Số người đang online : 22 Mâm ngũ quả - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Mâm ngũ quả
post image
Mâm ngũ quả

Gia đình Việt Nam nào, nhất là ở nông thôn, cũng đều có bàn thờ. TrướcTết hàng tuần, bàn thờ đã được lau rửa kỹ càng tinh tươm, sạch sẽ để chuẩn bị mời tổ tiên ông bà về ăn Tết với cháu con,

Bát hương được thay tro mới, tỉa bớt chân hương, phóng sinh xuống giếng hoặc được “hoá” đi đầy thành kính. Chiếc mâm bồng dù là cũ đã long sơn, cũng được đặt ngay ngắn phía sau bát hương, giữa bàn thờ, sẽ là mâm ngũ quả ngày Tết.

Một ngày sắm chưa đủ, thì trước hết hãy cứ cắt nải chuối xanh vường nhà đặt lên, rồi phiên chợ áp Tết sẽ sắm cho đủ. Nải chuối đã già, giơ những quả mập mạp như ngón tay đõ lấy mùa xuân đang đến, làm nền cho các thứ quả khác. Gọi là ngũ quả, chí ít phải có 5 thứ quả, thường là nhiều hơn 5, càng tốt. Đó là hương vườn, sắc xuân, gợi lên sự no đủ. Quả bưởi vàng xậm, còn rõ những đường nước mưa rỏ từ cuống xuống, như những nét vẽ mờ của hoạ sĩ dang dở ngọn bút, nằm gọn trong lòng nải chuối. Cam có nhiều thứ. Cam Canh vỏ mỏng tàng, hằn từng múi, ngọt mát, nên gọi là cam giấy, cam đường cũng đúng. Cam Bố Hạ tức là cam sành, sần sùi như thứ sành nung quá lửa, vàng thẫm chen xanh giá, chắc nịch, ruột đỏ au, để hàng tháng vẫn nguyên lành. Cam Thanh Hà vỏ đẹp, quả to, nhưng khá chua, bày cho thêm hương sắc mà thôi. Cam Nghệ An tức xam Xã Đoài vàng ửng, nây tròn, đẹp mã, nó có màu gần giống quả Lê Ki Ma tức quả trứng gà một đầu nhọn như quả đào tiên vườn Tây Vương Mẫu… Cần đỏ chói cho thêm sắc rực rỡ, thì có cà chua hồng mọng nước bóng láng, hoặc cài mấy trái ớt ngô vào khe các quả chuối, tưởng như những tia mặt trời bình minh vừa đậu xuống đây…

Mâm Ngũ Quả

Còn có thể thêm mấy quả khế chua mọng nước, là lộc phật lúc mẹ lên chùa về, cái múi vàng ươm, trông đã ứa nước chân răng, muốn xuýt xoa một chút. Chục quả quất chín vàng, tròn xoe, xinh xinh như những viên hoàng ngọc, vừa kê quả chuối, vừa đỏ trái cam, nó chen mình vào để hoà sắc, tạo hình đăng đối cho toàn thể…

Nhà ai đó mua được quả bòng khổng lồ, vàng tươi, gai vỏ mịn màng, phảng phất thứ hương thơm nhà nhẹ, thường phải đặt riêng sang bên cạnh. Chỉ có thứ quả quí mới đánh bật được trái bưởi, đó là quả phật thủ, thứ quả miền núi, hiếm hoi, thơm ngát cả mấy gian nhà, chìa ngón tay ra như chỉ vào không gian đầy xuân, có quả như bàn tay nắm lại để giữ mùa xuân ở với mình lâu hơn…

Bát hương, mâm ngũ quả, thêm cành hoa giấy để phía trong, là mấy thứ không thể thiếu, dù nhà nghèo đến đâu cũng vậy.

Nông thôn Việt Nam là đất nông nghiệp, hoa trái bao giờ cũng sẵn, thứ ngọt thứ thơm, loại vàng loại đỏ… mâm ngũ quả gợi lên hương đồng gió nội từ đời ông bà cha mẹ, đầy quen thuộc, nay con cháu mời người xưa về chứng kiến cảnh sum họp quây quần ấm cúng ngày xuân, mâm ngũ quả mang ý nghĩa đùm bọc, sum vầy, biết ơn tiên tổ…

Mâm ngũ quả cho màu sắc, cho cả hương thơm. Hương bưởi, bòng nhất là phật thủ, cảm tưởng như lúc đang ở ngoài trời chang nắng, được bước vào bóng mát nghỉ chân, thanh thản dâng tràn, cái bức nguôi ngoai, hương thơm cho ta sự thanh thản thoải mái biết bao. Không phải gia đình nào ở nông thôn cũng có hoa tươi hay nước hoa này nọ. Hương vườn hương quả, cỏ cây là niềm an ủi mà thôi, cho vợi đi bao mệt nhọc ngày thường…

Xem quả bưởi kia, để dành từ bao ngày, từ mùa xuân có gió mưa, mùa hạ nắng cháy, mùa thu bão bùng, mùa đông rét tê tái… Tết mới chảy xuống, mang vào, đặt lên bàn thờ trong mâm ngũ quả, công phu lắm chứ đâu phải thường.

Miền Nam nước ta, có nhiều hoa trái quanh năm, mâm ngũ quả có khác đi chút ít. Trái dưa hấu đúng mùa dịp Tết, hai quả to đặt hai bên cân đối, xanh óng, làm tươi mát căn nhà. Còn trong mâm ngũ quả, phải có trái đu đủ, trái xoài, tượng trưng cho sự đầy đủ và tiền tiêu xài quanh năm, đó là ước mong do sự đồng âm của mấy thứ quả thông thường nhưng đáng mến ấy.

Vài ba năm gần đây, thêm nhiều thứ quả nước ngoài, lê, táo tây, cam quýt, nho… mâm ngũ quả thêm chút hương và màu sắc, cũng không ai phản đối , dù trước kia chỉ có thứ táo ta nhỏ xíu bày xen kẽ.

Cúng bái tổ tiên là một nét đẹp của phong tục Việt Nam. Lòng thành, sự biết ơn, thì lễ vật đây có cần nhiều. Mấy thứ quả quen thuộc vườn quê cũng đủ để tỏ tấm lòng con cháu trước công ơn sinh thành, dưỡng dục, mà Tết đến xuân sang là lúc cần thể hiện.

Cỗ bàn linh đình, mâm cao, sơn hào hải vị… đâu phải sẵn có, và dù có mà thiếu thuận hoà êm ấm thì cũng chả đáng có làm gì. Chỉ mâm ngũ quả thôi, nhưng là sum vầy, yêu thương, tuy thiếu thốn nhưng chứa chan trìu mến, có lẽ là nét đẹp của văn hoá truyền thống Việt Nam, nhất là trên những vùng nông thôn bao la rộng lớn.

Cầu chúc cho mùa xuân lúc nào cũng xum xuê như vườn trĩu quả, tươi tắn như vị ngọt trong mâm bày kia… và nhà ai cũng hạnh phúc quanh năm như khi xuân mới đang về… trong khói hương nghi ngút và man mác toả ra từ những thứ quả thân quen ấy…

 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành