Số người đang online : 58 DANH THẮNG ĐỘNG TIÊN - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

DANH THẮNG ĐỘNG TIÊN
post image
DANH THẮNG ĐỘNG TIÊN

Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số...

DANH THẮNG ĐỘNG TIÊN



1. Tên di tích:  Danh thắng động tiên
2. Loại công trình: Hang động
3. Loại di tích: Danh lam thắng cảnh
4. Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 63/2005/QĐ-BVHTT ngày 16 tháng 11 năm 2005.


 
5. Địa chỉ di tích: Thôn 2 Thống Nhất – xã Yên Phú – huyện Hàm Yên – tỉnh Tuyên Quang.
6. Tóm lược thông tin về di tích:
           Yên Phú - một mảnh dất thân thương của miền núi rừng sơn cước, nơi nổi danh với phong cảnh hang động đẹp và huyền bí. Con người nơi đây luôn tự hào với những danh thắng thiên nhiên kỳ thú và hoàn mỹ.
            Yên Phú là một xã vùng cao nằm ở phía Tây Bắc huyện Hàm Yên, cách trung tâm thành phố Tuyên Quang 55km dọc theo tuyến đường quốc lộ II đi Hà Giang, xã Yên Phú may mắn được thiên nhiên ban tặng cho một món quà vô giá đó là quần thể danh  thắng Động Tiên đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 63/2005/QĐ-BVHTT ngày 16 tháng 11 năm 2005.
           Quần thể thắng cảnh Động Tiên nằm trọn trên ba ngọn núi có độ cao bằng nhau và cách đều nhau đó là núi Tọa (núi Đá Đen) nơi khai quật được nhiều hiện vật của người nguyên thủy, núi Chân Quỳ, núi Bạch Mã, xếp dọc theo bờ sông Lô.
Theo từng bậc đá cao dần, ta bắt gặp những làn gió nhè nhẹ thoảng qua cho ta một không khí thoáng đãng, lên cao chừng vài chục bậc rồi rẽ phải sẽ gặp Cửa Gió, một cổng đá tự nhiên chắc khỏe như thể đã được một bàn tay nghệ nhân kiến trúc điêu luyện gọt giũa, những làn gió thổi lùa qua cổng vòm mát rượi. Một địa điểm hấp dẫn luôn níu chân bất cứ ai.
Bước tiếp những bậc đá ghập ghềnh, khuất khúc ta sẽ thấy một đoạn dốc ngắn. Kia, tượng đá một thiếu phụ đang cô đơn đứng nép bên đường với đôi vai gầy đầy sương gió cùng đôi mắt đẫm lệ đang nhìn vào thinh không, Không phải Nàng chờ ta mà Nàng ngóng đợi người chồng ra đi đã ngàn năm mà hóa đá. Bởi thế, đoạn dốc ngắn đó có tên là Dốc Cô Đơn.
Lên cao chừng trăm bậc nữa là tới cửa Động Cô Tiên, một kiệt tác hoàn hảo của tạo hóa. Gió lồng lộng, khí trời mát mẻ. Bước chân vào động ta sẽ bắt gặp ngay những hình thù chim thú lạ mắt. Này con Khổng Ngư vội vã từ Biển Đông vừa tới đang tròn mắt ngơ ngác, đây chú Ba ba vừa từ mặt nước ngoi lên mắt như còn đang đọng nước. Đâu đó lại vọng tiếng nước chảy tí tách…Tiến sâu vào phía cửa hang một chút rồi ngước mắt nhìn lên trần hang ta sẽ trông thấy một chú Linh Điểu khổng lồ đang xòe rộng đôi cánh ở tư thể bay lên, móng vuốt dài, sắc nhọn đang quặp theo một người con gái, gợi cho ta nhớ tới cốt truyện Thạch Sanh…
Đi qua dưới cánh Linh Điểu, vào trong chính động ta trông thấy một Thạch trụ- cột đá chống trời cao trạm trần hang. Thạch trụ với hạt nhũ lấp lánh, huyền ảo như hội tụ cả ánh bạc , ánh vàng, kim cương mã não.
