Lăng Ông - theo cách gọi đã quen thuộc từ nhiều đời của người dân địa phương, là khu di tích văn hóa lễ hội đình thần, tọa lạc tại giồng Thanh Bạch thuộc ấp Mỹ Hòa, xã Thiện Mỹ, cách thị trấn Trà Ôn (Vĩnh Long) khoảng hai cây số. Đây là nơi phần mộ và miếu thờ phụng để tri ân, cầu phước bởi công đức của một ông quan triều đình Nhà Nguyễn là ông Nguyễn Văn Tồn. Khu Lăng mộ, miếu thờ này đã được Bộ Văn hóa -Thông tin công nhận là di tích văn hóa.
Quan Tiền tướng quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (1763 – 1820) là người dân tộc Khơ-me, quê ở làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh). Ông tên thật là Thạch Duồng. Vì ông hết lòng tận trung và có công với nhà Nguyễn nên được cho mang “quốc tính” và được lấy họ nhà vua làm tự danh. Đời nhà Nguyễn, ông được phân công đi chiêu mộ thành lập một đội quân người dân tộc Khơ-me và lãnh nhiệm vụ thống quản đội quân đó. Năm Gia Long thứ nhất (1802) ông được thăng Cai cơ, trấn giữ đồn Trà Ôn (thuộc Trấn Giang) kiêm Quản hóa phủ Trà Vinh và Mang Thít thuộc Vĩnh Trấn. Thời kỳ này, ông đã có công giúp nhà Nguyễn dẹp loạn ngoại xâm, nội phản ở biên giới Tây Nam. Năm Gia Long thứ bảy (1808) và Gia Long thứ mười một (1811) ông được thăng Thống Chế. Năm 1819 ông được phân công trông coi dân phu, cùng giúp Thoại Ngọc Hầu đào kênh Vĩnh Tế. Do lao tâm, lao lực ông bị bệnh, mất đầu năm Canh Thìn 1820. Công đức của ông là giúp dân vùng Trà Ôn, Trà Vinh, Măng Thít khai khẩn đất hoang, thành lập xóm làng.
Hiện nay ngày giỗ đầu tháng Giêng hàng năm, được gọi là Lễ hội Lăng Ông, mang ý nghĩa cầu phước vào những ngày xuân và quan Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn trở thành vị phúc thần của bà con ba dân tộc: Kinh, Khơ-me, Hoa. Trong ngày lễ thường có hàng ngàn khách đến tham dự lễ hội. Lễ lớn khi cả chục nghìn khách. Người ta nói, ông là bậc tiền bối linh thiêng trên đất này, cầu phước trong dịp ngày giỗ của ông thì vùng đất này mới được mưa thuận gió hòa, bà con sẽ làm ăn phát đạt, thịnh vượng trong làm ăn, gia cư, xóm ấp yên lành. Đây cũng là địa chỉ du lịch văn hóa lễ hội đình làng truyền thống, đã được du khách thập phương ghé đến thưởng ngoạn phong cảnh, thắp hương cầu may và được xem nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian, làm phong phú thêm nhu cầu tâm thức, tâm linh và nâng cao vốn hiểu biết về văn hóa các vùng quê thuộc miệt vuờn Nam bộ./.
Theo Congdulich
Share on facebook 0 người thích - Like