Số người đang online : 71 BIA QUẾ LÂM NGỰ CHẾ (1440) - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

BIA QUẾ LÂM NGỰ CHẾ (1440)
post image
BIA QUẾ LÂM NGỰ CHẾ (1440)

Đã xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá cấp Quốc gia theo quyết định...

BIA QUẾ LÂM NGỰ CHẾ (1440)
 
 
1. Tên di tích: Bia “Quế lâm ngự chế” (1440)
2. Loại công trình:  Bia khắc trên vách núi Thẩm Ké.
3. Loại di tích: Di tích lịch sử.
4. Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá cấp Quốc gia theo quyết định số: 226 QĐ/ BT ngày 05 tháng 02 năm 1994.   
5. Địa chỉ di tích: tổ 3, phường Chiềng Lề, thành Phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
6. Tóm lược thông tin về di tích   
Văn bia “Quế lâm ngự chế” được phát hiện năm 1965, nằm ngay trung tâm thành phố Sơn La, lưng chừng ngọn núi Cằm. Hang bia này còn có tên gọi là “Thẳm báo ké” (Hang trai già) hay còn gọi là “Thẳm mỏ tóm” (Hang nồi đồng).
Vua Lê Thái Tông, tên huý là Nguyên Long là con thứ của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) và mẹ là Cung từ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, người hương Quần Lai, huyện Lôi Dương (nay là Thọ Xuân – Thanh Hoá).
Vua Lê Thái Tông sinh ngày 20 tháng 11 mùa đông năm Quí Mão (1423), ngày 03 tháng 3 năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) được sắc phong làm Lương quận công. Ngày 06 tháng Giêng năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) được lập làm Hoàng Thái tử. Ngày 08 tháng 9 năm Thuận Thiên thứ 6 (1433) lên ngôi Hoàng đế , lấy năm sau làm niên hiệu năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), đến năm thứ 7 đổi niên hiệu là Đại Bảo (1440) lấy hiệu là “Quế Lâm Động Chủ” nối tiếp hiệu “Lam Sơn Động Chủ” của vua cha Lê Thái Tổ. Ở ngôi được 9 năm (1433 – 1442) đi tuần thú ở miền Đông (Chí Linh - Hải Dương) rồi băng hà, hưởng thọ 20 tuổi, táng ở Hựu Lăng - Lam Sơn - Thanh Hoá. Sử sách ghi lại rằng: “Vua Lê Thái Tông là người hùng tài, đại lược, cương đoán, làm được việc. Khi mới lên ngôi ra sức cầu trị định chế độ, ban sách vở, đặt lễ nhạc, sáng suốt việc chính, cẩn thận việc hình, mới có mấy năm mà điển chương văn vật rực rỡ, trong nước đều biến đổi lớn...”
“...Vua lên ngôi, nối vận thái bình, bên trong chỉ huy được quần thần, bên ngoài dẹp được các nước di dịch quấy nhiễu, trọng đạo, sùng nho, mở khoa thi xét tuyển nhân tài, xét tử tù ngục phần nhiều khoan dung xá tội, là bậc vua giỏi thủ thành...”
Từ khi lên ngôi, Vua Lê Thái Tông rất chú ý tới Miền Tây Bắc, miền đất phên dậu của Tổ quốc. Để củng cố và đảm bảo sự thống nhất Quốc gia, cũng như các vị vua khác và Vua Lê Thái Tổ, trong 9 năm trị vì đất nước, vua Lê Thái Tông đã hai lần chỉ huy quân sỹ lên miền Tây Bắc dẹp bọn phản nghịch. Tháng 3 năm Canh Thân (1440), Vua Lê Thái Tông lần đầu tiên thân chinh cùng quân sỹ lên trấn Miền Tây đi đánh thổ quân phản nghịch tên là Thượng Nghiễm ở Châu Mường Muổi (Nay là huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La).
Tù trưởng Thuận Châu là Thượng Nghiễm phản nghịch, vong ơn bội nghĩa, đem quân theo người Ai Lao làm phản. Thân chinh vua Lê Thái Tông điều khiển sáu quân tới trừng trị. Thượng Nghiễm kế cùng lực tận, dâng voi xin hàng. Vua Lê Thái Tông nói ta thương nó quì bò không mang vũ khí, không nỡ chém, bèn tha tội cho nó.
Vua Lê Thái Tông  tới đâu cũng được nhân dân ủng hộ nên quân của triều đình đã nhanh chóng dẹp tan bọn phản loạn: Trên đường về, vua cùng quân sỹ nghỉ chân tại Động La (Thẳm báo ké) thuộc phường Chiềng Lê – Thị xã Sơn La nay là Thành phố Sơn La – Tỉnh Sơn La. Vua thấy nơi đây cảnh đẹp, địa lý thuận lợi, với ý nghĩa sâu xa và tâm hồn thanh thản, nhà vua đã để lại bài thơ “Quế Lâm động chủ ngự chế” trên vách động và lời tựa gồm 14 dòng, mỗi dòng 10 chữ với 140 chữ Hán.
Bài thơ được dịch nghĩa như sau:
          “Nghĩ tới người xa đêm khổ tâm
          Thổ tù sao lại dám quân thân
          Thế gian đã có anh hùng chúa
          Thiên hạ ai tha kẻ nghịch thần
          Đường xá khó khăn đừng cậy hiểm
          Hang cùng đá ấm áp hơn xuân
          Yên được dân lành nhơ nhớp hết
          Dân ta được hưởng tấm lòng nhân”.
                                     (Năm đầu niên hiệu Đại Bảo
                              Canh Tuất 1440, ngày lành giữa tháng 3)
          Đúng một năm sau, tháng 3 năm 1441 vua lại kéo quân lên dẹp loạn nghịch Nghiễm ở châu Mường Muổi, đi đến đâu cũng được nhân dân hưởng ứng, giúp đỡ vì vậy quân của triều đình đã nhanh chóng bắt được tướng Ai Lao là Đao Mông và vợ con hắn ở Động La đồng thời bắt được con của Thượng Nghiễm là Sinh Tượng và Tràng Đồng. Thượng Nghiễm ra hàng và chịu tội, dải đất biên cương phía Tây Tổ quốc đã được bình yên.
          Để ghi nhớ công đức của Vua Lê Thái Tông, Tỉnh Sơn La đã trình Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận bia “Quế lâm ngự chế” là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Để di tích mãi mãi trang nghiêm, toả sáng trong lòng các thế hệ nối tiếp, di tích đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo quyết định số: 226 QĐ/ BT ngày 05 tháng 02 năm 1994.
          Đáp ứng một phần tín ngưỡng lành mạnh, nguyện vọng của đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh Sơn La, được sự nhất trí của Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Sơn La đã cho khởi công xây dựng ngôi đền thờ Vua Lê Thái Tông và quân sỹ của ông. Ngôi đền được khởi công tháng 9/2003 và khánh thành ngày 22/01/2003 có tên là “Quế Lâm linh tự” (Đền thiêng Quế Lâm).
          Đến với di tích, chúng ta sẽ hiểu thêm về công lao của vị vua trẻ Lê Thái Tông và quân sỹ của ông, nhắc nhở mọi người về quá khứ vẻ vang, biết ơn những người đi trước đã làm nên sức sống của một vùng đất cho thế hệ mai sau. Lê Thái Tông xứng đáng là bậc thượng đẳng phúc thần ở miền Tây Bắc của Tổ quốc.

 
 



 
  Trước cổng đền thờ Vua Lê Thái Tông


 

Sân đền thờ Vua Lê  Thái Tông

           
 
Đền Vua Lê Thái Tông
 


0 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành