Số người đang online : 20 Lễ hội làng An Hải - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Lễ hội làng An Hải
post image
Lễ hội làng An Hải

Hằng năm Hội làng An Hải được tổ chức tại đình làng, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn từ ngày 1-7 tháng Giêng. Hội làng An Hải được chia làm 2 phần khá rõ rệt: từ ngày 1-3 tháng Giêng (âm lịch) diễn ra các tế lễ tại đình;  từ ngày 4 - 7 tháng Giêng vừa diễn ra lễ và hội.

Trong hội làng An Hải đầu xuân phần Lễ là nghi thức quan trọng gắn liền với các hoạt động diễn ra tại đình làng, bao gồm các lễ như: lễ tế thần, lễ động thổ, lễ tỉnh sinh, lễ ra trò, lễ khai hạ… với các nghi thức dâng lễ tế thần trong và ngoài sân đình hết sức trang trọng, thể hiện lòng tri ân của con người với thần thánh và phản ảnh tâm thức cầu mong các lực lượng siêu nhiên phù hộ độ trì cho họ một năm mới no đủ và bình an. Nghi thức tế thần được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 7 tháng Giêng trong đình, với sự tham gia của các chức sắc trong làng, các vị trưởng tộc của 7 tộc tiền hiền và các vị chủ lân của các xóm trong làng do ông Cả làng làm chủ tế.

Mỗi cuộc tế thường có từ 25 - 30 người tham gia thực hiện nghi thức tế lễ, bao gồm: chủ tế, bồi tế, học trò gia lễ (2 người dâng đèn và 2 người dâng rượu), đội nhạc lễ…Mỗi cuộc tế được thực hiện theo 3 bước: sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ.  Trong lễ tế chính, chủ tế mặc áo thụng màu đỏ; bồi tế, phụ tế mặc áo thụng màu xanh hoặc màu đen, đầu đội khăn đóng. Bắt đầu vào buổi tế, những hồi trống, chiêng được gióng lên liên hồi và trong quá trình tế lễ đều có nhạc lễ phụ hoạ, đội nhạc lễ gồm:  phách, tiêu, kèn, trống con, xập xoã, bì và đờn nhị ngân lên những âm thanh réo rắt, tạo không khí thiêng liêng và trang nghiêm cho buổi lễ. Trong tiếng chiêng trống trầm hùng và mùi hương trầm lan tỏa khắp không gian lễ, dưới ánh đèn mờ ảo trong mái đình cổ kính, tạo nên không khí uy nghi và trang nghiêm của buổi lễ tế, sau 3 tuần rượu (sơ hiến, á hiến, chung hiến) là đến tuần trà và mục đọc văn tế (xướng văn). Sau các nghi thức "chúc vị" (chuẩn bị), "chuyển chúc" (chuyển chúc văn đến vị trí đọc) và "đọc chúc", văn tế được người đọc xướng lên với những âm điệu du dương, bay bỗng dễ đi vào lòng người. Buổi tế lễ chính thức cũng tiến hành tuần tự qua ba bước (sơ hiến, á hiến và chung hiến) và được kết thúc khi các chức sắc trong làng, đại diện các tộc tiền hiền, hậu hiền, dân làng dự lễ thay nhau vào bái kiến trước các ban thờ để tỏ lòng thành kính thần linh và cầu mong sự bình an cho cuộc sống của làng xã, gia đình và cho bản thân mình. Cứ như thế nghi thức tế lễ tại đình làng được tổ chức hằng ngày, từ ngày 1 đến ngày 7 tháng Giêng.

Theo qui định, khi làng chưa làm lễ động thổ đầu năm thì mọi hoạt động liên quan đến cày xới đất đai đều bị cấm, tránh những va chạm mạnh vào mặt đất, kể cả khi tế lễ tại các dinh miếu trong làng cũng chỉ được dùng loại trống nhỏ để đánh, không được dùng loại trống chầu, vì sợ vang động đến Thổ thần.

Thông thường lễ động thổ được tổ chức vào tối ngày mùng 3 tết Nguyên đán. Buổi lễ được tổ chức bắt đầu tại đình làng. Tại đình làng người ta tổ chức lễ tế thần linh bằng các nghi thức cúng tế hết sức long trọng với sự có mặt của tất cả các chức sắc trong làng, do ông Cả làng làm chủ tế kết hợp với sự thực hiện nghi lễ động thổ của pháp sư (thầy pháp/thầy phù thuỷ). Sau khi tổ chức tế thần trong đình xong, là tổ chức lễ động thổ ngoài sân đình.

Để chuẩn bị cho lễ động thổ, ngoài sân đình người ta cắm 4 góc sân đình 4 cây đuốc đang cháy và bày 3 bàn lễ vật để tế cáo thần linh theo sự hướng dẫn của pháp sư. Tế ngoài sân là do vị pháp sư của làng thực hiện - Cả làng và chức vị trong làng chỉ chứng kiến buổi lễ. Sau khi kết thúc các nghi thức tế lễ, theo hướng dẫn của thầy pháp, ông Cả làng đến hướng đại cát - hướng tốt, xúc 1 xẻng  đất và đem đến hướng xấu trong năm (đại hung) để đổ. 

Kết thúc nghi thức lễ động thổ tại Đình làng, ông Cả làng sẽ gióng 3 hồi trống đầu năm để các lăng miếu trong làng biết, sau đó các lăng miếu trong xóm tiếp tục làm lễ động thổ. Để làm lễ động thổ tại các dinh miếu của các xóm, ông chủ xóm dùng đuốc mang ngọn lửa từ đình làng về dinh xóm để tổ chức làm lễ động thổ. Sau khi xong lễ, chủ xóm đánh 3 hồi  trống chầu (trống lớn) báo hiệu cho các Lân trong xóm biết để tiếp tục làm lễ động thổ và sau đó đánh trống báo hiệu cho dân làng biết lễ động thổ đã được làng, xóm thực hiện. Sau khi làng và xóm làm lễ động thổ xong thì kể từ giờ, ngày đó dân trong làng mới được ra đồng cuốc xới đất đai.

Ngoài ra, trong Lễ hội đầu năm tại đình làng An Hải còn tổ chức nhiều lễ khác trước khi tổ chức hội, như: lễ ra trò (xin phép thần tổ chức hội hè), lễ tỉnh sinh (giết vật hiến tế) và lễ khai hạ (hạ nêu và kết thúc lễ hội).

Cùng với các lễ thức dân gian được tổ chức mang tính tín ngưỡng tâm linh là các trò diễn dân gian cũng hết sức phong phú và hấp dẫn tạo nên một Hội làng đầu năm tại đình làng An Hải mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống của người Việt như hội đua thuyền tứ linh, các trò diễn dân gian như: Dồi bòng, đô vật, đu quay, trong đó tiêu biểu mang thu hút nhiều người dân trong xã đến tham dự và cổ vũ là Hội đua thuyền tứ linh. Hội đua thuyền tứ linh là lễ hội lớn nhất trong năm của nhân dân làng An Hải được tổ chức từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 7 tháng Giêng.

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành