Số người đang online : 29 CÁT TIÊN - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

CÁT TIÊN
post image
CÁT TIÊN

Số 2890-VH/QĐ ngày 27/9/1997.

CÁT TIÊN
 
 

Tên di tích: Cát Tiên.
Loại di tích: Di tích lịch sử văn hoá.
Quyết định: Số 2890-VH/QĐ ngày 27/9/1997.
Địa điểm: Xã Quảng Ngãi, Huyện Cát Tiên, Tỉnh Lâm  Đồng.
Thông tin về di tích: Thánh địa Cát Tiên là tên gọi quần thể di chỉ khảo cổ được phát hiện từ năm 1985, nằm trong một bồn địa rộng hàng trăm ha và trải trên chiều dài khoảng 15km dọc theo hệ thống sông Đạ Đường (Đồng Lai), bao gồm rất nhiều gò đồi và bãi bồi ven sông được bao bọc bởi dãy núi cuối cùng của Trường Sơn Nam. Toàn bộ khu di tích này kéo dài từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ, trong đó mật độ di chỉ khảo cổ tập trung dày đặc ở khu vực xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng .
Các khoa học gia đoán định thánh địa này xuất hiện khoảng thế kỷ 4 đến thế kỷ 8, thuộc về nền văn hóa của một vương quốc mà ý kiến của nhiều nhà khoa học, trong nỗ lực tìm kiếm chủ nhân đích thực của thánh địa, vẫn chưa đạt sự đồng thuận. Các hiện vật, lăng mộ và tháp tại Thánh địa Cát Tiên ra đời trong thời kỳ nào; thuộc phong cách nghệ thuật nào; chủ nhân là ai; nằm trong bối cảnh nào trong tiến trình lịch sử phương Nam; có vai trò gì trong quá trình hình thành quốc gia cổ đại; mối quan hệ của thánh địa với cộng đồng dân cư bản địa đã sinh sống nơi đây từ những thế kỷ trước công nguyên thuộc di chỉ tiền sử Phù Mỹ ra sao; là những câu hỏi gây tranh luận sôi nổi trong giới khảo cổ học , văn hóa học , sử học qua nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học, và những thông tin tiếp tục hé lộ từ Cát Tiên vẫn luôn làm sửng sốt dư luận cũng như giới học giả trong và ngoài nước.
Sau 4 đợt khai quật đầu tiên kéo dài từ năm 1994 đến năm 2000, những phế tích của Cát Tiên dần hé lộ những bí ẩn sâu thẳm trong lòng đất qua hàng chục thế kỷ, và các nhà khoa học bước đầu xác định đây là một đô thị tôn giáo cổ mang ý nghĩa một thánh địa Bàlamôn giáo và Hindu giáo được kiến tạo trong giai đoạn lịch sử không thành văn kéo dài từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 11. Đây là lần đầu tiên ở Lâm Đồng cũng như ở Tây Nguyên phát hiện được một đô thị tôn giáo, một địa chỉ khảo cổ quan trọng để nghiên cứu sự hình thành quốc gia và những nhà nước cổ đại phương Nam, cũng như mối quan hệ của chúng với những lân quốc.
Tuy nhiên, trong 4 đợt khai quật tiếp theo kéo dài từ 2001 đến 2006, khi nghiên cứu những kiến trúc ở Thánh địa Cát Tiên các nhà khoa học lại nhận thấy các đền tháp có kết cấu hoành tráng nhưng giản dị, không cầu kỳ phức tạp như kiến trúc Champa và về tổng thể nó vẫn chưa hoàn thiện, không đồng trục, có kiến trúc (2D) trong quần thể phải nối thêm độ dài và  độ dày của tường khá mỏng. Sự hạn chế nhất định trong những kỹ thuật xây dựng nói trên đã mang đến cho các nhà khoa học một thông tin mới: niên đại của Thánh địa Cát Tiên có thể sớm hơn, khoảng từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 8, khác với nhận định lâu nay của nhiều nhà khoa học. Ngoài ra, xem xét cẩn trọng các hiện vật như nồi, vò, Kendi, vòi kendi, rìu đồng và khuôn đúc, những đồ gốm thuộc giai đoạn Óc Eo sớm, đặc biệt là loại chai gốm cổ cao có nhiều trong các di tích Glimanuk, Plawangan ở Indinesia thuộc niên đại từ những thế kỷ đầu công nguyên, được tìm thấy ở thánh địa, cùng với việc phân tích các mẫu than lấy từ lòng tháp ở độ sâu gần 3m, đưa đi phân tích đồng vị phóng xạ cacbon C14 tại viện khảo cổ học  thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam  và Trung tâm Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh ,đã góp phần củng cố chắc chắn hơn giả thiết này.
