Số người đang online : 18 CĂN CỨ TÀ THIẾT - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

CĂN CỨ TÀ THIẾT
post image
CĂN CỨ TÀ THIẾT

Đã xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia theo quyết định...

CĂN CỨ TÀ THIẾT


    1. Tên di tích: Căn cứ Quân ủy Bộ tư lệnh và Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh (Căn cứ Tà Thiết)
    2. Loại công trình: Khu tưởng niệm
    3. Loại di tích: Di tích lịch sử cách mạng
    4. Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia theo quyết định 1288-VH/QĐ ngày 16 tháng11năm 1988.
    5. Địa chỉ di tích: xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước
    6. Tóm lược thông tin về di tích
Từ thành phố Hồ Chí Minh dọc theo quốc lộ 13 khoảng 130 km đến ngã tư Đồng Tâm (xã Lộc Thịnh – Lộc Ninh – Bình Phước), rẽ trái đi khoảng 12 km nữa sẽ đến khu Quân ủy Bộ tư lệnh và Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh (Căn cứ Tà Thiết).
Toàn bộ căn cứ có diện tích 16 km2 nằm ở phía bắc thị trấn Lộc Ninh. Di tích được xây dựng từ năm 1973, là một tổng thể hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn, hội trường ngầm, nhà ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng. So với các căn cứ khác thì căn cứ Tà Thiết được xây dựng quy mô hơn cả Hệ thống nhà, hầm hào giao thông được nối với nhau liên hoàn, đảm bảo sinh hoạt, làm việc thuận lợi, thông thoáng và an toàn.
Tiền thân nơi đây là sở Chỉ huy tiền phương của chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh (Bình Phước) là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh miền quyết định dời căn cứ Quân ủy Miền từ Sóc Con Trăng (Tây Ninh) về đóng tại Tà Thiết. Lý do là: so với vùng Bắc Tây Ninh, khí hậu ở đây ít khắc nghiệt hơn, có thế rừng giải phóng rộng lớn; đặc biệt, Lộc Ninh là điểm cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh nên có điều kiện để nắm bắt nhanh mọi diễn biến về chính trị, quân sự và rất thuận lợi cho sự chỉ đạo, lãnh đạo và tiếp nhận vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến trường miền Nam. Việc chọn Tà Thiết cũng gây bất ngờ đối với địch, vì lâu nay, các căn cứ của Bộ Chỉ huy Miền thường đóng ở rừng sâu, nay chuyển dịch ra ở một khu vực có dân, có rẫy. Đầu tháng 3-1973, căn cứ Tà Thiết bắt đầu được xây dựng và được xác định đây là căn cứ cuối cùng của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuối tháng 1 - 1973, các đơn vị công binh của Miền bát đầu mở các con đường mới cho 3 cục tham mưu, chính trị, hậu cần (Bộ chỉ huy Miền) di chuyển về căn cứ Tà Thiết. Ngày 8-2-1973, các con đường ở đây đã nhanh chóng được hoàn tất. Cuối quý 1 năm 1973, tất cả các cơ quan trong Bộ Chỉ huy Miền và các đơn vị trực thuộc đã ổn định xong nới ăn, ở. Tại đây, dưới những tán cây lớn, xung quanh là những rừng le đan chằng chịt là những công trình nhà làm việc của các đồng chí chỉ huy cao cấp trong Bộ Tư lệnh miền: Tư lệnh Trần Văn Trà, phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Lê Đức Anh…riêng nhà ở và làm việc của thượng tướng Nguyễn Văn Trà lại được dựng ngoài một trảng trống theo kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc Khơ-me nằm đan xen giữa hơn mười nóc nhà của đồng bào để đánh lạc hướng địch. Cùng với nhà ở và làm việc là hệ thống các công trình phục vụ khác như bếp Hoàng Cầm, nhà Chính ủy, hầm giao ban, hội trường... tất cả đều được xây dựng theo lối nhà bán âm (nửa chìm nửa nổi) để về đêm hạn chế ánh sáng đèn phát ra ngoài; bên trên được lợp bằng lá trung quân để tránh bị máy bay địch phát hiện, bốn xung quanh mỗi công trình đều có hệ thống giao thông hào để thoát hiểm. Các hầm trú ẩn thường được làm kế cận nhà, chìm vào lòng đất, trên đặt mái bằng. Những hầm đặc biệt như hầm chỉ huy, hầm thông tin, hầm quân y… thường được làm khá rộng để tiện hoạt động, phòng khi trên mặt đất không an toàn.. Giao thông hào chỉ dành cho một số hầm đặc biệt nói trên, không phổ biến toàn căn cứ. Các hạng mục cách nhau từ 50 đến 200 mét.
            Ngày 20-7-1974, tại Hội nghị quân chính Miền ở căn cứ Tà Thiết, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương cục miền Nam thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố Quyết định thành lập quân đoàn 4, gồm 2 sư đoàn bộ binh 7 và 9, các trung đoàn 24 pháo binh, 71 phòng không, 429 đặc công và 3 tiểu đoàn thông tin. Đồng chí Hoàng Cầm được bổ nhiệm Tư lệnh quân đoàn 4. Đây là sự kiện quan trọng làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ vì nó đánh dấu bước trưởng thành mới của chủ lực Miền. Nhưng căn cứ Tà Thiết sau đó còn mang những sự kiện lịch sử đặc biệt hơn. Thứ nhất, đây là nơi từng diễn ra các cuộc hội họp và tiếp các phái đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ trưởng tham mưu - Trung ương Cục miền Nam. Thứ hai, đặc biệt hơn, cũng tại hội trường này, ngày 8-4-1975, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết 7 của Trung ương Đảng về việc thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Thứ ba, để có một tên gọi xứng tầm với một chiến dịch lớn nhất và có ý nghĩa nhất kết thúc cuộc chiến tranh trường kỳ 21 năm chống Mỹ, Bộ Chỉ huy chiến dịch đề nghị Trung ương đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Đáp ứng nguyện vọng đó, Bộ Chính trị đồng ý đổi tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành chiến dịch mang tên Bác - chiến dịch Hồ Chí Minh, bằng bức điện 37 TK do Tổng Bí thư Lê Duẩn ký. Bức điện lịch sử đó đã được phổ biến cũng tại Hội trường này. 
            Như vậy, Căn cứ Tà Thiết đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử là căn cứ cuối cùng của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền; không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ và phát triển các hoạt động của Bộ Chỉ huy Miền, một căn cứ dự trữ hậu cần chiến lược, mà còn là căn cứ cơ bản của Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ quá trình hình thành và phát triển của các căn cứ của Bộ Chỉ huy Miền trong cuộc chiến tranh chống Mỹ là một đóng góp thiết thực vào kho tàng tri thức quân sự của ông cha ta và của quân đội ta trong quá trình giữ nước.
Năm 1995, di tích được trùng tu lại theo nguyên trạng, gồm 7 hạng mục: Bếp Hoàng Cầm, Hầm giao ban, Hầm chữ A, Hội trường, nhà ở và nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc: Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, chính ủy Phạm Hùng…
            Khu di tích lịch sử này có địa bàn rộng, bằng phẳng, không gian yên tĩnh, không khí trong lành. Đến đây, chúng ta không chỉ được tận mắt chứng kiến những hình ảnh, hiện vật, tư liệu sinh động, mà còn được thưởng thức những món ăn mang tính đặc trưng của miền rừng núi và của thời kỳ kháng chiến: cơm nắm muối vừng, canh thục cơm lam, canh chua lá giang, măng rừng đọt mây, khoai mỳ nướng lùi; và có dịp sẽ được thưởng thức những giai điệu cồng chiêng, các làn điệu dân ca và giao lưu các hoạt động văn hóa với dân tộc bản địa như múa lâm thôn, múa xoan…
Đến tham quan khu di tích Tà Thiết quý khách sẽ được tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống bình dị và chứng kiến cuộc sống thay da đổi thịt của vùng đất lịch sử, anh dũng, kiên cường của bình phước. Di tích lịch sử Tà Thiết là địa chỉ du lịch về nguồn đầy ý nghĩa.
        7. Một số hoạt động nhà trường đã và đang thực hiện chăm sóc di tích
     Nhằm hun đúc cho đội viên tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước có công với đất nước, Nhà trường tổ chức cho các em tham gia chăm sóc khu di tích Căn cứ Tà Thiết
     Đầu tiên tôi liên hệ với ban quản lí khu di tích tìm hiểu về khu di tích. Sau đó lên kế hoạch trình lên BGH kí duyệt. Được  sự cho phép của BGH, tôi kết hợp với các đoàn thể trong trường tổ chức cho mười tám chi đội luân phiên tham gia chăm sóc khu di tích, mỗi tháng 2 chi đội, mỗi chi đội khoảng 10 em.
     Hoạt động diễn ra thường niên một tháng một lần ( cuối tháng) với sự giám sát chặt chẽ của phụ trách chi.
     Thành phần tham gia : Đại diện công đoàn, đại diện chi đoàn, TPT Đội, phụ trách chi và 1 chi đội
     Nội dung của buổi chăm sóc: nghe giới thiệu về khu di tích, tham gia dọn vệ sinh, làm sạch di tích ( lau bia, sạc cỏ, quét lá...), thắp hương tưởng nhớ tại đài tưởng niệm, chơi trò chơi sinh hoạt.(Trong quá trình chăm sóc khu di tích để các em tham gia hứng thú hơn, sau phần lao động tôi tổ chức các trò chơi nhỏ như đoàn kết, đi tìm nhạc trưởng , bịt mắt  bắt dê....)
     Qua hoạt động chăm sóc khu di tích giúp các em hiểu hơn về khu di tích của địa phương và có ý thức bảo vệ nó.
Một số hình ảnh học sinh chăm sóc di tích











8. Đề xuất
9. Thông tin liên lạc
•    Hiệu trưởng:

-    Họ và tên: Trương Lập
-    Chuyên ngành đào tạo:  đại học             năm tốt nghiệp đại học: 2005
-    Điện thoại cố định: 06516 279 063. Điện thoại di động: 0985 395 747
-    Địa chỉ email: Laptruong2009@gmail.com
•    Tổng phụ trách:
-    Họ và tên: Võ Ngọc Vĩnh Cẩm
-    Chuyên ngành đào tạo: cao đẳng     năm tốt nghiệp cao đẳng: 2008
-    Điện thoại cố định: Điện thoại di động: 0982 152 791
-    Địa chỉ email: Vongocvinhcam@gmail.com
•    Địa chỉ trường: Ấp 11B –  Lộc Thiện – Lộc Ninh – Bình Phước
-    Điện thoại cố định: 06513 529 063





 
   


 



 



 

   

 

   
 


 

 

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành