Số người đang online : 14 DI TÍCH LỊCH SỬ CÁC ĐỊA ĐIỂM VỀ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG THỰC DÂN PHÁP CỦA ĐỒNG BÀO M’NÔNG DO N’TRANG LƠNG LÃNH ĐẠO - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

DI TÍCH LỊCH SỬ CÁC ĐỊA ĐIỂM VỀ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG THỰC DÂN PHÁP CỦA ĐỒNG BÀO M’NÔNG DO N’TRANG LƠNG LÃNH ĐẠO
post image
DI TÍCH LỊCH SỬ CÁC ĐỊA ĐIỂM VỀ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG THỰC DÂN PHÁP CỦA ĐỒNG BÀO M’NÔNG DO N’TRANG LƠNG LÃNH ĐẠO

Được công nhận di tích theo quyết định số 04/2007/QĐ-BVHTTDL ngày 27...


DI TÍCH LỊCH SỬ CÁC ĐỊA ĐIỂM VỀ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG THỰC DÂN PHÁP CỦA ĐỒNG BÀO M‘NÔNG DO N‘TRANG LƠNG LÃNH ĐẠO (ĐỊA ĐIỂM ĐỒN BUMÉRA VÀ BON BU NOR)




1.    Tên di tích: Các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M‘Nông do N‘Trang Lơng lãnh đạo (Địa điểm đồn Bumé ra và Bon Bu Nor)
2.    Loại công trình: 
3.    Loại di tích: lịch sử
4.    Quyết định: Được công nhận di tích theo quyết định số 04/2007/QĐ-BVHTTDL ngày 27 tháng 08 năm 2007
5.    Địa chỉ di tích: xã Đắk R‘tih và xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông
6.    Tóm lược thông tin về di tích
      Khu di tích lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M‘Nông do N‘Trang Lơng lãnh đạo (gồm địa điểm Đồn Buméra và Đồn Bu Nor) nằm trên địa bàn xã Đắk R‘tih và xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 04 /2007/QĐ-BVHTTDL, ngày 27/8/2007.
Cách đây hơn 70 năm, chính tại nơi này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của người M‘Nông dưới sự lãnh đạo của tù trưởng N‘Trang Lơng kéo dài liên tục từ cuối năm 1911 đến đầu năm 1935 đã để lại một trong những trang sử chói lọi về lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết đấu tranh giành độc lập của đồng bào các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên anh hùng.
      N‘Trang Lơng tên thật là Lơng, sinh khoảng năm 1870 tại Buôn Bupar, một làng M‘Nông Biệt dưới chân núi Nam Drôn thuộc khu vực suối Đắk Nha, phía bắc cao nguyên M‘nông. Thuở nhỏ, N‘Trang Lơng (lúc này ông sống ở phía đông Srê Khơtum) được miêu tả là cậu bé nhanh nhẹn, tháo vát, hay giúp đỡ người khác và dũng cảm. Người trong làng yêu quý cậu cũng như em trai cậu là Rơ Leng Ong. Khi lớn lên, được nghe kể về tấm gương chiến đấu của các tù trưởng Ama Jhao, N‘Trang Gưh, N‘Trang Lơng tỏ ra rất khâm phục.
       Từ năm 1909, sau sự đầu hàng của Khunjunob, Pháp bắt đầu tung những đơn vị, những phái đoàn lên thám thính vùng cao nguyên M‘nông. Tên Henri Maitre đã cho chiếm đóng và xây dựng đồn ở Buôn Bu Poustra và đã tấn công làng Bu Nơtrang của N‘Trang Lơng, hãm hại gia đình ông.
       Giai đoạn 1 của cuộc kháng chiến (1912-1915). N‘Trang Lơng quyết định dùng 150 nghĩa quân tấn công triệt hạ đồn Bu Poustra, mở màn cuộc kháng chiến dài 25 năm của đồng bào M‘nông.
      Chiến thắng của N‘Trang Lơng khiến Henri Maitre tức giận, từ 1912-1914 Pháp đã tổ chức nhiều cuộc vây ráp lùng bắt và treo thưởng N‘Trang Lơng nhưng đều thất bại. Toàn thể dân M‘nông kiên quyết theo N‘Trang Lơng đánh Pháp.
Ngày 29-7-1914, Rơ Ong Leng giả hàng mời Henri Maitre đến làng Bu Nor tiếp nhận sự đầu thú của 400 nghĩa quân. Henri Maitre tưởng thật, đi cùng một nhóm lính đến thì rơi vào bẫy phục kích của nghĩa quân và bị N‘Trang Lơng kết liễu. Từ đấy, nghĩa quân liên tiếp đánh nhiều trận và tiêu diệt được nhiều tên thực dân gian ác khác như trận BuKlir và Bu Thông (1914), trận Srê Lovi (1922).
      Giai đoạn 2 của cuộc kháng chiến (1930-1935). Năm 1928 Pháp đẩy mạnh việc làm con đường 14, đoạn từ Palklei-Srey Khơtum do tên Gatille phụ trách. Ngày 26-1-1931, N‘Trang Lơng cho quân phục giết chết tên này khiến Toàn quyền Đông Dương lo lắng. Một phong trào kháng Pháp dấy lên mạnh mẽ toàn miền nam cao nguyên.
      Ngày 6-1-1933, N‘Trang Lơng chỉ huy khoảng 200 nghĩa quân được trang bị súng và cung nỏ, tập kích đồn 65 của Pháp – một cứ điểm kiên cố, có hầm ngầm và dây thép gai bao quanh. Sau một ngày chiến đấu, quân Pháp phải rút chạy. Nghĩa quân tiếp tục chiếm giữ đồn và đánh tan quân tiếp viện, giết chết tên chỉ huy Leconte.
      Trước tình hình đó, chính quyền thuộc địa Pháp quyết tiêu diệt nghĩa quân N‘Trang Lơng. Trong tháng 2 và tháng 3 năm 1933, thực dân Pháp huy động lực lượng, có pháo binh yểm trợ, từ nhiều hướng mở cuộc càn quét quy mô lớn, tiến công vào căn cứ Nâm Nung – một những căn cứ quan trọng của N‘Trang Lơng. Trong cuộc càn quét này, giặc pháp vừa tấn công bằng quân sự, vừa đốt phá nương rẫy, buôn, bon của người M‘Nông tại vùng căn cứ Nâm Nung để triệt nguồn lương thực, dồn người M‘Nông và nghĩa quân N‘Trang Lơng vào cảnh thiếu đói. Nghĩa quân N‘Trang Lơng chống trả quyết liệt. Nhiều trận đánh diễn ra tại căn cứ Nâm Nung tiêu diệt hàng trăm tên địch. Cuộc chiến giằng co kéo dài.
 

 
       Ngày 20-10-1933, nghĩa quân phục kích ở núi Bará, giết tên đại úy Morére; ngày 01-01-1934, tiến công đồn Căngrôlant; ngày 02-01-1934, tiến đánh đồn Bukoh ở Bù Đốp; ngày 20-3-1935, thủ lĩnh N‘Trang Lơng trực tiếp chỉ huy nghĩa quân tiêu diệt đồn Căngrôlant, sau chiến thắng này, có 500 thanh niên người M‘Nông Biệt rời buôn, bon gia nhập nghĩa quân.
Giữa tháng 5-1935, quân Pháp tập trung lực lượng, từ ba hướng: Nam bộ đánh lên, Campuchia đánh sang, từ Đắk Lắk đánh xuống, tập trung tấn công đại bản doanh của nghĩa quân N‘Trang Lơng. Cuộc chiến đấu chống quân đội Pháp kéo dài. Lxing R‘ding – một vị chỉ huy đầy mưu lược và là cánh tay đắc lực nhất của N‘Trang Lơng bị sa vào tay giặc. Lương thực, thực phẩm, vũ khí và thuốc men của nghĩa quân tại vùng căn cứ Nâm Nung thiếu thốn nghiêm trọng. Sau trận càn này, quân Pháp lập thêm nhiều đồn bốt, như đồn Hăng – ri – mét, đồn Boukok, tiếp tục siết chặt vòng vây đối với nghĩa quân N‘Trang Lơng. Đầu mùa mưa năm 1935, trong một trận chiến đấu không cân sức, thủ lĩnh N‘Trang Lơng bị trọng thương và rơi vào tay giặc, ông hy sinh vào đêm 23-5-1935.
       Cuộc khởi nghĩa của các đồng bào dân tộc thiểu số chống thực dân Pháp xâm lược kéo dài 24 năm (1911 – 1935) do thủ lĩnh N‘Trang Lơng đứng đầu bị kẻ thù đàn áp, dập tắt. Nhưng ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết các dân tộc trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung của N‘Trang Lơng và nghĩa quân đã khích lệ các thế hệ người M‘Nông, Stiêng, Ê đê, Mạ, Chàm, Kinh, K‘ho ở Đắk Nông, Krông Nô, Đắk Mil… kế tiếp nhau đứng lên chống bọn xâm lược và tay sai. Thân thế và sự nghiệp của anh hùng N‘Trang Lơng là một bộ phận lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam trước khi có Đảng; là sự nối kết giữa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với công cuộc giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp trên cả nước và khối đại đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
      Ngày nay, nhằm ghi nhớ công lao và những chiến tích của vị thủ lĩnh người M‘nông, tỉnh Đắk Nông đã và đang triển khai xây dựng Tượng đài anh hùng dân tộc N‘Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên tại trung tâm thị xã Gia Nghĩa; triển khai thực hiện dự án phục dựng di tích các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M‘Nông do N‘Trang Lơng lãnh đạo tại xã Đắk R‘tih và xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức. Di tích bao gồm các hạng mục như: các điểm chiến đấu, hầm hào, công sự, hậu cần bảo đảm lương thực; những trận địa chiến đấu và chiến thắng của phong trào N‘Trang Lơng như: bon Bu Nơr, đồn Buméra, bia Henry Maitre. Đây cũng là những di tích tiêu biểu cho cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, nơi ghi dấu ấn những chiến công hiển hách, hào hùng của dân tộc, phản ánh ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất và biểu tượng tinh thần đoàn kết, gắn bó của các dân tộc Tây Nguyên.




0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành