thấy vui và tự hào trong lòng vì đã giới thiệu được vùng biển đảo của quê hương đến với bạn bè phương xa.

Chúng tôi nghỉ trưa trên những chiếc võng đong đưa, đón những ngọn gió biển mát rượi, 14 giờ chúng tôi lại bắt đầu hành trình, để giới thiệu những điều thú vị trên Đảo tôi dắt mọi người đến đền thờ thần Nam Hải (cá voi), vị thần này theo tín ngưỡng của ngư dân rất linh thiêng và có nhiều lần cứu nguy cho ngư dân trên biển bị nạn. Đến nay không ai biết ngôi đền do ai xây dựng và dựng vào thời nào nhưng phong tục tập quán và sự tín ngưỡng vị thần trong ngôi đền vẫn được giữ gìn, lưu truyền và thờ phụng một cách rất trang nghiêm từ xưa đến nay. Lễ cúng lớn nhất ở Đền thờ thần Nam Hải trên Cù lao Câu là vào dịp rằm và 16 tháng Tư âm lịch hàng năm và tổ chức hát chèo bả trạo để tế Ngài. Tôi thuyết minh lại những hiểu biết và nhìn thấy của mình ở các chuyến đi trước để các anh chị được biết, vì chúng tôi đi không đúng dịp rằm tháng tư, để được thưởng thức xem việc thờ cúng và hát chèo bả trạo để tế Ngài tại đền thờ này. Xung quanh ngôi đền là hàng chục bộ hài cốt xương cá voi khi bị thương hoặc chết, xác trôi dạt vào đảo được người dân ở đây chôn cất xung quanh phía sau ngôi đền, thờ cúng rất trang nghiêm.

Cuối cùng, chúng tôi đến với bãi tắm Tiên, một bãi tắm nhỏ nằm giữa 2 vách đá dựng đứng, một bãi cát trắng mịn màng, làn nước trong xanh có thể nhìn tận đáy biển, nơi có các rặng san hô và từng đàn cá nhỏ tung tăng bơi lội…Bãi này được gọi là bãi tắm Tiên vì nó nhỏ và nằm kín đáo giữa 2 vách đá, rất thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng của những gia đình nhỏ hoặc những đôi uyên ương đang yêu nhau. Vì không chuẩn bị ở lại đêm trên Đảo nên 16 giờ chúng tôi về lại đất liền,                              

 Nếu bạn muốn đến tham quan, khám phá Đảo Cù Lao Câu tôi mách nhỏ với các bạn nên đi vào những dịp ngày rằm trăng sáng khung cảnh rất đẹp, vì Đảo vẫn còn nguyên dáng vẻ hoang sơ với thảm thực vật phong phú, đa dạng, khí hậu trong lành, mát mẻ. Nhìn qua làn nước, những viên đá cuội, sỏi, vỏ ốc luôn ẩn hiện đầy bí ẩn. Tự nhiên tâm hồn mình thấy thảnh thơi, thư thái, quên đi những buồn vui, stress, căng thẳng… trong cuộc sống hàng ngày.

Hoang sơ, đầy bí ẩn, thu hút và rất thú vị là ấn tượng mà các anh chị từ Sài Gòn sau khi kết thúc chuyến tham quan đã nhận xét như thế. Đảo là nơi thích hợp cho những người thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ của biển, yêu cảm giác mạo hiểm, hứng thú với các hoạt động như tắm biển, đánh cá, câu mực, ngắm san hô…Hiện nay Cù Lao Câu được quy hoạch làm khu bảo tồn sinh vật biển, trong tương lai Đảo Cù Lao Câu huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận sẽ hứa hẹn nhiều triển vọng về du lịch sinh thái.

 

http://binhthuan.gov.vn

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành