Số người đang online : 18 Thăm di tích tưởng niệm liệt sĩ Thiều Văn Chỏi - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Thăm di tích tưởng niệm liệt sĩ Thiều Văn Chỏi
post image
Thăm di tích tưởng niệm liệt sĩ Thiều Văn Chỏi

Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi trong những lần đến thăm...

Khu di tích liệt sĩ Thiều Văn Chỏi tọa lạc tại ấp Bảy, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng trên 40km trên trục Quốc lộ Nam Sông Hậu nằm giữa kênh Đường Trâu và kênh Rạch Vọp. Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo của xã Ba Trinh (Kế Sách) giàu truyền thống cách mạng. Trong những ngày đầu Nam kỳ khởi nghĩa, gia đình ông là cơ sở nuôi chứa cán bộ cách mạng, từ đó bản thân ông sớm đến với cách mạng và có ý chí nối tiếp sự nghiệp của cha anh và các bậc tiền nhân yêu nước, chống giặc ngoại xâm để giải phóng quê nhà thoát khỏi lầm than. Từ năm 1962 đến lúc hy sinh (1972), liệt sĩ đã liên tục tham gia hoạt động cách mạng trên địa bàn xã Ba Trinh, là nơi chiến đấu gian khổ và ác liệt nhất trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Trưởng thành từ một chiến sĩ du kích, cán bộ kinh tài xã, xã đội trưởng (Ba Trinh), Huyện đội phó (huyện Kế Sách). Dù ở cương vị nào, liệt sĩ Thiều Văn Chỏi cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chiến đấu và xây dựng lực lượng, hết lòng thương yêu giúp đỡ đồng đội, được Đảng tin tưởng, nhân dân quý mến. Với nhiệm vụ được giao là bám trụ vùng kềm, vùng ven, ông đã tích cực xây dựng cơ sở, vận động lạc quyên đóng góp tiền của ủng hộ kháng chiến, động viên thanh niên cầu tiến về vùng giải phóng xây dựng lực lượng cách mạng.

Học sinh TrườngTHCS Kế Sách tổ chức về nguồn tại Khu di tích tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang Thiều Văn Chỏi xã Ba Trinh (Kế Sách).

        Trong thời kỳ cực kỳ khó khăn nhất của cuộc kháng chiến do địch phản kích phong trào cách mạng (1968), nhưng chỉ trong vòng 7 tháng, ông đã vận động được gần 2.000 giạ lúa, nhiều dụng cụ y tế và thuốc men, hàng chục thanh niên ưu tú từ vùng kềm về tham gia lực lượng vũ trang xã, huyện. Từ 7 du kích xã, ông đã gầy dựng lực lượng lên 20 đồng chí và có nhiều tay súng dũng cảm, kiên cường sẵn sàng xông pha vào trong lửa đạn, xuất quỷ nhập thần làm cho quân thù bao phen khiếp vía. Đáng kể, chỉ trong vòng 4 tháng vừa xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng mới, ông đã chỉ huy đánh 21 trận, cùng đồng đội diệt 29 tên, bị thương 17 tên, bắt sống 5 tên địch, thu 26 khấu súng các loại và 01 máy PRC 25. Từ đó, phong trào và lực lượng chiến đấu của xã Ba Trinh cứ tiếp tục phát triển đến thời điểm cuối năm 1972 đã có 02 trung đội gần 60 đảng viên và 12 ấp trong xã nơi nào cũng có đội du kích và những trận chiến đấu diễn ra liên tục, khi thì nhỏ lẻ diệt ác ôn, bọn đầu sỏ vùng kềm, khi thì tập trung diệt từng tiểu đội, trung đội địch, thậm chí có những trận phục kích sát đồn thu toàn bộ vũ khí bắt sống nhiều tù binh. Tính từ khi tham gia chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, anh hùng liệt sĩ Thiều Văn Chỏi đã trực tiếp tham gia chiến đấu 152 trận lớn nhỏ bằng nhiều hình thức: Nhỏ lẻ, tự thân chỉ huy, phối hợp bộ đội chủ lực, trong đó có nhiều trận đồng chí chỉ một mình diệt địch thu vũ khí, phương tiện thông tin, bắt sống tù binh, diệt và làm bị thương 357 tên địch, thu 207 khấu súng các loại. Riêng đồng chí đã diệt và làm bị thương 75 tên địch, thu 65 súng các loại...

        Với những chiến công hiển hách, trận đánh nào cũng làm cho bọn địch kinh hoàng khiếp sợ, ông cùng với đồng đội đã đưa phong trào du lích xã nhà trở thành ngọn cờ đầu của huyện Kế Sách và là một trong 7 xã đấu tranh du kích giỏi nhất của toàn lực lượng Quân khu 9. Vì quá hoang mang lo sợ trước chí khí chiến đầu của ông, bọn địch đã lập miếu thờ “Ông Thần Chỏi” khi liệt sĩ vẫn còn sống.

        Ngày nay ngay tại khu vực miếu thờ ngày xưa ấy, vào tháng 5 năm 2000, UBND huyện Kế Sách đã đầu tư kinh phí gần 600 triệu đồng xây dựng công trình nhà bia liệt sĩ và tượng đài tưởng niệm đồng chí Thiều Văn Chỏi với tổng diện tích trên 850 mét vuông gồm nhiều hạng mục kiên cố. Toàn cảnh khu lưu niệm như nằm gọn trên một phần thân tàu khổng lồ đang nhè nhẹ lướt sóng trên bờ kè kênh Rạch Vọp và kênh Đường Trâu. Bước vào cổng, bên trong khuôn viên khu tưởng niệm có đường nội bộ lót đal rộng rãi, được chia khuôn trồng hoa kiểng và 03 ngọn đèn chùm trang trí, chiếu sáng. Cách tường rào phía tây khoảng 01m là công trình nhà bia đồ sộ, nằm ngay trung tâm khu tưởng niệm, nền thiết kế tam cấp cao 0,9m có ba lối lên xuống theo hướng Đông, Nam, Bắc được láng đá mài màu vàng, có 8 thân cột tròn bằng bê tông cao 4,5m, phía trên đầu cột được thiết kế bộ kèo cũng bằng bê tông cốt thép để đỡ mái nhị cấp tứ giác uốn cong lượn hình sóng nước như mái đình được đổ bê tông và dán ngói lưỡi hài màu đỏ trông rất cổ kính. Bên trong là tấm bia cao 4,5m ghi danh họ tên địa chỉ của 573 anh hùng liệt sĩ của xã Ba Trinh. Bước xuống bậc tam cấp khoảng 3,5m lệch sang hướng đông Nam là công trình tượng đài anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thiều Văn Chỏi được thiết kế quy mô hoành tráng. Tượng được đắp bằng xi măng cao 3m đặt uy nghi trên bệ hình khối tứ giác cao 1,4m, bốn mặt được ốp đá granite màu đỏ, mặt trước được khắc chữ “tượng đài Thiều Văn Chỏi (1937-1972) - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cách tượng đài khoảng 6m lệch sang hướng đông bắc là ngôi miếu thờ “Ông Thần Chỏi” trên nền miếu ngày xưa mà bọn lính đồn Vàm Bưng đã dựng, cũng kích thước hình dạng đó, nhưng được làm bằng tường gạch, mái đúc bê tông dán ngói lưỡi hái màu đỏ, bên trong miếu được dán gạch men, nền xi măng cao ráo, ở giữa là lư hương nghi ngút trông rất thiêng liêng và trang trọng. Là nơi về nguồn của các thế hệ, là niềm tự hào của quê hương Kế Sách anh hùng.

soctrang.gov.vn

 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành