Trịnh Tráng – Thanh Đô vương (…Đinh Dậu 1657)
Chúa thứ hai đời hậu Lê, hiệu là Thanh Đô vương, miếu hiệu Văn tổ Nghị vương, quê làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, con trưởng Trịnh Tùng.
Năm 1623, trước khi mất, Trịnh Tùng giao binh quyền lại cho ông. Từ đó ông được nối nghiệp chúa. Khi lên ngôi chúa, vua Lê phong ông làm Thái úy Thanh Quốc Công. Tiết chế thủy bộ chư quân.
Lúc bấy giờ con cháu họ Mạc ở Cao Bằng là Mạc Kính Cung tự xưng là Khánh vương từ Thái Nguyên đem quân về đánh phá vùng Gia Lâm và lân cận, nhưng bi ông đánh bại phải rút về Cao Bằng. Sau khi bình định xong họ Mạc, ông đem vua Lê từ Thanh Hóa ra Thăng Long và tự xưng làm Nguyên súy, Thống quốc chính Thanh đô vương. Năm 1625 ông đánh dẹp họ Mạc một lần nữa và bắt giết được Mạc Kính Cung. Từ đó, họ Mạc chỉ còn lại Mạc Kính Khoan ở Cao Bằng phải chịu lệ cống hàng năm.
Thời ông cầm quyền có mấy cuộc chiến tranh lớn với họ Nguyễn ở Đàng Trong, nhưng vẫn không bên nào giành được chiến thắng trọn vẹn.
Ông mất năm Đinh Dậu 1657, ở ngôi chúa được 24 năm.
Thanh Đô Vương Trịnh Tráng (1577 – 1657) là chúa Trịnh thứ 3 thời Lê Trung Hưng và là chúa thứ hai chính thức xưng vương khi còn tại vị, nắm thực quyền cai trị miền Bắc nước Đại Việt từ năm 1623 đến 1657. Về chính trị, ông là người củng cố địa vị cai trị của chế độ "vua Lê chúa Trịnh"; về quân sự, thời kỳ ông cầm quyền là bước chuyển căn bản giữa hai cuộc xung đột Nam-Bắc triều và Trịnh-Nguyễn.
Tiểu sử
Trịnh Tráng là con trưởng của Bình An Vương Trịnh Tùng. Ông đã từng nhiều năm giúp cha thiết lập bộ máy cai trị của họ Trịnh sau khi tiếp quản kinh kỳ Thăng Long từ tay nhà Mạc. Ngay khi Trịnh Tráng chưa lên ngôi, mâu thuẫn giữa họ Trịnh và họ Nguyễn phía nam bắt đầu manh nha hình thành. Ông cậu Nguyễn Hoàng ở phía nam muốn giữ hoà khí với cha ông đã gả con gái là Nguyễn Phúc Ngọc Tú cho ông, người mà theo quan hệ họ hàng là cô họ của ông.
Lên ngôi
Năm 1623, Bình An Vương Trịnh Tùng lâm bệnh nặng, bàn với các quan việc lập thế tử. Các quan đều thống nhất lấy Trịnh Tráng làm người kế vị. Em Trịnh Tráng là Trịnh Xuân khởi binh làm loạn. Trịnh Tráng cùng em là Trịnh Khải mang vua Lê Thần Tông chạy ra ngoài, họp với các quan ở làng Nhân Mục (Thanh Trì) bàn việc đối phó với Trịnh Xuân.
Trịnh Tùng sai em ruột là Trịnh Đỗ dụ Xuân đến Quán Bạc (Hoàng Mai, Hà Nội) và bắt giết. Vài ngày sau Trịnh Tùng mất, Trịnh Tráng lên ngôi, tức là Thanh Đô Vương.
Phù Lê diệt Mạc
Dư đảng của họ Mạc do Kính Khoan đang chiếm cứ đất Cao Bằng nghe tin Trịnh Tùng chết, các con đánh nhau giành ngôi chúa, liền từ Cao Bằng kéo xuống Gia Lâm, người theo đông đến hàng vạn. Trịnh Tráng phải rước vua Lê chạy vào Thanh Hóa.
Tháng 8 âm lịch nǎm 1623 Trịnh Tráng đem quân ra phá tan quân của Kính Khoan ở Gia Lâm. Kính Khoan một mình chạy thoát. Kinh thành lại được yên. Tráng lại rước vua Lê trở lại kinh đô. Mùa đông nǎm đó 1623 vua Lê phong Trịnh Tráng làm Nguyên Súy Thống Quốc Chính Thanh Đô Vương.
Khi lên nắm quyền Trịnh Tráng đã cao tuổi (47 tuổi), từng trải việc quân việc đời nên trong chính sách cai trị, ông khéo léo và nhiều mưu mẹo hơn các chúa trước. Để thắt chặt thêm quan hệ giữa nhà chúa với vua Lê; Trịnh Tráng đem con gái của mình là Trịnh Thị Ngọc Trúc (trước đã lấy chồng, có bốn con với người chú họ của vua Lê là Lê Trụ nhưng sau đó Trụ bị tội chết), gả cho vua Lê, ép vua lập làm hoàng hậu. Vua Lê đành chịu chấp nhận việc đó.
Những năm sau, Trịnh Tráng nhiều lần điều quân lên Cao Bằng đánh dẹp họ Mạc nhưng chưa dứt được việc cát cứ này do sự can thiệp của nhà Minh.
Về ngoại giao, do sự vận động của Trịnh Tráng lúc nhà Minh đã suy yếu trước sự xâm lược của Mãn Thanh, vua Minh từ chỗ chỉ phong tước An Nam Đô Thống Sứ cho các vua Lê Trung Hưng, đến đây đã chịu phong cho Lê Thần Tông (đã truyền ngôi cho con lên làm Thái Thượng Hoàng) làm An Nam Quốc Vương và mùa đông nǎm 1651 lại phong Trịnh Tráng làm Phó Vương.
Bốn lần nam tiến
Bài chi tiết: Trịnh-Nguyễn phân tranh
Thời Trịnh Tráng, xung đột Trịnh-Nguyễn chính thức bùng phát. Do họ Nguyễn bỏ không nộp thuế cho vua Lê, năm 1627, Trịnh Tráng phát 20 vạn đại quân đánh miền nam. Quân Trịnh chủ động tấn công nhưng không chọc thủng được tuyến phòng thủ của quân Nguyễn. Phía Nguyễn có lợi thế là đại bác kiểu Bồ Đào Nha nên làm quân Trịnh sợ chạy dạt. Trong lúc hai bên tiếp tục giằng co thì Nguyễn Hữu Dật phao tin ở miền bắc, Trịnh Gia và Trịnh Nhạc âm mưu làm phản. Trịnh Tráng nghi ngờ vội thu quân về bắc.
Năm 1633, con của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan là Ánh bất mãn không được làm thế tử, bèn viết thư hẹn làm nội ứng cho Trịnh Tráng. Trịnh Tráng khởi binh nam tiến lần thứ hai, đóng ở cửa Nhật Lệ. Chúa Nguyễn cử Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến làm tướng ra đánh. Trịnh Tráng đang đợi suốt hơn 10 hôm không thấy hiệu làm nội ứng của Ánh thì bị quân Nguyễn đánh úp, quân Trịnh hoảng loạn tan vỡ bỏ chạy. Trịnh Tráng rút về bắc, để lại con rể là Nguyễn Khắc Liệt trấn thủ châu Bắc Bố Chính.
Năm 1637, Phúc Lan sai Nguyễn Đình Hùng mang quân đánh úp chiếm Nam Bố Chính, giết tướng trấn thủ là Nguyễn Tịch. Năm 1640, Nguyễn Khắc Liệt mang quân đánh phá Nam Bố Chính rồi rút về. Chúa Nguyễn theo kế của Nguyễn Hữu Dật, viết thư cho Trịnh Tráng nói Liệt mưu thông đồng với chúa Nguyễn nên mặt ngoài gây chiến mà bên trong muốn hàng. Mặt khác, Nguyễn Phúc Lan thúc quân đánh Khắc Liệt. Khắc Liệt thua chạy, viết thư cầu cứu. Tin lời bên Nguyễn, Trịnh Tráng điều Trịnh Kiều mang quân vào bắt Liệt về xử tử. Quân Nguyễn nhân thời cơ đánh chiếm Bắc Bố Chính.
Về sự việc này, theo sách Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn, Khắc Liệt đã thông đồng với bên Nguyễn từ năm 1634, nhưng vài năm sau vẫn nấn ná chưa về hàng, lại có ý “làm cao” nên chủ động đánh vào đất Nguyễn để uy hiếp. Chúa Nguyễn sợ Liệt thay đổi ý định nên viết thư cho chúa Trịnh báo việc này.
Năm 1643, Trịnh Tráng điều quân vào nam chiếm lại Bắc Bố Chính, giết chết tướng Nguyễn là Bùi Công Thắng.
Năm 1648, Trịnh Tráng khởi binh nam tiến lần thứ tư, dẫn bộ binh đánh Nam Bố Chính, còn thuỷ quân đánh cửa Nhật Lệ. Quân Nguyễn cố thủ ở luỹ Trường Dục, quân Trịnh đánh không hạ được. Tướng Nguyễn là Hữu Tiến mang quân đánh úp quân Trịnh lúc nửa đêm. Quân Trịnh thua. Trịnh Tráng lui binh, sai Lê Văn Hiểu giữ Hà Trung, Lê Hữu Đức đóng ở Hoành Sơn, Phạm Tất Toàn giữ Bắc Bố Chính.
Chọn người kế vị
Nǎm 1645, Trịnh Tráng tuổi đã già, xin vua Lê phong cho con thứ hai là Tây Quận Công Trịnh Tạc làm Khâm Sai Tiết Chế Các Xứ Thủy Bộ Chủ Dinh Chương Quốc Quyền Binh, Tả tướng Thái úy Tây Quốc Công. Trịnh Tạc được chọn thay quyền cha giữ ngôi chúa. Sau quyết định này vài hôm, Trịnh Tráng bị cảm mạo, các con là Trịnh Sầm, Trịnh Lịch vì không được cha truyền ngôi bèn nổi loạn. Sau cả hai người con này đều bị bắt chém.
Năm 1653, Trịnh Tráng phong cho Trịnh Tạc làm Tây Định vương nắm quyền điều hành trong triều. Hai năm sau, chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật mang quân vượt sông Gianh đánh Bắc Bố Chính. Quân Trịnh liên tiếp bại trận, bị mất 7 huyện Nam Hà (nam sông Cả) bấy giờ thuộc Nghệ An.
Trong lúc chiến sự ngoài mặt trận đang gay go thì tháng 4 năm 1657, Trịnh Tráng qua đời, hưởng thọ 81 tuổi, được tôn là Văn Tổ Nghị Vương. Trịnh Tráng ở ngôi vương 35 năm (1623-1657).
Con ông là Tây Định Vương Trịnh Tạc lên thay. Trịnh Tạc đã cùng với con trai là Trịnh Căn đánh bại được quân Nguyễn, chiếm lại được đất bắc sông Gianh năm 1660.
Gia đình
Vợ:
Chính phi Trần Thị Ngọc Đài, tên thụy là Từ Huyên, người làng Đồng Đợi ( huyện Thiên Bản ), con gái ông Khải quận công. Sinh ra Hoằng tổ Dương vương Trịnh Tạc. Mất ngày 14 tháng giêng. Bấy giờ xứ nhà Thanh là Lý Dương cùng lũ Lý Đường Rạng, Triệu Quang Húc, Ngụy Tương Hiền, đem nghi tiết lại tế điếu lên lăng ở làng Phúc Sơn ( huyện Thụy Nguyên ).
Chính phi Nguyễn Phúc Ngọc Tú, tên thụy Từ Thuận, người làng Gia Miêu ngoại trang ( huyện Tống Sơn ), cháu Nguyễn Kim, con gái Đoan quốc công Nguyễn Hoàng. Khi Nguyễn Hoàng lẻn vào Thuận Hóa, bà còn bé, không theo đi được. Nhân dịp Nguyễn Hoàng sợ có điều nghi kỵ bèn gả bà cho Trịnh Tráng. Trịnh Tráng lấy làm Chính phi Tây cung. Sinh ra ông Sùng nghĩa vương. Mất ngày 23 tháng 3. Tôn lăng ở xã Bồi Dương ( huyện Tống Sơn ).
Hiền phi Nguyễn Phúc Ngọc Súy, tên thụy là Từ Hiền, người làng Gia Miêu ngoại trang ( huyện Tống Sơn ), cháu đức Đoan quốc công Nguyễn Hoàng, con gái ông Lý Nhân công Nguyễn Hắc, Chính phi ở Đông Cung, mất 22 tháng 9 tôn lăng ở xã Bà Đông ( huyện Tống Sơn ).
Con:
Hoằng tổ Dương vương Trịnh Tạc
Sùng Nghĩa vương Trịnh Kiều ( ông là con trưởng, vâng mệnh tiết chế, mở phủ Sùng quốc mất sớm ).
Dực vận Tân trị Công thần Thân nghĩa công Trịnh Lưu.
Dực Vận Tân trị Công thần Thuần vĩ công Trịnh Trương.
Dực Vận Tân trị Công thần Bỉnh trung công Trịnh Quế.
Dực Vận Tân trị Công thần Quốc lão Tô quận công Trịnh Hàm.
Quan Thái tể Bảng quận công Trịnh Biện.
Quan Thái phó Khuê quận công Trịnh Lực
Quan Thái tể Hoàng quận công Trịnh Lộc.
Quan Thái phó Địch quận công Trịnh Tiến.
Quan Dực vận tân trị công thần hiệu quận công Trịnh Tấu.
Quan Dực vận tân trị công thần An quận công Trịnh Thiện
Quan Dực vận tân trị công thần Mỹ quận công Trịnh Hoàn.
Quan Dực vận tân trị công thần Cảo quận công Trịnh Lệ.
Quan Thái úy Ninh quốc công Trịnh Toàn. Ông là con út cúa Trịnh Tráng, thống lĩnh đi đánh Nam triều, mở dinh gọi là Tả Dực nội quân. Trấn thủ tỉnh Nghệ An, mở phủ gọi là Dương uy phủ, vâng mệnh Tiết chế. Ở chỗ quân ngũ lâu ngày nên được lòng tướng sĩ. Gặp lúc đức Văn tổ nghi vương Trịnh Tráng mất, Trịnh Tạc lên nối ngôi, thủ hạ khuyên ông mưu làm phản. Ông không nghe, chúng mới phao ngôn là ông có trí làm phản và làm chứng buộc thành tội trạng. Trịnh Tạc nghĩ ông là người trí nhân không lỡ xử tử, đặc ân cho khóa bạc, giam trong ngục. Năm 1637 ba lần ông tâu xin cho chết. Trịnh Tạc sai ông Hán quận công đưa rượu cho uống và ban cho quan tài cùng tiền cổ 300 quan, sai quan dụ tế cho đưa linh cữu về chôn ở ngoại quán thuộc xã Phú Vinh ( huyện Hoằng Hóa ). Đến năm 1655, phụng chuẩn định sự lệ tôn thất nhờ ông là người đánh giặc có công lao đặc ân tha cho và con cháu cũng chuẩn được ăn lương theo như lệ năm đời, nhưng không được bổ dụng. Năm 1660 trong họ có người kêu oan mới chuẩn tha cho ông được khai phục chức cũ.