Lễ hội Cầu Mùa Bảo Ninh được tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng 4 Âm lịch hàng năm tại làng biển Bảo Ninh - TP Đồng Hới. Đây là lễ hội tiêu biểu của người dân vùng ven biển Quảng Bình.
Đình làng Bảo Ninh thờ Nhân thần (Hai cha con người đánh cá) và Cá Ông (cá Voi đã cứu dân làng khỏi bị đắm thuyền trong các trận bão). Trong truyền thuyết ở xã Bảo Ninh xưa, có nhiều chuyện cá voi giúp ngư dân và quân lính nhà Nguyễn thoát khỏi phong ba bão táp rất kỳ lạ, càng làm cho ngư dân kính phục và vô cùng tôn trọng, biết ơn cá voi như một linh thần, gọi là Cá Ông.
Cách đây gần 100 năm, một con cá voi lớn do bị bão nên trôi dạt vào cửa Nhật Lệ và bị chết. Ngư dân đưa cá Ông và bờ ở địa phận giữa làng Sa Động và Trung Bính an táng. Lễ táng cá Ông được tiến hành rất long trọng, ngư dân các làng lân cận nghe tin cũng đến viếng cúng. Vì cá Ông rất lớn nên phải táng ở bờ sông. Nhân dân phải sang Phú Hải chở đất thịt về đắp lên cá để chôn. Mấy năm sau người ta cất bốc hài cốt cá Ông và cất giữ ở lăng của làng trong một hậu tẩm nửa chìm nửa nổi ở sau lăng thờ cá Ông. Bộ xương cá Ông cũng rất lớn. Hai cái ngà dài hơn 3m, các xương sườn như những cái đòn gánh. Dân làng gọi cá này là Cố và đến dịp rằm tháng Tư âm lịch hàng năm thì tổ chức lễ hội Cầu ngư để ra quân đánh vụ cá nam.
Lễ hội Cầu mùa Bảo Ninh có hai phần: Phần lễ mở đầu có tục rước cốt Ông từ làng về đình, có diễn “hò khoan, chèo cạn, múa bông”. Tiếp theo là ngày hội xuống biển, làm lễ cầu khấn của một làng nghề đánh cá với những
Trong phần lễ tế Thần cá Ông có hai cụ già "lên đồng" phán những lời linh thiêng. Sau phần lễ là phần hội múa bông - chèo cạn ở sân lăng. Đội chèo cạn do các cô gái chưa chồng và hai người "cái hò" một nam một nữ hò cái. Hai người cái hò này mặc áo quần dài, thắt lưng điều, nữ thì chít khăn màu nguyệt bạch, chân đất; nam thì mặc áo lụa đỏ dài, đầu chít khăn hồng mỏ diều, chân đi đôi guốc mộc. Các cô gái chèo cạn mặc áo dài màu mỡ gà hoặc màu hoa lý, quần trắng, đầu búi tóc cài trâm đồng có đính bông hoa nhài, tay cầm một cây chèo gỗ sơn màu xanh đỏ dài 1,5m, động tác chèo nhịp nhàng, nhẹ êm theo nhịp hò khoan. Có một đội nhạc sinh nhị, đàn nguyệt, sáo, kèn bầu và trống đại phụ họa cho hò khoan.
Làn điệu hò khoan chèo cạn gồm 5 mái hò: hò mái dài, hò mái ba, hò mái nện, hò kéo lưới và hát khoan. Ở giữa các câu hò, các cô gái chèo cạn đệm hò con gồm các câu: "a xố đi xố...hà" hoặc "ớ là...hố". Nội dung các câu hò thường là cầu trời đất, thần linh phù hộ cho trời yên biển lặng cho dân đánh bắt hải sản được mùa.
Đội ngũ múa bông (múa đèn) gồm các thanh niên chưa vợ, sức vóc cường tráng, cân đối đồng đều nhau và do một người điều khiển. Các đội viên mặc đồng phục, quần trắng, áo năm thân màu hồng hoặc đỏ, chân quấn xà cạp, đầu chít khăn mỏ quạ trắng, hay tay cầm đôi đèn lồng hình chậu tứ giác, trong có đèn nến thắp sáng. Người điều khiển mặc võ phục, áo chẽn đỏ thắt lưng xanh, đội mũ võ tướng, giữa có thắt hoa hồng vải đỏ, tay cầm đôi đèn lồng hình chậu lục giác. Đội múa bông uy nghi tiến vào sân lăng. Đội trưởng vừa múa đôi đèn vừa đi dẫn đội biểu diễn các đội hình biến hóa rất đẹp như một chiếc thuyền sáng rực trên sông, đội hình như rồng bay phượng múa. Trong khi đó, tiếng trống thúc giục kèm theo tiếng nhạc réo rắt du dương.
Lễ hội cầu mùa phản ánh đời sống văn hoá tinh thần phong phú và những tín ngưỡng mang màu sắc huyền bí trên sông nước được tổ chức hàng năm nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, được mùa tôm cá cho những chuyến biển bình yên, cầu cho cuộc sống người dân no đủ và quốc thái dân an.
Cinet tổng hợp
Share on facebook 0 người thích - Like