Trịnh Tùng – Bình An Vương (Canh Tuất 1550-Qúi Hợi 1623)
Chúa thứ nhất của họ Trịnh, người mở nghiệp chúa Trịnh, tước Bình An vương, con thứ của Trịnh Kiểm và bà Ngọc Bảo (cháu gọi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng bằng cậu ruột).
Ban đầu ông được phong tước Phúc Lương Hầu, rồi gia phong Tiết chế, Thái úy, Trưởng Quốc Công.
Ông là người chủ mưu diệt nhà Mạc cùng chúa Nguyễn. Năm 1570, Trịnh Kiểm mất, trao quyền lại cho con trưởng là Trịnh Cối, ông tranh quyền, giết anh ruột mình rồi lên kế vị, trở thành vị chúa đầu tiên của họ Trịnh.
Khi cầm quyền, có lần Hoàng thân Lê Cập Đệ mưu hại ông, liền bị ông giết ngay. Đại thần Phan Đình ngạn tâu với Lê Anh Tông phải đề phòng ông, khiến Anh tông sợ, chạy vào Nghệ An. Ông cùng các cận thần lập con thứ 5 của Anh tông là Duy Đàm lên ngôi (tức Thế tông) rồi sai Tống Đức Duy chặn giết Anh Tông ở Lôi Dương.
Từ năm Quý Dậu 1573, ông nắm hết quyền hành tại triều, việc gì cũng tự định đoạt trước sau rồi mới tâu vua. Ông đem toàn lực đánh Mạc Kính Điển, Mạc Kính Chỉ. Khi vua Thế tông mất, ông lập con thứ là Duy Tân lên ngôi (tức Kính tông). Ít lâu, Kính tông mưu hại ông, âm mưu bị lộ liền bị ông giết ngay, rồi ông lập con trưởng của Kính tông là Duy Kì lên thay (tức Thần tông). Thế là trước sau, ông đã giết hai vua, giết anh ruột, chuyên quyền, tự lập làm chúa.
Năm Qúi Hợi 1623, ông bị bệnh giao quyền lại cho con là Trịnh Tráng. Bấy giờ con thứ của ông là Trịnh Thung (có sách chép là Xuân) từng mưu với Kính tông toan lật đổ ông mà không thành. Nay thừa lúc ông bệnh, Thung đem quân páh phủ, khiến ông phải chạy ra xã Hoàng Mai lánh nạn, sau đó ông sai tay chân thân tín là Bùi Sĩ Lâm cùnh em là Trịnh Đô lậ[ kế giết được Trịnh Thung. Nhưng sau đó, ông trở về đến quán Thanh Xuân thì mất. Con là Trịnh Tráng nối nghiệp ông lên ngôi chúa.
Đời ông cầm quyền, từng làm nhiều việc mất lòng người, không những bức tử vua, giết anh, giết con, và ngay đến cả anh em cô cậu là chúa Nguyễn ở Đàng Trong cũng bị ông tìm cách mưu hại.
Trịnh Tùng (1550 – 1623) là vị chúa Trịnh đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Xét theo thế thứ, ông là đời thứ hai của họ Trịnh kế tục nhau lãnh binh quyền "phù Lê". Tuy nhiên, vì cha của Trịnh Tùng là Trịnh Kiểm chỉ mới được phong tước công. Thụy hiệu Thái Vương của Trịnh Kiểm là do đời sau đặt. Phải từ thời Trịnh Tùng trở đi, họ Trịnh mới nhận tước vương khi còn tại vị, được gọi là chúa và lập thế tử, nên ông được xem là vị chúa Trịnh chính thức đầu tiên.
Tiểu sử
Trịnh Tùng là con thứ của Trịnh Kiểm, em Trịnh Cối. Ông người làng Sáo Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, Việt Nam. Mẹ Trịnh Tùng là Nguyễn Thị Ngọc Bảo, con gái Nguyễn Kim và là vợ thứ Trịnh Kiểm. Do đó, Trịnh Tùng gọi Nguyễn Kim bằng ông ngoại, gọi Nguyễn Hoàng bằng cậu ruột, và là anh con cô con cậu của Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên.
Nắm binh quyền
Khi Trịnh Kiểm mất, vua Lê Anh Tông trao binh quyền cho Trịnh Cối, là con vợ cả Trịnh Kiểm. Tuy nhiên, Trịnh Cối ham mê tửu sắc, các tướng dưới quyền không phục, theo về với Trịnh Tùng.
Biết anh em họ Trịnh đang tranh ngôi chúa, tháng 8 năm Canh Ngọ (1570), vua Mạc sai Mạc Kính Điển đem quân đánh vào Thanh Hóa. Trịnh Cối ra hàng, Mạc Kính Điển chấp thuận, phong Cối làm Trung Lương Hầu, rút quân về.
Quân Bắc triều rút rồi, Trịnh Tùng nắm binh quyền ở Nam triều. Khi đó, nội bộ Nam triều lại lục đục: Năm Nhâm Thân (1572), tướng cũ của Trịnh Kiểm là Lê Cập Đệ mưu giết Trịnh Tùng để giành quyền lại cho vua Lê, âm mưu bị lộ, Lê Cập Đệ bị Trịnh Tùng giết chết. Vua Lê Anh Tông sợ hãi đang đêm đem 4 hoàng tử chạy vào thành Nghệ An.
Trịnh Tùng cho người hạ sát vua Anh Tông, đón hoàng tử thứ năm là Lê Duy Đàm lập làm vua, tức là vua Lê Thế Tông. Tân vương phong Trịnh Tùng làm Đô tướng Tiết chế các xứ thủy bộ chủ dinh kiêm Quản Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự. Trịnh Tùng nắm trọn quyền trong triều, ngoài trấn, vua Lê chỉ là bù nhìn. Từ khi Trịnh Tùng nắm trọn binh quyền, lực lượng phía Nam triều mạnh lên nhiều, quân Trịnh bắt đầu lại mở các cuộc tấn công ra Bắc.
Chiếm lại Thăng Long
Suốt thời Trịnh Kiểm cầm quyền, quân Lê và quân Mạc đánh nhau khi được khi thua, hai bên giằng co mấy chục năm bất phân thắng bại. Năm 1580, phụ chính nhà Mạc là Mạc Kính Điển chết, nhà Mạc suy yếu. Trịnh Tùng bắt đầu chiếm ưu thế.
Năm 1591, Trịnh Tùng đem quân bắc tiến áp sát thành Thăng Long. Đầu năm 1592, Mạc Mậu Hợp chạy sang Gia Lâm, thống suất thủy quân để làm thanh thế trên sông Nhị Hà cho các tướng giữ thành Thăng Long. Trịnh Tùng thúc quân tổng tiến công. Các tướng Mạc tan vỡ bỏ chạy. Đại tướng Nguyễn Quyện bị bắt, quân Mạc chết rất nhiều.
Trịnh Tùng rút quân chủ lực về. Mạc Mậu Hợp thu tàn quân án ngữ sông Nhị Hà, lại ham sắc đẹp của vợ tướng Bùi Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên nên muốn giết Khuê. Tháng 8 năm 1592, Bùi Văn Khuê biết chuyện bèn đem quân hàng Lê, hợp binh với Trịnh Tùng đại phá quân Mạc.
Tháng 11 năm 1592, Trịnh Tùng lại tiến đánh Thăng Long. Mậu Hợp thua chạy về Kim Thành (Hải Dương). Mậu Hợp lập con là Mạc Toàn lên ngôi, tự mình làm tướng thống suất quân đội. Sau các cuộc chiến tại khu vực các phủ Nam Sách, Hạ Hồng, Kinh Môn trong tháng 11 và 12, Trịnh Tùng đại phá quân Mạc. Mạc Mậu Hợp phải bỏ trốn đến huyện Phượng Nhãn, bị bắt sống sau đó ít ngày và bị hành hình.
Thao túng triều đình
Tàn dư họ Mạc bỏ chạy lên Cao Bằng, vua Lê Thế Tông phong cho Tùng làm Bình An Vương. Ông bắt đầu tổ chức bộ máy cai trị quy mô của vị chúa nắm thực quyền, cho lập phủ liêu riêng gồm đủ cả lục phiên tương đương với lục bộ của triều vua. Phủ chúa toàn quyền đặt quan, thu thuế, bắt lính. Con chúa Trịnh cũng được quyền thế tập gọi là Thế tử. Vua chỉ có mặt trong những dịp lễ lạc hoặc khi tiếp sứ Trung Hoa. Từ đấy bắt đầu một thời kỳ "vua Lê- Chúa Trịnh".
Trước sự lộng quyền của chúa Trịnh, vua Kính Tông không chịu nổi bèn cùng với con Trịnh Tùng là Trịnh Xuân mưu giết ông. Việc bại lộ, Trịnh Tùng bức vua Kính Tông, khi đó mới 32 tuổi, thắt cổ chết. Tùng lập thái tử Lê Duy Kỳ lên thay ngôi vua, tức là vua Lê Thần Tông, còn Trịnh Xuân thì bị giam vào nội phủ vài tháng rồi được thả.
Con gái Trịnh Tùng là Trịnh Thị Ngọc Trinh lấy vua Kính Tông được phong làm Đoan Từ Hoàng Thái Hậu, sinh ra Duy Kỳ. Do đó Lê Kính Tông là con rể Trịnh Tùng, còn vua Lê Thần Tông là cháu ngoại Trịnh Tùng, khi lên ngôi mới 12 tuổi.
Hai con tranh quyền
Năm Quý Hợi (1623), Bình An Vương Trịnh Tùng bị cảm, sai các quan bàn việc chọn Thế tử. Triều thần đều tâu lấy Thế tử Trịnh Tráng giữ binh quyền, còn con thứ là Thái Bảo Quận Công Trịnh Xuân giữ chức phó. Biết tin này, Trịnh Xuân lại nổi loạn, phóng hỏa đốt phủ chúa, lửa lan khắp kinh kỳ.
Trịnh Tráng cùng em là Trịnh Khải đem vua chạy ra ngoài. Trịnh Tráng họp các quan văn võ ở chợ Nhân Mục huyện Thanh Trì bàn việc đối phó với Trịnh Xuân. Lúc đó Trịnh Tùng đã quá ốm yếu, sai em ruột là Trịnh Đỗ dụ Trịnh Xuân đến Quán Bạc (nay là quận Hoàng Mai, Hà Nội) để trao cho đại quyền. Xuân đến, Tùng bắt giết đi.
Ngày 20 tháng 6 năm Quý Hợi (1623), Bình An Vương Trịnh Tùng qua đời tại quán Thanh Xuân, huyện Thanh Oai. Trịnh Tráng cho đón linh cữu về Ninh Giang phát tang rồi sai 13 chiếc thuyền đưa linh cữu theo đường thủy về táng ở Thanh Hóa. Trịnh Tráng cũng rước vua Lê về Thanh Hóa để lo việc dẹp loạn.
Nhận định
Trịnh Tùng là một quyền thần tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam gần giống với Tào Tháo trong lịch sử Trung Quốc. Cầm quyền trong thời loạn, Trịnh Tùng luôn phải đối phó với nhiều lực lượng và nguy cơ chống đối: tranh chấp quyền hành giữa anh em, vua Lê đòi lấy lại thực quyền, nhà Mạc đối lập, người cậu Nguyễn Hoàng chống đối ngầm trong nam. Vị trí "dưới một người trên vạn người" của ông khiến ông trở thành tiêu điểm cho sự tấn công bằng cả công khai lẫn ngấm ngầm của các lực lượng này.
Trong hoàn cảnh đó, muốn giữ vững ngôi vị, ngoài tài năng cầm quân và cai trị, Trịnh Tùng buộc phải trở thành người cứng rắn, quyết đoán và đôi khi trở nên tàn nhẫn. Tài năng trong thời loạn của ông biến ông thành kẻ gian hùng khuynh đảo triều chính nhà Hậu Lê. Ông là người chính thức xác định vị thế vững chắc cho cơ nghiệp hơn 200 năm của họ Trịnh với Đàng Ngoài, miền Bắc Việt Nam, sau khi được Trịnh Kiểm đặt cơ sở. Có lẽ việc giành ngôi của ông với người anh đã làm nảy sinh ý định tranh ngôi sau này của người con thứ Trịnh Xuân với con cả Trịnh Tráng.
Gia đình
Vợ:
Chính phi Đặng Thị Ngọc Bảo, thụy là Từ Huy, người làng Lương Xá ( huyện Chương Đức ), con gái tước Nghĩa quốc công, gia phong Hậu trạch công. Mất ngày 7 tháng giêng, lăng ở làng Phúc Địa ( huyện Thụy Nguyên ). Sống đến đời cháu, tôn phong làm Thái tôn Thái phi. Sinh ra đức Văn Tổ Nghị vương Trịnh Tráng.
Thứ phi Lại Thị Ngọc Như, tên thụy là Từ Huệ, người làng Quang Lãng ( huyện Tống Sơn ). Con gái tước Cẩn lễ công Lại Thế Khanh. Mất ngày 19 tháng 9. Lăng ở làng Hải Lịch ( huyện Lôi Dương ). Sinh ra quan Hữu tướng tước Tín lễ công Trịnh Túc.
Con:
Văn Tổ Nghị vương Trịnh Tráng.
Hiệp mưu Đồng đức công thần Hữu tướng Tín lễ công Trịnh Túc. Ông là con trưởng đức Triết vương Trịnh Tùng; hay rượu, sức mạnh, thích quần voi, ngựa, thường cưỡi voi lội qua sông, bị voi húc chết. Mất năm 28 tuổi. Sinh được 2 con trai: Con trưởng là Nhuệ quận công, vinh phong là Dực vận Tân trị công thần; con thứ là Tước Quế quận công.
Hiệp mưu Đồng đức Dực vận Tân trị Công thần tước Mỹ dự công Trịnh Lâm.
Hiệp mưu Đồng đức Dực vận Tân trị Công thần tước Tụng nhạc công Trịnh Vân.
Hiệp mưu Đồng đức Dực vận Tân trị Công thần tước Thuần nghĩa công Trịnh Dương.
Hiệp mưu Đồng đức Dực vận Tân trị Công thần tước Dũng lễ công Trịnh Giai.
Hiệp mưu Đồng đức Dực vận Tân trị Công thần quan Triều tể, tước Ý công Trịnh Lệ.
Quan Thái phó Quảng quận công Trịnh Hàng.
Quan Thái bảo Lập quận công Trịnh Tuân.
Dực vận Tân trị Công thần, quan Tả đô đốc, tước Tựu quận công Trịnh Trân.
Quan Thiếu bảo Hựu quận công Trịnh Điện; ông dựng ra nghề làm bia; nay nghề ấy lấy ông này làm tiên sư.
Quan Thái bảo Lộc quận công Trịnh Hà.
Quan Thái bảo Việt quận công Trịnh Trinh.
Quan Thiếu úy Duyên quận công Trịnh Ngà.
Quan Thái phó Xuyên quận công Trịnh Quảng.
Dực vận tân trị Công thần, quan Tả tư mã Quốc lão tước Kiện quân công Trịnh Quân.
Quan Thái phó Hào quận công Trịnh Quang.
Quan Tả tư không Nông quận công Trịnh Nhương.
Vạn quận công Trịnh Xuân; phạm tội ác nghịch, bị chặt chân, rồi chết.