Số người đang online : 80 NGÃ BA CÒ NÒI - Danh thắng - danh nhân, văn hóa - ẩm thực Việt Nam

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

NGÃ BA CÒ NÒI
post image
NGÃ BA CÒ NÒI

Được công nhận di tích theo quyết định số 16/2004/QĐ-BVHTT ngày 29...

NGÃ BA CÒ NÒI
 
1. Tên di tích: Ngã ba Cò Nòi
2. Loại di tích: Di tích lịch sử
3. Quyết định: Được công nhận di tích theo quyết định số 16/2004/QĐ-BVHTT ngày 29 tháng 4 năm 2004
4. Địa chỉ di tích: xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn   
5. Tóm lược thông tin về di tích   
Ngã ba Cò Nòi, một địa danh lịch sử, một mốc son chói lọi khắc ghi một thời kỳ chiến đấu oanh liệt của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam trong cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm chống thực dân Pháp.
Bị thất bại nặng nề trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952 và Thượng Lào năm 1953. Thực dân Pháp rút toàn bộ quân đồn trú ở tập đoàn cứ điểm Nà Sản về đồng bằng Bắc Bộ và ngay sau đó tăng cường lực lượng, phương tiện chiến tranh cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hòng biến nơi đây thành một pháo đài “Bất khả xâm phạm” nhằm thu hút bộ đội chủ lực của ta lên để tiêu diệt và xoay chuyển tình thế.
Trước tình hình đó, tháng 12/1953 Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Lấy Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch tại đây và kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc là quyết tâm cao độ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Để chuẩn bị mọi điều kiện cho chiến dịch này toàn thắng, hàng vạn bộ đội, hàng vạn dân công ở khắp cả nước đã được huy động lên chiến trường để chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Trong chiến dịch lịch sử này, Sơn La có một vị trí rất quan trọng. Là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc, là con đường huyết mạch nối đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc, khu III, khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ. Đồng thời, Sơn La cũng là một hậu phương lớn, gần chiến trường nên việc tiếp tế sức người, sức của cho chiến dịch thuận lợi hơn. Từ Yên Bái qua đèo Lũng Lô, bến phà Tạ Khoa qua đèo Chẹn đến ngã ba Cò Nòi (Sơn La) thì đường 13 (quốc lộ 37) là con đường huyết mạch độc đạo nối với quốc lộ 41 (quốc lộ 6) lên Điện Biên Phủ luôn là trọng điểm đánh phá của không quân Pháp. Thực dân Pháp cho rằng "Việc ngăn chặn và cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt của hậu phương miền Bắc cho chiến trường Điện Biên Phủ là vấn đề sống còn của quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam". Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, Êly ghi lại trong cuốn sách của mình: "Từ tháng 1 năm 1954, những cuộc oanh tạc các đường giao thông dẫn đến Điện Biên Phủ ngày càng ác liệt, có trận dùng tới 39 máy bay ném bom B26, 5 máy bay 4 động cơ Privateer và 21 máy bay khu trục thuộc hải quân, ném hàng trăm tấn bom trên những đoạn đường bị nghi ngờ. Lần đầu tiên trong các trận oanh tạc, Mỹ đã cho Pháp sử dụng loại máy bay vận tải cỡ lớn packet C.119 (78 chỗ ngồi) để thả bom napan. Mỗi chiếc mang được 9 thùng chứa 90 bình napan”.
Trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi rằng: “Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải tất cả những người ra trận đều phải vượt qua”. Khẩu hiệu xuyên suốt của quân và dân ta trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là: “Tất cả cho tiền tuyến”; “Tất cả để chiến thắng”.
Trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, ngã ba Cò Nòi là điểm nối giữa quốc lộ 41 (quốc lộ 6) với quốc lộ 13 (quốc lộ 37) là một thung lũng hẹp và sâu, 2 bên là đồi đất, nằm ở tọa độ rất thuận lợi cho không quân Pháp đánh phá. Tất cả mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực, dân công... từ Yên Bái sang, từ đồng bằng Bắc Bộ lên Điện Biên Phủ đều phải qua điểm nút ngã ba trọng điểm này.
Thực dân Pháp triệt để lợi dụng yếu điểm của ngã ba Cò Nòi để tập trung không quân đánh phá ác liệt ngã ba này nhằm chặt dứt con đường huyết mạch duy nhất lên Điện Biên Phủ. Số lần đánh phá ngày một dày đặc hơn, qui mô bán kính ngày một lớn, cứ 13 phút địch lại ném bom bắn phá một lần. Có ngày chúng ném xuống đây 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom napan, bom bướm, với trọng lượng 69 tấn thuốc nổ.
Với tinh thần cả nước phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Tổng đội thanh niên xung phong Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho đội Thanh niên xung phong 40 trực tiếp bám trụ phục vụ tuyến đường từ Yên Bái đến ngã ba Cò Nòi.
Đội Thanh niên xung phong số 40 gồm 10 đại đội với tổng quân số khoảng 1.500 người. Trực tiếp làm nhiệm vụ tại trọng điểm ngã ba Cò Nòi là các đại đội 300, 301, 303 và 403. Trong chiến dịch lực lượng thanh niên xung phong chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại trọng điểm ngã ba Cò Nòi luôn phải hứng chịu những trận bom ác liệt, dai dẳng và cường độ ngày một tăng. Mặt đường khu vực này luôn bị bom đạn địch cày nát, những trận mưa đổ xuống liên tục làm cho mặt đường nhão nhoét, trơn lầy gây rất nhiều trở ngại, khó khăn cho việc sửa chữa, giải phóng mặt đường cho người và phương tiện giao thông đi lại qua trọng điểm này.
Để đối phó với thủ đoạn sử dụng bom nổ chậm để sát hại lực lượng thanh niên xung phong khi làm nhiệm vụ giải phóng mặt đường, thanh niên xung phong đã luôn cắt cử hai người quan sát mỗi khi máy bay Pháp ném bom. Nhiệm vụ chính là đếm toàn bộ số bom địch ném xuống, xác định rõ số lượng bom chưa nổ, vị trí bom chưa nổ để phục vụ cho công tác phá bom nổ chậm, giải phóng đường và bảo đảm tính mạng cho lực lượng thanh niên xung phong khi làm nhiệm vụ.
Dưới mưa bom, bão đạn, lực lượng thanh niên xung phong ở ngã ba Cò Nòi vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu làm nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao cho. Chiến dịch Điện Biên Phủ của dân tộc ta kết thúc thắng lợi lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu có phần đóng góp không nhỏ của lực lượng thanh niên xung phong. Máu của 100 liệt sỹ thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng tại ngã ba lịch sử này đã tô thắm thêm trang sử vàng oanh liệt của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam.
Ngày 21/4/2000 UBND tỉnh Sơn La quyết định khởi công xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong. Ngày 7/5/2002, Đài tưởng niệm được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi đã trở thành một địa danh lịch sử, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ, nơi du khách đến tham quan, hiểu thêm về lịch sử, về mảnh đất miền Tây của Tổ quốc.
Di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng quốc gia ngày 29/4/2004 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.                                             


 Tượng đài kỷ niệm chiến công lịch sử của bộ đội, TNXP và dân công hoả tuyến ở ngã ba Cò Nòi
 
 

 
 

1 Bình luận

Gửi bình luận:

Click here to cancel reply
Họ và tên
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Thư điện tử
Tỉnh thành