Số người đang online : 11 Sương Nguyệt Ánh - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Sương Nguyệt Ánh
post image
Sương Nguyệt Ánh

 

Sương Nguyệt ánh được coi là người chủ bút nữ đầu tiên của giới báo chí Việt Nam. Bà là con gái thứ tư của của nhà thơ nổi tiếng Nam bộ, thời Pháp chiếm Nam Kỳ, hồi cuối thế kỷ thứ 19 - Nguyễn Đình Chiểu.

 

Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu, tên thật của bà Nguyễn Thị Xuân Khuê, bút danh là Sương Nguyệt Ánh. Bà sinh năm 1864, tức là năm cha bà, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, đã rất nổi tiếng ở Nam bộ với truyện thơ Lục Văn Tiên, với những bài thơ chống Pháp chói ngời tinh thần yêu nước, với tác phẩm Ngư tiều vấn đáp...Khi sinh bà, nhà thơ đã từ Cần Giờ, chuyển về Ba Tri Bến Tre...


Từ nhỏ sống bên cha, hẳn bà đã ảnh hưởng tinh thần yêu nước thương dân, khí phách hiên ngang của cha: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà?”.

 

Sương Nguyệt Ánh nổi tiếng thông minh từ nhỏ. Ở bên cha, khi về Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu mở trường dạy chữ Nho, học trò đến rất đông, hẳn Nguyệt Ánh cũng được cha dạy học cho. Chữ Hán bà có thể làm thơ xướng họa được với các Nho sĩ đương thời, và là một người hay chữ.

Sương Nguyệt Ánh luôn làm thơ, nhắc nhở mọi người hãy nhớ đến cảnh nhà tan, nước mất, phải có ý thức hãy sống sao không hổ với một đất nước có truyền thống đánh giặc giữ nước hào hùng...

Khi vua Thành Thái tuần du vào Sài Gòn, bà có bài thơ “Thành Thái nghị yến Sài Gòn”:

“Ngàn thu nay gặp hội minh lang,

Thiên hạ ngày nay chí mở mang

Tấc đất ngọn rau tràn dưới mắt,

Đài cân bầu nước chật ven đàng!

Vui lòng thánh đế nơi xe ngựa

Xót dạ thần dân chốn lửa than

Nước mắt cố cùng, trời đất biết

Biển dâu một cuộc nghĩ mà thương”.

Thơ nhắc nhở, vua trong lúc bên yến tiệc xa hoa, ngựa xe đón rước, chớ quên dân chúng trong tay giặc, lầm than, nghèo đói, lam lũ... Ngôn từ kín đáo mà nghĩa khí tràn đầy, bậc nữ lưu thế thì đám nam nhi đương thời cũng khó bề sánh nổi...

Có cả một viên tri phủ đeo đuổi Nguyệt ánh hoài nhưng bà kiên quyết từ chối, bởi y làm quan cho Pháp. Mãi năm 24 tuổi, bà mới chịu lấy chồng là ông Nguyễn Công Tính ở Tổng Hòa Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre...

Ít lâu sau chồng mất, bà ở góa... dù còn rất trẻ. Là người có học, hòa nhã, nên nhiều người còn nhăm nhe mong bà tục huyền. Bà thêm chữ Sương ở tên hiệu, để tỏ rõ chí thờ chồng nuôi con của mình (Sương trong nghĩa sương phụ là người đàn bà góa). Và khi bà nhận làm chủ bút, thì đây cũng là bút danh: Sương Nguyệt Ánh.

Đầu năm 1918, nhân lời mời của viên Tổng lý báo chí Nam Kỳ là Trần Văn Chim, Sương Nguyệt Ánh lên Sài Gòn, làm chủ bút tờ Nữ giới chung (Tiếng chuông giới phụ nữ)...

Tờ báo tập hợp được những cây bút báo chí khá tiến bộ, lên tiếng đòi nam nữ bình quyền, thúc giục, vận động giới phụ nữ hãy học hành, đấu tranh được ngang hàng với nam giới...; lấy những gương sáng của phụ nữ các nước tiên tiến ở châu Âu, châu Mỹ để khuyến khích chị em.

