Xã Bằng Cả huyện Hoành Bổ, tỉnh Quảng Ninh là nơi đồng bào dân tộc người Dao Thanh Y sinh sống. Đã từ nhiều đời nay, ở xã Bằng Cả có một sinh hoạt văn hoá mang tính truyền thống, tính cộng đồng cao, đó là “ Hội làng Bằng cả”. Hội làng Bằng Cả được diễn ra vào 5 ngày trong năm vào những ngày: ngày 1 tháng, ngày 1 tháng 4; ngày 1 tháng 7; ngày 1 tháng 10 và ngày 20 tháng chạp là lễ tổng kết năm.... Trong đó, ngày Lễ chính đầu năm mới (1-2 âm lịch) được tổ chức lớn nhất.
Trước kia hội làng có nhiều quy định rất nghiêm ngặt, người đến dự hội làng trước đây chủ yếu là nam giới, chủ hộ gia đình, trên nguyên tắc tự nguyện. Ngày nay, nguyên tắc khắt khe ấy cũng dần được bỏ qua. Ngày nay vào ngày hội, con cháu các dòng họ người Dao Thanh Y trong làng dù đi đâu xa cũng quy tụ về chung vui hội làng.
Đây là Lễ hội truyền thống của đồng bào người Dao Thanh Y tại Bằng Cả, với ý nghĩa cầu trời, thổ địa, thổ công, thành hoàng làng phù hộ cho dân bản năm mới mưa thuận, gió hoà, làm ăn phát đạt, mùa màng tốt tươi; Cầu chúc cho các dòng họ, dân bản hạnh phúc, mạnh khỏe, đoàn kết, sống vui vẻ thuận hoà…
Đên ngày hội mỗi hộ gia đình đóng góp một số vật phẩm như gà, gạo nếp, rượu chua…cho thầy mo (trưởng tộc) của các dòng họ Dao Thanh Y. Ông thầy mo phải là người cha truyền, con nối, nối dõi tông đường. Nếu ông thầy mo qua đời người nối tiếp phải được dân bản bầu chọn lại. Ông trưởng tộc phải có đủ điều kiện, đã theo học học nghề thầy mo biết các bài khấn trong hội làng, đồng thời là người có đủ uy tín, được các dòng họ tín nhiệm ... để giúp thầy mo trong hội làng. Việc đóng góp vật phẩm được làm công minh: Làng bầu ra một thủ quỹ để cân đo, ghi chép những vật phẩm do làng đóng góp, một ông kế toán quyết toán sau hội làng, nếu phần đóng thừa thì được lấy ra, nếu thiếu thì phải nộp thêm vào, phải công khai tài chính với dân làng sau khi kết thúc hội làng. Các vật phẩm sau khi được mọi nhà đóng góp, thịt gà, thịt lợn được đem luộc, gạo nấu xôi, làm bánh và trứng cũng được luộc. Sau khi soạn ra hai mâm để thầy mo cả và thầy mo hai làm lễ cầu khấn. Trong mâm lễ của thầy mo cả có đủ gà luộc, trứng luộc, thịt luộc, gạo sống, tiền, xôi, bát, vàng hương; một bát to của các dòng họ trong bản, một bát to của gia tiên nhà ông thầy mo, cả hai bát đều được thắp hương, mọi việc chuẩn bị xong ông thầy mo cả, thầy mo hai đều quần áo chỉnh tề bắt đầu vào nghi thức cầu khấn. Riêng ông trưởng tộc cầm kiếm thiên đình làm phép thuật. Lễ cầu thứ nhất: cầu trời, thổ địa, thổ công, thành hoàng làng phù hộ cho dân bản năm mới mưa thuận gió hoà làm ăn phát đạt mùa màng tốt tươi. Lễ cầu thứ hai: Cầu cho các dòng họ, dân bản hạnh phúc, mạnh khỏe, đoàn kết, sống vui vẻ thuận hoà. Lễ cầu thứ ba: Cầu cho mùa màng tốt tươi, tăng gia sản xuất chăn nuôi phát triển. Sau mỗi lần cầu khấn, ông trưởng tộc dùng thanh gươm thiên đình múa để trị tà, và xin âm dương rồi hoá vàng mã. Mọi hành lễ làm xong, mọi người quây quần ngồi ăn bốc, cùng uống rượu chua- một thứ rượu mà chỉ ở Bằng Cả mới có.
Sau các nghi thức cầu khấn, ăn uống vui vẻ, họ lại cùng nhau tụ tập vui chơi với các trò chơi dân gian như: Đánh cờ dân gian, ném còn, kéo co, bắn nỏ hay đẩy gậy...rồi lại cùng nhau hát đối giao duyên...
Share on facebook 0 người thích - Like