Số người đang online : 13 ĐÌNH TRÌNH XÁ - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

ĐÌNH TRÌNH XÁ
post image
ĐÌNH TRÌNH XÁ

Xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 05/1999/QĐ-BVHTT...

ĐÌNH TRÌNH XÁ



1. Tên di tích: Đình Trình Xá
2. Loại công trình: Đình
3. Loại di tích: Kiến trúc
4. Quyết định: Xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 05/1999/QĐ-BVHTT ngày 12 tháng 02 năm 1999
5. Địa chỉ: xã Gia Lương,  huyện Gia Lộc,  tỉnh Hải Dương.
6. Thông tin về di tích
     Đình Trình Xá thuộc xã Gia Lương huyện Gia Lộc được nhân dân địa phương chọn xây dựng ở thế đất như nằm trên trán con rồng, còn mình và đuôi rồng, ở phía giữa và cuối làng. Trình Xá xưa có tên cổ là Trung Thôn, Sồi Giữa thuộc xã Lỗi Dương, tổng Phan Xá, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, thuộc xã Quốc Tuấn, huyện Gia Lộc.
    Từ năm 1951 đến nay thuộc xã Gia lương huyện Gia Lộc. Vùng đất này xưa là bãi bồi gọi là Bản Trang gồm Đông khu, Tây khu và Trung khu. Dân Trung khu có nghề trồng dâu nuôi tằm, kéo sồi nên còn có tên là làng Sồi giữa, vì thế ngôi đình còn có tên là đình Trung thôn, đình Sồi giữa.
    Theo thần tích thời Lê còn lưu giữ tại điạn phương thì đình Trình Xá trước đây là một ngôi miếu cổ thờ Thành hoàng là Lương Cảm Quang Châu- Hoàng Thái Hậu.
    Sự tích kể rằng: Xác Hoàng Thái Hậu trôi dạt đến sông Dẫn An vào địa phận xã Lỗi Dương thì dừng lại, nhân dân địa phương vớt lên thấy người phụ nữ dung nhan tuyệt trần liên làm lễ an táng, lập miếu ở gần sông thờ phụng. Từ đó vùng đất này được bồi đắp mầu mỡ, nhân dân có cuộc sống yên ổn, vui tươi nên cho rằng nơi đây linh thiêng hiển ứng bèn tâu lên triều đình, được vua phong là “Thượng đẳng tối linh phúc từ”, cho dân lập đền để thờ. Đến đời vua Trần Nhân Tông cầm quân đi đánh giặc qua miếu Hoàng thái hậu có vào hành lễ cầu nguyện và chọn trong 3 khu 6 vị dân lão đó là các ông Phạm Công Trinh, Vũ Công Cán người Đông Khu, ông Nguyễn Công Mĩ, Phạm Công Hoằng ở Tây khu và ông Trần Công Hợp. Lê Công Vinh ở Trung Khu, 6 người này làm gia thần phụng mệnh, theo vua đi đánh giặc, trận ấy giặc tan, vua quay về tạ lễ miếu Hoàng Thái Hậu và ban thưởng hậu cho 6 vị dân lão, lệnh cho 3 khu đều lập đền thờ Hoàng Thái Hậu, các triều đại sau đều phong sắc và phong mĩ tự, tặng câu đối như sau:
            "Nhất mộng phương danh chiêu trần thế
              Nghìn thu phúc nghĩa tại Lỗi Dương."
        Nghĩa là:
            "Một giấc mộng tiếng thơm chiếu sáng đời nhà Trần
            Nghìn thu phúc nghĩa tại đất Lỗi Dương."
    Đình Trình Xá không chỉ là nơi thờ Thành hoàng và các vị dân lão có công với nước mà trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, đình là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của địa phương và hiện nay là trung tâm sinh hoạt văn hoá của những người cao tuổi.
    Lễ hội truyền thống hàng năm từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 11 có rước kiệu từ miếu về đình và nhiều trò vui dân gian như đấu vật, chọi gà, kéo co, bơi thuyền, hát chèo...
    Về kiến trúc nghệ thuật, đình Trình Xá được khởi dựng vào thời Lê với quy mô lớn kiểu chữ Quốc bao gồm tiền tế, hậu cung, tam quan, giải vũ, đáng tiếc hiện nay di tích không còn như xưa nữa, chỉ còn 5 gian toà tiền tế và 3 gian hậu cung theo kiểu chữ Đinh (J) tổng diện tích 116 m2, nhà kiểu lòng thuyền, chân tảng đá xanh, đục 3 lớp hình cánh sao tinh xảo, vì kết cấu con chồng đấu sen. Các bức cốn chạm lộng các tích dân gian, nét chạm khéo léo, chau chuốt như long vân tụ hội, cúc hoá long, phượng vũ, tùng lộc, tùng cúc trúc mai, cúc điệp, hồng điệp... Đầu bẩy mái hiên chạm kênh bong cá hoá rồng, rồng vờn mây, chim bay, đào mận tạo thành bức tranh mùa xuân rực rỡ. Mái đình cổ kính được bao bọc bởi tán cây cổ thụ sum suê, thân rễ sù sì, có cây tới 150 tuổi như cây quéo, cây xi tăng thêm vẻ thâm nghiêm, u tịch. Làng Trình Xá vốn phong cảnh nên thơ. Đình chùa cổ kính và cánh đồng thẳng cánh cò bay.
    Di tích còn giữ được nhiều cổ vật có giá trị như cuốn thần tích thời Lê (1737), bia đá thời Nguyễn (1939), chuông đồng, bát hương... Đặc biệt ở đây còn bẩy đạo sắc phong từ thời Quang Trung đến cuối thời Nguyễn. Đó là vật chứng chân xác nhất ghi nhận lịch sử và giá trị của ngôi đình.




0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành