Số người đang online : 22 HÒN CHÔNG - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

HÒN CHÔNG
post image
HÒN CHÔNG

Được công nhận di tích theo quyết định số 100-VH/QĐ ngày 21 tháng 1...

HÒN CHÔNG
 
1.    Tên di tích: Hòn Chông
2.    Loại công trình:  Thắng cảnh
3.    Loại di tích:
4.    Quyết định: Được công nhận di tích theo quyết định số 100-VH/QĐ ngày 21 tháng 1 năm 1989
5.    Địa chỉ di tích: xã Bình An, huyện Kiên Lương, Kiên Giang
6.    Tóm lược thông tin về di tích   
Khu du lịch Hòn Chông là một quần thể các di tích, danh lam thắng cảnh mang vẻ đẹp non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình. Vùng đất này hiền hòa, thơ mộng với nhấp nhô đồi núi, với hang động huyền ảo, bãi biển êm đềm, hải đảo đáng yêu, lăng tẩm, chùa chiền trầm mặc. Từ xưa, nơi đây đã có tiếng là đất Phật, người hiền; có rất nhiều điểm tham quan hấp dẫn nhưng có ba điểm tham quan chính là Chùa Hang, Hòn Phụ Tử và Bãi Dương
Danh Lam Cổ Tự Chùa Hang
 
Chùa Hang là ngôi “Phật động” nổi tiếng, nằm trong ruột núi đá thâm u, mờ ảo. Chùa có tên chữ là Hải Sơn Tự. Truyền thuyết kể rằng: Công chúa Ngọc Tuyền là em gái chúa Nguyễn Ánh, đã mất tại đây trong khi đang trốn nghĩa quân Tây Sơn. Sau này để tưởng nhớ người em gái của mình, Nguyễn Ánh cho xây chùa trong hang núi để thờ phụng nên gọi là Chùa Hang. Địa thế núi Hải Sơn nằm sát bờ, sóng biển đập vào chân núi quanh năm. Núi cao chót vót, vách dựng đứng, sừng sững như một hải vọng đài.
 
Lối vào Chùa Hang - Ảnh: T.V
Trước sân chùa thờ tượng Phật Di Lặc bằng đá Non Nước (Đà Nẵng) nặng tới 22 tấn. Ngẩng nhìn lên không gian phía trên là vách núi có nhiều cây cổ thụ đứng cheo leo, buông ra giữa khoảng không những chùm rễ dài lơ lửng. Chánh điện nằm gọn trong lòng núi với một động đá vôi hai cửa chạy thẳng theo trục Đông Bắc –Tây Nam chiều dài hơn 50 mét, cửa động sau nhìn thông ra biển. Đây là hang động thiên nhiên trong ngọn núi đá vôi bị nước biển xâm thực cách đây hàng ngàn năm nên hết sức độc đáo. Căn cứ vào diêm hào và vỏ sò hến ở các khe đá trên đỉnh núi người ta phỏng đoán vài vạn năm trước, núi Chùa Hang nằm dưới mực nước biển.
Động có nhiều thạch nhũ muôn hình, muôn vẻ, khi ta gõ vào các thạch nhũ thì âm thanh ngân lên như tiếng chuông. Vì vậy người ta gọi là đá chuông. Trong động là Hang Kim Cương có đường lên trời, còn Hang Phật Ngủ thì nửa tối nửa sáng với tảng đá hình Phật nằm. Động sâu thăm thẳm, những tượng Phật lung linh ẩn hiện tạo nên cảm giác tôn nghiêm huyền bí. Từ chánh điện có đường hang thông ra bờ biển, chỗ hẹp nhất cũng vừa khoảng 3-4 người đi lọt. Đường hang nhỏ và thẳng. Đi khoảng mươi mười lăm phút theo lòng hang ngoằn ngoèo trong ruột núi, cuối cùng bạn sẽ nghe những ngọn gió từ biển thổi vào mát rượi, oà ra trước mặt là một khoảng sáng. Cửa hang phía sau này nằm sát biển. Du khách tiếp tục đi thẳng khoảng 60 mét thì đến biển, nhìn thấy Hòn Phụ Tử, chân bước trên bờ cát mịn, đến gần với thiên nhiên và hít thở không khí trong lành. Hàng năm Chùa Hang tổ chức lễ hội long trọng từ ngày mùng 8 kéo dài đến ngày 15 tháng 4 âm lịch.
Hòn Phụ Tử
 
 
Hòn Phụ Tử hiện nay - Ảnh: N.L
Từ cửa Chùa Hang du khách đứng trên những tảng đá hoặc ra bãi biển ngắm nhìn Hòn Phụ Tử cách đó chừng 500 mét – từ lâu đã trở thành biểu tượng cảnh đẹp cho ngành du lịch Kiên Giang. Từ Chùa Hang có thể ra thăm Hòn Phụ Tử bằng tàu du lịch. Hòn Phụ Tử là hai trụ đá cao nghiêng nghiêng cùng một chiều tượng trưng cho hình hai cha con quấn quýt bên nhau trông ra biển cả. Hòn lớn cao chừng 33,6 mét được hình dung là cha và khối đá nhỏ hơn chừng 32,9 mét là con. Hai khối đá nối với nhau bằng một bệ đá cao hơn mặt nước biển khoảng 5 mét.
Hai bên Hòn Phụ Tử là hai đảo có hình dáng giống như một con thỏ quỳ hai chân sau để giỡn với sóng biển và một con rùa. Nhìn ra xa hơn là đảo xanh nhấp nhô trên biển bạc bao la ngút tận chân trời. Núi Phụ Tử và Chùa Hang tạo thành eo biển nhỏ ghe tàu đi lại dễ dàng để vào neo đậu. Nước biển trong xanh ngăn ngắt không thua kém vẻ đẹp biển miền Trung. Phong cảnh trời biển thật bao la hùng vĩ. Thiên nhiên khéo tạo cho Kiên Giang một cảnh quan kỳ thú, chẳng vậy mà có người ví phong cảnh Hòn Chông là “Vịnh Hạ Long của Phương Nam”. Chắc hẳn du khách đến đây sẽ không thể quên được cảnh đẹp non nước hữu tình. Hòn Phụ Tử đẹp và hấp dẫn hơn bởi vì nó còn gắn liền với nhiều truyền thuyết mang tính nhân văn, có truyền thuyết rất đẹp và xúc động về tình cha con... Sự kiện Hòn Phụ bị đổ ngày 9.8.2006 đã làm biến đổi một trong những thắng cảnh Quốc gia nổi tiếng ở phương Nam, làm cho chúng ta không khỏi nuối tiếc.
 Thắng cảnh Bãi Dương
Một góc Bãi Dương - Ảnh: N.L
 Bãi Dương nằm trong quần thể danh thắng Hòn Chông, là một bãi biển đẹp, có sức quyến rũ du khách đến tắm biển, nghỉ ngơi rất thú vị. Bờ biển Bãi Dương chạy dài khoảng hai cây số, một nửa bãi có hàng cây dương xanh và nửa bãi kia thì có loài cây dầu cổ thụ nên người địa phương gọi khu vực này là Bãi Dương và Bãi Dầu. Phía trước Bãi Dương có đảo Kiến Vàng cách bờ khoảng 500 mét án ngữ trước mặt. Xa hơn về phía biển, Hòn Trẹm, Hòn Phụ Tử, núi Chùa Hang nổi lên sừng sững, các hòn khác, đảo khác xanh mờ giữa biển khơi. Tất cả tạo nên một phong cảnh thiên nhiên rất hữu tình, thơ mộng như một bức tranh thủy mặc.
Dưới nắng vàng rực rỡ, Bãi Dương và Bãi Dầu chạy theo hình vòng cung ôm lấy biển, bãi cát trắng mịn màng nằm giữa hai màu xanh, nước biển xanh lơ và hàng cây hai bên rì rầm trong gió biển. Bãi tắm là bãi cát mịn màng không hề pha sỏi đá. Nước biển trong xanh. Đây là vùng biển nông, sóng nhỏ. Bãi tắm kín đáo bởi hàng cây và rừng cây tạp như bức rèm ngăn cách với đường xe chạy. Bãi biển dài nên rất thoáng đãng.
 
7. Một số hoạt động nhà trường đã làm trong nội dung chăm sóc di tích lịch sử
Trong thời giam qua nhà trường đã tiến hành một số nội dung tổ chức cho HS tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa cách mạng ở địa phương:
3.1- Trước hết nhà trường đã thành lập BCĐ cấp trường xây dựng kế hoạch thực hiện và đăng ký với PGD về nhận chăm sóc di tích văn hóa lịch sử Chùa Hang – Hòn Phụ Tử.
3.2- Tổ chức triển khai các nội dung của trường học thân thiện, học sinh tích cực tới toàn thể CBGV, PHHS, các đoàn thể vào các buổi khai giảng và họp PHHS đầu năm học; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về Di tích lịch sử văn hóa ở địa phương với học sinh trong các buổi chào cờ đầu tuần; các hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp.
 3.3 – Chỉ đạo các đoàn thể trong nhà trường (Đoàn, Đội) tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu về truyền thống cách mạng, lịch sử của khu di tích từ đó giáo dục các em truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc….Kết hợp buổi tham quan đã tổ chức cho HS thu dọn vệ sinh ở khu vực Bãi Dương.                  
 3.4 - Nhà trường đã tổ chức thực hiện hiệu quả, thiết thực giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho tất cả học sinh bằng các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với các hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp với lứa tuổi như, văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian… và thông qua các môn học.
          Qua các hoạt động tham quan, tìm hiểu về truyền thống văn hóa dân tộc và tinh thần cách mạng ở địa phương và việc chăm sóc thường xuyên khu di tích đã giúp cho học sinh của trường từng bước nâng cao hơn về nhận thức cũng như ý thức tu dưỡng đạo đức, tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ và góp phần làm cho di tích ngày một sạch đẹp hơn, hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Công tác chăm sóc di tích lịch sử đối với nhà trường còn gặp phải khó khăn đó là: Khu di tích nằm cách xa khu vực của nhà trường nên việc tổ chức cho các em HS thường xuyên tới để chăm sóc là rất khó thực hiện vì phải thuê mướn phương tiện để chở HS, trong khi kinh phí hoạt động của nhà trường thì hạn hẹp, PHHS phần lớn là người dân lao động tay chân, làm mướn hoặc buôn bán nhỏ nên vấn đề hỗ trợ, phối hợp cùng nhà trường còn rất nhiều khó khăn.

 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành