Số người đang online : 33 ĐỘNG BÀ HÒE - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

ĐỘNG BÀ HÒE
post image
ĐỘNG BÀ HÒE

Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số...

ĐỘNG BÀ HÒE

 
1.    Tên di tích: Động Bà Hòe
2.    Loại công trình:
3.    Loại di tích
: khảo cổ
4.    Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 30/2000/QĐ-BVHTT ngày 24 tháng 11 năm 2000.
5.    Địa chỉ di tích: Thôn 4 – Hàm Đức – Hàm Thuận Bắc – Bình Thuận
6.    Tóm lược thông tin về di tích
Tên gọi: Động Bà Hòe
Tên gọi này xuất hiện từ bao giờ, chỉ quyền sở hữu của ai đến nay không ai biết, nhân dân ở đây từ lâu đời chỉ quen gọi khu động cát lớn này và khu vực ruộng lân cận là Động Bà Hòe. Xuất xứ từ xa xưa, thưở cha ông mới vào tiếp quản vùng đất mới phía Nam của người Chăm và lấy tên chủ đất trước để đặt tên cho từng vùng. Bà Hòe có thể là tên của người Chăm xưa như quanh vùng có nhiều tên: Bà Châu Rế; Xara; Khu gò Bà Chúa… Bà Hòe là địa danh được chính thức dùng trong các văn bản đất đai của Nhà nước để chỉ khu động phân biệt với nhiều động cát trong vùng.
Địa điểm phân bố di tích, đường đi đến:
Động Bà Hòe hiện thuộc địa phận của xã Hàm Đức – huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận.
Ở về phía Bắc và cách thị xã Phan Thiết 13km, Động Bà Hòe có tọa độ: 10002‘27" vĩ độ Bắc – 108010‘29" kinh Đông.
Động Bà Hòe là trung tâm điểm di chỉ khảo cổ học phần còn lại nằm rải rác trên một dải cát dọc động của những cánh rừng lúp xúp kéo dài trên 5km, chiều rộng khoảng 250 – 300m, có chỗ trên 500m (đoạn ở động cát Xara).
Động Bà Hòe nằm sát đường quốc lộn 1 A, mọi phương tiện giao thông đường bộ đều đến được dễ dàng, thuân tiện.
Loại hình di tích:
Đây là di chỉ cư trú của người xưa, địa điểm được chọn làm nơi cư trú là khu động cao nhất trong vùng. Bằng chứng là trong đợt khai quật lớn năm 1983 xen kẽ với khu cư trú là khu mộ táng, không phân biệt rõ ràng, rạch ròi đâu là khu cư trú và đâu là mộ táng.
Một đặc điểm quan trọng nhận thấy là không hiểu nguyên nhân gì trong một khu vực không rộng lắm lại chồng chéo nhiều địa tầng của nhiều lớp người kèm theo là hiện vật theo thứ tự: Dưới cùng là đồ đá (có điểm sâu 150cm) ở giữa đồ đồng và trên cùng là công cụ đồ sắt. Điều đó cũng chứng tỏ tầm quan trọng của khu cư trú Động Bà Hòe trong lịch sử xã hội loài người xưa trong tổng thể nền văn hóa Sa Huỳnh.
 Khảo tả di tích:
Động cát có di tích khảo cổ học Động Bà Hòe có từ hàng chục vạn năm trước do biển bồi đắp dần mà tạo nên cùng với dải cát dài ven biển kéo dài hàng chục km, trải dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, lan rộng ra đến Bàu Xuyên, Mũi Né. Động này có độ cao khoảng từ 4 – 6m có màu trắng đục. Cho đến ngày nay địa điểm này nằm về phía Tây và cách biển Phan Thiết chừng 4km và ở về hướng Bắc khoảng 2km có một ngọn núi cao tên gọi là “Tà Dôn” và về hướng Tây Bắc có con “sông Cạn” là nơi cung cấp đá và đá cuội để chế tác công cụ. Cho đến khi con người đến đây sinh sống bằng cuộc sống xã hội bầy, đàn nhiều thế hệ nối tiếp nhau cũng đã trên nhiều ngàn năm. Tuy nhiên khu vực này nói riêng và địa bàn tỉnh Bình Thuận nói chung cũng là vùng đất mới khai phá cách ngày nay khoảng trên 1000 năm (thời kỳ của vương quốc Chămpa cổ) và khi người Việt đến tiếp quản khai phá lập làng, lập ấp cũng chỉ mới trên 300 năm qua. Bình Thuận thời kỳ đó đất rộng người thưa nên những vùng cát như Động Bà Hòe không ai đến khai phá, mà hoàn toàn nguyên sơ cho đến những thập kỷ đầu của thế kỷ XX; khi công cuộc xâm lược và khai phá thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp bước vào giai đoạn cuối người ta mới phát hiện được dấu tích sinh hoạt của người xưa trong lòng động cát Bà Hòe.
Đó là vào những năm 1923 – 1925 khi thực dân Pháp mở rộng con đường liên tỉnh (đường quốc lộ 1A hiện nay). Sức mạnh của máy móc và sức người đã san phẳng một phần của động cát nơi con đường bộ xuyên Việt thời đó chạy qua. Tình cờ người ta phát hiện được rất nhiều mộ chum. Trong có chứa hoặc rìu đồng, qua đồng hay rìu đá cùng với hòn kê và những thứ khác, cạnh đó còn vương vãi nhiều rìu đá, cuốc đá và nhiều hiện vật khác bằng đá, hạt chuỗi đá nhiều màu. Mặc dầu vậy nhưng những người mở đường cũng không ai hiểu gì về những thứ vô tri vô giác đó, có chăng những người dân công ở địa phương truyền nhau đó là những lưỡi “tầm sét” từ trên trời rơi xuống khi có sấm sét.
Từ những nguồn tin ban đầu đó đến tai một bác sỹ người Pháp tên là Xan – lé (Dr.Sallet) có hiểu biết về khảo cổ và người Pháp này đã đến Động Bà Hòe và cũng là người đầu tiên phát hiện ra di tích khảo cổ học Động Bà Hòe. Sau những phát hiện này ở Động Bà Hòe và khu vực lân cận Xan – le đã có một số công bố tại Pháp, rất tiếc đến nay chúng ta không có được tài liệu này.
Trong thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đây là khu vực hết sức quan trọng cho cả ta và địch, về phía ta đây là địa bàn lý tưởng vào rừng cũng dễ, mà xuống biển cũng tốt, Mỹ ngụy lại muốn chiếm cả khu vực này để kiểm soát con đường và khống chế thị xã Phan Thiết từ phía Bắc vào và ngăn chặn không cho sự tiếp tế của nhân dân với cách mạng.
Năm 1967 – 1969 ngay trên đỉnh động cát Bà Hòe, trung tâm của di tích khảo cổ, Mỹ ngụy dựng lên đây một đồn bót kiên cố, trong lúc đào công sự cũng đã làm hư hại đến di tích lớp trên. Cho đến khi chúng rút đi vẫn còn lại lựu đạn, mìn trong di tích và khu vực xung quanh đồn địch.
Năm 1974 một nhà khoa học Pháp là Phông – ten (Henri Fontaine) và nhà địa chất học người Việt Nam bà Hoàng Thị Thân đã hợp tác khai quật một phần của di tích. Những gì đã khai quật được ở di tích khảo cổ học Động Bà Hòe trong thời gian đó, do thái độ vô trách nhiệm của các cơ quan quản lý và chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 nên bị họ đưa hết ra nước ngoài.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, căn cứ vào những tài liệu rất ít của chế độ cũ để lại, cộng với việc nghiên cứu sưu tầm tài liệu hiện vật và sự chỉ dẫn của chính quyền và nhân dân địa phương. Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Thuận Hải phối hợp với Trung tâm khảo cổ học thuộc Viện khoa học xã hội Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần tổ chức thăm dò khảo sát, khai quật ở di tích khảo cổ học Động Bà Hòe.
Các đợt khảo sát và nghiên cứu được tiến hành vào những thời gian sau đây:
Đợt 1: Tháng 10/1978; đợt 2: Tháng 11/1979; đợt 3: Tháng 4/1980; đợt 4: Tháng 3 và 4 năm 1982.
Những đợt thám sát liên tục trên đây nhằm xác định địa điểm, tầng văn hóa và tư liệu, hiện vật, chủng loại hiện vật để tìm hiểu nghiên cứu sâu hơn tinh chất, đặc điểm và tầm quan trọng của di tích khảo cổ.
Kết quả khảo sát, nghiên cứu của Trung tâm khảo cổ học với Ty Văn hóa thông tin Thuận Hải đã được báo cáo khoa học và công bố trên báo chí và các hội nghị khảo cổ tổ chức ở Hà Nội vào các năm 1978, 1980, 1982, 1987. Chúng tôi xin trích dẫn kết quả đào thám sát năm 1978 của các nhà khảo cổ học và Viện khoa học xã hội.
Căn cứ kết quả của các đợt khảo sát nghiên cứu trên và đơn xin khai quật của Viện khoa học xã hội Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng tờ trình của Sở Văn hóa Thông tin Bình Thuận, Bộ Văn hóa Thông tin đã cấp giấy phép khai quật.
Tháng 11 – 12 năm 1983 di tích khảo cổ học Động Bà Hòe được chính thức khai quật. Sau khi một đơn vị công binh của Tỉnh đội Bình Thuận dò phá xong bom mìn trên một khu vực nhất định, cuộc khai quật được tiến hành trên diện tích 300m2. Cuộc khai quật do Trung tâm khảo cổ học thuộc Viện khoa học xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Bình Thuận tiến hành.
Theo nhận định của các nhà khảo cổ học thì đây là một trong rất ít di chỉ trong hệ thống văn hóa Sa Huỳnh phát hiện thấy qua đồng.
So với đồ đồng và đồ sắt trong di chỉ, các loại công cụ và phương tiện sinh hoạt, sản xuất bằng đá của người Bà Hòe phong phú và đa dạng hơn nhiều kể cả về số lượng và hình dạng kiểu cách chế tác. Trong tổng số hiện vật bằng đá thu lượm được, rìu đá chiếm số lượng lớn, rìu ở đây có nhiều loại, rìu hình thang, rìu có vai, rìu tứ giác, loại to, loại nhỏ, có cả loại rìu nhỏ như ngón tay, có lẽ lại có một chức năng khác ngoài lao động sản xuất.
Sẽ là thiếu sót nếu chúng ta chỉ biết đến những hiện vật thu lượm được từ di chỉ Bà Hòe được chế tác bằng đá, đồng và sắt mà không chú ý đến đồ gốm. Phải nói rằng nhiều nhất và phong phú nhất, nhiều chức năng tác dụng nhất là đồ gốm.
Từ kỹ thuật làm gốm của người Bà Hòe xưa với người Chăm hiện nay chúng tôi thấy có mối quan hệ rất gần gũi và rất có thể đây cũng là sợi dây liên hệ giữa 2 nền văn hóa và để lý giải phần gạch nối giữa 2 nền văn hóa lớn của miền Trung: Văn hóa Chăm và văn hóa Sa Huỳnh.
     Những hiện vật có trong di tích:
Nếu tính tất cả hiện vật thu lượm được tại di chỉ khảo cổ Động Bà Hòe đến nay sưu tập này đã lên đến con số 300 hiện vật không kể hàng chục ngàn mảnh gốm từ những chiếc vò gốm không còn nguyên vẹn. Sưu tập này có đầy đủ các chủng loại hiện vật và chất liệu như bất cứ một di chỉ có giá trị nào được khai quật một cách khoa học và đầy đủ. Từ những chủng loại của sưu tập di chỉ Động Bà Hòe đã có, Bảo tàng Bình Thuận tiến hành phân loại và đăng ký, vào hộ chiếu khoa học.
Dưới đây chúng tôi chỉ đưa ra một số hiện vật tiêu biểu cho các chủng loại hiện vật và những hiện vật đặc biệt quý hiếm ở di chỉ khảo cổ Động Bà Hòe.
1. Qua đồng;                6. Rìu đá;
2. Mũi Tên đồng;                7. Bàn dập;
3. Lục lạc đồng;                8. Hòn kê:
4. Rìu đồn;                    9. Mộ chum:
5. Dọi xe chỉ;                10. Thuổng sắt;
11. Đồ trang sức: (vòng đá và hạt chuỗi, khuyên tai, vòng đeo tay)
    Gía trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật, văn hóa:
Về phương diện lịch sử – khảo cổ học: Sau hàng trăm năm người Việt tiếp quản vùng đất mới của vương quốc Chămpa cổ, định cư ngày càng đông đúc và tiến tới thành lập tỉnh Bình Thuận cho đến khi người Pháp đến chiếm đóng, đô hộ thì đây là lần đầu tiên phát hiện được di chỉ khảo cổ học tại Động Bà Hòe. Do ít ai quan tâm, đất nước lại trải qua nhiều thời kỳ chiến tranh nên mãi sau ngày giải phóng di chỉ này mới được các nhà khoa học làm rõ.
Kết quả của những đợt thăm dò, nghiên cứu và khai quật khảo cổ sau giải phóng ở Bà Hòe là những thành tựu lớn của ngành lịch sử khảo cổ học đối với nhân dân địa phương. Về nhận thức đã xóa đi sự nhìn nhận lạc hậu phản khoa học lâu đời của nhân dân cho rằng đó là những lưỡi “tầm sét” từ trên trời rơi xuống sau mỗi lần sét đánh, do vậy vô số người lượm được đều dùng để mài uống chữa bệnh. Có những chiếc rìu đá, bị mài uống đến nỗi không nhận dạng được nữa, đó là thực tế trước lúc khai quật và triển lãm về kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Động Bà Hòe.
Về phương diện khoa học: Việc phát hiện, khai quật và công bố giá trị của di chỉ khảo cổ học Động Bà Hòe đã làm sáng tỏ và góp phần giải quyết nhiều vấn đề phức tạp trong lĩnh vực khoa học xã hội của khu vực miền Trung cũng như của cả nước mà chỉ có bộ môn khoa học khảo cổ với những bằng chứng đầy đủ và rõ ràng mới giải quyết được. Đó là việc phát hiện rất nhiều công cụ lao động và phương tiện bằng chất liệu sắt trong di chỉ khảo cổ Bà Hòe (ở địa bàn Thuận Hải cũ và Bình Thuận ngày nay trên 20 di chỉ khảo cổ, chỉ có tại Bà Hòe mới phát hiện được nhiều hiện vật sắt). Điều này bác bỏ một số quan điểm của các nhà khảo cổ, học giả nước ngoài cho rằng thời kỳ này ở Việt Nam chưa phát minh hay sử dụng tại chỗ mà chỉ có đưa từ nước ngoài về qua các con đường khác nhau giữa các bộ tộc. Việc tìm thấy công cụ lao động bằng sắt của người xưa tại Bà Hòe cũng chứng tỏ trình độ kỹ thuật luyện kim, khả năng thích ứng với điều kiện sống ngày càng cao của con người thời đó. Hơn nữa việc người Bà Hòe biết sử dụng sắt, chế thành quặng và từ đó sản xuất ra công cụ tại chỗ là thành tựu quan trọng.
Số lượng hiện vật phát hiện được nhiều nhất, có nhiều chức năng tác dụng nhất phải kể đến đồ gốm. Qua nghiên cứu dấu vết, chất đất có thể nhận biết được gốm được lấy đất, chế tác thành sản phẩm mộc và nung tại chỗ. Bằng chứng này cũng cho phép chúng ta phản bác lại những quan điểm sai lầm của một số nhà nghiên cứu, khi họ cho rằng cư dân nguyên thủy ngày xưa ở các tỉnh ven biển miền Trung là con cháu của những con người di cư hay buôn bán trên biển bị bão dạt vào và sinh sống ở đó mà hình thành nên chứ không phải họ là người bản địa. Một vấn đề nữa, họ cho rằng việc tìm thấy các ngôi mộ táng trong lòng đất là do những người bị nạn trên biển tấp vào chôn trong những vò, chum gốm!? Mục đích cuối cùng họ muốn bác bỏ người nguyên thủy ở các tỉnh miền Trung là người bản địa và ngay cả đồ gốm cũng phải đưa từ ngoài đến. Hàng ngàn, hàng vạn, phương tiện bằng đồ gốm tìm thấy ở Bà Hòe, đã bác bỏ những luận điểm phi khoa học và có ý đồ chính trị của các học giả nước ngoài.
Di chỉ khảo cổ học Bà Hòe là những chủng loại hiện vật khác nhau tìm thấy ở đây đã chứng minh một cách đầy đủ, chính xác về một phần, một giai đoạn của nền văn hóa Sa Huỳnh. Ngoài những hiện vật có đặc điểm chung của văn hóa Sa Huỳnh, những hiện vật có cấu trúc hình dáng và chức năng khác nhau như những chiếc bàn dập, lưỡi qua đó càng góp phần làm cho hiện vật văn hóa Sa Huỳnh thêm phong phú, đa dạng và hấp dẫn. Những hiện vật này khẳng định và chứng minh thêm về sự phát triển ngày càng cao về kỹ thuật, về văn hóa và xã hội của cộng đồng người Sa Huỳnh. Cùng với những di chỉ khác của các tỉnh duyên hải miền Trung, di chỉ khảo cổ học Bà Hòe phối hợp trên nhiều lĩnh vực để hình thành nên hệ thống văn hóa Sa Huỳnh, nền văn hóa cổ và lớn ở Việt Nam.
Xét trên nhiều phương diện, di chỉ khảo cổ học Động Bà Hòe có rất nhiều giá trị cần phải tiếp tục bảo lưu, nghiên cứu khoa học cho cả những hiện vật sưu tầm, khai quật được và cả việc nghiên cứu bảo vệ di tích và hiện vật còn lại trong di tích, để mãi mãi cho những thế hệ hôm nay và các thế hệ đời sau biết đến một nền văn hóa cổ tồn tại trong lòng đất ở quê hương đất nước mình, biết thêm về nguồn gốc của loài người, của tổ tiên và quá trình phát triển của các nền văn hóa, trước hết phải bắt nguồn từ thời đại đồ đá, đồ đồng và đồ sắt mới đến cuộc sống hôm nay.
 
   






  
 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành