Số người đang online : 11 Nguyễn An Ninh - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Nguyễn An Ninh
post image
Nguyễn An Ninh

Nguyễn An Ninh (1900 - 1943)

Nguyễn An Ninh (1900 - 1943). Quê quán Hóc Môn, Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 1920, ông đỗ cử nhân luật tại Pháp. Về nước, ông diễn thuyết, viết sách, ra báo Cloche Fêlée (Chuông Rè). Ông được dân chúng ở Nam Bộ mến mộ, tôn làm thần tượng một thời. Thực dân Pháp rất sợ, nhiều lần bắt giam ông. Trong những năm 1930, ông sát cánh với các chiến sĩ cộng sản (Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Dương Bạch Mai...) đấu tranh chống chế độ thuộc địa phản động, đòi các quyền tự do, dân chủ.

4-10-1939, ông bị Pháp bắt, lần này là lần thứ 5, kết án 5 năm tù lưu đày Côn Đảo. Trên đảo ông bị kiệt sức vì bị hành hạ, mất trong tù ngày 14-8-1943.

Nguyễn An Ninh (1900 - 1943) là nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu tôn giáo và là nhà cách mạng ở đầu thế kỷ 20 trong lịch sử Việt Nam.

Tiểu sử
Gia thế

Ông sinh ngày 15 tháng 9 năm 1900 tại quê mẹ ở xã Long Thượng, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An). Cha ông là Nguyễn An Khương, người ở Quán Tre, huyện Hóc Môn (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), một nhà văn có tinh thần yêu nước, tinh thông Hán học và chữ Quốc ngữ.

Chú ruột của Nguyễn An Ninh là Nguyễn An Cư, cũng là một nhà văn, một Đông y sĩ nổi tiếng. Cả cha và chú đều được nhiều người trong nước quý trọng.
Học vấn

Nguyễn An Ninh theo học ở trường Taberd, Collège Mỹ Tho rồi Trường Chasseloup Laubat (nay là trường THPT Lê Quý Đôn) ở Sài Gòn). Năm 1915, mới 15 tuổi, ông đã được nhận làm biên tập cho tờ Courrier saigonnais. Năm sau, nhờ tốt nghiệp trung học với bằng ưu nên ông ra Hà Nội học Cao đẳng Y Dược và được miễn chuẩn bằng Tú Tài.

Nhưng học được nửa năm, Nguyễn An Ninh quyết định chuyển sang học luật tại Trường Cao đẳng Pháp chính thuộc Đại học Đông Dương. Năm 1918, ông sang Paris, Pháp, tiếp tục học đại học ngành luật tại Đại học Sorbonne. Hai năm sau, ông đã hoàn thành chương trình học tập và được cấp bằng cử nhân Luật hạng xuất sắc.
Hoạt động chính trị
Khởi đầu

Trong thời gian ở Paris, Nguyễn An Ninh liên hệ với Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Ái Quốc.

Những hoạt động của cả năm người, đã tạo được uy tín lớn đối với kiều bào tại Pháp, nên có danh là nhóm "Ngũ Long"... Trong nhóm, ông Ninh được Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường rất tin cậy, quý mến. Đối với Nguyễn Ái Quốc, ông Ninh là bạn, là người cộng sự cùng tham gia sáng lập Hội Liên hiệp Các dân tộc thuộc địa, cùng viết bài và quảng bá cho báo Le Paria (Người cùng khổ).

Ngoài ra, Nguyễn An Ninh còn dành thời gian nghiên cứu các học thuyết cách mạng trên thế giới. Ông cũng kết giao rộng rãi với các nhà hoạt động cánh tả, cộng sản ở Pháp và một số nước khác ở châu Âu.

Ngày 5 tháng 10 năm 1922, ông về nước. Lần đầu tiên, Nguyễn An Ninh ra mắt công chúng Nam Kỳ tại Hội khuyến học Nam Kỳ số 34 đường Aviateur Garros (nay là đường Thủ Khoa Huân), vào lúc 20 giờ ngày 25 tháng 1 năm 1923, với một bài diễn thuyết "Une culture pour les Annamites" bằng tiếng Pháp (thường được dịch là "Chung đúc học thức cho dân An Nam") cốt để kêu gọi mọi người dân Việt hãy mau "noi theo cái học thức Pháp, đặng mở mang trí dân, rộng tư tưởng của dân, làm cho giòng giống tráng kiện, mau thoát cái ách nô lệ. Bằng cứ theo nẻo hoạn đồ, lấy việc làm quan là mục đích của việc học thì hỡi ơi! Sau này giòng giống sẽ yếu ớt, ắt có ngày kia rút vô rừng mà ở!".

Sau khi ly dị với vợ là Emillie, ngày 22 tháng 2 năm 1923, Nguyễn An Ninh sang Pháp lần thứ hai, với ý định hoàn thành bằng Tiến sĩ Luật, nhưng ông chỉ lưu lại hơn nửa năm rồi trở về nước, dịch 5 chương đầu cuốn Khế ước xã hội (Contrat social) của Jean-Jacques Rousseau nhằm truyền bá tư tưởng "Người ta sinh ra tự do. Nhà nước là một tổ chức cai trị theo 'khế ước xã hội', vì thế nó phải phục tùng ý chí của toàn dân".

Vào đêm 15 tháng 10 năm 1923, Nguyễn An Ninh lại xuất hiện trên diễn đàn với đề tài "L’ideál de la Jeunesse Annamite" bằng tiếng Pháp (thường được dịch là "Cao vọng của thanh niên An Nam").

Ông cho rằng "cứ suy tôn Khổng Tử, khó cho ta tiến bước được", "tự do không phải là một vật gì mà ta có thể chuyền tay, có thể cho hay bán. Ai cũng có thể tự do được", "thanh niên ngày nay, không ai cấm chúng ta phác họa ước mơ và cao vọng" và sau đó ông còn đả kích thực dân Pháp "khai thác bóc lột đến tận xương tủy cả Đông Dương".

Thống đốc Cognacq mấy lần gọi ông đến đe dọa và tuyên bố cấm ông diễn thuyết tại các nơi công cộng.
Ngồi tù lần thứ nhất

Nguyễn An Ninh âm thầm phản ứng bằng cách cho ra tờ báo Pháp văn La cloche fêlée (Tiếng chuông rè, có người dịch Tiếng chuông rạn) ở Sài Gòn để công kích chính sách thực dân Pháp, đề cao các nhà cách mạng, làm cho người đọc tin tưởng vào sức mạnh của dân tộc và truyền bá những tư tưởng tự do (số đầu tiên ra ngày 10 tháng 12 năm 1923).

Không những ông làm chủ bút, viết bài, xếp chữ, tự tay chăm sóc tờ báo về mọi mặt mà ông còn tự ôm đi rao bán.

Để đàn áp tờ báo, chính quyền thực dân đã cấm các nhà in và Sở Bưu điện không cho họ nhận in, phát hành và vận chuyển. Ai dám đi bán báo, đọc báo đều bị theo dõi (nếu là công chức sẽ bị sa thải). Thế cho nên đến số 19 thì báo phải tự đình bản (ngày 14 tháng 7 năm 1924).

Sau khi cưới người vợ khác tên Trương Thị Sáu[5] được hai tháng, vào ngày 10 tháng 1 năm 1925, ông sang Pháp lần thứ ba. Trong thời gian ở Pháp, ông Ninh viết "La France en Indochine" ("Nước Pháp ở Đông Dương”), toát lên một tinh thần chống thực dân quyết liệt, đòi hỏi các quyền tự do dân chủ cơ bản, sơ đẳng nhất của con người. Ngoài ra, ông còn diễn thuyết tại Khách sạn Hội Bác học (Hôtel des Sociétés Savantes), Paris, bài "Tinh thần dân chủ của nước Việt Nam". Ông và Phan Chu Trinh về nước cùng một lần.

Cuối năm 1925, sau khi Luật sư Phan Văn Trường (1875-1933) về nước, cho khôi phục lại Tiếng chuông rè, có ông Ninh cộng tác. Từ đây, khuynh hướng của tờ báo chống thực dân theo quan điểm chủ nghĩa Marx-Lenin rõ rệt.

Ngày 21 tháng 3 năm 1926, Nguyễn An Ninh diễn thuyết trước ba ngàn người nghe, kêu gọi chống chủ nghĩa thực dân. Ba hôm sau, ông bị nhà cầm quyền Pháp bắt kết án 18 tháng tù, nhưng chỉ bị giam 10 tháng thì được "ân xá".

Sau khi ra tù, ông đã sáng lập ra Thanh niên Cao vọng Đảng, một tổ chức yêu nước hoạt động theo nguyên tắc hội kín ở Nam Kỳ. Ông còn phối hợp với các cán bộ của Hội Việt Nam Kách mệnh Thanh niên trong vận động quần chúng và phát triển tổ chức của hội.
Ngồi tù lần thứ hai

Sau đó, ông Ninh qua Pháp lần thứ tư. Ở Pháp lần này, ông quan hệ với nhiều nhà yêu nước thuộc nhiều chính kiến.

Ngày 6 tháng 1 năm 1928, Nguyễn An Ninh về nước, được đồng bào đón tiếp nồng nhiệt. Ông sáng tác vở tuồng hát Hai Bà Trưng để cổ xúy tinh thần yêu nước, tháng 8 năm 1928 in xong bốn ngàn quyển, chỉ dành để ký tặng. Vở tuồng 8 cảnh chưa kịp diễn thì bị cấm.

Cuối năm 1928, ông bị bắt lần thứ hai và lần này Pháp dựng lên vụ “Hội kín Nguyễn An Ninh” để bắt mấy trăm người ủng hộ ông.

Ông bị kết án và ngồi đúng 3 năm tù, tức cho đến ngày 3 tháng 10 năm 1931, ông mới được thoát khỏi tù giam.
Ngồi tù lần thứ ba

Ra tù, Nguyễn An Ninh viết cho tờ Trung Lập của Nguyễn Văn Tạo (1908-1970), cho tờ Tranh đấu của nhóm Tạ Thu Thâu (1906-1946), Trần Văn Thạch (1905-1946), Phan Văn Hùm (1902-1946). Do hoạt động quá tích cực, nên đến tháng 4 năm 1936, ông Ninh lại bị bắt về tội "phá rối trị an". Ông tuyệt thực phản đối và nhờ quần chúng đấu tranh dữ dội đòi thả ông, nên Pháp buộc lòng phải trả tự do cho ông vào tháng 11 năm ấy.
Ngồi tù lần thứ tư và lần cuối cùng

Đến tháng 7 năm 1937, Pháp lại bắt giam ông (lần thứ tư) cho đến tháng 1 năm 1939.

Ra khỏi tù, ông Ninh đi hẳn với những cộng sản trong nhóm Dân chúng và viết cho báo Dân Chúng, góp phần tổ chức nhiều cuộc biểu tình đòi các quyền tự do dân chủ, ra ứng cử vào Hội đồng Quản hạt (Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ).

Tháng 9 năm 1939, Thế chiến thứ hai bùng nổ ở châu Âu. Ở Đông Dương, nhà cầm quyền Pháp liền tuyên bố thiết quân luật, ráo riết truy lùng, bắt bớ và sát hại các nhà yêu nước và chiến sĩ cách mạng, hòng ngăn ngừa nhân dân Việt vùng lên tự giải phóng mình.

Ngày 5 tháng 10 năm 1939, ông lại bị bắt lần thứ năm và cũng là lần cuối cùng. Sau đó, ông nhận án 5 năm tù lưu đày Côn Đảo. Trên đảo, ông bị hành hạ, bị đói khát triền miên khiến ông kiệt sức dần.

Nguyễn An Ninh mất trong tù vào ngày 14 tháng 8 năm 1943, hai năm trước khi Việt Nam giành lại được độc lập, hưởng dương 43 tuổi.
Bài thơ cuối cùng

               Sống và chết
        Sống mà vô dụng, sống làm chi
        Sống chẳng lương tâm, sống ích gì?
        Sống trái đạo người, người thêm tủi
        Sống quên ơn nước, nước càng khi.

        Sống tai như điếc, lòng đâm thẹn
        Sống mắt dường đui, dạ thấy kỳ
        Sống sao nên phài, cho nên sống
        Sống để muôn đời, sử tạc ghi.
         

       

        Chết sao danh tiếng vẫn còn hoài
        Chết đáng là người đủ mắt tai
        Chết được dựng hình tên chẳng mục
        Chết đưa vào sử chứ không phai

        Chết đó, rõ ràng danh sống mãi
        Chết đây, chỉ chết cái hình hài
        Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi
        Chết cho hậu thế, đẹp tương lai.

Tác phẩm

Ngoài những bài diễn thuyết, bài báo bằng tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, ông còn soạn các sách: Nước Pháp ở Đông Dương (La France en Indochine) (1925), Hai Bà Trưng (tuồng hát) (1928), Tôn giáo (1932) và Phê bình Phật giáo (1937). Dân ước (dịch những đoạn chính trong quyển Contrat social của Rousseau vào năm 1923).
Nhận xét

Trích một số nhận xét của các nhà văn, nhà nghiên cứu:

GS. Trần Văn Giàu:

    Nguyễn An Ninh là nhà Tây học đầu tiên của Sài Gòn và Việt Nam đã đấm cho Khổng giáo mấy quả đấm kinh hồn.

    Người anh Ninh, tóc chấm vai, mắt sáng như sao, tiếng trong như chuông. Ở đất Sài Gòn mà mặc bà ba, đi guốc, bán báo Chuông rè của mình viết. Hình ảnh đó tự nó đủ gây cảm tình sâu sắc với đồng bào... Một thuở, Nguyễn An Ninh là thần tượng của đồng bào lục tỉnh, của học sinh chúng tôi... Con người sôi nổi, đại chúng đó, hùng hồn ở diễn đàn, bén nhọn trên cột báo, không chút sợ Tây, tà, vào tù như về quê, con người ấy đồng thời là một người trầm tư, mặc tưởng...
    Nguyễn An Ninh là một chính khách, học giả, một nhà chính trị hoạt động. Trước hết, anh là một con người của quần chúng, là con người của nhân dân... Trong mắt, trong lòng người Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chí sĩ Nguyễn An Ninh là một người cách mạng, xứng đáng được lưu danh bằng bia đá, tượng đồng". Từ một sinh viên của Đại học Đông Dương, Nguyễn An Ninh trở thành một chiến sĩ, một lãnh tụ có uy tín lớn và có ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào yêu nước Việt Nam trong suốt gần 2 thập kỷ (từ 1923 đến 1943). Ông còn là nhà tư tưởng, nhà văn hoá và nhà báo lớn. Những tác phẩm của ông về tư tưởng chính trị, về tôn giáo và về văn hoá có ảnh hưởng sâu rộng đối với diễn trình lịch sử văn hoá - tư tưởng Việt Nam cận đại. Ông là một trong những người tiêu biểu nhất của lớp trí thức "Tây học" đầu tiên, dũng cảm dấn thân, xả thân, đem hết tài năng, dũng khí và tính mạng cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân.

Tiến sĩ sử học Pháp Daniel Héméry:

    Nguyễn An Ninh là người có ảnh hưởng lớn đến trí thức miền Nam Việt Nam trong những năm 1920, 1940, người đã thức tỉnh cả một thế hệ.

Nhà văn Sơn Nam:

    Nguyễn An ninh xuất hiện, đóng vai trò tích cực rồi trở thành người được ái mộ nhờ khả năng sáng tạo về mặt lý thuyết cũng như thực hành. Nếu thân phụ của ông ao ước một cuộc Duy Tân hướng về nước Nhựt thì lần này, khi du học ông hấp thụ được những tinh túy về lý thuyết của tây phương. Ông sẵn có một căn bản về triết học Đông phương vững chắc, am hiểu đạo Phật, đạo Lão, đạo khổng. Nhưng quan trọng nhứt là am hiểu tình hình miền Nam...
    Về tác phong của ông, Phan Văn Hùm đã viết như sau: "Ông người thể chất yếu, nhờ thể thao, nhờ đi xe đạp, nhờ chịu cực mới khỏe được...Người ông như vậy, cho nên về sau này ở trong ngục hễ thời tiết thay đổi là ông bị cảm ngay. Thế mà ông ghét đám thanh niên ăn sung mặc sướng, đi ra nửa bước đã ngồi xe, ông muốn bày ra một cảnh sinh hoạt tự do, mà "cần lao" như dân đi làm rừng làm rẫy: quần áo vải bô, chiếc nóp, đãy cơm, bầu nước, rồi mênh mông đâu cũng là nhà."
    Tác phong bình dân ấy có sức thu hút khá mạnh. Khi vào tù cửa vừa đóng lại, thiên hạ vây chung quanh ông, khám bên kia có mấy người chun song sắt qua chào...
    Có người nhận xét rằng Nguyễn An Ninh mang tâm hồn nghệ sĩ, ít nghĩ tới việc tổ chức lực lượng cách mạng. Nhưng ta không nên đòi hỏi quá nhiều ở một kẻ sĩ, một nhà hiền triết nồng nhiệt yêu nước. Cách mạng không phải là độc quyền của kẻ sĩ nhưng là sự đóng góp của toàn dân từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhiều miền, nhiều giới.
    Ông làm tròn sứ mạng của kẻ sĩ: sáng tạo, đi tiên phong, đốt lên ánh đuốc sáng rực trong buổi bình minh đầy giông tố...

Nhà văn Lê Minh Quốc:

    Biết Nguyễn An Ninh có tài, Pháp đem chức tước dụ dỗ, nhưng trước sau ông vẫn một mực khước từ, chấp nhận một cuộc sống thanh đạm. Để việc hoạt động được thuận lợi, ông với mái tóc “bombé” theo kiểu “phi-lô-xốp à mode de Nguyen An Ninh”, đi rao bán dầu cù là, bán báo Tiếng chuông rè trên khắp đường phố Sài Gòn. Với tài hùng biện, ông hô hào quần chúng lao khổ vùng dậy đòi tự do cơm áo. Ông thực sự là một nhà hành động, từng vào tù ra khám nhưng cũng là nhà tư tưởng, nhà triết học....

Trong Tự điển Văn học (bộ mới):

    Văn Nguyễn An Ninh, giá trị ở chỗ "sôi động, tình cảm chân thực, đặc biệt là các bài diễn thuyết và các bài chính luận trên báo Tiếng chuông rè, hết sức lôi cuốn người đọc, người nghe. Ông là một nhà yêu nước mãnh liệt, một người trí thức có một đời sống rất trong sạch, rất gần gủi với quần chúng lao động nghèo. Ông chống Pháp đến cùng và khi chết cũng cười mà chết.

Tưởng nhớ

Để tưởng nhớ đến những công lao mà Nguyễn An Ninh đã cống hiến cho dân tộc, ngày 18 tháng 11 năm 2000, Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh [14] đã được khởi công xây dựng và tổ chức khánh thành vào ngày 15 tháng 9 năm 2002. Nhà tưởng niệm nằm ở phía Tây Bắc Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc phường Trung Mỹ Tây, quận 12 với diện tích khoảng 3000m². Công trình xây dựng có kết cấu bê tông cốt thép, cột, kèo, đòn dông bằng gỗ mái đỏ, đường nét thẳng là kiểu lợp mái nhà đặc trưng Nam bộ. Trang bị nhà thờ gồm bàn, ghế, tủ thờ, kệ sách...đều bằng gỗ. Đây cũng là nơi mà trước kia Nguyễn An Ninh đã từng sống và hoạt động cách mạng. Từ ngoài cổng chính vào, một bên là mộ phần ông bà Nguyễn An Khương, cha mẹ của Nguyễn An Ninh và một bên là bia tưởng niệm ông bà Nguyễn An Ninh.

Ngày 1 tháng 8 năm 1980, Nguyễn An Ninh được nhà nước Việt Nam truy nhận là Liệt sĩ.

Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu...đều có những trường học và đường phố mang tên ông.

0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành