Lễ hội tế Cá Ông (cá Voi) được ngư dân Quảng Ngãi tổ chức 2 lần vào mùa xuân và mùa thu hàng năm, gọi là "xuân thu nhị kỳ". Kỳ xuân vào tháng Giêng hoặc tháng Hai, kỳ thu vào tháng Bảy hoặc tháng Tám âm lịch. Thông thường vào dịp tế thu, ngư dân làm lễ tế lớn hơn kỳ xuân, vì đây là dịp họ đền ơn Đức Ngư Ông đã phù hộ cho họ sau một mùa lênh đênh trên biển, có đông đảo các thành viên trong làng, vạn và các vạn chài lân cận cùng tham gia.
Trình thức một lễ hội cúng Cá Ông thông thường ở ven biển Quảng Ngãi (được miêu tả chủ yếu qua lễ hội lăng vạn Đông Yên, lăng Cù Lao và lăng Thạch Bi) bao gồm các nghi lễ: Lễ túc yết, lễ nghinh Ông, chánh lễ và các trò diễn.
Lễ túc yết(hay gọi tắt là lễ yết) là lễ hiến cáo, tiến hành vào chiều tối ngày chánh tế, bao gồm các bước từ sơ hiến, á hiến đến chung hiến. Thường là lễ cúng chay, nhằm cầu siêu tế độ cho những người bị rủi ro chết trên sông biển, cung thỉnh thần Nam Hải và các vị thủy thần, thành hoàng, thổ thần, các vị tiền hiền, hậu hiền, tiền vãng, hậu vãng về dự lễ.
Lễ nghinh Ôngthường diễn ra vào khoảng 3 - 4 giờ sáng của ngày chánh tế, là lễ rước thần Nam Hải và các vị thần về dự lễ hội. Đoàn thuyền nghinh Ông thường có 3 chiếc được trang trí cờ hoa rực rỡ, có bày hương án, bài vị, lễ vật... Những người tham gia lễ nghinh Ông có chánh tế, các bồi tế, tư văn, hành nghi, học trò gia lễ, các thầy chùa, ban nhạc lễ. Có nơi còn có đội chèo bả trạo và đội gươm theo hầu (như ở vạn Cù Lao - Mỹ Tân, Bình Chánh, và vạn Đông Yên, Bình Dương, Bình Sơn). Đoàn thuyền nghinh Ông thường ra cách bờ chừng 2 - 3km rồi thực hành các nghi lễ thỉnh Ông và các vị thần. Sau khi thực hành nghi lễ, đoàn thuyền rước vong Ông về chánh điện để làm lễ chánh tế.
Chánh tếlà buổi lễ thường diễn ra vào khoảng 5 - 6 giờ sáng. Lễ vật hiến tế trong lễ chánh tế thường phải là tam sanh, trong đó có 1 - 2 con heo sống (đã cạo sạch lông nhưng chưa xẻ thịt) đặt quay đầu về chánh điện. Thành viên ban tế tự giống như các thành viên tham gia lễ nghinh Ông. Lễ chánh tế cũng diễn ra các bước: sơ hiến, á hiến, chung hiến như lễ yết, nhưng lễ chánh tế còn có múa gươm, có hát bả trạo. Đội gươm múa hầu thần theo các bước hiến tế, còn đội bả trạo múa sau khi các bước hiến tế đã kết thúc, vừa có ý nghĩa hầu thần vừa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho nhân dân trong làng, trong vạn.
Trước năm 1945, vào dịp tổ chức lễ hội tế Cá Ông, trong làng, vạn còn tổ chức các hình thức vui chơi như đua thuyền, lắc thúng, kéo co, hát bội, hát đối đáp, đua cà kheo, đấu vật…, nhưng ngày nay các trò diễn này đã thiếu vắng, thi thoảng mới có một số trò diễn như đua thuyền, lắc thúng, hát bội...
Ngoài các hình thức phổ biến vào các dịp lễ xuân thu nhị kỳ, còn có các nghi lễ liên quan đến việc cúng tế Cá Ông, tuy không thường xuyên nhưng cũng hết sức thiêng liêng của cư dân vùng sông nước, như lễ tang Cá Ông và lễ Thượng ngọc cốt.
Cá voi chết ngư dân gọi là Ông bị "lụy", hoặc "đi tu". Khi xác cá voi trôi dạt vào bờ biển của làng, vạn nào thì phải lo làm lễ tang cho Ông. Họ rất vui mừng khi được Ông "lụy" vào bờ biển của làng mình, vì cho rằng đó là phúc lớn của làng, nên lễ tang cho Cá Ông được tiến hành hết sức thiêng liêng và trang trọng. Người trông thấy Ông luỵ đầu tiên sẽ làm trưởng nam, chịu tang Ông trong 3 năm, như đối với cha mẹ mình. Sau khi làm lễ tế Ông tại lăng, dân làng làm lễ tế Ông tại bờ biển - nơi Ông lụy. Lễ tang Cá Ông cũng diễn ra các bước như lễ tang người chết. Có nơi cũng có đội bả trạo hát chèo hầu nhằm kể công ơn Cá Ông đã cứu mạng những ngư dân không may gặp nạn trên biển do phong ba, bão tố. Ngoài ban tế tự và nhân dân trong làng, vạn còn có đại diện các vạn chài khác đến tham gia lễ tang và phúng điếu.
Sau 3 năm, kể từ lúc làm lễ tang Cá Ông, ngư dân làm lễ Thượng ngọc cốt. Lễ Thượng ngọc cốt là lễ rước cốt Ông đưa vào trong lăng thờ. Họ rửa sạch từng bộ phận của xương Cá Ông bằng nước, rượu, nước ngũ vị trước khi đưa vào trong điện thờ. Có những nơi có cả nghĩa địa cá voi như ở Thạch Bi, Lệ Thủy...
Hiện nay, nhiều nơi trong tỉnh hàng năm còn tổ chức lễ hội cúng Cá Ông, nhưng tiêu biểu nhất là lễ hội cúng Cá Ông của các vạn chài: Cù Lao - Mỹ Tân, Đông Yên (Bình Sơn), Thạch Bi (Sa Huỳnh, Đức Phổ), lăng Chánh, lăng Thứ, lăng Tân... (Lý Sơn), lăng Cổ Luỹ Nam (Nghĩa Phú, Tư Nghĩa).
Theo QN
Share on facebook 0 người thích - Like