
Ngôi đình tọa lạc giữa khu đất rộng ngay giữa trung...
Tương truyền, ngày xưa khi đất Tánh Linh còn hoang vu, rừng rậm vây lấy xóm làng mà dân cư thì thưa thớt, cọp beo lai vãng quanh vùng và thi thoảng lại vào bắt heo. Cọp từ trong tiềm thức dân gian luôn là linh vật và được mệnh danh là chúa tể sơn lâm, do vậy dân làng chỉ kiêng kỵ né tránh mà không tìm cách bắt giết. Từ đó cọp tỏ ra thân thiện với người và sau khi có đình làng thì “ông cọp” này lại về ngự ở đình làng vào những lúc vắng vẻ.
Hàng năm cứ vào dịp rằm tháng hai âm lịch, đình làng Lạc Tánh thường tổ chức lễ hội Kỳ Yên. Lễ diễn ra trong tiết xuân nên cũng được gọi là lễ tế xuân. Đây là kỳ lễ cầu an, là ngày lễ lớn được tổ chức long trọng qui mô nhất trong năm của đình làng. Từ chiều ngày rằm tháng hai lễ hội chính thức diễn ra với nghi thức lễ nghinh thần, sau đó đến lễ thỉnh sinh, lễ tế thần và các nghi thức tế âm linh cứ vài giờ lại một lượt nối tiếp nhau từ nửa đêm tới sáng. Ngày hôm sau (tức ngày 16 âm lịch) lễ cầu quốc thái dân an diễn ra, đây là chánh lễ tế xuân. Nghi lễ chính gồm dâng hương, dâng rượu, dâng trà và đọc bài văn tế cầu nguyện, cảm tạ Thành Hoàng bổn thổ đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, xóm làng yên vui, nước non phồn thịnh.
Trong 17 năm (từ 1950 đến 1967) tuy không còn mái đình thực thụ nhưng những nghi thức tế lễ vào dịp rằm tháng hai hàng năm vẫn diễn ra đều đặn, điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc tế lễ đối với đời sống tinh thần của người dân tại đây. Giá trị văn hóa phi vật thể của đình làng Lạc Tánh được thể hiện rõ qua việc duy trì và tổ chức các lễ hội văn hóa dân gian truyền thống theo đúng tập tục và các nghi thức xưa, Lễ hội của đình làng Lạc Tánh không chỉ là lễ hội của người Kinh nơi đây mà còn là lễ hội chung của các dân tộc anh em Chăm, K’ho, Raglai bản địa hay từ các vùng lân cận. Đây là nét đặc sắc riêng hiếm thấy ở những đình làng khác, việc tham gia lễ hội chung của các dân tộc thể hiện sự đoàn kết gắn bó cũng như sự tiếp biến, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em.
Với những giá trị tinh thần lớn lao và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, di tích đình làng Lạc Tánh đã được UBND tỉnh công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh vào ngày 31/8/2009 theo Quyết định số 2492/QĐ-UBND.
http://binhthuan.gov.vn
Share on facebook 0 người thích - Thích