Lễ hội Bạch Đằng (còn gọi là Giỗ trận) được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng 3 (âm lịch) hàng năm tại đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bãi cọc Bạch Đằng, đình Yên Giang, Đình Trung Bản, Đền Trung Cốc, Đình Đền Công… (xã Yên Giang, Yên Hưng, Quảng Ninh). Lễ hội nhằm ghi nhớ công ơn của các vị anh hùng dân tộc đã có công chống giặc ngoại xâm với trận địa cọc gỗ trên sông Bạch Đằng như Ngô Quyền, Lê Hoàn, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn các danh tướng nhà Trần.
Phần lễ: Lễ dâng hương tại đền thờ Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà. Dân làng rước kiệu dọc bờ sông, cạnh nơi diễn ra cuộc đua thuyền náo nhiệt. Cũng giống như nghi lễ của cư dân sông nước, tục bơi trải là một nghi lễ quan trọng. Trên dòng sông lớn, cuộc đua tài của nhiều thuyền đua hình lá tre lao vun vút, tiếng hò reo của người dự hội trên bờ sông như làm sống dậy âm hưởng của trận chiến năm xưa.
Phần hội: Cùng với bơi trải, nhiều trò chơi cũng được tổ chức như đấu vật, đánh cờ người, chọi gà... Trước kia hội còn tổ chức trò diễn, tái hiện cuộc tập trận của quân dân đời nhà Trần.
Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức trên vùng đất cổ với bao chiến tích hào hùng của cha ông trong suốt mấy ngàn năm dựng và giữ nước, hằng năm đã thu hút hàng vạn người con đất Việt từ muôn phương về tham dự.
Share on facebook 0 người thích - Like