Trong một bài bàn về nữ quyền, Sương Nguyệt Ánhnh viết:

“Thời thế bể dâu, cục diện đã khác...

Ngày nay ngọn sóng Âu tràn qua Nam Hải, các khoa học mênh mông, công nghệ thế ấy, học thuật thế kia. Trông người mà ngẫm đến ta, tình cảm buồn mà không buồn, lại buồn cảnh bông tàn trăng khuyết, lý tưởng làm sao mà lạ vậy?

Kìa ta mở cặp mắt ngó ra Hoàng Hải, người Âu Mỹ làm thầy giáo cũng đàn bà, mà thầy Kiện (luật sư – NVP) cũng đàn bà, trong tay sẵn có một nghề, không phải nương nhờ người nam tử. ấy cái học người ta như thế, há như người mình không bệnh mà rên!

Chị em ơi!... Muốn có cái địa vị ngang hàng với nam giới thì (chẳng những) việc tề gia nội trợ phải thuộc lòng, tình thế trong ngoài cũng nên ghé mắt, tuy chưa được như người Âu Mỹ song cũng đừng phụ tiếng Lạc Hồng” (1)

Tư tưởng so với đương thời, thật tiến bộ, văn chương mạnh mẽ, như những lời kêu gọi của Đông Kinh nghĩa thục và phong trào Duy Tân lúc ấy.

Cũng trên tờ Nữ giới chung này, còn có những bài thơ đề cao tinh thần quật khởi của các nữ anh hùng dân tộc như bà Trưng, bà Triệu, hoặc đăng những bài thơ đề cao nữ quyền, trong đó có những câu nói rõ tiêu chí của tờ báo:

Vang lừng nữ giới những hồi chuông,

Thúc bạn quần thoa thoát cửa buồng...

(Số 8 ra ngày 22-3-1918)

Nữ giới chung là tờ tuần báo, ra vào ngày thứ sáu, số đầu tiên xuất hiện vào 1-2-1918...

Cũng trên báo này còn đăng những bài thơ khuyên thanh niên Việt Nam không nên đi lính cho Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918, trong đó có bài Chinh Phụ thi của Sương Nguyệt Ánh:

Đình thảo thành hào liễu hữu ty,

Chinh phu hà nhật thị quy kỳ

Bán liêm tàn nguyệt thương tâm dạ

Nhất chẩm đề quyên lạc lệ thi

Tái bắc vân trường cô nhạn ảnh

Giang nam xuân lạc lạo nga my

Tái lai cử đệ tương tư mộng,

Tằng đáo quân biên tri bất tri?

Thơ Chinh Phụ 

Cỏ rạp sân thềm liễu rủ tơ,

Chàng đi bao thuở lại quê nhà?

Nửa đêm trăng xế, lòng ngao ngán,

Chiếc gối quyên gào lụy nhỏ sa.

Ải Bắc mây giăng che bóng nhạn,

Vườn Xuân nắng tắt rẻ mày nga

Nhớ nhau mấy lúc chiêm bao thấy

Ngàn dặm lang quân biết chẳng là?

Thơ nhuần nhị kín đáo mà lời vận động phản chiến khá rõ, khá tình cảm...

Tuy chỉ hoạt động vỏn vẹn gần một năm, mà tờ Nữ giới chung của chủ bút Sương Nguyệt Ánh đã gây được ấn tượng mạnh trong làng báo Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Hiện nay lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã lấy tên bà đặt tên cho một phố nội thành, thiết tưởng Thủ đô Hà Nội cũng nên có phố Sương Nguyệt Ánh.

Theo Ngô Văn Phú

(1) Dẫn theo Ngô Hà, Lịch sử báo chí thành phố, địa chí văn hóa tập 2, NXB TP. Hồ Chí Minh 1988

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành