
Rượu nếp là rượu, nhưng không phải để uống mà chỉ để ăn. Có một dạo người ta bán tràn lan như nước giải khát gọi là Nếp đá, có nghĩa là rượu nếp cho vào cốc, thêm ít đã và phụ gia chi chi đó, có thể là đường, có thể là rượu trắng (cho người ưa uống chất cồn). Món uống này không còn là rượu nếp truyền thống, nó cũng tương tự như mứt sen trần thả vào cốc nước đường với ít cùi dừa nạo nhỏ, gọi là Sen thừa, thì mứt sen không còn là nó nữa.
Đôi khi ra cũng phải chấp nhận sự biến tưởng của sự vật, vì ngày nào cũng phát sinh ra những cái mới và cái lạ, có khi mới mà không lạ, có khi lạ mà không mới, giống như thị trường tho trên báo hiện nay, có cái mới mà không hay nhưng vẫn có cái hay mà không mới... Rượu nếp cũng nằm trong cái vòng quay thời sự ấy.
.jpg)
Món rượu nếp truyền thống, ai cũng ăn được, bởi độ rượu của nó rất nhẹ, xôi nếp cái xay mà không giã, xôi hai lần cho nục, tãi gió, rắc con men, ỷ trong rá lót lá, khoảng ba ngày thành rượu nếp. Cái rá là cái lọc, nước rượu màu vàng ngà, lơ mơ giữa cái trong và cái đục, cứ tí tách lọt qua khe tàu lá chuối, rỏ xuống cái liễn hứng phía dưới, đầy liễn rót vào chai.
Tháng 5 lịch trăng, thời tiết chưa lấy làm gì làm gay gắt dù đầu cành đác có những mâm xôi gấc hoa phượng học trò... một sớm vàn lên tiếng rao như từ một cõi u uẩn nào bất chợt hình thành và hiện ra: Những bà hàng rượu nếp bán cho các gia đình ăn Tết giết sâu bọ. Thì ra đã là ngày Tết mùng 5 tháng 5, qua mùa xuân 35 ngày mà ta quên bẫng.
Rượu nếp đựng trong cái rá tre, đậy manh vỉ buồm hay tấm vải xô nước rượu đã được chắt riêng, dựng trong những cái “vịt” sứ, mà ta biết dưới đáy cái rá đặt trong một bên quang tre kia, vẫn còn cái liến sành da lươn, liễn sứ Bát Tràng đang hứng tiếng tí tách môth cách âm thầm thứ rượu cay cay tê tê ngọt ngọt thơm thơm, cho cả trẻ lên ba uống cũng không sao, còn cô gái thì chỉ ửng chút má hồng như nắng non đầu mùa hạ lúc hửng đông...
Bà hàng rượu nếp đi rao rồi ngồi xuống, lại đu rao, nhà nhà mang bát ra mua. Ngày hôm nay thiếu nó là không được, như cố giết sâu bọ không thể thiếu dưa hấu (dưa miền Bắc chỉ mùa này mới có), muỗm, không hẳn là xoài, mận chín, đào tơ, chuối mập mạp như cổ tay con gái, dứa đa cắt khoanh như những chiếc bánh xe răng sẵn sàng lăn vào sâu hồn ta dư vị cùng muối ớt... có thể thiếu bát chè đõ đen lonàg chứ không thể thiếu món rượu nếp, ăn bằng những đôi đũa nhỏ xíu, chỉ nhỉnh hơn cái tăm, chỉ bằng thứ đũa đồ chơi của tuổi bé thơ trong trò chơi bày hàng. Cái bát, thường được gọi là chén, cũng thu hình lại, cỏn con, nhỏ như chén múc chè đường, lổng khổng ít rượu nếp vàng ươm, thơm nức, ngây ngất ái mũi hít hà vì chờ nó đã tròn năm. Con vịt nước rượu nghiêng cái cổ cong xuống mặt bát rượu, làm một cơn mưa nhỏ, con suối nhỏ, thứ mưa cũng màu vàng hơi sánh... Có phải rượu nếp là thứ chỉ cần ăn hương ăn hoa, ăn mà chơi, ăn cho đầu lưỡi thoáng qua dư vị, ăn cho thời tiết đỡ chông chênh không, mà bát đũa cứ phải nhỏ xíu như thế?
Nếu bánh trôi bánh chay cần sự viện trợ của hương hoa bưởi, thạch trắng thạch đen cần có chị em với nhánh hoa nhài, đĩa chè kho cần hương núi rừng phảng phất qua quả tò ho... thì rượu nếp có tính độc lập cao. Nó chỉ là nó, nó chỉ cần nó. Tự nó như ngọn nến phát sáng, không cần ngoại lực như cái món nếp đá kia làm hỏng rượu nếp đi một cách phũ phàng...
Rượu nếp không làm ta say được, vì đâu có cần ăn nhiều, vì nó cũng tênh tênh nhẹ độ, nhưng nhìn một em bé được giết sâu bọ bằng cái chén tí hin như thế, rồi hai má nó đỏ hồng lên, ta cứ muốn cắn cho em một cái để lây niềm hân hoan lướt qua trên đó...
Rượu nếp làm mất nhiều công, nên ít gia đình làm, thường nghe tiếng rao trong buổi sớm, cô con gái giục mẹ ra mua, ông bố già bảo con dâu ra đón... để cả nhà cùng thưởng thức nó, vừa tiện mà cũng không tốn kém bao nhiêu.
Những bà hàng rượu nếp thường ngày ở đâu? Ngoại thành thôi, đó là những con người khéo tay, hay làm, giỏi chế viến, biết nấu rượu, biết nấu chè... dù nghiệp dư nhưng vẫn là những người góp phần làm ra một món “Thời Trân” để ta nhớ còn có một ngày Tết nhỏ tháng 5, nhớ một món rượu để ăn mà không để uống, nhớ một cái thú lơ mơ, ngà ngà... mỗi năm chỉ có một lần
Share on facebook 0 người thích - Thích