Lễ hội được tổ chức từ ngày 29-5 đến 2-6 âm lịch hàng năm, tại xã Cẩm Hải (TX Cẩm Phả).Cùng với các nghi lễ rước kiệu, tại lễ hội còn diễn ra cuộc đua thuyền của các thôn trong xã. Lễ hội đình làng Cẩm Hải cũng thể hiện mong muốn của người dân trong xã về một năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, no ấm.
Đình làng do những người dân Trà Cổ (Móng Cái) di cư về xã Cẩm Hải xây dựng từ năm 1980 và lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh và tưởng nhớ công lao của 6 vị thành hoàng là những người đã có công khai sinh ra đất Trà Cổ (TP Móng Cái).
Tương truyền, có 12 vị Tiên công từ Đồ Sơn (TP Hải Phòng) giong thuyền về phương Bắc lập nghiệp. Đến vùng biển Móng Cái, họ gặp một cơn bão lớn, thuyền trôi dạt vào vùng đất hoang vu không có bóng người. Cuộc sống ở vùng đất mới khổ sở quá, 6 người trong đoàn người quyết định quay về Đồ Sơn. 6 người ở lại quyết định làm nghề chài lưới đánh cá và đã hình thành nên làng chài Trà Cổ. Sau này, dân làng tôn 6 vị Tiên công là thành hoàng và thờ tại đình Trà Cổ. Năm 1979, người dân ở hai thôn Tràng Lộ, Tràng Vĩ của Trà Cổ di cư về thôn Cái Thấp (xã Văn Châu, Vân Đồn - nay là xã Cẩm Hải, TX Cẩm Phả) lập làng mới và góp tiền, góp công xây dựng đình làng Cẩm Hải vào năm 1980. Cũng từ đó, lễ hội đình Cẩm Hải được tổ chức hàng năm, trở thành truyền thống, thành một hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa của người dân địa phương
Ở lễ hội đình, người dân Cẩm Hải tôn kính rước kiệu 6 vị đại vương với những nghi thức rất trang trọng. Đội khiêng kiệu được lựa chọn cẩn thận từ những thanh niên trai tráng trong làng. Đi cùng là đội cầm vũ khí, cờ thần, phường bát âm, bát bửu... và nhân dân trong xã cùng du khách thập phương. Lễ rước kiệu rất rộn ràng, thu hút sự tham gia của hàng ngàn người.
Ngoài ra, lễ hội đình Cẩm Hải còn một nghi lễ nữa rất độc đáo là lễ rước các “Ông Voi”. Đây là cách gọi kính trọng của người dân địa phương về lễ rước 6 chú lợn. 6 chú lợn đó được làng lựa chọn và giao cho 6 người đàn ông trong làng chăm sóc. Việc chọn lợn, chọn người nuôi cũng phải theo quy định rất nghiêm ngặt. “Ông Voi” phải là lợn đực Móng Cái, lông màu trắng. Người được chọn nuôi “Ông Voi” là đàn ông một vợ (trường hợp bỏ vợ, hay vợ chết lấy vợ khác cũng bị loại). Người đàn ông này trong năm đó không được ăn chung bát đũa với ai. Khi có việc đi xa làng phải mang theo cơm nắm nước uống chứ không được vào ăn hàng quán, không được ăn thịt chó, hay nội tạng động vật. Thậm chí có thời gian người nuôi “Ông Voi” cũng không được cắt tóc, vì khi cắt tóc là đã bị người khác nắm đầu, hoặc xoa đầu dẫn đến mất thiêng...
Còn về phần “Ông Voi”, cũng phải ăn bằng chậu riêng, được chăm sóc đặc biệt. Trong 6 tháng đầu, các “Ông Voi” ăn uống bình thường, nhưng 6 tháng sau các “ông” được ăn cơm nắm đút tận miệng, hoặc ăn phở, cháo tuỳ theo ý thích của từng “ông”. Chính vì thế các “Ông Voi” được kiệu ra đình, đều có trọng lượng từ 2,2 đến 3 tạ.
Tham gia rước các “Ông Voi” là gần chục thanh niên khoẻ mạnh mà vẫn phải đỗ nghỉ nhiều lần. Sau lễ hội, các “Ông Voi” được mổ thịt, ưu tiên cho người dân trong làng mua trước, khi mua không hết mới bán ra ngoài. Tương truyền, người ăn thịt “Ông Voi” sẽ gặp nhiều may mắn, có sức khoẻ và một năm làm ăn bội thu./.
Theo BaoQuangNinh
Share on facebook 0 người thích - Like