Số người đang online : 32 THẠCH ĐỘNG - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

THẠCH ĐỘNG
post image
THẠCH ĐỘNG

Được công nhận di tích theo quyết định số 100- VH/QĐ ngày 21 tháng...

THẠCH ĐỘNG


1.    Tên di tích: Thạch Động
2.    Loại công trình:
3.    Loại di tích:
thắng cảnh
4.    Quyết định: Được công nhận di tích theo quyết định số 100- VH/QĐ ngày 21 tháng 01 năm 1989
5.    Địa chỉ di tích: Ấp Thạch Động, xã Mỹ Đức, Thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang
6.    Tóm lược thông tin về di tích
Tên gọi: Di tích danh lam thắng cảnh Thạch Động.
Tên thường gọi: Thạch Động.
Địa điểm: Ấp Thạch Động, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang
Tên cũ: làng Kỳ Lộ, tổng Hà Thanh, Quận Châu thành, tỉnh Hà Tiên.
Thạch Động nằm cách thị xã Hà Tiên Khoảng 4 km về phía Bắc.Từ thị xã Hà Tiên đi theo tỉnh lộ 28 về phía tay phải, cách 50m là cửa hang.
Sự kiện, nhân vật lịch sử và đặc điểm của di tích: Khi Hà Tiên còn là 1 trấn thuộc Đàng Trong, quan tổng trấn Mạc Thiên Tích lập ra hội thơ văn (năm 1736) gồm 36 vị để ngâm vịnh gọi là Tao đàn Chiêu Anh Các. Nhóm Chiêu Anh Các thường hoạt động ở nhiều địa phương trong đó có Thạch Động. Qua hoạt động này, nhóm Chiêu Anh Các đã cho ra đời nhiều kiệt tác, sau đây là một trong những kiệt tác nói về Thạch Động:
Động đá nuốt mây
Xanh xanh ngợn đá chạm thiên hà
Động bích long lanh ngọc chói loà
Chẳng hẹn, khói mây thường lẩn khuất
Không ngăn cây cỏ mọc la đà
Phong sương càng dãi màu tươi đẹp
Nhật nguyệt chi mừng bóng lại qua.
Chót vót tinh hoa đây đã hẳn
Theo chiều gió lộng vút cao xa.

(Mạc Thiên Tích)
Bên trong Thạch Động (hang đá) có một ngôi chùa thờ phật. Vào đầu thế kỷ XX có 2 nhà sư từ miền Nam Trung Bộ đến Hà Tiên vào chùa Thạch Động trụ trì chùa. Một vị là Quý Nguyên Thọ Thượng Chánh Hạ Quả, dòng tu Lâm Tuế đời thứ 39, tục danh là Lê Thế Duyên; quê ở Phú Yên, hoà thượng từ trần ngày 21 tháng 12 năm quý sửu, thọ 78 tuổi. Một vị là Quý Quảng Sĩ Thượng Thiên Hạ Học, dòng tu Lâm Tuế đời thứ 40, tục danh là Trịnh Tấn Phước; người quê Bình Định; thiền sư từ trần ngày 02 tháng 9 năm Ất Dậu, thọ 75 tuổi. Thiền sư là một vị chân tu lại giỏi nghề thợ mộc nên đã tự tay xây dựng lại chính điện với khiến trúc như ngày nay.
Sau khi hai nhà sư qua đời, đệ tử của sư Trịnh Tấn Phước là bà Cam Thị Nàm (bà Hai Nàm) kế thừa đạo nghiệp trụ trì ngôi chùa. Năm 1948 bà bị thực dân Pháp bắt cùng với 3 người nữa làm ruộng cho nhà chùa về giam tại đồn Hà Tiên. Cả 4 người bị bắt vì lí do chúng bắt quả tang bà Hai Nàm tiếp tế và nuôi giấu cán bộ cách mạng. Ngay đêm bị bắt, giặc Pháp đã giết bà Hai Nàm tại Cầu Cá (tức Cầu Tàu ngày ngay). Người nữ tu hành này là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, là nữ liệt sĩ đáng ghi danh vào bia đá trong Thạch Động. Lại nói về ngôi chùa xây trong hang, cửa chùa là cửa hang chính của Thạch Động; ở đây có đôi liễn lớn đối bằng chữ Hán:
“Thạch thượng linh kỳ lưu ngọc dạ”
“Đông trung tinh địa cấp kim tiên”.
Phía trên cổng chùa có 3 chữ Hán lớn: “Tiên Sơn Động”
Chùa gồm hai ngôi chùa nhỏ kề nhau, dùng vách đá làm tường, chỗ giữa hang xây gạch, chùa bằng gỗ không chạm trổ, lợp ngói hoà hợp với cảnh tự nhiên trong hang.
Chùa có từ bao giờ hiện nay chưa ai biết, sách Đại Nam Nhất Thống Chí (tập 5, quyển 26 mục sơn xuyên chí) chép: “Núi Vân Thiên ở huyện Hà Tiên, cách Địa Tạng khoảng một dặm, có ngọn núi cao chừng 4 trượng, bốn bên vách đứng như một cột kình thiên, núi có động rộng 4- 5 trượng, Bên trong có chùa Bạch Vân; Chùa Bạch Vân ở thôn Mỹ Đức, huyện Hà Tiên…Năm Thiệu Trị thứ 7, Phan Tùng tu bổ”.
Như vậy chùa được xây dựng ít nhất cũng vào đầu thế kỉ XIX.
Về lịch sử, trong thời kháng chiến chống Pháp, giặc Pháp đã dùng một góc hang Thạch Động làm xà lim để tạm giam đồng bào yêu nước và chiến sĩ cách mạng, xà lim tại góc hang Đông Bắc dài 5m rộng 4m (xà lim ấy hiện nay không còn dấu vết)Ngày nay, đến Thạch Động ta sẽ nhìn thấy ngay bên trái, trước cổng di tích lịch sử Thạch Động có tấm bia đá ghi rõ:
Bia căm thù
Ngày 14/3- 1978
Tại xã Mỹ Đức
Bọn diệt chủng PônPốt
đã tàn sát 130 người
Bia căm thù này không khỏi làm cho du khách ngậm ngùi và cũng rất kiêu hãnh về chiến thắng Tây Nam nhiều năm về trước có liên quan đến di tích Thạch Động.
Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1977- 1978, Thạch Động là điểm phòng thủ trọng yếu của thị xã Hà Tiên. Trong hang đặt các chốt đóng của ban chỉ huy lực lượng vũ trang tiểu đoàn Sông Lam, trung đoàn 18, đồn biên phòng 833. Trên đỉnh núi Thạch Động ta đặt đài quan sát để theo dõi tình hình địch.
Ngoài ra, Thạch động còn là nơi lưu truyền huyền thoại Thạch Sanh giết đại bàng cứu nàng công chúa Huỳnh Nga. Truyện được lưu truyền rộng rãi trong cả hai dân tộc Việt và Khơme. Truyện khá dài, chỉ có nêu lên phần chính liên quan đến di tích như sau:
Một hôm Thạch Sanh đang lấy củi ở Đá Dựng bỗng thấy chim đại bàng cắp một người con gái bay qua, chàng giương cung bắn con đại bàng bị thương. Xong chàng xách búa cùng cung tên chạy theo vết máu từ đại bàng nhỏ xuống. Đến Thạch Động, đại bàng cắp người con gái chui xuống hang, Thạch Sanh lấy đá lấp cửa hang và về nhà gọi Lí Thông. Khi cùng Lí Thông trở lại hang, Thạch Sanh dòng dây xuống hang và dặn Lí Thông “khi nào động đầu dây anh kéo lên” Thạch Sanh xuống hang gặp đại bàng, hai bên đánh hau dữ dội bằng những miếng võ thần bí cao siêu. Cuối cùng con yêu quái bị Thạch Sanh đánh bại, Thạch Sanh gặp cô gái và biết nàng là Công Chúa Huỳnh Nga, hai người nói chuyện hồi lâu và Thạch sanh động đầu dây cho Lí Thông đưa Công Chúa ra khỏi hang sâu. Lý Thông đưa được Công Chúa ra, hắn vội lấp cửa hang nhốt Thạch Sanh lại trong đó; hắn đưa Công Chúa về lập công. Thạch Sanh ở lại trong hang bịt bùng không có lối ra, chàng bèn đi tới một góc hang khác và gặp một chàng trai cũng đang bị giam giữ, Thạch Sanh phá củi cứu được người đó và biết rằng anh ta là con trai vua Thủy Tề….
Khảo tả di tích: Âm hán việt có nghĩa là hang đá nhưng Thạch Động còn là tên của núi đá.
Thạch Động là một núi đá khổng lồ, cao sừng sững đứng cách xa mấy cây số cũng nhìn thấy. Cách 4 km về phí Nam của Thạch động là thị xã Hà Tiên. Cách 3km về phía Tây Thạch Động là biên giới cửa khẩu Việt Nam- Campuchia. Từ Thạch Động ra bờ biển theo đường chim bay khoảng 2km.
Thạch Động có vết nứt xẻ đôi, bên trong là hang sâu rộng. Hang chia nhiều ngách có ánh sáng mờ mờ lúc nào cũng có gió thổi rất mát mẻ. Cửa hang chính rộng lớn, có bậc đá để đón khách ra vào, ba cửa hang nhỏ thông lên cao và một cửa hang nhỏ thông xuống lòng đất mà người dân thường gọi là ngõ xuống âm phủ.
Ngõ xuống âm phủ nằm ở vách nam cửa hang sâu thăm thẳm không biết đâu là điểm cuối cùng. Tương truyền rằng có lần Tổng Trấn hà Tiên Mạc Thiên Tích sai người theo cửa hang đi sâu xuống, người đó đi mãi chỉ nghe tiếng sóng, sợ quá phải quay trở lên. Một tương truyền nữa, có người thử xem hang này ra sao, viết chữ đánh dấu vào những trái dừa khô thả vào trong hang và sau đó người ta đi biển vùng Phú Quốc, Hà Tiên đều lượm được những trái dừa ấy trôi trên biển. Ngày nay miệng hang đã được người dân lấp kín, tráng xi măng đề phòng tai nạn xảy ra.
Hang có nhiều thạch nhũ, vách động cửa hang có đường thông ra ngoài ở lưng chừng vách, cửa hang có một khối thạch nhũ rất lớn.
Các vách trong hang, thạch nhũ, tạo ra nhiều hình thù kì lạ theo trí tượng tượng của từng người. Ví dụ, vách phía Tây có hình phật bà màu trắng ngà cao khoảng 30 phân, vách tây Bắc có hình một người con gái mặt trắng, tóc xoã ngang vai và mặc chiếc áo dài màu xanh. Người ta truyền nnhau rằng đó là nàng Công Chúa Huỳnh Nga trong truyền thuyết Thạch Sanh - Lý Thông. 



 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành