Lễ hội Cộ Bà Chợ Được là nét văn hoá đặc trưng mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của người dân xứ Quảng. Lễ hội diễn ra vào 2 ngày mồng mười và mười một tháng giêng âm lịch hằng năm tại Lăng Bà (Thôn Phước Ấm- Chợ Được- xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
Lễ hội gồm các lễ cầu an, truy niệm Đức Bà, rước Cộ Bà và một số trò diễn xướng dân gian. Theo truyền thuyết, vào năm 1852 (năm Tự Đức thứ 5) một lần Bà vân du qua thôn Phước Toản (Phước Ấm) thấy nơi đây có cỏ cây rậm rạp, thôn cư hẻo lánh, trông ra bóng nắng trên cát chói loà nhưng phong cảnh lại hữu tình nên Bà muốn quy tụ thành chợ. Sau này dân chúng gọi nơi đây là Chợ Được (”Được” hiểu theo nghĩa “đắc thị”). Để tri ân việc Bà dựng chợ và phù trợ cho dân chúng làm ăn phát đạt, thịnh vượng người dân đã lập lăng thờ Bà. Theo Thần phả ghi: vào năm Thành Thái thứ 6 Bà được triều đình sắc phong “Trai thục dực bảo trung hưng trung đẳng thần”.
Từ sắc phong đó lễ rước Cộ Bà ra đời. Lễ rước Cộ Bà vừa mang ý nghĩa phụng tự vừa mang ý nghĩa sinh hoạt diễu hành tín ngưỡng dân gian.
Hội cộ chỉ diễn ra ban đêm, sau khi các vị cao niên trong làng tiến hành xong phần lễ diễn ra ở lăng thờ Bà, các món cúng đều là các món chay, sắc phong do sáu người khiêng sẽ dẫn đầu đoàn cộ (được đặt trên các xe bò đẩy đi), có phường bát âm, trung đại cổ cùng cờ phướn, tàn lọng, người dân hai bên đường bày hương án đốt cung kính nghinh đón, lệ đó đến nay vẫn còn. Nghệ nhân làng cộ có tài chọn trích đoạn diễn Cộ như Thánh Gióng đuổi giặc Ân, Hai Bà Trưng đánh Tô Ðịnh… để từ quan chí dân, từ trẻ đến già ai nhìn vào cũng biết.
Kiệu Bà là một ngai sơn son thiếp vàng trên phủ lễ phục bằng nhung gấm màu đỏ, Kiệu được cung nghinh từ chính điện của lăng đưa ra sân với 6 người khiêng phục trang áo nẹp, nón chóp, phụng tống 2 bên là các bô lão, nhân sĩ và chức sắc địa phương.
Đi đầu đoàn rước Cộ Bà là các cộ hoa được trang trí rực rỡ bằng hoa lá, giấy ngũ sắc và vải lụa đủ màu phục hiện các tuồng tích xưa trong lịch sử dân tộc.
Sau lễ rước Cộ Bà mới đến phần hội thực sự gồm: múa lân, đua thuyền, hát bội, các hoạt động thể dục, thể thao….đặc biệt là hội đua thuyềntrên sông Trường Giang.Ðã thành lệ, hội đua thuyền mỗi năm không thiếu các ghe đua đến từ khắp nơi như Hội An, Duy Xuyên, Ðại Lộc, Núi Thành… Ðó là một cuộc so tài, đọ sức, đấu trí quyết liệt góp phần làm lễ hội càng thêm sôi động.
Lễ hội thu hút đông đảo cư dân địa phương và các đại phương lân cận đến tham gia.
Xuquang.com
Share on facebook 0 người thích - Like