Phía sau Thạch trụ, sừng sững một khối đá cẩm thạch, tựa hình một phụ nữ sắp đến kì mãn nguyệt khai hoa. Bức tượng Người mẹ mang thai ấy toát lên sự phồn thực và niềm khát khao sinh nở, khát vọng làm mẹ ngàn năm chưa thành hiện thực, gắn với truyền thuyết về người con gái vì bị cha ép gả cho kẻ lái buôn khi gã lái buôn đồng ý về ở rể. Và việc gì phải đến đã đến, cô gái đã cố  ý có thai với người mình yêu. Cha cô buộc lòng phải từ hôn, trả hết lại của cải cầu hôn nào vàng, bạc, vải, muối …cho gã lái buôn.
            Tên lái buôn kia thực ra chính là tên do thám, ngay sau khi bị từ hôn hắn đã lập tức nội ứng dẫn đường cho giặc vào xâm chiếm đất nước. Thế giặc quá mạnh khiến người già, phụ nữ và trẻ nhỏ phải ẩn vào hang núi. Không có lương ăn, ngày ngày dân bản thay nhau ra rừng đào củ, hái rau, măng để sống qua ngày… Vui thay sau chuỗi ngày quyết tâm vượt qua khổ cực ấy, quân giặc đã bị đánh tan sau một trận chiến quyết định.  nhưng bà con dân bản vô cùng đau lòng, thương  xót khi chàng trai, người thủ lĩnh, cha của đứa bé đang nằm trong bụng mẹ đã anh dũng tử trận. Nghe tin dữ cô gái đã ngất đi, bà con cố gắng đỡ cô nằm xuống nhưng không nổi, cô đã hóa đá tự lúc nào và ngồi đó cho đến tận ngày nay.
           Vào đến vách động trong cùng, ta thấy một ban thờ năm tầng. Ngự trên ban là Tiên Cô thứ bẩy đang trong tư thế thành tâm cầu nguyện. Một hình ảnh đại diện của quần thể thắng cảnh Động Tiên, gắn liền với truyền thuyết của Lễ hội Động Tiên diễn ra thường niên vào ngày mùng 9 tháng giêng.  Truyền thuyết kể rằng:
            Ngày xưa, thuở đất mới sinh, trời mới nở, mặt trăng tròn suốt các đêm trong tháng. Trong số các Tiên nữ con gái Ngọc Hoàng có nàng tiên thứ bẩy, Nàng Bẩy xinh đẹp và rất hiếu kì, nàng muốn được thường xuyên du ngoạn xuống trần gian bởi dưới trần gian tuy vất vả nhưng lại vui vẻ, khác hẳn cuộc sống nghiêm trang, buồn tẻ cõi tiên đình, để che mắt Ngọc Hoàng, Nàng Bẩy xin với Ngọc Hoàng làm cho mặt trăng chỉ tròn vào một đêm trong tháng.
Chiều theo ý Nàng  Bẩy, Ngọc Hoàng liền cho mặt trăng đầy dần từ đêm đầu tháng và khuyết dần về đêm cuối tháng. Nàng Bảy thường chốn xuống trần và  thoả s ức ngao du khắp chốn trần gian, nàng đã đem lòng yêu thương chàng Mồ Côi tuấn tú. Biết chuyện Ngọc Hoàng rất giận dữ nhưng vẫn  thương con. Ngài ban lệnh nàng Tiên Út phải ăn chay cầu nguyện đủ một trăm ngày, lại chuyền cho chàng Mồ Côi chuẩn bị lế cưới phải có đủ chim lạ thú quí trần gian. Nếu không tất cả sẽ bị hóa thành đá, vĩnh viến không được về trời.
Nàng Bảy chọn đất Vị Khê phong cảnh kỳ thú làm nơi ăn chay ngồi thiền cầu nguyện. Chàng Mồ Côi thì đi khắp mọi miền tìm kiếm chim thú cùng các sản vật đem về chờ ngày dâng lên Ngọc Hoàng. Thế nhưng các nàng Tiên chị chỉ ưa yến tiệc, muốn lúc nào bầu trời cũng sáng, liền xin Ngọc Hoàng cho mặt trăng tròn lại hằng đêm. Họ ghen với đặc ân của Ngọc Hoàng với cô em út. Lúc này Nàng Bảy đang thành tâm nguyện cầu, thì họ bẩm với Ngọc Hoàng rằng Nàng Bảy đi chơi cùng chàng Mồ Côi. Trong  phút chốc giận dữ Ngọc Hoàng biến nàng Bảy và các đồ lễ vật thành đá.
Mùa xuân năm sau vào lúc quần tiên mở hội, thấy vắng nàng Bảy, động lòng thương nhớ con, Ngọc Hoàng mới hỏi Nam Tào, Bắc Đẩu. Hai thiên thần tâu bày sự thật về kế hại em của các nàng tiên chị. Ngọc Hoàng hối hận bèn cho nàng Bảy được chở về tiên giới. Lại lệnh cho người dưới trần hàng năm cứ đến ngày mồng 9-10 tháng giêng mở hội tại nơi nàng Bảy ngồi cầu nguyện. Và ngày đó nàng Bảy được rời cõi tiên xuống gặp người trần thỏa theo ý thích. Ngọc Hoàng cũng không rút lại lệnh trăng khuyết, thế nên trăng vẫn chỉ tròn vào đêm rằm cho đếm tận ngày nay. Nơi nàng Bảy ngồi cầu nguyện người trần gọi là  Động Cô Tiên. Chim lạ thú quý, Rồng Vàng, Báo Gấm, Đại Bàng, Tôm Trắng, Cá Vằn…chàng Mồ Côi đem về còn đó. Ngựa trắng (Bạch Mã), để nàng Bảy và chàng Mồ Côi cưỡi lên tiên giới đang hướng lên trời còn đó. Ba ngọn núi là núi Tọa, núi Bạch Mã, núi Chân Quỳ vẫn sừng sững như thuở nào để chứng kiến lòng yêu trần thế của nàng tiên thứ Bẩy.
          Trở lại đường cũ, đến ngã ba, rẽ trái là đường lên Động Hai Cửa. Động sâu, kiến trúc nguy nga với những cột đá lấp lánh ánh bạc, ánh vàng. một khuê phòng tráng lệ hiện ra trước mắt với những song cửa sổ ngà sang trong, rèm buông lộng lẫy màu ngọc bích.
Rời Động Hai Cửa để đến với rừng Tiểu Trúc. Những khóm trúc mọc xen đá với tấm thân mảnh mai, yểu điệu. Gió núi khiến thân trúc không ngừng lung lay, cọ vào nhau cùng hoà tấu  và vang lên bản nhạc thời gian bất tận. Đây nữa ta không khỏi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của ngàn hoa Tử Tiên li ti tím trắng từng vạt như những tấm lụa hoa phủ khắp triền non. Một chút mạo hiểm khi chinh phục đỉnh núi chon von với những phiến đá tai mèo sắc nhọn, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng ngài Rùa Thần. Ngài ngự nơi đỉnh núi, chếch về phía Nam, tư thể oai phong như sắp rời mặt đất để về trời. Tương truyền, sau khi nhận lại gươm báu từ thái tổ nhà Lê, Rùa Thần ngược sông Cái, sông Lô để dự lễ cưới nàng tiên thứ bẩy. Hôn lễ không thành, Rùa Thần bị Ngọc Hoàng biến thành đá cùng các lễ vật.
Từ vị trí Rùa Thần, ta có thể nhìn ra toàn cảnh, Ngòi Hẻ uốn lượn dưới chân núi Bạch Mã, Chân Quỳ rồi đổ vào sông Lô. Hai bên ngòi là những chiếc Cọn quay đều đưa nước lên cánh đồng Ao Cá, Sóc Cá. Núi non, đồng ruộng phủ một màu xanh thanh bình. Quốc lộ II kẻ vệt màu trắng nhạt, phương tiện bon bon trên đường trông xa bé xíu như những chiếc đồ chơi.
Điểm  đến cuối cùng là động Thủy Cung (Hang Tôm), tại đây nước trời từ trong lòng núi đá tụ thành dòng suối ngầm rồi lộ thiên nơi cửa hang . Nguồn nước đầy ắp bốn mùa.  Và không biết tự bao giờ phía cửa hang có rất nhiều tôm trắng sinh sống nên bà  con trong vùng hình thành tên gọi Hang Tôm. Điều thú vị nhất của Hang Tôm là vào mùa đông dòng nước trong hang rất ấm, mùa hè nước lại  trở lên mát lạnh cho ta được tận hưởng cảm giác hơi se lạnh của tiết trời chớm đông giữa trời hè oi bức.
Hãy đến với huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang và đặt chân lên mảnh đất Yên Phú thân thương để khám phá quần thể danh thắng Động Tiên, chắc chắn bạn sẽ được thưởng thức những cảnh quan thiên nhiên kì thú, được đắm mình trong những tinh hoa tuyệt mĩ được hòa trộn giữa cỏ cây, hoa lá, đất trời…mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho mảnh đất linh thiêng miền núi rừng sơn cước này. 
 




0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành