Văn hóa cồng chiêng
Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã...
Nó có mặt trong mọi nghi lễ của cộng đồng cũng như của từng gia đình, từ lễ hội liên quan đến cá nhân, cho đến lễ hội trong mùa trồng tỉa của cư dân nông nghiệp. Với người dân Tây Nguyên, cồng chiêng không đơn thuần chỉ là một loại nhạc cụ mà còn là một loại linh khí, là phương tiện giúp cho con người giao tiếp với thần linh, đồng thời cũng là phương tiện chuyển tải thông tin nhanh nhất giữa các buôn làng. Trước đây, đồng bào chỉ đánh cồng chiêng khi có việc. Nghe tiếng chiêng, những người trong làng, trong vùng hiểu rằng ở nơi tiếng chiêng phát ra đang có việc gì để đến chia buồn hoặc chung vui.
Cư dân bản địa Gia Lai sử dụng cồng chiêng nhưng bản thân họ không đúc được ra nó. Những bộ cồng chiêng hiện nay người Tây Nguyên đang sử dụng xét về nguồn gốc có chiêng Yoăn do người Kinh đúc, chiêng Kur có xuất xứ từ Campuchia, chiêng Lào (được mua từ Lào) là loại chiêng quí hiếm nhất. Những bộ chiêng sau khi được mua về, tuỳ theo từng dân tộc, từng nhóm địa phương, các nghệ nhân chỉnh chiêng sẽ chỉnh lại thang âm sao cho phù hợp.
Các tộc người ở Gia Lai đánh cồng chiêng xung quanh trung tâm biểu tượng thiêng như cây nêu, nhà mồ hoặc con trâu hiến sinh. Mỗi nghệ nhân chỉ sử dụng một chiếc. Họ đi thành hàng một, theo vòng tròn giúp cho tiếng chiêng của tất cả mọi cái đều đến được trung tâm thiêng là gơng kơbâo (cột lễ buộc trâu để đâm trong lễ hội có hiến sinh trâu), nơi các thần linh bay về ngự trị, do đó các thần linh không bỏ sót bất cứ tiếng của cái chiêng nào.
Trong nửa đầu thế kỷ XX, cồng chiêng vẫn được người Jrai, Bahnar coi là tài sản quý. Những người giàu có trong cộng đồng - theo quan niệm của đồng bào - không phải là nhiều vàng, nhiều bạc mà là những người nhiều ché, nhiều chiêng. Cho đến những năm đầu, sau ngày thống nhất đất nước, mỗi buôn làng đều có ít nhất vài ba bộ cồng chiêng, làng giàu, có thể lên tới hàng chục bộ, nhưng đến năm 2005, toàn tỉnh Gia Lai chỉ còn 5.126 bộ cồng chiêng.
gialai.gov.vn
Share on facebook 0 người thích - Thích
0 Bình luận