Số người đang online : 77 ĐỊA ĐIỂM CHIẾN THẮNG NÀ SẢN - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

ĐỊA ĐIỂM CHIẾN THẮNG NÀ SẢN
post image
ĐỊA ĐIỂM CHIẾN THẮNG NÀ SẢN

Tên di tích: Địa điểm chiến thắng Nà Sản...

1. Tên di tích: Địa điểm chiến thắng Nà Sản (1952)

2. Loại di tích: Di tích lịch sử cách mạng

3. Quyết định: Được công nhận di tích theo quyết định số 95-1998 QĐ/BVHTT ngày 24 tháng 01 năm 1998

4. Địa chỉ di tích: xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La 

5. Tóm lược thông tin về di tích    
Cao nguyên Nà Sản là một trong hai cao nguyên lớn thuộc tỉnh Sơn La, trên địa bàn rộng khoảng hơn 20km2 thuộc các xã Chiềng Mung, Hát Lót, Chiềng Mai, Mường Bon. Có độ cao trung bình 600 - 700m, có địa hình tương đối bằng phẳng, rộng, đồi núi thấp, có vị trí chiến lược cho việc phát triển kinh tế, giao thông và quốc phòng.
Với vị trí đặc biệt thuận lợi, ngay từ những năm quay lại xâm chiếm Sơn La, Tây Bắc, thực dân Pháp đã cho xây dựng sân bay vận tải, làm cầu hàng không vận chuyển để tiếp tế lương thực và các phương tiện chiến tranh phục vụ cho việc chiếm đóng, cai trị của chúng ở Tây Bắc. Khi tình hình diễn biến của chiến sự không có lợi cho chúng, bị thất bại trước những đợt tấn công của quân và dân ta, Thực dân Pháp đã tính đến việc gom các vị trí lại thành căn cứ điểm mạnh, cho nên tập đoàn cứ điểm Nà Sản được thực dân Pháp xây dựng từ tháng 10/1952, nghĩa là từ giữa chiến dịch Tây Bắc. Trước tình hình đó, thực dân Pháp bỏ nhiều vị trí quan trọng ở Khu Tây Bắc rút chạy về co cụm tại Nà Sản và xây dựng thành “Tập đoàn cứ điểm” mạnh và kiên cố nhất thời điểm đó và đây cũng là biện pháp phòng ngự cao nhất, có ý nghĩa chiến lược mà lần đầu tiên chúng thử nghiệm tại Việt Nam.
Tập đoàn cứ điểm Nà Sản được xây dựng chủ yếu thuộc địa phận xã Chiềng Mung, theo trục quốc lộ 6, phân bố trên diện tích 10km2 được bao quanh bởi hai dẫy núi: Pú Hồng và bản Vạy. Ở giữa là khu trung tâm nằm trong thung lũng trải rộng có sở chỉ huy, sân bay vận tải, hệ thống kho chứa lương thực, vũ khí...
Tập đoàn này được xây dựng theo mô hình như một vòng cung khép kín, có 17 cứ điểm liên hoàn, phía Bắc có các cụm Pú Cát, Pú Hồng, Nà Si; Phía Nam có cụm núi Na Sam, bản Cưởm, bản Vạy, Cừ Nhừm. Các dãy núi có độ cao trung bình khoảng 750m, trong đó có núi Pú Hồng cao trên 1.000m.
Khu trung tâm điều hành các cuộc hành quân, sở chỉ huy và sân bay vận tải được xây dựng tại bản Nà Sản, bản Lầu, bản Hời, bản Cưởm, cách đường 41 (Quốc lộ 6) khoảng 500 - 1.000m.
Để bảo vệ cho sở chỉ huy, sân bay cùng các kho tàng lương thực, vũ khí, thực dân Pháp tiến hành xây dựng hệ thống đồn bốt, pháo cao xạ 105mm cùng hệ thống giao thông hào kiên cố trên các cứ điểm trọng điểm là Pú Hồng, Nà Si, bản Vạy, Cừ Nhừm, bản Hời, bản Cưởm, bản Cút, bản Lầu để tạo thành vành đai khép kín, bảo vệ chung cho khu trung tâm Nà Sản. Có các binh chủng sau: 8D lính dù, 1D pháo binh, 8C độc lập, 1D công binh và 1 sân bay ở khu trung tâm.
Tại khu trung tâm gồm: Sân bay vận tải có chiều dài 1.100m, đầu của sân bay được nối liền vào sở chỉ huy, trung tâm liên lạc điều hành các cuộc hành quân các cứ điểm; Các cứ điểm trong sân bay được điều hành kiên cố như: Các đường chiến hào thường nối liền với giao thông hào cơ động trong từng cứ điểm, được bảo vệ bằng những vòng dây thép gai dày đặc, gắn liền với trận địa pháo 105mm, được bố trí theo hình tam giác, có ba trận địa pháo (3 đại đội, mỗi đại đội 4 khẩu pháo), mỗi khẩu cách nhau 20 - 30m, có hầm chứa đạn, khu công sự ẩn nấp và chiến đấu của pháo thủ.
Sở chỉ huy được xây dựng nằm sâu dưới lòng đất hơn 3m, do tướng Zin chỉ huy, dài 6,5m, rộng 5m, trên tường được vã và trát bằng vật liệu bê tông thô gồm đá vụn, cát và xi măng, nóc được lợp bằng tấm sắt ghi như đường băng sân bay cỡ 2,4m x 0,55m. Cửa hầm bằng gỗ được mở liền với hệ thống đường giao thông hào ra sân bay (sâu 2,5m, rộng 8m), đường này có tên gọi là “Đại lộ trung tâm dưới đất" nối với sở chỉ huy vào sâu bên trong là nơi làm việc của cơ quan tham mưu, nơi đây trần không lợp bằng tấm kim loại mà che bằng vải bạt dày như hình mái nhà, phía ngoài vòm mái của sở chỉ huy được đắp đất và các bao cát cao 1m.

Các cứ điểm xây dựng trên các điểm cao xung quanh được cấu trúc như sau: Công sự, có từ 1 - 3 chiến hào đứt đoạn (Mỗi đoạn dài khoảng 10 - 15m), khoảng cách giữa các chiến hào từ 15 - 20m, chỉ có cứ điểm Pú Hồng chiến hào được xây dựng khép kín thành một vòng tròn, không đứt đoạn trên đỉnh núi. Chiều rộng là 80 - 90cm, sâu 1m, bên trong có các ụ chiến đấu được đắp chủ yếu bằng đất hoặc bao cát, xung quanh được bao kín bằng hàng rào dây thép gai, phía ngoài chúng cho chặt cây tre, gỗ ngổn ngang để cản đường tiến công quân ta.

Chiến dịch Tây Bắc bắt đầu từ ngày 14/10/1952 và kết thúc vào ngày 10/12/1952, sau 3 đợt tấn công quyết liệt của quân và dân ta nên chiến dịch nhanh chóng kết thúc so với dự kiến ban đầu là 4 tháng. Ta đã tiêu diệt được nhiều quân địch và thu nhiều vũ khí đạn dược, địch đã rút về co cụm ở Tập đoàn cứ điểm Nà Sản, chúng ta cũng chưa nắm rõ và chưa có kinh nghiệm đánh địch ở dạng tập đoàn cứ điểm, trước tình huống chưa thuận lợi, bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển sang bao vây, cô lập Nà Sản và rút quân về củng cố vùng giải phóng rộng lớn và củng cố lực lượng chuẩn bị cho nhiệm vụ mới.
Trước thế bị động, cô lập hoàn toàn, chúng biết khả năng không thể tồn tại trên mảnh đất này như âm mưu và kế hoạch của chúng, nên đã bí mật tháo chạy bằng đường hàng không. Như vậy chiến dịch Tây Bắc đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Bộ chỉ huy chiến dịch đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những yếu tố chủ quan, khách quan trong quá trình tham mưu, tác chiến chúng ta chưa đánh địch thất bại đến cùng nhưng “Nà Sản” đã cho quân đội ta một bài học kinh nghiệm giá trị rất sâu sắc trong chiến lược quân sự, đặc biệt là cho cuộc tấn công chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trải qua dòng chảy thời gian, cùng với diễn trình lịch sử, “Tập đoàn cứ điểm Nà Sản” nay chỉ còn là địa danh lịch sử, nhưng nó mãi là chứng tích của những năm tháng oanh liệt của quân và dân ta chống thực dân Pháp tại chiến trường Tây Bắc, là dấu ấn của sự thất bại thảm hại của chủ nghĩa thực dân xâm lược. Một cao nguyên Nà Sản đã trở thành địa danh lịch sử bổ xung vào danh mục các di tích lịch sử của cả nước. Năm 1998 Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định xếp hạng cấp Quốc gia di tích lịch sử Tập đoàn cứ điểm Nà Sản.


Nguồn tin: Nguồn tư liệu Bảo tàng tỉnh Sơn La

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành