Hội đua ghe truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế là một ngày lễ hội mới được tổ chức sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 1975. Hội được tổ chức trong một ngày, nhằm ngày lễ Quốc Khánh 02-9 (dương lịch). Địa điểm đua là bờ Sông Hương trước trường Quốc Học. Hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên nam nữ có cơ hội thi tài trên sông nước, qua đó rèn luyện tăng cường bảo vệ sức khỏe và tạo không khí vui tươi lành mạnh cho nhân dân. Đây cũng là dịp để biểu lộ lòng vui mừng của nhân dân vào ngày Quốc Khánh. Quy mô hội có tính chất rộng rãi liên phường xã và các huyện trong tỉnh. Hội tổ chức theo định kỳ, mỗi năm một lần theo phong tục.
Vào ngày lễ. Ban tổ chức tuyên bố thể lệ dự giải và chương trình đua bơi gồm có một độ cúng, 7 độ tiền và một độ phá (9 đội đua). Mỗi đội đua phải qua 3 vòng, 6 tráo, riêng độ 7 và 3 độ tiền của nữ là hai vòng bốn tráo. Đội đua bắt đầu bằng một lệnh trống (1 hồi chiêng). Các ghe đua 3 vè chính dọc Sông Hương, lộn vè rốn lúc xuất phát và vòng cuối lúc vào đích. Đây là một tập tục truyền thống vốn được nhân dân mến chuộng từ các lễ hội cổ truyền. Đua trải, đua ghe luôn là một môn thể thao hấp dẫn, biểu thị sức khỏe và tài năng khéo léo của thanh niên nam nữ.
Đối tượng tham gia lễ chủ yếu là thanh niên nam nữ các phường xã thuộc các huyện và thành phố cũng ra sức đua tài trên sông Hương. Các người lớn tuổi và trẻ em thì ra sức cổ vũ nên không khí cuộc đua bao giờ cũng sôi nổi, hào hứng.
Nếu các cuộc đua ghe ở các làng mạc xa xưa có ý nghĩa và mục đích để cầu mưa thuận gió hòa thì cuộc đua ghe truyền thống hiện nay không giữ lại mục đích đó, mà dịp để tỏ lòng hân hoan và thi tài thể lực nhân ngày Quốc Khánh. Lễ hội này vẫn còn được tổ chức, đem lại nguồn vui cho cả vận động viên lẫn dân chúng trong tỉnh.
Theo Thuathienhue.gov.vn
Share on facebook 0 người thích - Like