Vân Sa là một thôn nằm ven sông Hồng, trên một dải đất phù sa màu mỡ thuộc xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Lễ hội Vân Sa hàng năm tổ chức vào hai ngày mồng 4 và mồng 5 tết để tưởng nhớ tới công đức của liệt nữ Ngũ Nương và Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn. Trung tâm lễ hội là đình và miếu của làng.
Ngày mồng 4, đội kéo quân của làng do ông lý trưởng cưỡi một con ngựa dẫn đội quân gồm 12 - 14 đinh, mặc giả quần áo lính. Đi trước đội kéo quân có một người vác cờ, một người cầm trống bỏi, cuối đội hình là người vác loa. Đội kéo quân đi dọc ngõ làng vào ngõ xóm đánh trống, rao loa thông báo về việc làng tổ chức hội trò chiềng, thúc giục các giáp có trách nhiệm tham gia nghiêm cẩn theo tục lệ của làng. Ngày mồng 5 chính hội dân chúng các nơi nô nức kéo nhau về xem hội.
Bắt đầu từ sớm mồng 5 tết, 8 giáp trong thôn tự nguyện cứ hai hoặc ba giáp liên kết với nhau thành một đám rước. Năm nào phong đăng hòa cốc thì trong 8 giáp có đến bốn hoặc năm đám rước, chí ít cũng có đến ba đám rước. Các giáp tổ chức rước kiệu cỗ, bao gồm oản, quả, xôi, gà, cau, trầu, rượu, hoa ra bày cỗ ở gian giữa đình. Sau đấy, làng tổ chức một đám rước mang kiệu bát cống (8 người khiêng) vào nhà cụ hay chữ nhất làng, xin bản văn tế rước ra đình để tế các vị thần, gọi là rước văn.
Suốt buổi sáng hôm đó các cụ thành kính tổ chức các cuộc tế lễ trước anh linh các vị thành hoàng làng.
Phần hội diễn ra vào buổi chiều, lúc bấy giờ các giáp từ các xóm tổ chức rước kén ra đình. Hội rước kén rất tấp nập, có rước bông, múa linh và trò tứ dân lạc nghiệp. Trò tứ dân lạc nghiệp rất hấp dẫn, người diễn đóng giả tứ dân sĩ, nông, công, thương.Trò tứ dân lạc nghiệp diễn ra ở sân đình Vân Sa vào lúc chạng vạng tối tức từ 4 đến 6 giờ tối. Đầu tiên đội kéo quân do lý trưởng cưỡi ngựa dẫn đầu trình diễn đội hình trước thành hoàng làng ra mắt dân thôn quanh sân đình. Người cầm loa đi sau cùng tiếp tục rao chương trình diễn trò. Giây phút linh thiêng nhất là cả đám hội chờ đợi cửa miếu Nhà Bà mở, để trai đinh của làng rước ảnh Đức Thánh Bà ra sân đình. Bức ảnh Thánh Bà Ngũ Nương, có công đánh giặc, cương nghị cưỡi trên mình ngựa. Người rước ảnh liệng qua liệng lại ba vòng thì ảnh Đức Thánh Bà được trịnh trọng rước trả lại yên vị trong cung miếu thờ. Sau đấy, một bên cổng đình bật mở để đám rước kén thứ nhất vào sân. Mọi người vừa đi vừa nhảy múa diễn trò quanh sân đình ba vòng rồi thoát ra bằng một lối ở cổng đình phía đối diện. Xưa kia, khi cây sào gắn dàn kén ra khỏi đình, dân thôn đưa dàn kén lên một gác gỗ gá buộc chắc chắn. Từ trên đó người ta sẽ lắc mạnh để kén rơi xuống phía dưới, mọi người đi hội tranh nhau cướp. Ai cướp được nhiều kén tâm niệm năm đó làm ăn gặp nhiều may mắn. Ngày nay, người vác kén ra khỏi sân đình thì lắc mạnh cây sào cho con kén rơi để người đi hội tranh cướp.
Đám rước kén thứ nhất ra rồi, dân làng lại mở cửa đình để đám rước kén thứ hai vào diễn trò tứ dân lạc nghiệp tương tự như đám rước thứ nhất. Lần lượt thế cho tới đám rước cuối cùng.
Ngày nay, dân làng Vân Sa gọi trò trên là trò triềng với nghĩa trình diễn các nghề của tứ dân, nhưng xa xưa hơn được gọi là trò chiềng đồng nghĩa với trò vui của làng.
Đáng chú ý là ở trò triềng có tục rước kén và cướp kén. Một số cụ già đáng tin cậy nói rằng: trò rước kén và cướp kén mới chỉ xuất hiện vào những thập niên đầu thế kỷ 20, còn trước đó cha ông người Vân Sa gọi là rước nõ và cướp nõ. Mọi người quan niệm đó là tục hèm của làng định kỳ phải mở, nếu xao nhãng, không làm, dân sinh năm ấy sẽ ít gặp may.
Lễ hội Vân Sa là lễ hội làng nghề khá đặc trưng, cũng là lễ hội gắn liền với tín ngưỡng phồn thực của dân cư nông nghiệp. Tục rước bông, rước nõ và rước ảnh bà Ngũ Nương thể hiện sinh động nguyên lý Mẹ và tín ngưỡng sinh sôi nảy nở của người Viêt.
Cinet tổng hợp