Ý kiến về chủ nhân của thánh địa vẫn còn trong vòng tranh cãi. Nhiều khả năng trong quá khứ, đây hoặc là một tiểu quốc của Phù Nam , một vương quốc với cương vực trải dài từ đồng bằng Nam Bộ đến Phú Khánh cũ, hạ Lào, Campuchia; hoặc cũng có thể là một quốc gia riêng từng tồn tại song song với Phù Nam,Chân Lạp. Thánh địa này khá sầm uất khi nằm trong mạng lưới của con đường thương mại từ Đông sang Tây phát triển khá mạnh vào khoảng thế kỷ 3 và/hoặc thế kỷ 4, nhưng sau đó suy tàn dần khi con đường này dịch chuyển sang vùng biển Malacca từ cuối thế kỷ 5.
Kiến trúc của những phế tích tại Cát Tiên bao gồm nhiều dạng đền tháp, mộ tháp,đài thờ, hệ thống dẫn nước, nhà dài, đường đi, lò gạch, chủ yếu được xây dựng bằng gạch sản xuất tại chỗ và đá  mang từ nơi khác đến.
Tất cả mọi đền tháp đều hướng về phía Đông, trước đền là những sân gạch lớn làm nơi hành lễ, có lối ra được xây, lát gạch đến tận bờ sông và nối các cụm gò di tích với nhau
Đã có khoảng 1140 hiện vật các loại được phát hiện với nhiều chất liệu khác nhau như kim loại vàng , thiếc ,bạc, đồng , sắt, đá, đá màu,đá quý ,và bán đá quý , đồ gốm...Mức độ quý hiếm của hiện vật tìm thấy ở Cát Tiên tuy không được đánh giá cao bằng các nền văn hóa Chămpa, Chân Lạp hay Phù Nam, song nó lại có một số cá thể mang giá trị vượt trội.
Đáng chú ý là 265 mảnh phù điêu bằng vàng khắc chạm "mê cung của các thần linh" với các hình vẽ ở được người xưa sử dụng phổ biến kỹ thuật vẽ chìm trong vàng và kỹ thuật gò cho thấy một thời kỳ rực rỡ, hưng thịnh. Ngoài những mảnh vàng dát mỏng cắt hình bông hoa hoặc khắc chữ cổ được tìm thấy nhiều trong quần thể di tích này, các nhà nghiên cứu còn gặp những mảnh vàng chạm hình người nhiều đầu, nhiều tay và hình người khỉ. Nhận định bước đầu có thể đây là những nhân vật trong sử thi Ramayana của Ấn Độ như khỉ thần Hanuman, vua quỷ Ravana. Một nghi vấn khác liên quan đến Phật giáo cũng được phát hiện trong một hố thờ chứa đầy tro, đó là tám lá vàng chạm hình voi và rùa xếp ở bốn cạnh và bốn góc cùng một lá vàng chạm hình rắn bảy đầu uốn hình vòng cung. Người ta cho rằng đây có thể là hình tượng rắn bảy đầu bảo vệ di hài Đức Phật. Nhìn tổng thể, đề tài chủ đạo chạm khắc trên các lá vàng bao gồm hình ảnh các thần Siva, Umapavati,Brahama, tu sĩ ,nam thần, nữa thần, vũ nữ , người dâng lễ,chiến binh; các chủ đề động vật dưới hình thái vật tổ luôn được tái hiện; các đề tài trang trí cung đình với hình sóng nước, hoa lá uốn lượn, văn tự chữ Phạn  cổ…Các đề tài đều phản ánh đời sống tinh thần của một trung tâm đô thị tôn giáo thuộc một cộng đồng cư dân cổ trong lịch sử Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Một hiện vật khác cũng khiến nhiều nhà khoa học bất ngờ: chiếc hộp làm bằng bạc kích thước 18×9cm chạm hình sư tử lông bờm dài được tìm thấy trong hố thờ ở gò 6A của di tích. Chiếc hộp hình oval dài, trên mặt chạm gò một con sư tử trong tư thế nằm soãi mình và xung quanh có hoa văn trang trí với chủ đề rất lạ mà các nhà khoa học khẳng định chưa từng thấy trong bất cứ một di tích khảo cổ nào ở Việt Nam. Đến nay, người trong giới vẫn chỉ phỏng đoán hiện vật xa lạ này có thể đến từ vùng Lưỡng Hà hoặc Trung Á(vùng văn hóa Kushana thuộc Liên Xô cũ).
Trong số những hiện vật thu thập qua các đợt khảo cổ, đặc sắc nhất và cũng phong phú nhất về chất liệu, kiểu dáng là những bộ sinh thực khí linga, linga - yoni, yoni bằng vàng, bạc, đồng, thạch anh, đá, đất nung…Trong đó có chiếc linga bằng vàng nhỏ nhất Đông Nam Á; chiếc linga đá bán quý thạch anh nguyên khối với chiều dài 25cm và nặng tới 3,435kg; chiếc linga đồng được tạo tác rất thẩm mỹ phỏng theo phần trụ tròn của những linga đá ba tầng; bộ linga - yoni bằng đá với chiều dài 2,26m; linga cao 2,1m có đường kính 80cm. Thêm vào đó, có sự xuất hiện dày đặc những chiếc áo linga trong đó đáng chú ý là chiếc áo linga bằng đồng cao tới 52cm, đường kính 25cm và ba chiếc áo linga bằng đất nung khác lần đầu tiên được tìm thấy trong các di tích thời sơ sử ở Việt Nam. Những chiếc áo linga này đều có nắp, bên trong chứa các linga nhỏ hơn bằng vàng, bạc, đồng và sắt. Sự phong phú của loại hình linga, yoni ở đây phần nào thể hiện sự giao lưu văn hóa của vùng đất này với văn hóa Chămpa. Tuy nhiên chúng vẫn mang những nét riêng bản địa thể hiện qua những nét chạm khắc, chất liệu, loại hình linga, yoni rất hiếm hoi có thể tìm thấy ở nơi khác.
Trong số những hiện vật tiêu biểu nhất còn có thể kể đến những viên gạch có lỗ chốt và những viên ngói có móc chốt được liên kết với nhau tạo thành hệ thống thoát nước cho kiến trúc mang đặc trưng rất riêng biệt của cư dân Cát Tiên cổ vùng này. Hay những đồ dùng sinh hoạt bằng gốm mang nhiều đặc điểm của văn hóa Óc Eo và nhiều mảnh gốm mang đặc điểm của gốm tiền sử Đông Nam Bộ, đặc biệt là những mộ chum gốm, mộ vò gốm với những đồ tùy táng như các bông hoa nhỏ tám cánh bằng kim loại vàng nằm lẫn trong tro cốt.
Ở Thánh địa này  có máng nước thiêng (somasutra) dài 5,76m và rộng 40cm, dài nhất trong số máng nước thiêng được biết đến trong các di tích ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ ở Việt Nam và Đông Nam Á. Các nhà khoa học cho biết, mỗi khi hành lễ nước sẽ được dội lên ngẫu tượng linga - yoni phía trong tháp, hóa thành nước thánh chảy ra máng nước thiêng và từ đó được sử dụng để xức hoặc rắc lên mình các tín đồ, mang lại sự an lành, may mắn, đông con nhiều cháu. Cùng với máng nước này là hệ thống dẫn nước được xây bằng gạch có lòng máng rộng khoảng 40cm và chiều sâu 30cm chạy dọc theo hướng Đông – Tây, kéo dài hơn 100m với chức năng phân phối “nước thánh” đến tất cả các đền tháp và đền mộ trong thánh địa.
Những gì khai quật được mới là một phần rất nhỏ trong quần thể di tích này. Giá trị văn hóa và những bí ẩn đầy sức hấp dẫn của vùng đất thiêng này, theo giáo sư Trần Quốc Vượng, không kém gì khu thánh địa Mỹ Sơn. Bằng cách nào để đọc được những thông điệp của người xưa để lại, để bảo tồn và phát huy tốt những giá trị to lớn khu di sản này, đó là điều được nhiều người quan tâm.

 




 
 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành